Trong đó, những dấu vết liên quan đến truyền thuyết về các vị tiên vẫn hiện hữu đến ngày nay, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách gần xa.
Trong thời kỳ khai sơn phá thạch, nhiều bậc cao nhân tìm đến vùng Bảy Núi để tu tập, an định tinh thần và tìm cảnh giới thoát tục. Có lẽ, họ là lớp người đầu tiên góp phần hình thành nên các huyền thoại dân gian liên quan đến những vị tiên thông qua các dấu tích kỳ lạ. Những dấu tích đó thường gợi cho người nghe cảm giác tò mò, thích thú và muốn tận mắt chứng kiến sự kỳ thú của thiên nhiên. Đó là cách gọi “sân tiên”, “giếng tiên” hay “bàn chân tiên” nằm trên các ngọn núi tại An Giang.
Nếu hỏi về sân tiên, người ta dễ dàng hình dung đó là nơi cao ráo, có vị trí đắc địa trên một ngọn núi. Sân tiên thường có địa hình thoáng đãng, là nơi giao thoa của đất trời, là nơi mà thuở xưa các vị tiên hay xuống dạo chơi, uống rượu, đánh cờ. Tất nhiên, sân tiên cũng là địa điểm thờ cúng linh thiêng trong tín ngưỡng của người dân và họ thường chọn nơi này là điểm đến để tận hưởng cảm giác hòa mình vào thiên nhiên. Hầu như các núi đều có sân tiên nhưng riêng Thủy Đài Sơn (thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn) là nơi có sân tiên thấp nhất, với độ cao chừng 50m so mặt ruộng ở đồng bằng. Dù không thực sự hùng vĩ, nhưng cảm giác ngồi trên sân tiên của Thủy Đài Sơn để tận hưởng những cơn gió đồng mát rượi và lắng nghe thiên nhiên mang đến cảm giác thư thái, nhẹ nhàng.
Cận cảnh núm đá tương truyền là mộ tiên
Ở khu vực sân tiên của Thủy Đài Sơn còn có dấu vết “mộ tiên”. Ông Lê Văn Đèo (người phụ trách trông coi Linh Bửu tự tại Thủy Đài Sơn) giải thích: “Đó là huyền thoại dân gian. Thực tế “mộ tiên” chỉ là một… núm đá nhỏ cỡ 2 bàn tay có hình giống ngôi mộ. Tuy nhiên, vì nằm trên đỉnh của một tảng đá nên người dân truyền tai nhau và tự lập bàn thờ cúng. Rất nhiều người đến hương khói cho ngôi “mộ tiên” này mỗi khi ghé thắp hương tại Linh Bửu tự”.
Bên cạnh sân tiên, mộ tiên, khách hành hương cũng hay nhắc đến bàn chân tiên trên các núi. Có thể là sự tình cờ của tạo hóa hoặc ý định siêu nhiên nào đó mà nhiều hình dạng hao hao bàn chân người xuất hiện trên đá ở khắp các ngọn núi tại An Giang. Với bàn chân tiên trên núi Cô Tô hay núi Cấm thì kích cỡ khá lớn và giống dấu giày hơn là bàn chân. Trong khi đó, bàn chân tiên trên núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) lại tương đồng với bàn chân người.
Bàn chân tiên trên núi Ba Thê
Được tiếp cận bàn chân tiên trên núi Ba Thê thực sự mang đến cảm giác thú vị. Trên một tảng đá lớn trong khuôn viên Sơn Tiên tự, dấu chân in rõ mồn một. Theo quan sát của chúng tôi, đây là một bàn chân trái với hình dạng các ngón khá rõ ràng, tựa hồ dấu chân người giẫm lên mặt đất bùn sau cơn mưa. Quả thật, khi đứng trước sự trùng hợp kỳ lạ của thiên nhiên khiến nhiều người cảm thấy tin tưởng vào một thế lực siêu nhiên nào đó. Một số người cố gắng ướm bàn chân của mình vào bàn chân tiên, thậm chí họ còn cầu nguyện điều gì đó cho gia đình và bản thân.
Ngoài bàn chân tiên, khách hành hương còn nghe đến cách gọi “giếng tiên” ở vùng Bảy Núi. Trong đó 5 giếng tiên trên đỉnh Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng) tại xã An Phú (Tịnh Biên) là nơi thu hút đông đảo khách hành hương nhất. Chị Phạm Thị Yến, người dân sống trên núi, cho biết: “Chuyện về 5 giếng tiên này có từ đời ông, đời bà tui truyền lại. Người ta nói rằng, nước trong 5 giếng này chưa bao giờ vực xuống dù trên núi có khô đến đâu. Khách hành hương truyền tai nhau là nước trong các giếng này có thể chữa bệnh, nên nhiều người đến đây mang một ít về. Không biết tác dụng ra sao nhưng thấy họ quay lại trả lễ rất hậu”.
Các giếng tiên trên đỉnh Ngũ Hồ Sơn
Qua tiếp cận, chúng tôi thấy hình dạng và kích cỡ các giếng tiên trên đỉnh Ngũ Hồ Sơn không đều nhau. Tuy nhiên, lượng nước trong các giếng lúc nào cũng đầy dù đang trong cao điểm mùa khô. Vì yếu tố tâm linh nên chúng tôi không thể kiểm chứng độ sâu cũng như khả năng trị bệnh của nước giếng tiên. “Cao điểm mùa hành hương có những đoàn khách đông hàng trăm người đến đây cúng bái. Thỉnh thoảng có người lên đây dọn dẹp vệ sinh, tạo điều kiện để khách hành hương đến với các giếng tiên này” - chị Yến thật tình.
Mang trong mình huyền thoại kỳ bí, những “dấu tiên” trên núi thu hút đông đảo du khách thập phương với niềm tin mãnh liệt vào sự che chở của đấng siêu nhiên trong cuộc sống. Đây là một phần của hoạt động tâm linh, góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hóa dân gian, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo người dân. Vì vậy, nếu có điều kiện bạn hãy thử một lần tiếp cận các “dấu tiên” trên núi tại An Giang để hiểu thêm về những huyền thoại kỳ bí này.
MIinh Quân
Theo An Giang