Chầm - riêng Ch’pay, nghệ thuật diễn tấu độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ

Chầm - riêng ch’pay là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đã có từ lâu đời và phổ biến trong các phum sóc của đồng bào Khmer Nam Bộ trước đây, nay, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhưng loại hình này đang có nguy cơ mai một, bởi tính chung toàn Nam Bộ hiện nay, những người biết chơi chầm - riêng ch’pay còn rất ít, có thể nói chỉ đếm đủ đầu ngón tay của một bàn tay! Thật vậy, ngoài 2 nghệ nhân ở miền núi Tri Tôn, An Giang, 3 tỉnh “miệt Dưới” là Sóc Trăng, Bạc Liêu và Trà Vinh, mỗi nơi chỉ có 1 người, hầu hết đều đã lớn tuổi, không có người kế thừa! Chính vì thế việc đào tạo thế hệ kế cận để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là rất cần kíp.

Trong tinh thần đó, vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã phối hợp với UBND huyện Tri Tôn tổ chức lớp truyền dạy đàn Ch’pay cho một số thanh niên Khmer có năng khiếu và đam mê nghệ thuật trong 2 tháng (từ 12 - 6 đến 12 - 8 - 2014). Tuy thời gian theo học ngắn ngủi, nhưng nhờ được sự hướng dẫn tận tình của nghệ nhân Chau Nưng (và Chau Hunh), cả 6 học viên đều lĩnh hội rất tốt nhạc lý cơ bản, cách bấm phím, đánh đàn, luyến láy theo điệu nhạc. Học viên nào cũng vừa đàn vừa hát rất nhuần nhuyễn các điệu lý đặc trưng quen thuộc của đồng bào ở vùng Bảy Núi như điệu Phách - chơi, điệu Phai - phách, điệu Chòm - pôn…, kể cả những bài do nghệ nhân Chau Nưng sáng tác. Nói chung, họ hoàn toàn có đủ tự tin khi biểu diễn những tiết mục văn nghệ bằng cây đàn Ch’pay – nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình (người Khmer “Miệt Dưới” – Trà Vinh, Sóc Trăng gọi là đàn Trà bây đon vêng).

Đặc biệt, học viên Chau Thu Hà (hiện là cán bộ phụ trách Tư pháp xã, năm nay 30 tuổi) còn tự sáng tác một số ca khúc mới, được chọn biểu diễn trong buổi tổng kết lớp. Hôm ấy, không chỉ các thầy dạy, mà các lãnh đạo và các vị khách dự đều hết lời tán dương, tin tưởng. 

Được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang và UBND huyện Tri Tôn tạo điều kiện, chúng tôi có dịp đến thăm lão nghệ nhân Chau Nưng, ở ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông tỏ ra rất vui mừng khi thấy chính quyền địa phương và anh chị em văn nghệ sĩ đã thể hiện sự quan tâm loại hình nghệ thuật này, nên mặc dù sức khỏe kém (cả tay chân bị cứng và run, không đàn được, đi lại cũng rất khó khăn) nhưng cũng đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu về loại hình nghệ thuật diễn tấu độc đáo này.

Được sự giới thiệu của thầy, anh Chau Thu Hà đã hào hứng diễn tấu một màn “chầm - riêng ch’pay”. Anh vừa đàn từng đoạn nhạc (bản “Phát chiêy”) vừa ngẫu hứng hát ứng tác bằng tiếng dân tộc, nội dung giới thiệu loại hình nghệ thuật chầm - riêng ch’pay của người Khmer bằng giọng điệu rất sôi nổi, tự hào và dồn dập. 

Trao đổi về thang âm điệu thức, anh Chau Thu Hà cho biết, chầm - riêng có nghĩa là ca hát theo lối kể chuyện; ch’pay tức là cây đàn ch’pay. Loại hình này, nói một cách chung nhất là không khó cả về đàn, ca và sáng tác. Nó không khác mấy so với những điệu lý của người Việt Nam Bộ, tức cũng chân tình, mộc mạc, cũng nhấn nhá, và cũng có điệp khúc. Nếu điệu lý thường là những câu ngắn, có vần “như thơ” thì câu hát của chầm - riêng có dài hơn, “như văn xuôi” nhưng lời tất nhiên vẫn “có nhạc”. Tác giả các bài hát đều do người bình dân sáng tác theo lối kể chuyện, mượn âm nhạc mà gửi gắm nội dung ca ngợi tình yêu đất nước quê hương, tình yêu đôi lứa, đặc biệt là về đối nhân xử thế, để nhằm tạo cuộc sống tinh thần tốt đẹp hơn, nên dễ đi vào lòng người. Vì vậy có thể nói “ai cũng sáng tác được”, như bà con nông dân người Việt gieo những vần ca dao dân ca, hoặc ngẫu hứng sáng tác bài ca vọng cổ vậy. 

Đối với những người vừa qua lớp đào tạo căn bản, ông Trần Thế Vinh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Tri Tôn cho biết, sắp tới Hội sẽ tạo mọi điều kiện có thể, để giúp những hạt nhân nòng cốt này nâng cao tay nghề, nối chí nghệ nhân Chau Nưng đẩy mạnh công tác  truyền dạy, cũng như hướng dẫn các thế hệ Khmer biết trân trọng và lưu giữ giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Vậy là từ nay trong các lễ hội, sinh hoạt văn nghệ truyền thống của bà con Khmer, nghệ thuật diễn tấu dân gian chầm - riêng ch’pay sẽ được lồng ghép cho những màn hát múa “à day” - song ca nam nữ đối đáp sẽ sinh động hơn, hấp dẫn hơn.

Nguyễn Hữu Hiệp

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cham-rieng-chpay-nghe-thuat-dien-tau-doc-dao-cua-dong-bao-khmer-nam-bo-a1538.html