Chợ đông người mua bán từ lúc 2 giờ sáng
Phiên chợ sáng trên đỉnh Trường Sơn hình thành từ rất lâu và đã trở thành bản sắc riêng của những anh em dân tộc A Lưới. Chợ bắt đầu mở từ 2 giờ sáng, đến 6 giờ sáng thì tan. Các món hàng trong chợ được người dân gùi đi bộ từ những bản làng xa xôi đến trao đổi.
Đặc sản của phiên chợ là rau rón (một loại dương xỉ), măng, búp chuối rừng, xả, khoai, ngô... hay những con chim bắt được trong rừng. Tất cả đều là những món hàng còn rất “nguyên sơ” do những đồng bào dân tộc tìm được trong rừng sâu gùi xuống chợ bán.
Các món đặc sản rất “nguyên sơ” được người dân lấy trên rừng và hình ảnh chiếc gùi rất quen thuộc của đồng bào các dân tộc A Lưới khi đến chợ
Khách đến đây chủ yếu tìm mua những đặc sản vốn dĩ trên đỉnh Trường Sơn mới có. Người đi chợ ai ai củng “thủ” cho mình một chiếc đèn pin nhỏ, không đèn sẽ không mua được. Người bán ngồi bên hàng, chờ khách đến mua hàng rồi bán. Giá cả ở đây rất rẻ, nếu như hai buồng chuối dưới xuôi giá trên 100.000 nghìn thì đây chỉ bán với giá 40.000 nghìn, rau rơn chỉ bán 3 nghìn đồng/bó, tiêu rừng 7 nghìn đồng/ bó. Tại đây còn bán những tấm thổ cẩm do người dân đây làm ra hết sức độc đáo, riêng biệt.
“Chợ Phiên lúc trước họp ở vỉa hè và ở bến xe A Lưới, chúng tôi vận động bà con đến đây đầu năm 2014. Ở đây buôn bán thuận tiện và bà con đi đường cũng được an toàn hơn”, anh Trần Văn Lia, quản lý chợ cho biết.
Theo như tìm hiểu được biết người dân buôn bán tại chợ đều phải đóng 2 - 3 nghìn đồng đó là phí dọn vệ sinh môi trường và đóng tiền điện.
Bắt gặp nhiều hình ảnh các bà, các dì gùi hàng vào chợ bán, đó là hình ảnh đặc trưng cho người dân nơi đây. Giữa họ không hề có một chút phân biệt dù mỗi dân tộc khác nhau mang bản sắc khác nhau. Dù chợ ở đây nhỏ nhưng buôn bán đầy đủ tất cả các mặt hàng từ hàng thịt, hàng cá, rau củ đến thức ăn sáng. Khách du lịch khi đi qua A Lưới không ai không mang dấu ấn trong lòng về phiên chợ này.
Họp chợ phiên đã gắn liền với những dân tôc nơi đây như một món ăn tình thần không thể thiếu. Có lẽ, đây không phải là nơi buôn bán trao đổi giữa bà con nơi đây mà còn là nơi để gặp gỡ hỏi thăm lẫn nhau.
Sơn Phước