Tiết mục văn nghệ của Hội Phụ nữ thôn Bồng Lai tại lễ hội
Đình làng Bồng Lai từ xa xưa thờ phụng vị thần Trọng Thủy, con rể vua An Dương Vương thời đất nước Âu Lạc, sau phối thờ cụ Thám hoa Nguyễn Thế Lập, hiệu Tĩnh Trai sinh năm 1702 người thôn Tân Thịnh, xã Bồng Lai, là người thông minh, học giỏi, từng học ở Quốc Tử Giám và đỗ Thám hoa, khoa thi năm Đinh Mùi - 1727, niên hiệu Bảo Thái thứ 8, đời vua Lê Dụ Tông.
Xưa đình làng Bồng Lai to nhất tổng Bồng Lai, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình tiêu thổ để kháng chiến. Đến năm 1997, nhân dân thôn Bồng Lai xây dựng lại được hậu cung và thờ thêm vua Hùng Vương thứ 18.
Theo bản kê khai thần tích viết năm 1938 tại Bảo tàng tỉnh, đình làng Bồng Lai có 12 đạo sắc phong do các triều vua ban tặng và có một bản thần tích viết bằng chữ hán về vị thần Trọng Thủy.
Nghi thức làm lế tế Thánh tại lễ hội truyền thống Đình làng Bồng Lai
Lễ hội đình làng Bồng Lai diễn ra trong 2 ngày 13 và 14 - 4 (tức mồng 9 và 10 - 3 năm Kỷ Hợi) gồm 2 phần: Phần lễ là các nghi thức làm lễ tế Thánh cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật tốt tươi, dân làng làm ăn gặp nhiều may mắn. Phần hội gồm: Chương trình văn hóa văn nghệ, giải vật, chọi gà và thả diều…
Lễ hội truyền thống Đình làng Bồng Lai là nét đẹp văn hóa của nhân dân địa phương, qua đó giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ và ý thức chung tay bảo vệ giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đồng thời nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Minh Hường