Người Việt Nam Bộ từ góc nhìn tôn giáo

Lý giải, tại sao chỉ ở Nam Bộ mới có ông đạo, và vai trò của ông đạo trong cuộc sống của người Việt Nam Bộ sẽ góp phần hiểu về người Việt Nam Bộ. Trước hết là trên bình diện tâm linh. Người Việt đến Nam Bộ thuở ban đầu, vùng đất này hãy còn hoang vu, lạ lẫm...

Người Việt Nam Bộ, ngoài sự thống nhất với các vùng miền trong cả nước, còn có những nét riêng, một tính cách văn hóa bởi sự ứng xử và thích nghi với vùng đất, không gian sinh tồn mà họ đã lựa chọn, kiếm tìm từ hơn ba thế kỷ qua. L.Feuerbach, trong tác phẩm Bản chất đạo Kitô (1841) đã viết “ý thức về thượng đế là sự tự ý thức về con người, sự nhận thức thượng đế là sự tự nhận thức về con người. Từ thượng đế, ta có thể suy ra con người...”. Trên tinh thần đó, tôi nghĩ rằng, từ tôn giáo của người Việt Nam Bộ có thể hiểu hơn về người Việt Nam Bộ.
 


Con gái miền Tây - Ảnh: Internet

1. Những ông đạo

Đây là hiện tượng đặc thù trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt ở Nam Bộ. Bởi lẽ chỉ ở Nam Bộ mới xuất hiện những ông đạo, như đạo dừa, đạo gò mối, đạo ngồi, đạo nằm... Theo Phạm Bích Hợp, thì “khái niệm ông Đạo, là để chỉ những người có khả năng đặc biệt, như khả năng chữa bệnh, khả năng tập hợp quần chúng, khả năng huyền linh, dẫn dắt mọi người theo một chủ thuyết nào đó. Tóm lại, là người có khả năng làm những điều mà người bình thường không làm được, và mang màu sắc thần bí”(1). Đạo là một từ Hán Việt nhằm chỉ một tôn giáo trong nhiều nghĩa rộng hơn, như đạo Phật, đạo Chúa... Ông đạo không nhằm chỉ người theo đạo, hoặc đứng đầu một tôn giáo, mà là người có liên quan đến thế giới tâm linh từ một góc độ nào đó. Một số người sáng lập Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo xuất hiện ở Nam Bộ cuối TK XIX đã được người dân gọi là ông đạo khùng tức Đoàn Minh Huyên, Huỳnh Phú Sổ, giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo được gọi là ông đạo điên... Trong số những ông đạo về sau này được nhiều người biết đến là ông đạo dừa, là một kỹ sư được đào tạo ở Pháp. Ông đạo, là những người đàn ông (chưa thấy có bà đạo) Nam Bộ có tuổi, có một khả năng đặc biệt, hoặc tự cho mình là có khả năng đặc biệt như chữa bệnh bằng bùa phép hoặc có khả năng tiếp cận thần linh, khả năng khai sáng. Hành vi có phần kỳ quái, như nằm suốt ngày, thiền định trên gò mối, chuyên ăn một loại hoa quả (như ông đạo chuối...), chuyên nói một thứ tiếng riêng... (theo tôi, phần nhiều các ông đạo này rơi vào trạng thái tâm thần phân liệt, hoặc hư ảo tự huyễn).
 
Phần lớn các ông đạo này không chủ trương hoặc đại diện cho một giáo phái tôn giáo nào. Ông không có đồ đệ, tín đồ và hệ thống giáo lý, hoặc thuyết giáo về sự giải thoát cho con người. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là sự sùng bái, sùng tín của người dân vào các ông đạo. Danh xưng ông đạo hầu hết là do người dân sùng tín gọi các ông, họ tin vào khả năng siêu phàm, hoặc huyền linh mà các ông có thể đem lại. Người dân, bình thường kính trọng (và cả sự sợ hãi) trước các hành vi, lời nói của các ông đạo. Người ta xem việc làm, hoặc tu hành của các ông đạo này là một cách để tiếp xúc với thần linh, với thế giới siêu nhiên, nhằm để đạt được những mục đích (hoặc sứ mệnh) cao cả nào đó. Người dân Nam Bộ cần đến ông trong một số trường hợp sau.
 
