Ðó là hình ảnh người dân ở Long Xuyên thường thấy trên những con đường loang lổ. Hơn 6 năm qua, công việc ấy được ông Long lặp đi lặp lại để góp phần làm những con đường thêm phẳng phiu, bền đẹp.
Ông Long vá một ổ gà trong con hẻm gần nhà.
Quy trình thảm nhựa ngược
Căn nhà nhỏ của ông Cao Văn Long, 76 tuổi, trong con hẻm ở khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên, TP Long Xuyên, An Giang, trông khá bề bộn. Trước sân là bê tông nhựa, đá và cả dụng cụ vá đường cùng chiếc xe đạp "cà tàng" mà ông Long sử dụng để ngày ngày chở dụng cụ đi vá đường.
Hôm chúng tôi đến cũng là lúc ông chuẩn bị dụng cụ vá chỗ bong tróc của con hẻm gần nhà. Tay vừa gom mớ bê tông nhựa vào giỏ, ông Long kể, cả đời ông làm nông dân để nuôi 3 con trưởng thành, có cuộc sống ổn định. Sau đó, ông cùng gia đình chuyển về phường Mỹ Xuyên sinh sống nên không còn làm ruộng. Tuổi cao, lại quen làm việc nên ông cứ bứt rứt vì... rảnh rỗi. Rồi trong một lần đi ngang một chiếc cầu ở Long Xuyên, thấy công nhân ủi bỏ phần bê tông nhựa bị bong tróc, ông tiếc và nảy ra ý định xin chúng về vá các ổ gà của con hẻm gần nhà.
Sau khi xin được phần bê tông nhựa, ông mang đến đổ vào những nơi bong tróc nhưng rồi vài hôm sau chúng lại như cũ. "Ý định vậy nhưng lúc này khó quá. Vấn đề là làm sao cho phần bê tông nhựa kết dính thêm lần nữa. Tôi tìm nhiều phương án nhưng không có cách nào khả thi. Nhiều lúc nản, định bỏ cuộc nhưng khi thấy đường, hẻm hư hỏng, bà con đi lại khó khăn, tôi quyết tâm làm cho bằng được"- ông Long kể.
Theo ông Long, vá đường bằng bê tông thì có người làm nhưng nhanh bong tróc nên không thể dùng vật liệu này. “Tôi cũng từng thử vá bằng bê tông nhưng chẳng bao lâu lại hư, phải tìm vật liệu gì đó làm cho nó bền hơn. Các tuyến đường chính dùng bê tông nhựa nóng thảm rất bền nhưng làm sao đủ tiền mua. Vậy là phải xử lý phần bê tông nhựa tưởng bỏ đi bằng cách làm tan chảy rồi thảm trở lại”- ông Long chia sẻ.
Sau nhiều đêm suy nghĩ rồi thử, cuối cùng quy trình thảm nhựa ngược được ông Long cho ra đời và đến nay vẫn tâm đắc. Ông Long cho biết: “Khi hiểu nguyên lý thì cũng đơn giản. Nhựa đã kết dính, giờ mình chịu khó đập nhỏ ra, sau đó cho dầu lửa vào ủ 4 - 5 giờ thì chúng chảy ra. Khi vá, cần làm sạch bụi bám chỗ cần vá, cho ít dầu lên rồi thảm nhựa, dùng vật nặng lèn. Cứ thế, nắng nóng chúng sẽ kết dính bền chặt như cũ”.
Nói thì đơn giản nhưng với cụ ông trên 70 tuổi là cả vấn đề. Ông kể những ngày đầu phải đi tìm phế phẩm bê tông nhựa đường cũng rất gian nan. Ở đâu có cắt đường dỡ bỏ bề mặt bê tông nhựa và cả những công trình mới còn dư, ông đều tìm đến xin về dự trữ. Với chiếc xe đạp cà tàng, ông chỉ có thể chở được 3 túi xách nhỏ, nên khi thấy vừa đủ số lượng, ông máng chúng lên xe chở về nhà. Như vậy, bằng những lớp bê tông nhựa phế thải, dầu lửa cùng đôi bàn tay chai sần và sức nặng của viên đá to bằng bàn tay, ông Long đã làm những ổ gà to nhỏ trên đường biến mất trong vài chục phút.
