Đặc sắc không gian văn hóa xứ Thanh

Thay vì kết thúc vào ngày 9/5 thì triển lãm Thanh Hóa xưa và nay đã được kéo dài đến ngày 12/5 nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách.

Mỗi ngày, lượng khách nối chân nhau về với triển lãm vẫn đông đảo và nơi đây đã thực sự trở thành một không gian văn hóa hấp dẫn đối với những người quan tâm, yêu mến giá trị văn hóa trao truyền của đất và người xứ Thanh.

Sau một thời gian dài chuẩn bị kĩ lưỡng, công phu, triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” đã khai mạc và phục vụ khách tham quan bắt đầu từ ngày 5/5. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong dịp kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Triển lãm với quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh đã quy tụ hơn 10 nghìn hình ảnh, hiện vật, tư liệu về đất và người xứ Thanh qua các thời kỳ. Với sự bài trí khoa học, cầu kì, lớp lang của các nhà chuyên môn, nhà khoa học, người làm quản lý... đã mang đến cho người tham quan cái nhìn xuyên suốt về sự phát triển của vùng đất và con người quê Thanh tự thuở bình minh ban sơ đến ngày nay.

Dù chỉ là những mảnh vỡ hiện vật đồ đá được tìm thấy trong những lần khai quật khảo cổ tại các di chỉ Núi Đọ; hang Con Moong... song cũng đủ dẫn dụ con người hiện tại mường tượng về cuộc sống của cha ông trong thuở sơ khai của loài người. Và mỗi người dân xứ Thanh sao có thể không khỏi tự hào khi được biết vùng đất mình sinh ra là một trong những cái nôi của con người Việt cổ. Vậy là, từ hàng ngàn năm về trước, sự sống, sự sinh sôi, nảy nở đã có mặt ở vùng đất xứ Thanh. Để rồi, qua thời gian hình thành nên những nền văn hóa được gọi tên: Đông Sơn; Đa Bút...

Song hành cùng khởi thủy xuất hiện của người Việt cổ xưa là những tư liệu hiện vật do chính con người chế tác, sáng tạo nên trong đời sống vật chất, tinh thần. Và một trong những hiện vật giá trị, là đỉnh cao của thăng hoa sáng tạo loài người đó chính là trống đồng Đông Sơn. Không đơn giản chỉ là vật dụng trong đời sống sinh hoạt, thể hiện tín ngưỡng văn hóa của người Việt cổ xưa. Trống đồng Đông Sơn còn được xem là sự hội tụ của tinh hoa con người thuở trước. Những hoa văn chạm trổ thủ công tỉ mẩn mà vô cùng tinh xảo hiển hiện ở hiện vật đâu đơn thuần chỉ là sự trang trí, đằng sau đó còn cả niềm tự hào và lời nhắc nhớ của người Việt tự xa xưa với cội nguồn của dân tộc. Vậy mới biết, người Việt cho dù sống ở thời đại nào thì truyền thống uống nước nhớ nguồn, tín ngưỡng thờ cúng, biết ơn công lao tiên tổ cũng là mạch nguồn cho những sáng tạo, thể hiện khát vọng về cuộc sống tươi đẹp ngày mai. Cùng ngắm nhìn những hiện vật trống đồng cổ xưa tại triển lãm, mỗi con người hôm nay sao có thể không cảm thấy tự hào và trân trọng trước những di sản mà người xưa đã để lại.



Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” còn là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương, đất nước.

Cùng với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, vai trò, vị thế và đóng góp của vùng đất xứ Thanh luôn được khẳng định. Đó đâu chỉ là truyền thuyết đầy huyền ảo về những miền quê địa linh trên vùng đất xứ Thanh. Từ huyệt đạo thiêng trên đỉnh Am Tiên, nơi nữ tướng Triệu Trinh Nương phất cờ khởi nghĩa; đến núi Đồng Cổ với vị thần Trống Đồng đã bao lần giúp sức cho các đời quân vương trên đường hành quân trận mạc... làm sao kể hết. Và sử sách cũng đâu thể quên đi sự đóng góp của những Bà Triệu; Dương Đình Nghệ; vua Lê Đại Hành; tướng Lê Phụng Hiểu; các triều vua Lê; chúa Trịnh; chúa Nguyễn... xuất thân ở vùng đất Thanh Hóa. Người xưa nay đã thành thiên cổ, nhưng tên tuổi, công lao thì vẫn còn vang vọng cùng lịch sử non sông đất nước. Để lại niềm tự hào và ngưỡng vọng trong lòng mỗi người dân quê Thanh hôm nay. Chiêm ngưỡng hình ảnh những di tích, đền phủ gắn liền với bậc quân vương, dũng tướng có lịch sử hàng trăm năm, ta không khỏi dấu niềm cảm khải mà đầy tự hào. Thời gian khiến cho mọi thứ có thể trở thành rêu phong, nhưng cũng chính thời gian là “liều thuốc thử” cho những giá trị vững bền tồn tại từ lịch sử. Không chỉ là sự trân trọng, hậu thế hôm nay xin gửi lời cảm ơn, biết ơn đến những di sản mà đấng tiền nhân đã để lại.

