Từ một cuộc "chạy trốn" đến vị anh hùng dẹp giặc, yên dân

Nằm tọa lạc giữa cánh đồng Nà Thoa, thôn Bản Kè B, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), đền Pú Bảo (nghĩa là ông Bảo) được lập nên đề thờ phụng và ngưỡng vọng Quận Công Nguyễn Thế Quần có người có nhiều công tích trong việc dẹp loạn ở xứ Tuyên Quang. Lịch sử của ngôi đền gắn liền với câu chuyện từ một cuộc "chạy trốn" của hai anh em dòng họ Nguyễn Thế đến khi Nguyễn Thế Quần trở thành người anh hùng giúp nhân dân dẹp giặc.

 
Đền Pú Bảo tọa lạc giữa cánh đồng Nà Thoa, thôn Bản Kè B, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh: Lê Hoàn

Từ một cuộc "chạy trốn"…

Tôi đến với xã Lăng Can vào một ngày cuối xuân đầu hạ trong tiết trời mát dịu. Chiếc xe khởi hành từ thành phố Tuyên Quang vượt qua đoạn đường hơn 120 km từ trung tâm tỉnh lỵ đi theo Quốc lộ 2A đến Km31 rẽ phải theo đường tỉnh qua thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hoá), đi tiếp 55 km đường Chiêm Hóa – Lăng Can, sau cuộc hành trình dài gần ba tiếng đồng hồ vượt qua những con đường uốn lượn, những bản làng yên bình tôi đã đặt chân lên đất Lâm Bình. Theo chỉ dẫn của một người dân địa phương, từ trung tâm xã Lăng Can tôi theo con đường chạy dọc theo suối Nậm Luông khoảng 2km thì đến được với ngôi đền Pú Bảo.
 
Khác hẳn với những gì tôi đã tưởng tượng về những ngôi đền mạn ngược (thường nhỏ bé, nằm dựa vào núi hoặc có khi cheo leo trên lưng chừng núi), đền Pú Bảo tọa lạc giữa cánh đồng Nà Thoa bằng phẳng, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi đá cao. Cửa đền quay hướng Bắc, nhìn ra cánh đồng thông thoáng quanh năm tươi tốt nuôi dưỡng bao nhiêu thế người dân Bản Kè, xa xa thấp thoáng đỉnh Khau Ung quanh năm mây mù bao phủ, phía sau đền là dòng suối Nậm Luông nước chảy mát lành.
 
 
Ông Nguyễn Thế Minh - hậu duệ Quận Công Nguyễn Thế Quần đã gần 15 năm trông coi đền Pú Bảo. Ảnh: Lê Hoàn
 
Ông Nguyễn Thế Minh – người được dòng họ Nguyễn Thế ở xã Lăng Can giao cho việc trông coi ngôi đền, dù đã bước sang độ tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn nhớ như in câu chuyện về nguồn gốc dòng họ cũng như sự tích của ngôi đền Pú Bảo. Chuyện xưa kể lại, dòng họ Nguyễn Thế xã Lăng Can có nguồn gốc từ xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Đây là vùng đất văn hiến có truyền thống hiếu học và khoa bảng.
 
Vào khoảng cuối thế kỷ XVI, tại xã Dương Nội có ba anh em dòng họ Nguyễn Thế. Trong một lần khiêng kiệu tại đình làng, hai người anh vô tình làm gãy kiệu, vì sợ làng trách phạt, hai anh em đã bỏ lên miền ngược để sinh sống. Đi đến xã Hùng Lô (nay thuộc địa phận thành phố Việt Trì), tỉnh Phú Thọ, người anh ở lại lập nghiệp; người em tiếp tục đi, đến địa phận xã Ỷ La, tỉnh Tuyên Quang (nay là phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang) dừng lại để sinh sống. Tại Ỷ La, người em đã lập nghiệp, xây dựng gia đình và sinh ra ba người con trai. Khi lớn lên, người con trai út Nguyễn Thế Quần đã di cư lên vùng sơn cước thuộc châu Vị Xuyên, xứ Tuyên Quang (nay thuộc vùng đất xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) để sinh sống.
 
