Hướng đi mới cho đờn ca tài tử

Nhằm phát huy loại hình đờn ca tài tử (ĐCTT), huyện Phú Tân có nhiều giải pháp thiết thực.

Đó là sự hiện hữu của các câu lạc bộ (CLB) từ huyện đến cơ sở; Lồng ghép sinh hoạt hội có ĐCTT; Duy trì chương trình ĐCTT trên sóng phát thanh… Niềm đam mê của những nghệ sĩ nghiệp dư và sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền ở cơ sở là điều kiện để loại hình nghệ thuật này tồn tại và phát triển.

Một lần đi tác nghiệp tại nhà ông Tám Mức (Trần Văn Mức, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân), bắt gặp cảnh “con đàn, cha hát”. Rõ ràng đâu đó, ĐCTT vẫn có sức sống trong lòng nhiều người dân nông thôn.

Khoảng cuối giờ sáng, cái nắng bên ngoài rất nóng, song dưới tán những cây mận, cây xoài trong vườn lại vang lên tiếng đàn hát du dương. Thường là vậy, sau những giờ lao động mệt nhọc, ông Mức ngồi lại làm một vài bài giải khuây. Còn CLB thì ông chưa được ai rủ vô.

ĐCTT không chỉ là sinh hoạt vui chơi, giải khuây mà còn mang ý nghĩa lớn là giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật mang đặc trưng riêng của Nam Bộ. Do đó, đòi hỏi phải có sự hiểu biết nhất định về ĐCTT, ví như 3 bài nam, 6 bài bắc là gì? Rồi 4 bài oán, 7 bài lễ… rồi nhịp nhàng thế nào. Ở đây chủ yếu là người biết hướng dẫn người chưa biết, điều này, muốn làm được phải thông qua các CLB. Đây là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ do chính quyền cơ sở lập nên. Sinh hoạt ĐCTT còn là cơ sở gắn kết cộng đồng làng xóm, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương, cổ vũ, động viên người dân trong lao động, sản xuất.

Sau thời gian hợp - tan, năm 2017, huyện Phú Tân củng cố CLB ĐCTT của huyện gồm 17 thành viên, đồng thời phối hợp với các cơ sở thành lập mỗi xã 1 CLB, mỗi ấp khóm 1 CLB. Đây là tổ chức nòng cốt để duy trì, phát triển phong trào và thu hút người dân tham gia.

CLB huyện duy trì sinh hoạt đều đặn. Theo đó, chương trình ĐCTT được phát trên sóng truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn mỗi tháng 2 kỳ vào ngày nghỉ để mọi người có dịp thưởng thức. Đã có một số xã tạo điều kiện cho các ấp sinh hoạt theo hình thức xoay vòng, mỗi tháng hoặc nửa tháng 1 kỳ.

 


CLB đờn ca tài tử huyện Phú Tân duy trì giao lưu sinh hoạt.

 
Việc sinh hoạt ĐCTT còn góp phần chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân; Ghi nhận, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống; Chia sẻ kinh nghiệm sống, sản xuất, ứng xử; Phê bình, đả kích thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hoá cơ sở, động viên con người trong lao động sản xuất, xây dựng mối quan hệ gắn kết cộng đồng.

Trong các tiệc cưới, sinh nhật, liên hoan…, cùng với các dòng nhạc hiện đại, gia chủ thường dành thời gian cho ĐCTT… Song, chỉ dừng lại ở đó thì điều kiện để trao đổi chưa nhiều. Chỉ có thông qua sinh hoạt tại các CLB mới giúp họ nâng cao hiểu biết về ĐCTT.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Văn hoá -Thể thao huyện Phú Tân Nguyễn Giang Lừng, hoạt động của các CLB trong huyện hiện nay rất yếu. Ngoài CLB của huyện hoạt động thường xuyên, hiện toàn huyện vẫn còn gần 50% xã chưa củng cố CLB cấp xã. Một số công chức văn hoá xã cũng thừa nhận các ấp thường xuyên không sinh hoạt dù có danh sách, tên tuổi hẳn hoi. Nguyên nhân chính của vấn đề này là thiếu điều kiện vật chất, nhạc cụ, chi phí sinh hoạt.

Đề giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này, trước hết cần củng cố, duy trì và tạo điều kiện cho các CLB hoạt động thường xuyên. Trong đó, thành viên là những người đam mê ca hát ở cùng xóm, ấp, xã tạo điều kiện cho họ tham gia sinh hoạt định kỳ tại cộng đồng như: Trụ sở văn hoá ấp, khóm; Trung tâm sinh hoạt văn hoá cấp xã, huyện. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để trang bị nhạc cụ, tổ chức giao lưu, duy trì hoạt động.

Theo Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện Phú Tân Nguyễn Hoàng Dũng, các xã, thị trấn phải có sự phối hợp, tạo điều kiện cho các CLB giao lưu tại cơ sở mỗi tháng 1 lần để vừa duy trì phong trào, vừa trao đổi, nâng cao hiểu biết lẫn nhau.

Theo đó, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác như: Phát huy tốt hơn vai trò của truyền thông ở địa phương; Tập huấn, hướng dẫn về ĐCTT; Mở nhiều cuộc thi nhằm tuyển chọn, phát hiện tài năng. Từ đó, bồi dưỡng và huấn luyện để trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Có thể thấy, công nghệ phát triển, hội nhập toàn cầu kéo theo ảnh hưởng của các dòng nhạc hiện đại đang là nguy cơ làm cho giới trẻ ngày nay ít quan tâm đến ĐCTT. Chính vì vậy, làm cho giới trẻ hiểu và tiếp nhận loại hình này là yêu cầu bước đầu. Dần dần trong sinh hoạt, đời sống làm cho họ cảm thấy thích thú và trở thành món ăn tinh thần thực sự. Có thể sử dụng nhiều kênh để tiếp cận giới trẻ như mạng xã hội, sinh hoạt cộng đồng, hát karaoke bằng loa di động, tham gia các cuộc hội hè, đám tiệc… Từ đó, giúp giới trẻ yêu mến, tiếp nhận thoải mái, tích cực, chủ động và góp phần duy trì, phát huy loại hình nghệ thuật đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Quốc Hiệp
Theo Cà Mau

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huong-di-moi-cho-don-ca-tai-tu-a15803.html