Trước hết là việc chữa bệnh, đặc biệt trong khí hậu nóng bức và ẩm thấp của xứ Nam Bộ, thường là các bệnh thời khí và các bệnh về tâm thần. Những ông đạo này sẽ giúp việc chữa bệnh này bằng nhiều phương thức. Đó là những bài thuốc gia truyền, những hiểu biết về sử dụng cây cỏ để chữa bệnh (đặc biệt là trị rắn cắn và ung nhọt). Việc chữa bệnh còn được thực hiện bởi việc cúng bái, các nghi thức bùa chú mang tính saman như lên đồng, bói toán, trừ ếm tà ma... Thông thường, việc chữa bệnh có sự kết hợp giữa hai phương thức trên là vừa cho thuốc uống vừa thực hiện các nghi thức bùa phép (2).
 
Việc thứ hai, mà người nông dân Nam Bộ nhờ vả đến các ông đạo là thuộc lĩnh vực tâm linh. Đó là việc xem ngày lành, tháng tốt cho việc làm ăn, dựng vợ gả chồng, cho tang ma... Một nhu cầu quan trọng khác là việc trù ếm, ngăn chặn các loại ma quái làm hại con người, gia đình, làng xóm... hoặc giải thoát con người khỏi tai ương vận hạn. Với những hành vi kỳ quái và uy lực của các ông đạo, người dân tin rằng ông có khả năng xua đuổi tà ma bằng các nghi thức cúng vái, cầu khẩn các đấng siêu nhiên oai linh. Ông sẽ chỉ dẫn các phương pháp thực hành bí quyết cùng với việc cấp phát các loại bùa phép để ngăn chặn hoặc trục xuất ma quỷ. Người ta tin rằng có những ông đạo hoặc thầy bùa người Miên (tức người Khơme) có những loại bùa phép ngăn chặn đao, kiếm và cả súng đạn chạm vào người!
 
Lý giải, tại sao chỉ ở Nam Bộ mới có ông đạo, và vai trò của ông đạo trong cuộc sống của người Việt Nam Bộ sẽ góp phần hiểu về người Việt Nam Bộ. Trước hết là trên bình diện tâm linh. Người Việt đến Nam Bộ thuở ban đầu, vùng đất này hãy còn hoang vu, lạ lẫm:
 
Tới đây xứ sở lạ lùng
 
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng cũng kinh
 
Công cuộc khai phá vùng đất mới này đòi hỏi nhiều chỗ dựa. Dựa vào bản thân mình, dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống của người nông dân phía Bắc, và hơn nữa, tìm kiếm một chỗ dựa tâm linh. Người Việt không chỉ khai mở vùng đất thực, mà còn tìm cách chinh phục thế giới tâm linh của vùng đất này. Những ông đạo đã góp phần đáp ứng cho cả hai nhu cầu thực và ảo trong kiếm tìm của người Việt trên vùng đất mới. Một sự tin tưởng và cả sự dễ tin đã được xác lập với các ông đạo, một niềm tin dựa vào sự sùng bái, và đơn giản. Niềm tin ở các vị thành hoàng nơi đình làng, vào phật nơi chùa làng hoặc các tôn giáo khác, dường như chưa đủ, chưa đáp ứng nhu cầu tâm linh, người nông dân Nam Bộ đã bổ sung thêm vào đó những ông đạo. Những ông đạo là những người gần gũi, có thật, cùng sống với họ, và dễ thông cảm với họ, và sẵn sàng giúp đỡ những người nông dân bất cứ lúc nào, không một điều kiện nào hết. Đơn giản, ông đạo vừa thiêng cũng vừa tục.
 
2. Tôn giáo “xách tay”
 
Ở phần lớn các gia đình người Việt Nam Bộ, có bàn thờ thiên. Đó là một trang thờ nhỏ trước sân nhà, lối gần cổng ra vào, người ta đóng một miếng ván mỗi bề khoảng hai gang tay trên một cây trụ gỗ cao ngang vai (hoặc đầu) người lớn. Trên đó, bày một lọ hoa, bát nhang và một chén nước lạnh. Thường mỗi sáng, hoặc ngày mùng một, ngày rằm âm lịch chủ nhà (có thể là đàn bà) thắp nhang vái tứ phương và cắm vào bát nhang. Bàn thờ thiên là bàn thờ trời, vị thần cao nhất, uy quyền nhất trong đời sống của người Việt, người Hoa ở Nam Bộ.
 