"Tại đây, ông Nguyễn Thế Quần làm thầy đồ chuyên dạy học cho con cháu các gia đình giàu có và được bà con dân bản yêu thương quý trọng. Với những đức tính hiếu học và thông minh hơn người, ông gây được sự chú ý của Quận Công (là người cai quản vùng đất Vị Xuyên xưa kia), được Quận Công yêu quý gả con gái cho, sau đó nhường ngôi Quận Công. Sau khi lên ngôi Quận Công, ông thể hiện mình là người vừa có tài vừa có đức, chăm lo đến đời sống của muôn dân, lo việc học cho con trẻ", ông Minh cho biết. 
 
Đến vị anh hùng dẹp giặc, yên dân Nguyễn Thế Quần
 
Thời kỳ ông Nguyễn Thế Quần giữ chức phụ đạo phiên trấn ở Tuyên Quang (khoảng giữa thế kỷ XVIII), bối cảnh chính trị - xã hội ở Đàng Ngoài không ổn định. Các cuộc nổi dậy của nông dân bùng phát, cùng với đó là những cuộc nổi loạn cướp bóc của một số đạo quân làm phản. Nhiều toàn cướp ở địa phương và bên kia biên giới lợi dụng tình hình đã tổ chức cướp phá, gây tình trạng rối loạn tại địa phương.
 
Cùng với triều đình, Nguyễn Thế Quần tổ chức dân binh tiến hành tiễu phạt trộm cướp giành được nhiều thắng lợi và vua được sắc phong ban thưởng, nhân dân trong vùng ngợi ca.
 
Ngày 9 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), vua Lê Hiển Tông đã ban sắc tặng và phong ông là Siêu Nhạc Bá (đây là một trong 5 tước trong triều đình lúc bấy giờ, tước Bá đứng thứ ba, sau tước Công, tước Hầu).
 
 
Sắc phong của vua Cảnh Hưng ( năm 1750) cho tướng quân Nguyễn Thế Quần hiện lưu giữ trong đền. Ảnh: Lê Hoàn

Nội dung sắc phong ghi rõ: 

"Vị Xuyên châu, Lang Can xã, siêu nhạc Nguyễn Thế Quần vi dĩ phiên thần phụ đạo, công thảo Tuyên Quang Đạo, phả hữu công tích, dĩ kinh chi chuẩn, ưng phòng ngự Liêm sự (Thiêm sự) chức, khả vi quả cảm tướng quân. Quân dân phòng ngự, sử ti phòng ngự Liêm sự (Thiêm sự) Siêu Nhạc Bá hạ ban.

Cố sắc

Cảnh Hưng thập nhất, niên bát nguyệt sơ cửu nhật

Dịch: Siêu Nhạc Bá Nguyễn Thế Quần, xã Lang Can, châu Vị Xuyên vì có nhiều công tích trong việc đánh dẹp loạn ở đạo Tuyên Quang với tư cách là một phụ đạo ở đất phiên thần; đã từng được chiếu chỉ chuẩn cho làm chức Phòng sự Liêm sự (Thiêm sự), là vị tướng quân quả cảm. Quân dân phòng ngự sử ti Phòng ngự Liêm sự (Thiêm sự) Siêu Nhạc Bá được mức lương hạ ban.

Cho nên ban sắc này


Ngày mùng 9 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ mười một".

Tuy nhiên, trong một lần đi khảo sát làm đập dẫn nước phục vụ việc trồng cấy của nhân dân, ông bị trượt chân ngã xuống nước tại khu vực Văng Hiền (hiện nay là thôn Phai Che, xã Lăng Can), do nước sâu khiến ông bị thương nặng và qua đời sau đó. Để tỏ lòng biết ơn công lao của Nguyễn Thế Quần, nhân dân địa phương đã dựng đền thờ và đặt tên là đền Pú Bảo.
 
Đền Pú Bảo ngoài việc thờ Đức Quận Công Nguyễn Thế Quần còn là nơi thờ Thành hoàng làng (thờ các vị thần cai quản sông núi như: Thần núi Khau Ung...). Ngôi đền Pú Bảo đã có một vị trí vững chắc trong tâm thức của đồng bào nơi đây, là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng làng xã.

(Còn tiếp)
 
Lê Hoàn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tu-mot-cuoc-chay-tron-den-vi-anh-hung-dep-giac-yen-dan-a15607.html