Nghề hầm than - Làm công “3 không”

Không ký hợp đồng lao động, không có bảo hộ lao động, không nghỉ lễ… Đó là hoàn cảnh của nhiều lao động (LĐ) làm việc tại các lò hầm than củi ở tỉnh Hậu Giang.

Cả đời cúi mặt làm than

Xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang là nơi tập trung nhiều lò hầm than củi quy mô nhất miền Tây, với khoảng 650 lò đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 LĐ của xã và khoảng 1.000 LĐ ở các địa phương khác, với thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 4 triệu đồng/người.



 
Quyền lợi của LĐ tại các lò hầm than ở ấp Phú Tân A, xã Phú Tân chưa được quan tâm. HUỲNH XÂY

Theo tìm hiểu của PV NTNN, vì cần tiền trang trải cuộc sống gia đình, hàng nghìn LĐ ở xã Phú Tân phải bám lấy làng nghề hầm than, chấp nhận sống chung với môi trường ô nhiễm và không được hưởng một chế độ nào.

Chị Phạm Thị Thúy, ngụ ấp Phú Tân, xã Phú Tân, chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 người thì đều làm trong lò hầm than gần 30 năm nay, đây là nghề chính của cả gia đình. Nếu vào lúc đông ken, làm suốt thì mỗi người kiếm cũng được khoảng 100.000 đồng/ngày. Làm trong lò hầm than này khói bụi dữ lắm, nếu người không quen làm không nổi đâu. 30 năm nay chúng tôi làm quen rồi, cứ cúi mặt mà làm thôi”.

“Tôi làm công ở đây 9 năm rồi nhưng không có ký hợp đồng, không được chủ mua bảo hiểm, cũng không biết ngày lễ là gì. Trung bình mỗi ngày, tôi làm được khoảng 150.000 đồng, số tiền này tôi dùng để nuôi đứa con 12 tuổi học lớp 5 và người chồng đang bị bệnh nặng” - chị Hồ Thị Mỹ Thanh, ngụ ở ấp Phú Tân A, xã Phú Tân bộc bạch.

Chị Thanh cho biết thêm, việc làm hầm than không kén chọn người làm hay trình độ, miễn ai có nhu cầu thì chủ cơ sở sẽ nhận và bố trí ở một vị trí phù hợp như vận chuyển cây đến lò đốt, cưa cây, canh lửa lò đốt than…Tuy nhiên, đây là công việc rất nặng nhọc và đòi hỏi người làm phải chịu sống chung với khói bụi bao trùm.

Cũng như chị Thanh, chị Lê Thị Mỹ Lệ, ngụ ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân cũng đã làm nghề hầm than nhiều năm liền nhưng chưa từng nghỉ lễ và cũng không biết mình có thuộc diện được chủ cơ sở mua bảo hiểm xã hội hay không. Chị Lệ cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu công việc của chủ cơ sở hầm than cũng như để có tiền lo cho cuộc sống gia đình vợ chồng tôi làm cả thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ”.

Bỏ mặc quyền lợi người lao động

Tình trạng ô nhiễm tại các lò hầm than đang ở mức báo động, tuy nhiên hiện vẫn chưa có quy định nào về các bảo hộ cho người LĐ Điều đáng nói hơn là bản thân người LĐ thật sự cũng chưa quan tâm hoặc thiếu hiếu biết về vấn đề này.

“Do làm quen rồi nên có lúc thì đeo khẩu trang, có lúc cũng không đeo. Không chỉ riêng tôi mà hầu hết mọi người ở đây cũng vậy, làm riết thì quen thôi. Với tụi tôi thì mấy dịp lễ có cũng như không thôi, nhận được lò để làm thì mừng chứ ở đó mà lo nghỉ lễ gì. Tụi tôi làm đâu có bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp gì, cũng không có BHYT vì mình làm công, dạng lao động tay chân mà” – ông Lê Văn Hảo làm việc cho lò hầm than ở xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy) bộc bạch.

Khi chúng tôi hỏi sao không có ký hợp đồng với những LĐ lâu năm ở đây thì anh Võ Văn Thức, chủ một cơ sở hầm than ấp Phú Tân A cho rằng: “Những LĐ ở đây là người quen trong xã nên chỉ thỏa thuận với nhau qua lời nói, tiền công thì tính theo ngày (từ 150.000-200.000 đồng/người tùy theo công việc). Do làm ăn không có lời nên gia đình tôi không mua BHYT, BHXH cho các LĐ”.

Còn anh Nguyễn Văn Chiến - một thương lái mua bán than ở ấp Phú Tân A thì cho biết: Mỗi ngày anh thuê khoảng 14 LĐ để vận chuyển than đi tiêu thụ ở TP.Cần Thơ, TP.HCM và xuất đi Đài Loan. “Chúng tôi thuê những lao động làm nhiều năm rồi nhưng không biết là phải ký hợp đồng, mua bảo hiểm cho họ. Giá than bán thấp quá, tiền thu lại chỉ đủ trả công LĐ, lấy tiền đâu mua bảo hiểm. Còn việc nghỉ lễ thì khó quá, họ nghỉ thì lấy ai giao hàng cho khách” – anh Chiến nói.

Vấn đề LĐ làm việc dạng “3 không” này chính quyền địa phương có biết nhưng cũng không thể giải quyết. Ông Trần Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND xã Phú Tân nhấn mạnh: “Những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng than ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân.Tại các lò này thì cũng chưa có quy định nào buộc các chủ lò thực hiện BHXH và tai nạn nghề nghiệp cho LĐ. Địa phương cũng không được phân cấp kiểm tra việc thực hiện các chính sách về LĐ nên không thể giải quyết”.

Theo Dân Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-ham-than-lam-cong-3-khong-a1547.html