Củ Chi - “Ðất thép thành đồng”

Ðịa đạo Củ Chi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt trong lịch sử đấu tranh giữ nước của nhân dân Việt Nam, không chỉ được ví như một huyền thoại của thế kỷ XX, mà còn trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới với trên 200km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất.

Nằm cách TP. Hồ Chí Minh gần 70km về hướng Tây Bắc, Ðịa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân ta trong những năm chiến tranh khốc liệt. Từng là vùng tự do huỷ diệt của Mỹ ngụy “Gạt vỏ đạn miếng bom mới thấy đất”, nhưng Củ Chi hôm nay xanh đến ngẩn ngơ bởi màu xanh của những cánh đồng lúa, vườn rau và những cánh rừng cao su bát ngát dọc hai bên đường dẫn về khu Ðịa đạo. Ðó là minh chứng rõ nhất cho thấy sự sống đang từng ngày hồi sinh trên mảnh đất của một thời máu lửa.



Mô hình thể hiện cảnh trai gái hăng hái tòng quân đánh giặc.

Căn cứ địa dưới lòng đất

Ðược xây dựng dưới những tán cây rừng, Ðịa đạo Củ Chi vừa là căn cứ địa vững chắc của Khu uỷ Quân khu Bộ tư lệnh Sài Gòn - Gia Ðịnh của Huyện uỷ và nhân dân Củ Chi, vừa là thế trận đánh giặc có một không hai trên thế giới, rất độc đáo, linh hoạt và biến hoá khôn lường.

“Công trình” được thiết kế độc đáo với hệ thống đường hầm được đào sâu trong lòng đất bao gồm nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như những mạng nhện chằng chịt có tổng chiều dài lên đến hàng trăm km. Trong hầm có đầy đủ cả nơi ăn chốn ở, nơi hội họp, nơi chỉ huy chiến đấu… và cũng được chia thành từng phòng chức năng như: Hầm y tế, phòng ăn, sản suất, trạm quân y, hầm văn hóa giải trí, giếng nước…

Ðộc đáo và ấn tượng hơn cả vẫn là bếp ăn Hoàng Cầm, được thiết kế rất khéo léo giúp cho khói bếp được lọc qua nhiều lớp để đến khi thoát ra bên ngoài chỉ còn là một làn khói bay là là mặt đất khiến cho máy bay địch từ trên cao không thể nào phát hiện ra. Rời bếp Hoàng Cầm, du khách sẽ được thưởng thức món khoai mì chấm muối mè thơm phức, đậm chất dân dã - món ăn chủ yếu của quân và dân nơi đây trong suốt những năm trường kỳ kháng chiến.

Sau khi tham quan xong Ðịa đạo, thăm đền Bến Dược, ngắm nhìn cổng tam quan, nhà văn bia, toà tháp 9 tầng và ngôi điện chính có đặt 632 tấm đá hoa cương khắc tên 44.357 người con của Tổ quốc Việt Nam đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên chiến trường Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh.



 
Nắp hầm địa đạo.

Nơi giáo dục truyền thống yêu nước của các thế hệ người Việt Nam

Ðược tận mắt chứng kiến và tham quan những công trình trong lòng đất, du khách sẽ có những cảm nhận rõ ràng hơn về cuộc sống đầy gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh; không thể không cảm phục và tự hào trước sự thông minh, sáng tạo và lòng dũng cảm, kiên cường của những người con nơi “Ðất thép thành đồng” Củ Chi. Ðây cũng là biểu tượng của nghệ thuật quân sự độc đáo của chiến tranh nhân dân. Dựa vào hệ thống đường ngầm, các công sự, chiến hào, chiến sĩ và đồng bào Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.

Hàng chục năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, hôm nay người dân Củ Chi đã được sống dưới một bầu trời hoà bình, tự do, nhưng những di tích lịch sử hùng tráng vẫn còn đó như nhắc nhở những thế hệ mai sau nhớ đến quá khứ oanh liệt của một vùng đất, của những con người gan dạ, bền bỉ và kiên cường. Chính vì lẽ đó mà khu di tích này không những đã trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn, lý thú và quen thuộc mà còn là trường học lớn để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử đánh giặc oai hùng của cha ông ta, tiếp tục “tiếp lửa” truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Quốc Khoa
Theo Làng Việt Online

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cu-chi-dat-thep-thanh-dong-a1545.html