Ở đình làng, việc thờ cúng thành hoàng cũng khá đơn giản. Rất ít vị thành hoàng có tên tuổi và lý lịch, phần lớn được gọi là “bổn cảnh thành hoàng” hoặc “thành hoàng bổn cảnh”. Một chữ thần bằng Hán tự trên bức vách sau trang thờ, đánh dấu nơi thờ thành hoàng. Không ít đình làng không có sắc phong thành hoàng, hoặc có khi đi trộm sắc phong thành hoàng của đình nơi khác đem về thờ cúng.
 
Bàn thờ của Phật giáo Hòa Hảo khá đơn giản, một tấm trần điều (tấm vải màu nâu đậm), một bát nhang, bát nước lã, hương hoa (có thể thêm trái cây). Tín đồ Hòa Hảo tu tại gia:
 
Ta là cư sĩ canh điền
 
Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành
 
(Sấm giảng thi văn)
 
 
Tu không cần lạy cần quỳ
 
Ngồi đâu cũng sửa vây thì mới mau
 
(Sấm giảng thi văn)
 
Những bản kinh của Phật giáo Hòa Hảo gọi là “sấm giảng”. Sấm giảng được viết ở thể lục bát, là một dạng văn vần dễ nhớ đối với người bình dân, có phần nôm na, nhưng dễ hiểu, ít điển tích. Lý thuyết căn bản của đạo quy về tứ ân (ơn tổ tiên, ơn đất nước, ơn phật, ơn đồng bào). Tín đồ Phật giáo không bị ràng buộc nhiều về các nghi thức, sự kiêng cữ, chủ yếu duy trì một cuộc sống bình dị, hiếu hòa.
 
Khái niệm “tôn giáo xách tay”, vốn là của GS Đỗ Thái Đồng, một nhà xã hội học, sử dụng trong một cuộc hội thảo trước đây tại Viện Khoa học Xã hội tại TP.HCM, và ông dịch ra tiếng Pháp là “religion portativ”, chỉ sự đơn giản và thuận tiện trong việc tín ngưỡng của người dân Nam Bộ, vốn là những lưu dân, trong công cuộc chinh phục vùng đất phía Nam. Trong cái thuở ban đầu ấy, họ chưa có được cơ ngơi hoành tráng, nhà cao cửa rộng ổn định, họ vẫn còn phiêu bạt đó đây, chọn nơi có thể sống được. Và, trong điều kiện đó, mọi thứ cần gọn nhẹ, đơn giản, kể cả tín ngưỡng tôn giáo. Chỉ cần treo một tấm vải màu một cành hoa đồng nội, một chén nước thiên nhiên là có thể làm nơi thờ tự, nơi thực hiện các lễ nghi giao hòa với các thực thể siêu nhiên. Xong việc họ có thể cuộn lại cho vào túi cói, túi bàng xách đi nơi khác. Tín ngưỡng tôn giáo không phải là sự ràng buộc những người nông dân Nam Bộ, mà hơn thế là chỗ dựa tâm linh, tạo niềm tin cho họ có thêm sức mạnh để đối diện với thiên nhiên vùng đất còn nhiều hoang hóa. Sự giản dị trong tín ngưỡng, tôn giáo đã tác động vào nếp sống, tính cách của người Việt ở Nam Bộ, tạo nét riêng của cộng đồng cư dân này về mặt văn hóa. Con người trần tục và con người tôn giáo của người Việt Nam Bộ đan xen nhau, và tác động lẫn nhau để làm nên một tính cách khác thường vừa giản dị, chân tình và không ràng buộc, một cái được gọi là “xả láng”...
 
Ra đường gặp vịt cũng lùa
 
Gặp gái cũng ghẹo, gặp chùa cũng tu
 
(Ca dao)
 
 
3. Hòa đồng tôn giáo
 
Một trong những nét khác biệt giữa đình làng ở Nam Bộ so với miền Bắc, là sự thờ cúng các vị thần linh. Số lượng các vị thần linh được người dân Nam Bộ sùng bái trong đình nhiều hơn hẳn so với phía Bắc. Ngoài thành hoàng, tiền hiền, hậu hiền, thần nông... ra ở các đình phía Nam còn thờ thủy thần, sơn thần, bà chúa xứ, ngũ hành nương nương,... cả Quan Thánh đế quân một vị thánh từ Trung Hoa.
 
