Ly kỳ tháp cổ trên đỉnh Ngọc Sơn

Đến Đồ Sơn - Hải Phòng, tháp Tường Long trên đỉnh núi Ngọc là điểm tham quan không thể bỏ lỡ với du khách.

Đường lên tháp thoai thoải triền núi, ven đường hoa rừng khoe sắc tỏa hương, đưa mắt xa xa là biển trời bao la, hùng vĩ. Thu hút hơn nữa khi ngọn tháp này chứa đựng bao thâm trầm kỳ bí mà càng giải mãi lại càng hấp dẫn.

Thâm trầm tháp cổ

Cuốn “Việt sử lược”, tương truyền do một tác giả đời nhà Trần vào thế kỷ XIV viết ra, có vài chi tiết quý báu liên quan đến  tháp Tường Long. Đây là quyển sách sử lược ghi chép từ thời Hùng Vương đến triều đại nhà Lý của nước ta. Trong bản do cố Giáo sư Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải (NXB Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành, 2001), trang 91 có đoạn: “Năm Mậu Tuất, hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ 5 (1058). Mùa thu, tháng 9, vua ngự ra biển Ba Lộ, nhân đó ngự ra chỗ xây tháp ở Đồ Xảo (tên cũ của Đồ Sơn bây giờ- NV)”. Ở trang kế tiếp, sách ghi rõ ràng: “Mùa thu, tháng 8, ngày Đinh Sửu, vua ngự ở điện Thủy Tinh xem ban cho quần thần hội mũ phốc đi hia. Tục này bắt đầu từ đó. Ngày Bính Tuất, rồng vàng hiện ở điện Trường Xuân. Vua ban cho tháp ở Đồ Sơn tên hiệu là tháp Tường Long”.

 


Tháp Tường Long sừng sững trên đỉnh núi Ngọc ở Đồ Sơn.

 
Rõ ra, tháp Tường Long được xây dựng và ngự danh vào đời vua Lý Thánh Tông năm thứ 5. Tuy nhiên, rất tiếc là sách không tường thuật rõ ràng về quy cách cũng như kiểu dáng của ngọn tháp cổ. Lại có giả thuyết khác cho rằng, ngoài chuyện xây tháp để biểu thị “rồng vàng báo điềm lành” như tên gọi Tường Long thì sâu xa hơn, vua Lý chọn đỉnh núi Ngọc vì đây là nơi phên dậu, vừa là tháp thờ Phật, vừa là đài quan sát trong hệ thống truyền đăng dọc bờ biển. Nghĩa là mỗi khi đất nước có giặc xâm lăng thì các đài quan sát sẽ đốt cỏ khô ẩm cho khói bay lên để báo tin.

Mãi đến khoảng 800 năm sau, đời Gia Long năm thứ 3-1804, chuyện về tháp cổ Tường Long mới được nhắc đến trong bộ sử “Đại Nam nhất thống chí”. Sách ghi: “Tháp cũ Đồ Sơn ở xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, tỉnh Hải Dương cao trăm thước, dựng từ thời Long Thụy Thái Bình triều Lý. Vua Gia Long đã cho phá tháp để lấy gạch xây Thành Trấn Hải Dương”. Tài liệu “Lược dẫn Chùa Tháp Tường Long” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng còn thuật rằng, cảm xúc trước cảnh hoang tàn của tháp cổ, trong Gia phả họ Hoàng ở Đồ Sơn còn ghi lại “Đồ Sơn bát vịnh” (vịnh 8 cảnh đẹp của Đồ Sơn) bằng chữ nho, trong đó có bài “Tháp Sơn hoài cổ” cảm tác trước cảnh hoang tàng của tháp cổ người xưa:

 
“Cổ tháp di hư loạn thảo đôi

Dục Vương khứ hậu ủy yên đồi

Thiên chung bảo khí minh lưu thủy

Cửu cấp phù đồ hóa kiếp hôi

Tiều tử ỷ kha miên thạch đắng

Mục nhi khu độc há sơn ôi

Đăng cao dục hội sơn Tăng giảng

Hà xứ chung lâu khấu nhất hồi”

Bản dịch thơ rằng:

“Tháp xưa lau cỏ tốt bời bời

Vua Dục đi, vua sau cũng đổ rồi

Chuông nặng ngàn cân kêu đáy nước

Tháp cao chín bậc hóa thành vôi

Chú tiều dựng củi nằm đo đá

Trẻ mục lùa trâu vội xuống đồi

Lên núi muốn cùng Sư giảng kệ

Chuông đâu mà đánh thử một hồi”

Thâm trầm tháp cổ Tường Long không chỉ có vậy. Theo ông Nguyễn Phúc Thọ, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, do phá dỡ không triệt để nên đến những năm thập niên 1960, dù bà con quanh vùng đến lấy gạch đá khá nhiều nhưng phần tháp vẫn còn cao tới 5m, cho thấy quy mô của tháp cổ lớn đến dường nào. Năm 1972, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc dữ dội, phế tích tháp Tường Long trên đỉnh Ngọc sơn vô tình trở thành cột mốc cho máy bay từ Hạm đội vào oanh kích Hải Phòng. Vậy nên, tháp đã bị san phẳng.

