Gần nửa thế kỷ sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, đời sống của người dân ở đôi bờ sông Bến Hải ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tỉnh Quảng Trị đang xây dựng công viên mang tên Thống Nhất tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, biến nơi ghi dấu nỗi đau chia cắt thành biểu tượng khát vọng hòa bình...
Di tích quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Ðất lửa năng động
Những ngày tháng tư, trời Quảng Trị xanh thẳm. Chúng tôi trở lại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi dòng sông Bến Hải từng trôi trong khói lửa của chiến tranh và cây cầu Hiền Lương đã trở thành biểu tượng của nỗi đau cắt chia đất nước...
Cùng Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành, chúng tôi ghé thăm bà Nguyễn Thị Ngoan, 75 tuổi, ở làng Tân Trại 2, xã Vĩnh Giang. Làng nằm phía bờ bắc, về hạ lưu sông Bến Hải. Bà Ngoan kể, ngày ấy, bà là thanh niên điển hình của lũy thép Vĩnh Linh, tay cày, tay súng, không chịu khuất phục quân thù. Có năng khiếu ca hát, cho nên ban đêm bà tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ hỏa tuyến. Bộ đội từ miền bắc, trước khi vượt sông Bến Hải vào chiến trường miền nam, đều nghỉ lại một đêm ở Vĩnh Linh và được bà Ngoan cùng đội văn nghệ Vĩnh Giang hát tặng những bài ca về Tổ quốc.
Ðầu năm 1970, Trung ương tổ chức đội văn nghệ đi biểu diễn tại các nước xã hội chủ nghĩa như Triều Tiên, Trung Quốc... kêu gọi thế giới ủng hộ lập lại hòa bình, thống nhất cho Việt Nam. Bà Ngoan vinh dự được Ðặc khu Vĩnh Linh (đơn vị hành chính như một tỉnh hiện nay) chọn cử tham gia đội. Khi chúng tôi muốn được nghe lại lời bài hát từng được biểu diễn, bà Ngoan hào hứng đứng dậy cất cao giọng hát Bài ca Vĩnh Linh của nhạc sĩ Hoàng Vân: "Ngó bên tê Trường Sơn một dải. Nghe bên ni sóng vỗ Cửa Tùng"... Bà cho biết, vẫn thường hát những bài ca thống nhất cho các cháu, chắt của mình nghe, rồi tập cho chúng hát theo...
Ðồng chí Thái Văn Thành cho biết, đi qua khói lửa của chiến tranh, Ðảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh luôn có tư duy đổi mới trong xây dựng Ðảng và phát triển kinh tế - xã hội. Dọc bờ bắc sông Bến Hải, các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn và thị trấn Cửa Tùng đang xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như nuôi tôm công nghệ cao, trồng lúa theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng. Thị trấn biển Cửa Tùng lung linh, đầy sức sống, luôn là một điểm thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài. Ðảng bộ Vĩnh Linh xác định phát triển kinh tế vững chắc với bốn thế mạnh. Vùng núi phía tây và vùng gò đồi đất đỏ ven biển phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cao-su, bơ, dược liệu, trồng rừng gỗ lớn; các đặc sản truyền thống như khoai, môn, măng cày, ném (một loại cây gia vị, thuộc họ hành, tỏi), ớt, nghệ, lạc, dưa, ngô, sắn, đậu; vùng đồng bằng xây dựng mô hình thâm canh cây lúa và cơ giới hóa nông nghiệp, trồng rau màu, thực phẩm; các xã ven biển và vùng cát tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng chân đồng, chân biển. Nhờ có bước đi đúng hướng và khai thác hợp lý lợi thế, tiềm năng đất đai để phát triển kinh tế, xã hội, tổng thu nhập đầu người của huyện Vĩnh Linh hiện đạt 47 triệu đồng/năm, cao nhất trong các huyện, thị xã của tỉnh Quảng Trị.