Đạo Hòa Hảo, ở một mức độ nào đó, là sự liên kết giữa Phật giáo với tín ngưỡng của người dân Việt Nam Bộ. Phật được thờ cúng với tổ tiên trên cùng bàn thờ, gắn với thờ cúng trời đất, núi sông, đất nước...
 
Một trường hợp điển hình của sự hòa đồng, hoặc hỗn dung tôn giáo, là đạo Cao Đài, ra đời ở Nam Bộ vào đầu TK XX, thu hút hàng triệu tín đồ. Người ta có thể thấy trên điện thờ của đạo này nhiều vị đứng đầu các tôn giáo lớn trên thế giới như Chúa Giêsu, Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử, Lão Tử,... Sự thờ cúng trong gia đình của các tín đồ Cao Đài cũng phong phú không kém, có Phật Thích Ca, Chúa Giêsu, Cao Đài Tiên Ông, Thiên nhãn, Phật Bà Quan Âm, Thánh Mẫu, Ông Địa, Thần Tài,...(3). Bức họa nơi cửa chính của Thánh thất Cao Đài ở Tây Ninh khá độc đáo. Nhà nho của Việt Nam, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Victo Hugo (1802-1885) một nhà văn nổi tiếng của Pháp và Tôn Dật Tiên tức Tôn Trung Sơn, nhà cách mạng lỗi lạc của Trung Hoa vào cuối TK XIX đầu XX cũng hiện diện trong bức tranh. Victo Hugo và Tôn Trung Sơn bê nghiên mực và đỡ tờ giấy để Nguyễn Bỉnh Khiêm viết lên hai chữ chân lý bằng ba văn tự Việt, Pháp, Hoa. Đó là một bức họa nội dung xuyên không gian và xuyên thời gian!
 
Ở nhiều địa phương Nam Bộ, cũng xuất hiện một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo mang yếu tố hòa đồng tôn giáo, với các biểu tượng trang trí xen kẽ nhau vừa chữ vạn của Phật giáo, vừa thánh giá của Thiên Chúa giáo. Trong gia đình vừa thờ Phật vừa thờ cúng tổ tiên, và các thần linh khác như thổ địa, táo quân, Quan Công, bà Thiên Hậu... Các gia đình theo đạo Thiên Chúa, phần nhiều, bên cạnh bàn thờ chúa có bàn thờ tưởng niệm ông bà, tổ tiên...
 
Xu hướng hỗn dung, hoặc hòa đồng các tôn giáo, là một thực tế và nổi trội trong đời sống tâm linh của người Việt ở Nam Bộ. Giải thích hiện tượng này có nhiều ý kiến, nhiều góc độ khác nhau. Một trong những sự giải thích đó thường chú trọng đến vùng đất Nam Bộ là nơi gặp gỡ của nhiều văn hóa, và tôn giáo là một trong những biểu hiện của sự giao lưu tiếp biến các văn hóa hội tụ nơi vùng đất này. Sự chấp nhận, hoặc dung nạp một lúc nhiều hình thái tín ngưỡng, tôn giáo trong cá nhân hay cộng đồng người Việt Nam Bộ đã cho thấy một nét riêng của văn hóa Việt Nam Bộ, một tính cách của người Việt Nam Bộ. Đó là sự cởi mở, thân thiện, là sự không cố chấp để tìm kiếm một chỗ dựa tâm linh rộng rãi và hiệu quả nhất. Cái chuyện có kiêng có lành, có cầu, có được, vái bốn phương tám hướng... vốn đã được biết đến ở phía Bắc, nhưng đến vùng đất phía Nam này người Việt mới thực hành một cách triệt để và sáng tạo.
 
Trong tâm thức và tâm linh của người Việt Nam Bộ, các vị thần thánh và ma quỷ đều thiêng liêng và đa phần là tốt bụng. Trong công cuộc khai mở đất đai, người Việt cần đến sức mạnh tổng hợp, cả sức mạnh siêu nhiên, tức là sự giúp sức, hợp tác của các thánh thần và ma quỷ, cần phải biết kính trọng tất cả các vị, các ngài. Hẳn có lẽ, từ góc độ ứng xử với thế giới siêu nhiên này đã góp phần tạo nên sự dung hòa, phóng khoáng và tính thực tiễn trong cuộc sống, quan hệ của người Việt ở Nam Bộ.
 