Phác họa tháp cổ

Câu chuyện về tháp cổ Tường Long cứ như chìm vào quên lãng. Mãi đến khoảng năm 1973, tháp cổ mới được các nhà khảo cổ, nghiên cứu quan tâm. Kết quả là vào năm 1978, tháp được tổ chức khai quật lần I, và 10 năm sau (1988), tiến hành khai quật lần II. Căn cứ vào kết quả khảo cổ, năm 2005, tháp Tường Long được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Khảo cổ cấp quốc gia. Vậy, tháp cổ thời Lý này có hình dáng và kiến trúc ra sao mà được xem là “đại danh lam” thời Lý, sánh ngang với Chùa Một Cột, tháp Báo Thiên…?

 


Nơi lưu giữ và giới thiệu di chỉ khảo cổ tháp Tường Long xưa.

Trước hết cần nói rõ rằng, sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi tháp Tường Long cao hơn trăm thước. Kỳ thực, mỗi mét thời Nguyễn chỉ khoảng 0,425m so với đơn vị tính hiện nay nên tháp Tường Long phải cao hơn 40m. Một tòa tháp cao nhường ấy lại xây trên đỉnh núi quả là điều không dễ chút nào.

Quá trình khảo cổ cho thấy, cấu trúc móng tháp có hình vuông, tường bao quanh dày đến 4m, bên ngoài được đắp lũy bảo vệ. Đặc biệt trong lần khai quật thứ hai, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều hiện vật quan trọng. Gạch xây tháp chủ yếu có kích thước 40cm x 25cm x 5cm, được khoét lõm trên thân một khung chữ nhật, trong khung in nổi hai hàng chữ Hán “Lý gia đệ tam đế” (tạm dịch nhà Lý năm thứ 3 - điều này hoàn toàn ứng với sử sách). Gạch trang trí ốp ngoài được in hoa văn là hoa lá rất sinh động, tinh xảo. Mặt lưng viên gạch có đề những chữ như “đệ tứ tầng đệ tam”, “đệ tam tầng đệ ngũ”, cho thấy các viên gạch được đánh dấu vị trí từng tầng, từng hàng rất kỹ lưỡng. Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy di vật là các mảng đất nung trang trí hình rồng, phượng đặc trưng kiến trúc thời Lý. Tượng động vật tìm thấy ở đây chủ yếu là chim uyên ương và sư tử.

Đặc biệt, những mảnh ngói mũi hài dày có mấu để mắc vào hoành cho thấy trình độ xây dựng thời Lý đã rất phát triển. Đáng chú ý là việc phát hiện bệ tượng và tượng Phật ngay tại nền tháp. Bệ tượng hình bát giác, cao khoảng 20cm, mỗi mặt đều được chạm nổi hình rồng uốn lượn, dáng thanh mảnh, rất đẹp. Tượng Phật phát hiện ở móng tháp rất tiếc đã mất phần đầu, bụng, chỉ còn lại cổ và một mảng ngực. Tượng bằng đá, mình phủ lớp áo lụa đường nét sinh động.

 


Đông đảo du khách đến tham quan, lễ bái tại tháp Tường Long.

“Đại danh lam” thời Lý mãi là niềm tự hào của người dân đất Cảng. Vậy nên năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, TP Hải Phòng đã khởi công phỏng dựng, tôn tạo tháp Tường Long. Cuối năm 2017, sau 9 năm thi công, công trình đã hoàn thành. Tòa tháp 9 tầng, phần chân hình vuông có 4 lối lên xuống, bên trong đặt pho tượng Phật A-di-đà ngồi trên tòa sen bằng đá. Ngoài khung bê tông cốt thép thì bên ngoài tháp Tường Long được làm bằng đất nung, trên in nổi hoa văn rồng thời Lý, hoa sen… thật sắc xảo, xứng đáng là công trình nối tiếp danh thơm tháp Tường Long của ngàn năm trước. Cạnh tháp Tường Long, Ban quản lý di tích còn xây dựng nhà che hố khảo cổ 2 tầng, lưu giữ nhiều hiện vật giá trị với các chi tiết, nguyên liệu, hoa văn… làm từ gỗ, đá, ngói, gạch thời Lý. Từ khi đưa vào hoạt động, tháp Tường Long là điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến với Đồ Sơn.

Thời lý, các công trình Phật giáo được xây dựng rất nhiều, gồm các loại sau:

- Đại danh lam: Gắn với triều đình và do triều đình xây dựng.

- Đại danh lam kiêm hành cung: Gắn với các bậc đế vương, là nơi vua ngự khi đi tuần thú. Tháp Tường Long thuộc loại này.

- Trung danh lam: Liên quan đến các cơ quan lớn của triều đình.

- Tiểu danh lam: Gắn với các vùng thôn quê dân dã.


(Nguyễn Phúc Thọ, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1-2008)

 
Đăng Huỳnh
Theo Cần Thơ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ly-ky-thap-co-tren-dinh-ngoc-son-a15832.html