Ở ngay bờ nam của sông Bến Hải là các xã trù mật của huyện Gio Linh: Trung Hải, Trung Giang, Trung Sơn, Gio An và Vĩnh Trường. Người dân trong vùng thường nhắc đến "vua rừng" Lê Văn Hòa, 62 tuổi, ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn. Ông Hòa là cựu chiến binh, làm kinh tế giỏi. Cách đây mười năm, ông được Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) công nhận là hộ nông dân đầu tiên của Việt Nam trồng rừng có chứng chỉ quản lý bền vững FSC. Mỗi héc-ta rừng của ông Hòa bán được hơn hai trăm triệu đồng, gấp nhiều lần trồng rừng truyền thống. Bây giờ, ông Hòa cũng là người tiên phong của tỉnh Quảng Trị trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; làm mô hình mẫu về trồng rừng kinh tế cho nhiều nơi đến học tập, nghiên cứu. Ông Hòa còn sắp xếp thời gian đi hướng dẫn trồng rừng có chứng chỉ quản lý bền vững FSC cho người dân Quảng Trị và các tỉnh khác.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, Ðảng bộ huyện luôn có chủ trương, chính sách khai thác hợp lý các thế mạnh kinh tế vùng gò đồi, đồng bằng, phát triển công nghiệp, du lịch ven biển, nhất là kinh tế biển. Gio Linh trở thành huyện đi đầu của tỉnh Quảng Trị trong phát triển kinh tế biển, hằng năm tổng sản lượng thủy sản khai thác chiếm gần 60% toàn tỉnh. Tiềm năng du lịch biển với gần 16 km bờ biển được khai thác tốt phục vụ phát triển kinh tế, tâm điểm là vùng biển Cửa Việt, đã trở thành khu nghỉ dưỡng nổi tiếng. Các công trình điện mặt trời vừa hoàn thành tại các xã Gio Thành, Gio Hải, cảng sân bay tại Gio Linh đang được khởi động... Tất cả sự mới mẻ, tích cực này là động lực lớn góp phần giúp chất lượng sống của người dân Gio Linh cải thiện từng ngày.
Biểu tượng của hòa bình, thống nhất
Những ngày này, du khách tấp nập đến với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, chứng kiến sự thay đổi của vùng đất này. Mỗi du khách đến với di tích Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đều tỏ lòng khâm phục khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam qua từng câu chuyện kể của hướng dẫn viên Ban quản lý di tích; qua sự trân trọng quá khứ mà tỉnh Quảng Trị đã thể hiện trong việc dày công tôn tạo di tích. Em Lê Kiều Giang, học sinh THPT ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, em được gia đình thưởng cho một chuyến du lịch nước ngoài vì thành tích đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Thay vì đi nước ngoài, nhân dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay cũng vào những ngày tháng tư lịch sử, em đã xin bố mẹ, cho em đến với Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi gần nửa thế kỷ trước, bố em cùng đồng đội đã chiến đấu, quyết tâm giành và giữ từng tấc đất cho Tổ quốc. Khi trở về trường, em sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam được tái hiện sinh động trên vùng đất Quảng Trị.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chính phủ đã đồng ý với chủ trương trên cơ sở của di tích, tỉnh Quảng Trị xây dựng công viên mang tên Thống Nhất, biến nơi ghi dấu nỗi đau chia cắt thành khát vọng hòa bình. Ðây là niềm khích lệ lớn với Quảng Trị.
Theo đó, công viên mang biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh thống nhất đất nước, đồng thời là điểm tham quan du lịch, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Công viên có các hạng mục Bến thuyền, Nhà văn bia, Tháp hòa bình, không gian tái hiện khu phi quân sự (DMZ), khu cắm trại dã ngoại, đồi vọng cảnh... Phía bờ nam có các công trình như cột cờ, sân lễ hội, lâm viên, hệ thống chòi nghỉ dừng chân... được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Hiện những công trình đầu tiên của công viên Thống Nhất đã được hoàn thành, đó là trồng lại hai hàng dừa phía bắc di tích, nâng cấp bến đua thuyền, đường đi dạo; xây dựng tượng đài chiến sĩ Công an vũ trang. Ở bờ nam, thành phố Hải Phòng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống kè chống xói lở, xây dựng lâm viên cũng như phục dựng một số hạng mục. Tỉnh Quảng Trị đang kêu gọi chung sức xây dựng công viên với biểu tượng đầy ý nghĩa này.
Ngoài cụm di tích quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, chiến tranh đi qua đã để lại trên mảnh đất Quảng Trị hơn 400 di tích chiến tranh, trong đó bốn di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và nhiều di tích được xếp hạng quốc gia.
Một tháng tư lịch sử nữa lại về. Người dân ở Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải vẫn bồi hồi cảm xúc như khi mới được sống trong hòa bình. Từ khói lửa chiến tranh, chia cắt, Quảng Trị đã trở thành mảnh đất của biểu tượng khát vọng hòa bình, thống nhất, phát triển và hội nhập từng ngày.
Lâm Quang Huy
Theo Nhân Dân