Từ khi công nghiệp hóa, máy móc làm thay con người, nghề thợ rèn cũng dần mai một. Cả huyện U Minh Thượng giờ chỉ còn lại cha con ông Đỗ Văn Tưởng (67 tuổi), sống tại ấp Minh Kiên, xã Minh Thuận, gắn bó với nghề này.
Anh Đỗ Văn Hận chế tác sản phẩm bằng thủ công.
Anh Đỗ Văn Hận (43 tuổi), ở ấp Minh Kiên, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, cho biết: Nghề thợ rèn bây giờ không ai còn giữ, đa số chuyển sang ngành nghề khác làm ăn. Nghề này cực nhọc, đòi hỏi phải có sức khỏe, kiên trì mới làm ra được những sản phẩm tốt phục vụ cho bà con.
Từ năm 11 tuổi, anh Hận đã theo nghiệp của cha là ông Đỗ Văn Tưởng. Lúc đầu, anh tập phụ cha rèn các dụng cụ. Còn để chính thức làm ra sản phẩm, phải mất đến 6 năm, nhưng đó chỉ là “biết làm” thôi chứ chưa là thợ được; muốn lành nghề, phải theo học mất khoảng 15 năm. Theo kinh nghiệm, để làm được sản phẩm bén, tốt, phải chọn được nguyên liệu tốt, sau đó phải biết cắt, gọt, chế tác đều bằng thủ công. Nhờ được cha truyền nghề, năm 2014, anh Hận bắt đầu mở cửa hàng ra làm riêng. Dù là mới mở, song đã có nhiều năm kinh nghiệm làm nghề nên các dụng cụ anh làm ra tới đâu bán hết tới đó.
Anh Hận cho biết, nghề thợ rèn vốn đầu tư ít, chỉ cần khoảng 100 triệu đồng mua máy dập, máy cắt; các công đoạn lại, làm thủ công. Tuy vất vả, nhưng sản phẩm làm ra được bà con trong vùng ưa chuộng, khen sản phẩm tốt, là động lực để anh theo nghề. Trung bình, mỗi ngày, lò rèn của anh Hận làm ra khoảng 10 cây dao lớn, nhỏ, mỗi cây có giá từ 60.000-250.000 đồng. Sản phẩm làm ra, chủ yếu bán tại nhà và chợ xã Minh Thuận. Chị Nguyễn Kiều Hạnh, vợ anh Hận cho biết, dù không có “thương hiệu”, nhưng bà con trong vùng đã biết nghề làm thợ rèn của gia đình nên thường đến mua, không cần “tra cứu” nguồn gốc. Sản phẩm từ lò rèn làm ra chủ yếu là dao, vì nhà nào cũng cần cho sinh hoạt hằng ngày. Bà con còn đặt hàng dao lớn chặt xương heo, trâu, bò hay làm cỏ, chặt củi. Các loại lưỡi vá, lưỡi cuốc hay phảng, đa phần phải đặt trước, thợ rèn mới làm.
Nhiều năm theo nghề, anh Hận tâm huyết, phải lấy chữ tín làm đầu. Các sản phẩm rèn anh làm ra đều bằng chất liệu tốt được mua từ TP Hồ Chí Minh chuyển về. Nhờ vậy, độ bền, bén tương đối lâu nên người dân rất ưa chuộng. Bà Lê Thị Sành, sống tại ấp Minh Tân, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, cho biết: "Cả chục năm nay, nhà tôi chỉ dùng loại dao của gia đình thợ rèn Đỗ Văn Tưởng. Loại dao này vừa bén, dùng được lâu, giá cả cũng phù hợp nên ai cũng thích. Nhiều gia đình ở xã Minh Thuận và các xã lân cận trong huyện U Minh Thượng, An Minh, An Biên hay huyện Vĩnh Thuận cũng đến tìm mua dao và đặt các dụng cụ, như: lưỡi vá, cuốc, cây phảng về để làm nông và đều đánh giá rất tốt".
Mỗi sản phẩm làm ra là cả một quá trình, tốn rất nhiều công sức, từ cắt- gọt- đập- tạo hình… nhưng so ra, thu nhập nghề rèn thua xa những nghề khác. Anh Hận cho biết, dao, búa, anh tự rèn; cán dao, cán búa... là do vợ anh mua tràm nước về rồi đục đẽo sao cho phù hợp với từng loại sản phẩm. Công sức của hai vợ chồng làm cả ngày, hôm nào thu nhập cao được 400.000- 500.000 đồng, chưa trừ chi phí.
Phương Anh
Theo Cần Thơ