Nguyễn Cửu Vân với công lao khai khẩn đất phương Nam

Nguyễn Cửu Vân sống vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, quê ở Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa(1), nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một phó tướng, trấn thủ dưới thời chúa Nguyễn.



Đình Gia Miêu (Hà Trung, Thanh Hóa) là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất Việt, trong đó có Nguyễn Cửu Vân.

 
Nguyễn Cửu Vân là cháu nội Tả Đô đốc Nghĩa quận công Nguyễn Cửu Kiều. Vốn xuất thân trong dòng dõi con nhà Tướng, từ nhỏ ông đã hăng say luyện tập võ nghệ, hàng ngày đam mê đọc sách, trí dũng song toàn.

Nguyễn Cửu Vân lớn lên trong hoàn cảnh đất nước thường xuyên diễn ra các cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn kéo dài nhiều năm, hai bên nhiều lần giao tranh quyết liệt, gây bao đau thương cho nhân dân cả hai miền, đặc biệt là vùng Nghệ An đến Bố Chính (vùng đất Quảng Bình ngày nay). Cuối cùng sự phân tranh của hai nhà Trịnh - Nguyễn tạm thời đình chiến, lấy sông Gianh làm giới tuyến chia đôi đất nước. Từ sông Gianh trở ra Bắc thuộc cương vực lãnh thổ họ Trịnh - gọi là Đàng Ngoài; từ sông Gianh trở vào thuộc cương vực lãnh thổ họ Nguyễn -  gọi là Đàng Trong. Cũng từ đây, hai nhà Trịnh - Nguyễn ra sức củng cố, xây dựng mỗi miền ngày càng vững mạnh, tạo thế lực cát cứ cho riêng mình.

Do có nguồn gốc xuất thân từ dòng họ Nguyễn, nên khiến Nguyễn Cửu Vân đã tham gia quân đội nhà Nguyễn từ rất sớm. Nhờ có tài năng mưu lược về quân sự, ông nhanh chóng lập được nhiều công lao và được chúa Nguyễn Phúc Chu tin dùng, phong cho chức Cai cơ khi còn rất trẻ.

Năm 1698, tướng nhà Trịnh là Trịnh Huyên làm trấn thủ Nghệ An, kiêm trấn châu Bắc Bố Chính (tỉnh Quảng Bình ngày nay) có  ý định đánh chiếm châu Nam Bố Chính. Để bảo vệ cho lãnh thổ, chúa Nguyễn Phúc Chu ra lệnh cho cai cơ Nguyễn Cửu Vân và Nguyễn Hữu Khánh chỉ huy quân lính, đem binh thuyền phòng thủ ở cửa biển để ngăn chặn sự tiến công của quân đội Trịnh. Do quân đội nhà Nguyễn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với tình huống xảy ra nên đã khiến Trịnh Huyên từ bỏ ý định xâm chiếm vùng đất Thuận Hóa.

Tháng 7 năm 1705, nội bộ vương triều Chân Lạp thường xuyên xảy ra tình trạng loạn lạc, tranh giành quyền lực, vua Chân Lạp là Nặc Ông Thâm nghi  cho Nặc Ông Yêm có mưu đồ làm phản. Trước tình hình đó, Nặc Ông Thâm đã nhờ quân Xiêm La sang giúp đỡ khiến cho Nặc Ông Yêm chống đỡ không nổi, phải chạy sang cầu cứu nhà Nguyễn đang đóng ở dinh Phiên Trấn (Gia Định). Trước sự cầu viện của nước Chân Lạp, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử Nguyễn Cửu Vân chỉ huy quân vào Nam để đánh quân Nặc Ông Thâm. Ở Sầm Khê (Chân Lạp) được sự giúp đỡ của quân đội nhà Nguyễn, Nguyễn Cửu Vân đánh được quân Xiêm La, và giúp Nặc Ông Yêm trở về thành La Bích (La Vách) làm vua.

Sau khi  hoàn thành việc đắp lũy, Nguyễn Cửu Vân lại được chúa Nguyễn Phúc Chu giao làm Thống lĩnh quân thủy bộ Gia Định (đồng bằng sông Cửu Long) tiến đánh nước Chân Lạp là Nặc Ông Thâm để ngăn chặn âm mưu xâm chiếm  nước Chân Lạp của Vua Xiêm. Sau khi đánh tan quân phiến loạn ở Xiêm tại Sầm Khê, ông xin chúa Nguyễn cho đóng quân tại Rạch Gầm với mục đích đề phòng quân Xiêm quay lại đánh phá. Để bảo vệ cương vực lãnh thổ, Nguyễn Cửu Vân đã thực hiện kế sách đắp lũy từ quán thị Gai (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) đến chợ Phú Lương giáp Vũng Cù (Vàm Cỏ Tây) và vùng đất Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay). Ông cho đào con mương hào sâu và rồi mở rộng thành kênh mương nhằm mục đích về mặt thủy lợi đó là cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp, mặt khác còn giúp cho thuyền bè đi lại thuận tiện trong vùng. Việc đào hào rồi từ hào thành kênh được tiến hành rất công phu. Ông đã trực tiếp chỉ đạo nhân dân làm chòi thang để xem xét thế đất, thế sông, đo đạc cẩn thận, tính toán chi tiết, vẽ bản đồ rõ ràng, sau đó dựng thang để quan sát gọi là “Vọng thê”.

Cùng với việc xây dựng hệ thống phòng thủ, Nguyễn Cửu Vân cho tiến hành khẩn hoang đất đai để mở rộng đồng ruộng, đẩy mạnh việc sản xuất lương thực, thực phẩm nhằm đề phòng khi chiến tranh xảy ra có thể đảm bảo lương thực cho quân đội nhà Nguyễn.

Năm 1711, Nguyễn Cửu Vân được thăng Trấn Biên doanh phó tướng. Ông cùng với Trần Thượng Xuyên (là võ tướng nhà Minh cùng với Dương Ngạn Địch - tổng binh nhà Minh sang thần phục chúa Nguyễn), chăm lo việc an dân nơi vùng đất mới.

Do lập được nhiều công lao, Nguyễn Cửu Vân lại được chúa Nguyễn phong tước chính Thống Vân trường hầu, và mất năm nào không rõ.

Nguyễn Cửu Vân có 2 người con trai là Nguyễn Cửu Chiêm, Nguyễn Cửu Đàm, sau này cùng thực hiện theo chí nguyện của cha mình đó là công việc khai khẩn đất đai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

Để ghi nhớ những công lao đóng góp xuất sắc của ông trong việc bình định Chân Lập, bảo vệ lãnh thổ, mở mang bờ cõi về vùng đất phương Nam, khai khẩn đất đai, ổn định đời sống sản xuất của nhân dân, các nhà sử học thời bấy giờ đã viết ca ngợi ông như sau: “Về việc mở mang bờ cõi Nam, công Nguyễn Cửu Vân rất nhiều, ông tuyên thị đức y triều đình, người Chân Lạp mến phục”(4). Hiện nay, tên của ông được đặt tên cho một con đường ở quận Bình Thạch, thành phố Hồ Chí Minh.

 
Nguyễn Văn Minh
vanhoadoisong.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguyen-cuu-van-voi-cong-lao-khai-khan-dat-phuong-nam-a15606.html