Có phải bàn tay tạo hóa, mẹ thiên nhiên đã vô cùng ưu ái với vùng đất xứ Thanh. Bởi vậy mà người ta vẫn ví xứ Thanh giống như một Việt Nam thu nhỏ với rừng xanh, biển bạc, đồng bằng phì nhiêu. Nơi hội tụ của bảy dân tộc cùng nhau sinh sống chan hòa. Nhưng rồi, mỗi dân tộc là một đặc trưng đời sống sinh hoạt, nét văn hóa riêng biệt... tất cả tạo nên một tổng hòa văn hóa xứ Thanh đa dạng mà vẫn thống nhất. Dừng chân trước gian hàng trưng bày của cư dân miền biển Tĩnh Gia, Hậu Lộc, là mùi vị mặn mòi đặc trưng của biển cả vẫn còn đọng lại trên những tôm, cá, mực; hay cùng thưởng thức vị giòn tan của bánh đa Thiệu Hóa, dẻo dai của bánh gai Thọ Xuân... được chọn lựa làm ra từ những hạt gạo ngon nhất của đồng bằng sông Mã, sông Chu phì nhiêu, tươi tốt; và cùng trân trọng những hạt gạo nếp nương căng tròn, hương quế thơm nồng, quện lẫn mùi vị của mắc khẽn, hạt dổi... do đồng bào vùng cao vượt cung đường xa xôi để đưa về nơi phố thị. Cùng hít hà mùi vị đặc trưng ở mỗi vùng miền quê Thanh, ta lắng lòng và thêm những tự hào, trân trọng.

Nói đến sự độc đáo của không gian văn hóa xứ Thanh tại triển lãm, có thể nào không dành sự chú ý đặc biệt cho những gian trưng bày của những cá nhân vẫn đau đáu và say mê trước những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn với một không gian văn hóa mà ở đấy người xem được bắt gặp những hiện vật, vật dụng từng một thời gắn bó mật thiết với đời sống những người dân quê: rổ, rá, dần, sàng, nơm, cối xay... nó gợi cho người xem về một quá vãng bình yên ở các làng quê thuở trước. Chia sẻ về gian trưng bày của mình, nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn cho biết: gian trưng bày gồm không gian văn hóa tre luồng Việt; khu vực văn minh nông nghiệp sông Mã; và những ấn phẩm văn hóa liên quan đến Thanh Hóa. Sự đam mê gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và tình yêu quê hương đã thôi thúc ông tìm kiếm, sưu tầm hàng chục năm để có những hiện vật, tư liệu quý giá. Với ông, đó là cả cuộc đời đau đáu với văn hóa truyền thống của quê hương. Còn với người xem, đó là cầu nối bắc nhịp để ta tìm về với quá khứ và ký ức cũng chưa thực quá xa xôi.

Khác với nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn, đến với triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay”, ông Hoàng Tuấn Liêm - Giám đốc Công ty TNHH tu bổ di tích và xây dựng công trình văn hóa Thanh Hóa lại gây ấn tượng với người xem bởi hàng trăm hiện vật mang đặc trưng của đời sống và tín ngưỡng cổ xưa: cung đình; trung lưu và dân dã. Bao gồm nhiều chất liệu khác nhau: đá, đồng, gốm, ngọc. Trong đó, có không ít hiện vật có niên đại từ thời Lý: thạp hoa nâu, ấm hoa nâu, chum men ngọc, chân đèn... với hoa văn trang trí tinh xảo, mang nhiều giá trị mỹ thuật. Cùng các món đồ như: ấm, nồi, niêu... gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân thời xa xưa. Nhưng điểm nhấn đặc biệt độc đáo trong gian trưng bày hấp dẫn người xem chính là các đồ thờ cúng được chủ nhân bố trí theo chủ đề “Ngũ đại vương triều chủ” từ ngai đến bài vị. Ông Hoàng Tuấn Liêm cho biết: “Thanh Hóa có 5 vương triều (3 vua, 2 chúa) từ Hoàng đế Lê Đại Hành - Hồ Quý Ly - Lê Thái Tổ đến Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và Chúa Nguyễn... các hiện vật được sắp xếp đầy đủ từ ngai đến bài vị theo đúng tính chất vương triều”. Tại gian trưng bày, người xem còn có dịp tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt thông qua những đồ tùy tang bằng đất, đồng: bát hương, lưu hương; tượng Tam tòa Thánh Mẫu...

Có lẽ là không quá lời khi ví rằng, hơn 10 nghìn hình ảnh, hiện vật, tư liệu được trưng bày tại triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” giống như một bức tranh khổng lồ toàn diện về Thanh Hóa từ xưa đến nay. Ngắm nhìn những hình ảnh, chiêm ngưỡng từng hiện vật, ta như lắng nghe tiếng vọng về từ quá khứ, lịch sử và với tất cả niềm tự hào, ngưỡng vọng, trân trọng với đấng tiền nhân, ta như nghe thấy được tiếng nói đồng vọng của cha ông đi trước...

Thu Trang
Theo vanhoadoisong.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dac-sac-khong-gian-van-hoa-xu-thanh-a15848.html