TP Hội An - Quảng Nam: Gian nan bảo tồn cổ vật

Con số có thể lên đến hàng nghìn cổ vật chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học hiện đang được lưu giữ trong các đình, chùa và người dân… đã đang đặt ra cho những người làm công tác bảo tồn ở Hội An bài toán nan giải về việc bảo vệ, bảo quản cũng như phát huy giá trị.




Mộc bản kinh Phật tại chùa Phước Lâm

Ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng qua khảo sát thì hiện số lượng mộc bản, tư liệu Hán-Nôm cổ, kinh Phật, sách... đang lưu giữ trong nhà dân, đình, chùa ở Hội An rất lớn. Chủ yếu là các tư liệu cổ liên quan đến vấn đề nhà cửa, đất đai, kinh Phật, sắc phong, tư liệu về khế ước các loại. Đây là những cổ vật có niên đại từ thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ thứ 20.

Hòa thượng Thích Hạnh Hoa (trụ trì chùa Phước Lâm) nhận xét: Mộc bản kinh Phật không chỉ để lưu truyền giáo lý nhà Phật mà còn là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tinh xảo của người thợ xưa. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt, của chữ Nôm trong lịch sử. Đồng thời là tư liệu quý lưu giữ những bí quyết trong nghệ thuật chạm khắc gỗ ở mỗi địa phương.

Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An vừa có văn bản đề nghị đại diện các chủ di tích trên địa bàn thành phố tăng cường các biện pháp trông nom, bảo vệ di tích và các hiện vật, tài sản gắn liền với di tích. Kịp thời thông báo với các cơ quan chức năng trong trường hợp mất cắp hiện vật, tài sản tại di tích hoặc di tích bị xâm hại để phối hợp xử lý. Đồng thời, nêu cao cảnh giác đối với những đối tượng khả nghi lai vãng đến di tích, thông báo ngay với các cơ quan chức năng để có biện pháp phối hợp. 

Tuy nhiên, nơi đây đang ẩn chứa những mối lo về tình trạng mất cắp cổ vật, hiện vật, tài sản đang lưu giữ ở nhà dân trong các di tích, đình chùa, làm xâm hại nghiêm trọng đến giá trị vốn có của di tích. Gần đây nhất, tháng 4.2014, kẻ gian đã đột nhập và cắt khóa cửa chính điện chùa Phước Lâm lấy cắp 3 tượng thờ cổ.

Ngoài ra, dù cố gắng lưu giữ, bảo quản, nhưng do nhiều yếu tố khách quan, như thiên tai, bão lũ, ẩm mốc, thời gian, cùng với phương pháp bảo quản thiếu khoa học, nên nhiều mộc bản, văn tự cổ ở các chùa và trong nhà dân dần hư hại.

Nếu không có biện pháp bảo quản cấp thiết thì nguy cơ mất vĩnh viễn hoặc không phục hồi có thể xảy ra. Tại chùa Phước Lâm, các tượng cổ 18 vị La Hán được thờ cúng và bảo quản ở hai bên chánh điện, song phần nào đã hư hại, bong tróc lớp sơn thếp trên bề mặt tượng.

Hiện Trung tâm đã tiến hành khảo sát, sao chụp và lưu trữ được hơn 8.000 trang bản sao tư liệu cổ các loại, mộc bản kinh, văn bia,… để lưu trữ, làm tư liệu nghiên cứu, khảo sát. Trong đó phần lớn là tư liệu cổ Hán - Nôm các loại; khoảng 25 tư liệu cổ về gia phả tộc họ; hơn 200 bản in mộc bản kinh; hơn 200 bản dập văn bia cổ; 82 sắc phong và hơn 6.000 giấy tờ văn bản các loại. Đến nay đã tiến hành dịch được khoảng hơn 2.000 trang tư liệu đã sao chụp. Theo nội dung lưu giữ trong các tư liệu cổ thì tư liệu có niên đại xưa nhất vào khoảng thế kỷ 17, chủ yếu là các văn bản, giấy tờ về khế ước, đất đai, sắc phong ở các di tích đình, chùa và nhà dân.

Ông Trần Văn An cho biết trong quá trình khảo sát, sao chụp một số mộc bản, tư liệu cổ trong nhà dân, các di tích, đình chùa,… đơn vị đã phát hiện nhiều tư liệu cổ bị hư hỏng khó phục hồi do mối mọt, ẩm mốc.

Chẳng hạn, gần 10% mộc bản kinh Phật ở chùa Phước Lâm đã bị mối mọt khiến một phần nội dung văn khắc bị mất đi. Do thời gian lưu giữ gần 300 năm trong điều kiện hạn chế, gặp nhiều đợt thiên tai, bão lũ, ẩm mốc, mối mọt nên đã có dấu hiệu hư hỏng, thất thoát. Thậm chí, có chuyện người dân nhặt được mộc bản kinh đã “chế tác” thành trang cào lúa. Hay như sổ đinh ở đình Cẩm Phô làm bằng da trâu, lưu giữ tại đình, gặp mưa, thấm ướt sổ, da trâu bết dính lại, khi gỡ ra sẽ bong tróc cả nội dung chữ bên trong.

Hiện Trung tâm chỉ có 1 cán bộ chuyên ngành Hán - Nôm nên không thể nào dịch xuể khối lượng tư liệu đầy ắp. Nếu cộng tác với những người giỏi Hán-Nôm bên ngoài Trung tâm thì cũng không khả thi vì đội ngũ này không nhiều và ai cũng bận bịu với công việc của cá nhân. Trước mắt, Trung tâm cũng đã hỗ trợ một số di tích, chẳng hạn như hỗ trợ tủ bảo quản mộc bản kinh cho chùa Phước Lâm.

Khảo sát, sao chụp, lưu trữ lại các tư liệu cổ và giải thích, tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ nhân các tư liệu cổ này cách bảo quản, giá trị của tư liệu vì có rất nhiều chủ nhân của các tư liệu, văn bản cổ vẫn chưa hiểu hết giá trị của tư liệu này. Đồng thời Trung tâm cũng đang tiến hành dịch, số hóa các văn bản, tư liệu cổ đã sao chụp, sắp xếp theo thư mục, phân loại chủ đề để lưu trữ một cách khoa học.

Theo Báo Văn Hóa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tp-hoi-an-quang-nam-gian-nan-bao-ton-co-vat-a158.html