4. Nho giáo ở Nam Bộ
 
Nho giáo vừa là một triết thuyết, vừa là một tôn giáo có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại. Ở hai mặt này, Nho giáo đã có ảnh hưởng đến đời sống của người Việt Nam Bộ, đặc biệt là văn hóa. Người Việt đã mang theo Nho giáo trong hành trang của mình từ phía Bắc vào đất Nam Bộ. Một phần khác người Việt cũng tiếp nhận Nho giáo trong văn hóa Hán, từ các cư dân Trung Hoa cùng thời đã đến Nam Bộ tìm đất mưu sinh. Văn miếu đầu tiên ở Nam Bộ được xây cất tại Cù Lao Phố, Biên Hòa vào năm 1715. Cù Lao Phố đương thời là một trung tâm thương mại sầm uất, có đông người Hoa sinh sống và lập nghiệp. Những nhà nho tầm cỡ của đất Gia Định xưa như Phan Thanh Giản, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh... nhiều người cũng có gốc gác người Hoa. Tuy nhiên, ở đây tác động và ảnh hưởng của Nho giáo đối với người Việt Nam Bộ không hoàn toàn giống với phía Bắc. Ông Cao Tự Thanh, một nhà nghiên cứu về Nho giáo, đã viết về một trong những đặc điểm của Nho giáo ở Gia Định (tức vùng đất Nam Bộ ngày nay) là “mang tính phức tạp trong sự giao thoa đan xen và chuyển hóa qua lại giữa ba ý nghĩa văn hóa, xã hội và lịch sử, một đặc điểm đóng vai trò chủ yếu trong việc xác lập diện mạo của Nho giáo ở Gia Định...”(4). Về Nho giáo ở Nam Bộ, cũng có nhiều ý kiến trao đổi. Ông Đỗ Thái Đồng cho rằng: “Nhà Nho (ở Nam Bộ) ngày càng xa rời với Nho giáo cổ truyền. Và quả thật ở đất Nam Bộ người ta mới tìm thấy sự đoạn tuyệt hoàn toàn với nguyên lý cơ bản của học thuyết chính trị - đạo đức của Nho giáo. Xin lấy một dẫn liệu. Đây là một cặp hiển mà một nhà Nho nào đó đã đề ở trước của đền Thái Sơn (vùng núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang):
 
Quân phi quân, thần phi thần, quân thần giai cộng lạc
 
Phụ bất phụ, tử bất tử, phụ tử thị đồng hoàn
 
(vua không phải là vua, tôi không phải là tôi, cha không phải là cha, con không phải là con thì vua tôi cha con đều vui vẻ)(5). Ở đây, trong sự Hán hóa và giải Hán đã tạo nên một tính cách có phần cực đoan của người Việt Nam Bộ trước truyền thống Nho giáo của Việt Nam.
 
Trong tác phẩm Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu, một nhà nho đất Nam Bộ (1822 - 1888), đã thể hiện được tính cách của người Việt Nam Bộ qua các nhân vật của ông. Có hai nhân vật đáng chú ý bởi liên quan đến ý thức hệ Nho giáo. Đó là Lục Vân Tiên và Hớn Minh. Lục Vân Tiên có thể được xem là một con người chuẩn mực của Nho giáo, bị ràng buộc bởi khuôn khổ Nho giáo trong tư duy và hành động. Kết thúc cuộc đời long đong của Vân Tiên là cưới Nguyệt Nga để “sinh con sau sau nối gót lâu đời đời”, tức là tiếp tục cho ra đời những thế hệ Nho giáo mực thước, quan phương trên đất Nam Bộ. Còn Hớn Minh, một con người khá độc đáo, đã vượt khỏi những rào cản Nho giáo, một anh hùng hảo hớn, dám bẻ giò con quan huyện vì chuyện nghĩa cứu dân lành, sẵn sàng đầu thú để khỏi liên lụy đến người khác. Cuộc đời Hớn Minh cũng khá long đong vất vả, bị đi đầy, rồi vượt ngục. Tuy nhiên, anh ta không tham dự các băng đảng như kiểu anh hùng hảo hán trong tiểu thuyết Trung Hoa, mà xin lãnh ấn tiên phong đi dẹp giặc, cứu dân cứu nước. Nếu Vân Tiên là một mong muốn trọn vẹn của Nho giáo Nam Bộ theo hướng truyền thống thì Hớn Minh là một thực thể của con người Nam Bộ, một tính cách của người Việt Nam Bộ. Người Việt Nam Bộ, trong lịch sử di dân của mình, ngoài nông dân, thợ thủ công nghèo khổ, còn có những nhà nho bất đắc chí, những quan lại, binh lính bị lưu đày, và cả những kẻ du đảng, tội phạm của triều đình tìm vào tá túc, ẩn náu nơi vùng đất mới hoang hóa phía Nam. Những con người đó đã khép lại quá khứ, giấu tên, đổi họ để cùng chung sống với nhau, hợp lực khai mở vùng đất mới, dựng xây cho một tương lai ổn định, yên bình. Họ là những con người trọng nghĩa khinh tài, như Trịnh Hoài Đức đã nhận xét trong sách Gia Định thành thông chí.
 
