Năm nào cũng vậy, tôi và nhóm bạn thời đại học (khoảng 10 người) gặp nhau khoảng 2 lần. Các bạn trong nhóm đều có chung sở thích đi du lịch bụi, đi phượt. Trước khi lựa chọn hành trình, các thành viên trong nhóm sẽ gặp nhau, bàn luận, đưa ra nhiều địa điểm. Cuối cùng, cả nhóm quyết định sẽ phượt miền Tây Nam bộ trong vòng 4 ngày để về với miền sông nước, tìm không gian trong mát giữa những ngày nắng nóng. Cả nhóm đưa ra lịch trình, ngày thứ nhất sẽ khám phá Long An, ngày thứ hai qua Đồng Tháp, sau đó đến Cần Thơ và cuối cùng về Vĩnh Long, kết thúc chuyến hành trình.
Làng cổ Phước Lộc Thọ - nơi trưng bày 22 nhà cổ từ khắp mọi miền đất nước
7 giờ sáng, cả nhóm tập hợp tại quán cà phê quen thuộc, gần ngã tư đoạn Quốc lộ 1 giao với Tỉnh lộ 10 (TP.HCM) để bắt đầu hành trình khám phá miền Tây. Ngày đầu đến với Long An, tôi trở thành “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ do sinh sống và làm việc trên mảnh đất này đã vài năm. 7 giờ 30 phút, nhóm bắt đầu men theo Tỉnh lộ 10 để đến huyện Đức Hòa. Đây là một trong những huyện nằm trong vùng trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh nên những năm qua, KT-XH địa phương phát triển vượt bậc.
Điểm dừng chân đầu tiên của nhóm là Làng cổ Phước Lộc Thọ (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa). Điểm du lịch này là nơi quy tụ nhiều nhà cổ khắp mọi miền đất nước, có những ngôi nhà ngoài 100 tuổi, trải qua bao nhiêu biến cố thời gian nhưng đến nay vẫn còn vững chắc. Toàn khu rộng 5ha, gồm 22 nhà cổ cùng hàng ngàn cổ vật giúp khách tham quan hiểu sâu hơn về nét văn hóa đặc trưng của từng vùng, miền cũng như nghệ thuật kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà ở đây. Với không gian rộng, mát mẻ, làng cổ thích hợp cho các đoàn tổ chức cắm trại, dã ngoại. Bên cạnh đó, trong khu có nhiều trò chơi dân gian, hồ bơi phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách. Không chỉ vậy, ẩm thực của điểm du lịch này cũng “níu hồn” du khách bởi những món ăn đặc sản của miền Tây sông nước như tôm càng sống, cá, gà đất,... Tham quan làng cổ một vòng, các thành viên trong nhóm đều bảo nhau rằng, chắc chắn sẽ ghé lại nơi này nhiều lần nữa.
Chia tay Làng cổ Phước Lộc Thọ, theo Đường tỉnh 830 (công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020)), chúng tôi đến với Khu du lịch Happyland (huyện Bến Lức). Hai bên đường cờ bay phấp phới, các khu công nghiệp, khu dân cư khang trang, hiện đại vẽ nên một bức tranh giàu sức sống cho cả vùng. Đến thị trấn Bến Lức, cả nhóm rẽ phải theo Quốc lộ 1 hơn 1km và đi vào Đường tỉnh 816 để đến Khu du lịch Happyland.
Khu du lịch Happyland là điểm đến hấp dẫn du khách
Khu du lịch này mới được đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân tỉnh nhà cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước. Happyland hướng đến các giá trị, không gian văn hóa truyền thống của dân tộc gồm khu văn hóa Việt Nam, văn hóa dân gian, văn nghệ, ẩm thực, làng nghề truyền thống của 3 miền đất nước. Ngoài ra, đặc trưng nhất của Happyland là cụm chợ nổi đậm chất miền sông nước, giúp du khách hiểu sâu sắc về vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đại diện Ban Quản lý Khu du lịch Happyland, dịp lễ 30-4 này, khu du lịch sẽ tổ chức chương trình “Ẩm thực 3 miền” với chủ đề “Hương vị quê nhà”. Đây là khu vực tái hiện hình ảnh khu chợ quê nông thôn Việt Nam. Bên cạnh đó, khu du lịch còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, hát với nhau, biểu diễn làm bánh của nghệ nhân và cuộc thi làm bánh dành cho du khách tham quan. Theo đó, du khách sẽ được hướng dẫn làm món bánh đơn giản và tự tay làm bánh ngay tại chỗ; lắng nghe những giai điệu đặc trưng Nam bộ qua phần trình bày của nhiều đội, nhóm, câu lạc bộ đờn ca khác nhau trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, dịp này, Happyland còn đưa vào khai thác cánh đồng hoa hướng dương - điểm nhấn ấn tượng và độc đáo. Du khách tham quan sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, chụp các bức ảnh lưu niệm bên gia đình cùng người thân thương. Ngay tại đồng hoa còn có các mô hình miền Tây thu nhỏ và chiếc nón lá khổng lồ được kết nối từ hàng ngàn chiếc nón lá nhiều màu sắc,... hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách gần, xa.
Theo Quốc lộ 1 hướng về miền Tây, cả nhóm đến với TP.Tân An - “thủ phủ” của tỉnh Long An đang phát triển năng động, hiện đại. Chúng tôi dừng chân tham quan Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” để hiểu thêm về tinh thần chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập của quân và dân Long An trong những năm tháng chiến tranh. Được nghe thuyết minh về những hộp hình tái hiện cảnh sống, chiến đấu của quân và dân Long An, một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Quân, dân Long An trong chiến tranh chiến đấu vô cùng dũng cảm. Qua đây, chúng tôi hiểu được truyền thống lịch sử của đất và người Long An”.
Đến với Làng nổi Tân Lập, du khách có thể hòa mình với thiên nhiên
Chúng tôi tiếp tục di chuyển theo Quốc lộ 62 về vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Dù Quốc lộ 62 còn hẹp, đường xuống cấp nhưng để có được tuyến đường nhựa nối từ trung tâm về vùng bưng biền thay thế đường thủy như hôm nay, người dân Long An đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và công sức để làm. Di chuyển theo Quốc lộ 62 khoảng 60km, chúng tôi dừng chân tham quan Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) - nét đặc trưng của hệ sinh thái ngập nước. Ở đây, bạn có thể hòa mình vào thiên nhiên, nghe tiếng chim hót để tận hưởng những phút giây thư giãn thật bình yên.
Ngồi trên xuồng đi vào cánh rừng tràm, chúng tôi được hướng dẫn viên của khu du lịch giới thiệu đôi nét về những đặc trưng cũng như cách “khám phá” khu du lịch này. Khi vào bên trong, chúng tôi thử cảm giác ngồi xuồng ba lá, chèo tay tham quan rừng tràm đặc trưng; sau đó đi bộ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, hệ động, thực vật đa dạng trong khu và thưởng thức vài món ăn đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười như cá lóc nướng trui, chuột đồng,...
Cuối ngày, đoàn về thị xã Kiến Tường, đến Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp tham quan và mua sắm để tiếp tục chuyến hành trình đi Đồng Tháp vào hôm sau...
Đức Minh
Theo Long An