Lưu dân miền Trung là một trong những cư dân sớm hiện diện trong thời kỳ khai phá vùng đất Nam Bộ xưa. Theo Gia Định thành thông chí, người dân xứ Quảng đã có mặt ở Sài Gòn từ khi Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đặt ra sở lỵ huyện Tân Bình năm Mậu Dần (1698), đời vua Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế Nguyễn Phúc Chu (1). Trong Phủ biên tạp lục: “Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các biển Cần Giờ, Soài Lạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu, toàn là rừng rậm hàng mấy nghìn dặm, họ Nguyễn chiêu mộ những dân có vật lực ở xứ Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn cho rời tới đây, phát chặt mở mang, hết thảy đều bằng phẳng, đất nước màu mỡ, cho dân tự chiếm, trồng cau, làm nhà cửa…” (2).
Một góc chợ Bà Hoa với những hàng bánh tráng nướng thơm phức
Những năm 60 TK XX, cư dân từ các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam hội tụ về vùng Bảy Hiền (nay thuộc quận Tân Bình) ở Sài Gòn. Theo thống kê hộ tịch ngày đó, Bảy Hiền có hơn 4.000 dân sinh sống, chủ yếu là người Quảng Nam, mang theo nghề dệt truyền thống nổi tiếng ở quê nhà vào lập nghiệp (3). Nhận thấy đây là vùng đất thuận lợi để an cư lập nghiệp, nhiều gia đình cùng nhau hội tụ về nơi này, từ đó hình thành một cộng đồng người Quảng lớn nhất Sài Gòn.
Theo lẽ tự nhiên, người Quảng cần một không gian để gặp gỡ, giao tiếp, trao đổi mua bán hàng hóa trong cộng đồng, rộng hơn là giao lưu, hòa nhập và mở rộng các mối quan hệ xã hội. Vào khoảng năm 1967, bà Hoa - một người gốc Bắc di cư vào Nam, có công mua đất, phân lô và cho người dân thuê để buôn bán. Ngôi chợ vì vậy được đặt theo tên của bà. Theo thời gian, chợ Bà Hoa trở thành một nơi chuyên kinh doanh các mặt hàng chính gốc Quảng. Đặc biệt, những đặc điểm về lời ăn tiếng nói, sinh hoạt văn hóa, ẩm thực xứ Quảng… mang nhiều nét thú vị, độc đáo riêng biệt đều có thể tìm thấy ở nơi này.
Trong Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam ví chợ Đồng Xuân là cái bụng của thành phố, là nơi mà những vật liệu cần cho các cao lâu từ các vùng quê và ngoại ô đến (4). Điều này cũng đúng với chợ Bà Hoa vì các nguyên vật liệu, mặt hàng ở đây phần nhiều được chuyển từ miền Trung vào Sài Gòn, mang lại cảm giác quen thuộc, gần gũi như được trở về phiên chợ quê nhà. Trong quá trình sản xuất ra một số mặt hàng để buôn bán người ta vẫn giữ nguyên cách làm, hương vị truyền thống chứ nhất quyết không đổi mới.
Không gian của chợ Bà Hoa thực sự dân dã và gần gũi. Bước chân vào chợ là gian hàng mì Quảng. Mì Quảng được sản xuất và trao tay ngay tại chợ. Món ăn này thường kết hợp với củ nén, dầu phộng, rau quế, húng lủi Trà Quế, hành tỏi mang từ xứ Quảng vào. Chợ Bà Hoa cũng là thiên đường của các loại bánh quen thuộc như: bánh tráng, bánh in, bánh tổ, bánh thuẫn, bánh rò… Đối với người xứ Quảng, bánh thuẫn, bánh rò là những món bánh không thể thiếu trong dịp tết hay giỗ chạp, tạo nên nét riêng, vị riêng khi so sánh với bánh chưng của miền Bắc hay bánh tét của miền Nam.
Người miền Bắc, miền Nam hay miền Trung đều ăn mắm, mỗi miền có một loại mắm đặc trưng riêng. Người miền Trung ăn mắm cái, làm từ các loại cá biển miền Trung như mắm cái, mắm cá chuồn thính, mắm ruốc… Các loại mắm này được bày bán phong phú tại chợ. Buổi chiều là khoảng thời gian rất lý tưởng để khám phá văn hóa ẩm thực xứ Quảng. Một ngôi chợ nhỏ, không sang, không hiện đại, hàng hóa chủ yếu là các món quê bình dân, mộc mạc nhưng lại có sức hút kỳ lạ, không chỉ làm ấm lòng những người xứ Quảng mà còn níu chân những người đến tìm hiểu để rồi tìm thấy nơi đây thật nhiều điều thú vị.
Người Quảng sử dụng ngôn ngữ vùng miền để giao tiếp, tạo nên sự gần gũi, chân thật, tự nhiên và thoải mái. Họ còn được yêu mến bởi tính cố kết cộng đồng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Từ mùng 10 đến 20 tháng giêng, vào những buổi chiều tối, người dân ở dọc các con hẻm trong khu Bảy Hiền và khu dân cư có người Quảng Nam sinh sống, tổ chức lễ cúng xóm (lễ kỳ yên) một cách long trọng. Đây là nét văn hóa đặc trưng của người Quảng ở Sài Gòn đã được duy trì trong nhiều năm (5).
Sài Gòn đang chuyển mình trở thành một đô thị văn minh hiện đại, khối lượng các công trình xây dựng như cao ốc văn phòng, trung tâm mua sắm, giải trí, thương mại cũng vì thế mà tăng lên, ảnh hưởng đến quỹ đất dành cho các chợ. Nhiều quốc gia sau khi phá bỏ sự tồn tại của chợ dân sinh, họ mới nhận ra ý nghĩa và giá trị đích thực của nó. Giờ đây, việc khôi phục lại chợ trong các đô thị lớn đang tiêu tốn rất nhiều tiền của và công sức. Chợ Bà Hoa là minh chứng cho quá trình hòa nhập xã hội và bảo lưu được văn hóa truyền thống của người Quảng ở Sài Gòn.
Chợ Bà Hoa không chỉ là ngôi chợ mang đậm những nét đặc trưng của cộng đồng người Quảng ở Sài Gòn, mà còn được coi là không gian bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương. Giữa Sài Gòn phồn hoa đô thị, chợ Bà Hoa là nốt trầm giữa nhịp sống Sài Gòn hiện đại để lắng lòng, tìm về niềm vui thời xưa cũ sau những lo toan, bộn bề của cuộc sống.
___________
1, 5. Nguyễn Thị Hoài Hương, Người Quảng ở Sài Gòn, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, danang.gov.vn.
2. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.345.
3. Sơn Hòa, Bảy Hiền - đại điền chủ được đặt tên một ngã tư ở Sài Gòn, vnexpress.net.
4. Thạch Lam, Hà Nội băm sáu phố phường, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2014.
Nguyễn Thị Huyền
Tạp chí VHNT số 405