5. Góp vào sự nhận diện người Việt Nam Bộ
 
Trong những dẫn liệu trên đây, tôi chưa đề cập đến khía cạnh tam giáo đồng nguyên ở Nam Bộ cũng là một nét đặc sắc. Tam giáo đồng nguyên ở phía Bắc đã có, nhưng khi những lưu dân người Việt vào đất Nam Bộ, đã tiếp tục duy trì, và hòa trong hướng hỗn dung tôn giáo của vùng đất này. Chuyện tam giáo đồng nguyên sẽ là một chuyên đề khác về tín ngưỡng tôn giáo của người Việt Nam Bộ. Thực tế, cho thấy, đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt Nam Bộ rất phong phú và đa dạng, nhưng tựu trung vẫn là nhằm đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của họ trên vùng đất Nam Bộ. Đó cũng là sự kiếm tìm một đời sống tín ngưỡng tôn giáo phù hợp, và thích ứng với cuộc sống, với môi trường sống vùng đất mới ở phía Nam của người Việt, là những sáng tạo tâm linh trên cơ tầng của tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, trong bối cảnh giao lưu văn hóa của các tộc người cộng cư.
 
Từ góc độ tín ngưỡng tôn giáo, với ít ỏi những dẫn liệu, cho thấy thêm về văn hóa, nếp sống, tâm tính của người Việt Nam Bộ có những nét riêng so với nét chung của người Việt trong cả nước. Trước hết đó là tính cởi mở, phóng khoáng, là sự dung hòa và hội nhập. Đối với người Việt Nam Bộ, tín ngưỡng tôn giáo là một phương thức cứu thế, tôn giáo có sức mạnh giúp con người vươn về phía trước, vượt qua cản ngại bởi niềm tin của chính mình. Người Việt Nam Bộ cũng là những người mang tính thực tế, trọng tự do và bình đẳng minh bạch. Người ta có thể nhận thấy, hệ thống lý thuyết của các tín ngưỡng tôn giáo ở Nam Bộ khá đơn giản phù hợp với nhận thức của người bình dân, không có sự giảng giải cầu kỳ. Đó là sấm giảng của đạo Hòa Hảo, là cơ bút của đạo Cao Đài, là những lời đồn, những huyền thoại xác tín của các ông đạo... Người Nam Bộ cũng dễ dàng rời bỏ một tín ngưỡng, tôn giáo nào đó mà đối với họ quá diệu vợi, và cũng sẵn sàng chấp nhận một lúc nhiều tôn giáo hoặc hỗn dung các tôn giáo. Người Việt Nam Bộ tin ở thực nghiệm nhiều hơn là lý thuyết, đôi khi là sự cả tin và dễ tin.
 
Là những người đi tiên phong trong công cuộc khai mở vùng đất Nam Bộ, người Việt ở đây là những người dũng cảm dám chấp nhận, đối diện với những khó khăn và thách đố. Sức mạnh của cộng đồng là hết sức quan trọng. Tổ chức làng xóm vốn từ phía Bắc đã được người Việt tái cấu trúc, như một tập hợp của cộng đồng, có chăng đây là cộng đồng của những cùng đi khai mở, là những người trọng nghĩa. Tín ngưỡng tổ tiên, dòng họ, và thành hoàng cũng là sự tái cấu trúc về tín ngưỡng tôn giáo từ phía Bắc; là chỗ dựa cho tâm linh của mỗi cá nhân và cộng đồng cư dân người Việt Nam Bộ trong thuở ban đầu ấy. Bửu Sơn Kỳ Hương, Hòa Hảo, Cao Đài... là những tôn giáo có tính sáng tạo của người Việt Nam Bộ để đáp ứng cho nhu cầu tâm linh ngày càng mở mang, cùng với sự mở rộng đất đai cần phải khai phá của họ. Thực tế công cuộc khai mở đất đai, hoàn chỉnh ranh giới biên địa vùng đất Nam Bộ là kết quả của sự sáng tạo về mặt thực thể cũng như tinh thần của người Việt Nam Bộ.
 
