Nghi thức mừng khách đến tham quan.
Ông Sơn Than (xã Bình Ninh) phấn khởi nói: “Năm nay Nhà nước và chùa Kỳ Son tổ chức tết rất chu đáo, tiết kiệm nhưng vẫn vui vẻ, đầy đủ nghi thức truyền thống. Bà con mừng lắm”.
Cùng niềm vui với ông Sơn Than, bà Kim Muộn (xã Loan Mỹ) phấn khởi nói: “Gia đình tui được chánh quyền và chùa Kỳ Son đến thăm, chúc tết, tặng quà. Năm nay đón tết vui nhất từ trước đến nay. Chúng tôi còn sắp xếp thời gian đến tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các nghi thức truyền thống tại chùa Kỳ Son”.
Chùa Kỳ Son tọa lạc tại ấp Rạch Rừng (xã Loan Mỹ) được xây cách nay đã 216 năm. Từ ngôi chùa thiết kế rất đơn sơ đến nay đã được nâng cấp, trùng tu nhiều lần để có được bộ mặt rất khang trang đáp ứng nguyện vọng của bà con theo đạo tại địa phương.
Đây là ngôi chùa theo hệ phái Nam tông lớn nhất huyện Tam Bình hiện nay và đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa tỉnh. Xã Loan Mỹ là một trong những địa phương có đông người dân tộc Khmer nhất tỉnh Vĩnh Long.
Về cái tên Kỳ Son, có nhiều giả thiết nhưng nhiều người cho rằng: Kỳ Son là con rạch có nhiều kỳ đà sinh sống. Người Khmer gọi hiện tượng này là Cần Son, sau nói trại thành Kỳ Son (?) Hiện tại trên diện tích 20.000m2, chùa được xây dựng kiên cố với các hạng mục: cổng chùa, chánh điện, giảng đường, nhà ăn, nhà nghỉ, tháp chuông, phòng đọc sách, tháp chứa cốt, lò thiêu,…
Tại đây, ngoài việc tạo điểm hành lễ theo tín ngưỡng dân gian của người Khmer, chùa Kỳ Son còn là nơi tổ chức các hoạt động đón chào 3 kỳ tết cổ truyền như: Chol Chnam Thmay, Sel Dolta, Ok Om Bok. Cạnh đó là nơi sinh hoạt văn hóa thường xuyên của đồng bào, sinh viên, học sinh người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Ông Kim Hườn (80 tuổi ngụ xã Loan Mỹ) kể thêm: “Hồi nhỏ cứ mỗi lần đến Tết Chol Chnam Thmay là lũ nhỏ chúng tôi đến chùa Kỳ Son để nghe sư cả kể chuyện đốt pháo thăng thiên; chuyện thả diều, đánh quay lửa; các câu chuyện thần thoại, cổ tích rất hấp dẫn, bổ ích”.
Giàn nhạc ngũ âm của chùa đang phục vụ du khách.
Sư cả Thạch Chanh Nhenh- trụ trì chùa Kỳ Son- cho biết thêm: “Chính quyền các cấp rất quan tâm đến nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người Khmer chúng tôi và thường xuyên đến đây thăm viếng, động viên, tháo gỡ những khó khăn.
Riêng chùa Kỳ Son luôn nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, động viên phật tử sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết với các dân tộc, tôn giáo xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.”
Nhớ lại những lần về đây nhân Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, chúng tôi đã biết thêm về các hoạt động rất phong phú, hấp dẫn như: ca, múa, kịch, đua ghe ngo,… tổ chức tại chùa Kỳ Son. Ngoài ra, chúng tôi còn rất trân trọng khi biết thêm chùa Kỳ Son là nơi đào tạo đội đua ghe ngo nữ duy nhất của tỉnh và đã đạt thành tích rất cao tại đấu trường ĐBSCL nhiều năm liên tục.
Ông Nguyễn Văn Sáu (Sáu Phèn)- nguyên là HLV đội đua này- cho biết: “Chùa Kỳ Son là chiếc nôi của đội đua chúng tôi. Sư cả tại đây đã tạo điều kiện rất nhiều từ bãi tập, ghe ngo đến kinh phí tập luyện… giúp chúng tôi giữ vững thành tích cao trên đấu trường”.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều năm qua chùa Kỳ Son còn tổ chức dạy chữ Khmer cho học sinh tại địa phương. Mô hình này đã thực hiện được trên 40 năm qua với sự tận tụy, cần mẫn, đầy trách nhiệm của các vị sư tại chùa.
Các em học sinh (đa phần là người dân tộc Khmer theo học vào thứ 7 và chủ nhật với trên 45 em) được miễn học phí, được cấp sách vở và nhận các phần thưởng nếu đạt kết quả tốt. Một số em khác còn được chùa giảng dạy chữ Pali.
Hiện chùa có đến 2 đội nhạc ngũ âm để phục vụ lễ hội tại chùa và nhu cầu của người dân. Những dàn nhạc này còn đến tận gia đình có hữu sự phục vụ cũng như có các giàn nhạc cổ khác sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.
Rời chùa Kỳ Son trong những thanh âm rộn rã của giàn nhạc ngũ âm chuẩn bị đón Tết cổ truyền, chúng tôi trân trọng lắm sự tận tâm, tận lực ở những ngôi chùa hơn 216 tuổi đã và đang làm đẹp cho đời bằng những việc làm đầy ý nghĩa, nhân văn.
Tam Anh
Theo Vĩnh Long