Qua Mỏ Cày Nam đi dưới vườn dừa mát rượi

Tính đường bộ theo QL57 từ Vĩnh Long đến Mỏ Cày Nam chưa tới 60km, ở đây cây dừa chiếm hơn 77% và là huyện có diện tích dừa đứng thứ 2 của tỉnh Bến Tre, chỉ sau Giồng Trôm.

Thế nên, không có gì phải ngạc nhiên khi qua Mỏ Cày Nam “chỉ toàn thấy dừa là dừa”, cây dừa là đầu câu chuyện sản xuất của nông dân trong quá trình chủ động trữ ngọt, thích nghi “4 tháng mặn”.

Chúng tôi đi dưới vườn dừa không chỉ được uống nước dừa, mà còn thưởng thức những câu chuyện độc đáo từ những người trồng dừa không ngừng đổi mới, sáng tạo.

 


Chú Sáu giới thiệu vườn dừa hữu cơ với những giải pháp giữ cỏ chân vườn, trữ nước trong mương.

Từ trữ ngọt linh hoạt đến vườn dừa hữu cơ của chú Sáu

Một ngày nắng cuối tháng 2, chúng tôi đến Mỏ Cày Nam- nơi được cho là “đã sống chung” với xâm nhập mặn suốt 4 tháng trong năm. Nhiều người nói vui rằng, nếu đến Bến Tre mà không thấy những hàng dừa xanh thì chắc chắn bạn đã đi… lạc đường.

Thật vậy, chỉ cần từ Tiền Giang qua cầu Rạch Miễu hay từ Càng Long (Trà Vinh) qua cầu Cổ Chiên… đến địa phận Bến Tre là đã như bước vào thế giới của những vườn dừa mát rượi, rợp xanh tỏa bóng mát mẻ.

Khi chúng tôi hỏi thăm về tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân mùa hạn mặn thì ông Nguyễn Thanh Hùng- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mỏ Cày Nam, gấp gáp: “10 phút để phỏng vấn thôi nhé, vì tôi đang có cuộc họp gấp”.

Nhà báo cứ giông dài, ông biểu “vào thẳng vấn đề luôn đi. Chuyện trữ ngọt, sống chung mặn phải không? Hết 3 phút rồi”. Chúng tôi gật gù “dạ, đúng rồi”, vậy là chỉ trong vài phút, ông đã nói cho chúng tôi nhiều thông tin rất hay.

Ông Hùng cho hay: “Thường mặn ở Mỏ Cày Nam kéo dài 4 tháng từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch. Từ xưa nay người dân đã có tâm lý chủ động trữ ngọt để không sợ hạn mặn.

Ngoài các công trình cống bộng do Nhà nước đầu tư để trữ ngọt hơn 1.000ha, người dân cũng tự bắt tay nhau để làm hệ thống đê bao cục bộ”. Đây được coi là “hệ thống phòng thủ” vòng trong, vòng ngoài hiệu quả.

Trong khu vực đê bao chung, cứ 5- 7 hộ kết hợp làm đê bao riêng để trữ ngọt và hiện có gần 20 khu làm như vậy.

“Nhà nước đã đầu tư các hệ thống đê bao lớn, các cống lớn, người dân chủ động mương vườn trữ ngọt, lu chứa nước mưa nên có thể khẳng định nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống không thiếu trong 4 tháng mặn”- ông Hùng nói ý cuối cùng, vội vàng trở lại cuộc họp của ông đã huốt giờ, nhưng cũng kịp hướng dẫn chúng tôi đến “xã dừa An Định”.

Chúng tôi chạy theo anh Nguyễn Văn Đạt- cán bộ nông nghiệp xã An Định, đường đan dưới vườn dừa mát rượi cũng nhiều ngã quẹo phải, quẹo trái, mà nếu bị “thả giữa vườn dừa, mò tới tối chưa về tới nhà”, nhưng đã tới vườn nhà chú Nguyễn Thanh Vũ (chú Sáu, ấp Phú Đông 1, xã An Định)- một hộ xung phong trồng dừa hữu cơ.

Chú Sáu đãi chúng tôi nước dừa ngọt lịm, bánh tráng dừa nướng giòn thơm, nói chuyện 6 công dừa được trồng hữu cơ: “Vườn dừa tui 15 năm tuổi và đã chuyển hướng hữu cơ hơn 3 năm nay. Hữu cơ là sản xuất theo hướng sạch, an toàn, không phân thuốc hóa học.

Mỗi năm, tui bồi bùn một lần. Giữ cỏ trên liếp duy trì độ ẩm. Mương vườn trữ ngọt, 10 ngày tưới cây 1 lần.