Là những người có tính phóng khoáng, cởi mở, người Việt Nam Bộ không có sự câu nệ và cố chấp, không thích sự ràng buộc, kể cả những ràng buộc trong tín ngưỡng tôn giáo:
 
Theo nhau cho trọn đạo trời
 
Dẫu mà không chiếu trải tơi mà nằm
 
Lý tưởng của người Việt Nam Bộ không phải là ba gian nhà gỗ, một cái sân gạch, ao rau muống, chĩnh tương. Họ có thể gửi lại mồ mả tổ tiên, quê hương bản quán, để đi tìm nơi lập nghiệp, nơi mà ở đó họ có thể sống được một cách thoải mái, tự do, sống với thiên nhiên khoáng đạt của đất đai Nam Bộ. Điều đó cũng tạo cho họ đôi chút phong vị lãng mạn, một chút khí phách giang hồ nghĩa hiệp. Sự giằng níu của quê hương, tổ tiên và chút lãng mạn phong tình có lẽ là một trong những nguyên nhân ra đời của loại hình vọng cổ trong ca nhạc của đất Nam Bộ:
 
Từ (là) từ phu tướng
 
Báu kiếm, sắc phong lên đường...
 
(Dạ cổ hoài lang)
 
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, góc độ đối lập lại, người Việt nam Bộ, cũng còn là người khá cực đoan, quyết đoán mà họ hay nói là “cứ làm đại đi!” hoặc “tới luôn đi!”. Dường như đây là sự đối lập lại tính cách hòa hiếu của họ mà chúng tôi đã coi như một tính cách. Nhưng đó cũng là một sự hợp lý. Tồn tại trong một không gian tự nhiên và xã hội của vùng đất Nam Bộ, để tồn tại con người phải có quyết đoán, có sự phiêu lưu và mạo hiểm ít nhiều.
 
Trời sinh cây cứng lá dai
 
Gió lay mặc gió, chìu ai không chìu
 
(Cao dao)
 
Từ góc độ tín ngưỡng tôn giáo, có thể hiểu thêm nhiều chuyện về người Việt Nam Bộ, là những minh họa và dẫn chứng cho con người Nam Bộ, tính cách Nam Bộ... Thực ra, trong mỗi con người, cộng đồng người Việt Nam Bộ, cũng còn hàm chứa những tính cách, nếp sống trái ngược nhau, lúc này, lúc khác, vừa cởi mở vừa cố chấp, vừa hiền hòa vừa quyết liệt... Nói về con người, về người Việt Nam Bộ rõ ràng là điều không đơn giản và dễ dàng. Người Việt Nam Bộ 300 năm trước và hôm nay có nhiều cái khác nhau, biến đổi không ngừng, có những cái hôm qua là hay, nhưng hôm nay chưa hẳn đã phù hợp. Vì vậy văn hóa người Việt và người Việt Nam Bộ nói chung, cần nhìn trong cái nhìn động, cái nhìn mà các nhà khoa học gọi là biện chứng.
_______________
 
1, 3. Phạm Bích Hợp, Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr.84, 85, 318.
 
2. Ông đạo khùng (Đoàn Minh Huyên) đã chữa lành bệnh cho những người bị dịch ở vùng Hậu Giang vào cuối TK XIX bằng những mảnh giấy vàng làm phép trong chén nước lạnh!
 
4. Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, Nxb TP.HCM, 1996, tr.241.
 
5. Đỗ Thái Đồng, Gia đình truyền thống và những biến thái ở Nam Bộ Việt Nam, trong sách Những vấn đề xã hội học ở miền Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr.123-124.
 
Phan An
Tạp chí VHNT số 311

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguoi-viet-nam-bo-tu-goc-nhin-ton-giao-a15529.html