Đi tìm rạch Xương Trắng

Đi dọc sông Ngã Cũ tìm về nơi khởi nguồn của con rạch từ lúc mặt trời còn chưa lên cao. Thấp thoáng đằng xa từng mái nhà kiên cố chen lẫn những tán cây xanh một màu tươi tốt trên xóm Cầu Ngang.

Phía đằng xa kia dưới rặng dừa nước là một dòng chảy nhỏ đưa nước thẳng ra sông Ngã Cũ, đó là tất cả những gì còn lại của rạch Xương Trắng ngày xưa.

Rạch Xương Trắng hiện thuộc ấp Phú Đa, xã Phú Hữu (Long Phú), bắt nguồn từ sông Ngã Cũ đoạn Cầu Ngang rồi dẫn nước chảy dọc cánh đồng qua Giồng Tranh, Phú Đa và đoạn cuối ở ấp Phú Trường, xã Phú Hữu. Theo lời kể của các bậc cao niên, con rạch có từ thuở xa xưa, cái thời không ai còn nhớ. Lúc đó, nơi đây còn hoang vu và đầy lau sậy, thú về thành đàn, cá tôm nhiều vô kể. Có những đêm trăng sáng từng đàn thú kéo về làm vang dậy cả một vùng nước bạc. Đến khi xứ này có người đến khai hoang, mở đất lập làng lập ấp thì con rạch càng phát huy vai trò quan trọng về thủy lợi và giao thông.

Từ miệt Phú Hữu, Phú Đa, Phú Trường muốn đi vô tỉnh lỵ thì lựa chọn khả dĩ nhất là đi bằng đường thủy men theo sông Ngã Cũ bằng ghe chèo mà con rạch chính là đường nối liền từ các nơi này vào dòng Ngã Cũ đến Sóc Trăng. Lão nông Đoàn Văn Nê tâm tình: “Lúc nhỏ nghe ông bà già xưa kể rằng vùng này lúc trước hoang vu, sau đó lưu dân đến khai khẩn và lập nghiệp, lúc đó ghe xuồng đi ngang rạch nhiều lắm, có khi chở lúa, có khi chở người đi vô Sóc Trăng nườm nượp”. Chẳng những mang ý nghĩa về giao thông, về thủy lợi cũng quan trọng không kém, con rạch cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho cả một vùng rộng lớn.

 


Lão nông kể chuyện về rạch Xương Trắng.

Về tên gọi, có nhiều cách gọi về con rạch, có người kêu là Xương Trắng, Sen Trắng hay Sơn Trắng. Tuy nhiên, tên Xương Trắng và Sơn Trắng có lẽ được gọi nhiều hơn cả và nhiều người biết hơn cả. Cũng có nhiều cách lý giải về tên của con rạch nhưng chỉ là những giả thuyết hoặc những giai thoại truyền miệng chưa có độ tin cậy cao nhất, bởi ngay cả những bậc cao niên ở đây cũng chỉ nhớ loáng thoáng và rất mù mờ về nguồn gốc cái tên con rạch.

Theo một số giả thuyết tên Sơn Trắng có lẽ xuất phát từ tên một nhân vật nào đó có công với làng xóm nên được dùng để đặt tên cho con rạch, dần dần người dân gọi là Xương Trắng hoặc Sen Trắng. Cũng có một cách lý giải khác khá lý thú: “Nghe ba tôi ngày trước khi còn sống hay kể, lúc các bậc tiền hiền vào đây khai làng lập ấp, phát hiện những bộ xương thú trắng phau ngay dưới lòng rạch nên gọi là rạch Xương Trắng kể từ đó” - lão nông Lục Văn Chính, ngụ ấp Phú Đa nhớ lại. Như vậy, nếu theo cách lý giải này thì cái tên Xương Trắng có trước Sơn Trắng và tên Sơn Trắng được gọi từ tên Xương Trắng.

 


Đầu con rạch ngày xưa giờ chỉ còn là một dòng chảy nhỏ.

Dù là tên gì đi nữa thì ngày trước đây chính là tuyến giao thông quan trọng để người dân di chuyển và trao đổi hàng hóa, sản vật của vùng đến các nơi. Đó là thời kỳ vàng son của rạch Xương Trắng trong giai đoạn trước khi người Pháp cho đào sông Saintard cắt đôi con rạch. Đến khi sông Saintard được hoàn thành thì cùng với đó một hệ thống kênh rạch dọc theo tuyến sông này cũng dần được định hình phục vụ cho nhu cầu giao thông đường thủy, tưới tiêu và rạch Xương Trắng cũng mất dần vai trò quan trọng.

Từ đó, trải qua thời gian dòng chảy yếu dần do lượng nước không còn dồi dào như trước cùng với quá trình bồi lắng phù sa, cũng như không được nạo vét đã làm thay đổi cả con rạch; chỉ còn lại những dấu tích hết sức mù mờ với một vài đoạn đã biến dạng thành những con mương ở xóm Cầu Ngang và xóm Bờ Kênh của ấp Phú Đa. Đầu con rạch ngày xưa giờ chỉ còn là một dòng chảy nhỏ với chiều rộng chừng hơn mét và kéo dài chưa đến trăm mét. Theo đó, rạch Xương Trắng đã hoàn thành vai trò của mình.

Cái nắng chói chang đầu hạ cũng phải đến lúc nhường chỗ cho màn đêm buông phủ, không gian tím ngắt một màu hoàng hôn kéo theo vài con gió nhẹ không đủ làm dịu mát cái oi nồng. Hành trình đi tìm một công trình thiên tạo kết thúc trong đêm với nhiều tiếc nuối. Đi tìm rạch Xương Trắng để chiêm nghiệm rằng, với thời gian không có gì vĩnh cửu, là trường tồn. Tất cả mọi điều chỉ dừng lại ở sự tương đối. Qua nơi đây mà nghe con tim thổn thức về một thời xa lắc. Thẳm sâu tiềm thức chợt vọng về tiếng cá đớp bóng cả một vùng nước bạc thênh thang lộng gió giữa miền đất mới. Nghe như tiếng chèo hối hả khua nước giữa đêm thanh vắng của từng đoàn thương thuyền tứ xứ vô tỉnh lỵ; những chuyến ghe chài chở đầy sản vật đất phương Nam rẽ nước tung hoành đi khắp bốn phương. Nghe như tiếng sóng vỗ ì oạp từng đợt lên xuống va vào bờ lá dừa nước sóng sánh một màu bàng bạc của ánh trăng khuya.

DNT
Theo Sóc Trăng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-tim-rach-xuong-trang-a15761.html