Trồng dừa đạt chuẩn hữu cơ vườn dừa phải sạch, không gần chuồng trại chăn nuôi, tuyệt đối không sử dụng hóa chất hay phân vô cơ, mà chỉ bón hoàn toàn bằng phân chuồng. Bón phân hữu cơ đúng cách còn giúp đất vườn màu mỡ hơn”.

Vườn dừa được chú Sáu chăm bẵm kỹ lưỡng và cho trái to đều. Ra vườn dừa mới thấy, vườn dừa của chú Sáu khác xa các vườn dừa truyền thống khác.

Là do thường xuyên chăm sóc, đắp bờ, cắt cỏ gọn gàng, bơm nước tưới hợp lý nên vườn dừa của chú Sáu lúc nào cũng sạch đẹp và thoáng.

“Khi sử dụng phân chuồng ủ hoai, đất trồng có sự biến đổi rõ rệt, đất tơi xốp, giữ ẩm tốt, rễ dừa dễ dàng hút chất dinh dưỡng”- chú Sáu bảo đó là hiệu quả lâu dài cho đất. Còn thực tế, theo anh Nguyễn Văn Đạt, vườn dừa của chú Sáu được doanh nghiệp bao tiêu hoàn toàn và giá luôn cao hơn gấp đôi so với các vườn dừa khác.

Hướng tới những vườn dừa giá cao



Chú Cam thu hoạch dừa trong đê bao riêng khép kín vườn nhà.

Anh Nguyễn Văn Đạt cho rằng: “Trồng dừa hữu cơ lợi ích đủ đường, bởi không chỉ có bao tiêu giá ổn định, sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường mà còn bảo vệ độ phì nhiêu cho đất.

Đó là điều kiện quan trọng khuyến khích người trồng dừa chuyển đổi phương thức canh tác, nên hiện toàn xã đã có 30 tổ hợp tác dừa, với trên 120 hộ tham gia trồng dừa hướng hữu cơ”.

Điều đó cho thấy, cùng với các giải pháp thích ứng với hạn mặn mà người trồng dừa đã chủ động từ mấy chục năm qua, việc đáp ứng nhu cầu thị trường cũng là một thách thức mới.

Theo anh Đạt, trồng dừa hữu cơ là một hướng đi bền vững cho cây dừa. Có thể thấy, mô hình trồng dừa hữu cơ đã mang lại hiệu quả thiết thực, vì đã hướng người dân nông thôn áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hơn nữa, không còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như trước đây, người trồng dừa dần bước chân vào chuỗi liên kết sản xuất, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất- chế biến dừa.

Việc xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu để duy trì sự phát triển bền vững, tăng cường sức khỏe cho đất đai, vật nuôi, cây trồng và con người. Bởi, đây là cách để giữ gìn môi trường trong lành, giúp cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ cộng đồng và còn là một giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ nhận thức đó, đã cho thấy sự chủ động, thích nghi sáng tạo của nông dân trong quá trình sản xuất. Chúng tôi muốn nhắc lại câu chuyện “làm đê bao trữ ngọt, rất linh hoạt và độc đáo của chú Nguyễn Văn Cam ở ấp Phú Lợi Hạ (xã An Định).

Không còn lo thiếu nước tưới, đê bao chủ động còn giúp vườn dừa của chú Cam “Xanh tốt, trái to đều hơn những vườn khác, nhờ vậy mà năng suất cũng cao hơn, giá bán cũng cao hơn.

Dừa tui nước ngọt quanh năm nên trái to tròn, năng suất cao gấp 3 lần so với vườn khách. Trồng dừa coi như nông dân được lãnh “lương” dài dài”.

Và để được “lãnh lương dài dài”, để sống chung với hạn mặn, nông dân đã kết hợp ngăn mặn trữ ngọt, che đậy bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô,... để giảm bớt thoát hơi nước, tăng cường giữ ẩm cho cây.

Từ những chăm chút, định hướng phát triển cây dừa căn cơ như vậy, những vườn dừa giá cao không còn là mơ ước, mà đã được hiện thực hóa từ những cách làm đột phá, cách nghĩ sáng tạo của nhiều nông dân ở Mỏ Cày Nam.

Dừa là cây chủ lực của huyện Mỏ Cày Nam, với hơn 90% diện tích đất nông nghiệp trồng dừa. Bên cạnh cách trồng truyền thống, nhiều nông dân đã chuyển hướng trồng hữu cơ để có đầu ra, giá cả ổn định và cao hơn. Chẳng hạn, vườn dừa truyền thống bán giá 30.000 đ/chục, thì dừa hữu cơ luôn cao hơn từ gấp rưỡi, gấp đôi. Điều này đã khuyến khích nông dân đầu tư.

 
Trần Phước - Thảo Ly
Theo Vĩnh Long

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/qua-mo-cay-nam-di-duoi-vuon-dua-mat-ruoi-a15492.html