“Dầu lửa và độ nóng của ánh mặt trời sẽ làm tan chảy nhựa, sau đó giúp chúng kết dính với nhau. Xe chạy ngang qua càng làm chúng bị nén lại, chắc chắn hơn. Vài giờ sau, mặt đường sẽ được bằng phẳng hơn trước, không còn sợ xe vấp ổ gà nữa”- ông Long chia sẻ.
Cứ thế, hơn 6 năm qua, trừ ngày mưa, ông dùng quãng thời gian rảnh rỗi của mình vào việc xóa ổ gà. Lúc đầu, ông vá những con đường gia đình mình hay đi; sau đó mở rộng dần phạm vi hoạt động. Ông thường đi rảo qua những tuyến đường, hẻm, khi thấy “ổ gà” nằm trong khả năng sức khỏe cho phép là ông liền ra tay xóa chúng. Bằng một quy trình ngược lại với thảm bê tông nhựa của ngành chuyên môn, ông Long đã giúp nhiều tuyến đường, hẻm ở Long Xuyên trở nên phẳng phiu, sạch đẹp.
Còn sức, còn giúp ích cho đời
Chính nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng thời gian qua mà ông Long đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khen ngợi.
Trong lá thư cảm ơn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể viết: “Dù tuổi đã cao, nhưng 5-6 năm nay, ông vẫn một mình cùng chiếc xe đạp, lỉnh kỉnh túi xách nhựa đường đi vá từng “ổ gà” trên các tuyến đường lớn, nhỏ ở TP Long Xuyên, để có những con đường phẳng phiu cho người dân đi lại êm thuận, an toàn... Thay mặt ngành giao thông - vận tải, Bộ trưởng trân trọng cảm ơn ông về việc làm nhân văn và đầy ý nghĩa này. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách dành cho duy tu, sửa chữa, nâng cấp và xây mới các con đường từ Trung ương và địa phương của nước ta còn nhiều hạn chế, việc làm của ông đã được cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong ngành giao thông - vận tải trân trọng ghi nhận, biểu dương. Việc làm, nghĩa cử cao đẹp nêu trên của ông là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo”.
Ông Long tâm sự có những lúc ông mệt mỏi định bỏ cuộc nhưng chính lời động viên của người đứng đầu ngành giao thông rồi bà con xung quanh giúp ông như có thêm sức mạnh để tiếp tục giúp ích cho đời. Còn sức lao động, thấy việc gì có ích cho người khác thì ông sẵn lòng làm, coi như vận động và tập thể dục. "Được cái gia đình tôi ai cũng luôn ủng hộ việc này, không hề ngăn cản. Còn bà con xung quanh thì cho tôi dầu lửa, hoặc hỏi thăm cách làm để họ về tự làm, hoặc đơn giản là gửi lời cảm ơn cũng thấy ấm lòng"- ông Long nói.
Lau vội vệt mồ hôi trên trán, tay thu dọn đồ nghề treo trên chiếc xe đạp, ông Long về nhà sau một buổi mệt nhọc làm việc nghĩa và có thêm đoạn đường lành lặn, bớt đi mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông. “Tôi tin rằng việc làm tuy nhỏ nhưng sẽ khích lệ nhiều người cùng chung tay làm việc tốt. Tương lai, đường sá được đầu tư xây dựng nhiều hơn, khang trang hơn, có khi không còn chỗ hư để tôi vá. Nhưng tôi vẫn sẽ tìm việc tốt để làm, đến khi nào không còn sức nữa mới thôi”- ông Long quả quyết.
Bình Nguyên
Theo Cần Thơ