Lễ hội Đền Cuông: Nẻo về nguồn cội!

Hàng năm, vào những ngày này, du khách thập phương lại trở về với mảnh đất nghìn năm văn hiến Hoan Châu, nơi lưu giữ một phần cội nguồn dân tộc - đền thờ Thục An Dương Vương trên núi Mộ Dạ (xã Diễn An, huyện Diễn Châu). Về với đền Cuông là nẻo về nguồn cội, về với nguồn sống của con dân người Việt.

z4156123803507-995b37d8ebf78932b8f9071775daafe3-1677942055.jpg

Lễ hội khai mạc vào ngày 18/3 (13/2 âm lịch) và kéo dài trong 4 ngày với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương tham gia.

Thuở ban đầu, di tích được xây dựng tại cửa Hiền (một cửa biển, nay thuộc xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Tương truyền đó là nơi Thục An Dương Vương và con gái Mỵ Châu cùng đường, tự vẫn. Đến thời Lê, di tích được chuyển về dựng trên sườn núi Mộ Dạ (nay thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An) - cách cửa Hiền độ 3km về phía Nam. Dãy núi này nguyên xưa có tên là núi Hạc, cảnh quan rất đẹp, đã được người xưa liệt vào “Đông Thành bát cảnh”, tức là một trong 8 cảnh đẹp của đất Đông Thành.

Dân gian truyền tụng rằng: Sau khi vua Thục mất, mỗi khi màn đêm buông xuống, trên núi Hạc có những đốm lửa to cứ lập lòe tỏa sáng. Dân quanh vùng cho rằng những đốm lửa đó, chính là linh hồn vua Thục đời về ngự trên núi, nên đã lập miếu, rước bài vị vua Thục và Mỵ Châu về thờ trên núi Hạc và tên gọi Mộ Dạ sơn (Núi Chiều Tối) có từ đó. Nhưng thuở ấy Mộ Dạ sơn có rất nhiều chim công sinh sống, đặc biệt là thế núi Mộ Dạ trống xa tựa như một con chim công khổng lồ đang giang cánh, xòe đuôi múa, mà đền lại nằm ở vị trí có dáng đầu con chim công, vì vậy dân quanh vùng thường gọi ngôi đền theo đặc điểm của địa danh là đền Công, tiếng địa phương, nói chệch ra là đền Cuông.

Hiện đền Cuông có các kiến trúc chính sau: Cổng đền và hệ thống tường giác, nhà voi ngựa. Nhà bia (dựng năm 1864), văn bia do tiến sĩ Phạm Huy Lượng soạn, nói về công tích Thục An Dương Vương và việc thờ phụng. Tam quan xây kiểu chồng diêm 8 mái. Hạ điện: xây dựng 1864. Trung điện: xây dựng 1864. Thượng điện: Được xây dựng ở thời Lê, đến 1897 được tu bổ, xây dựng lại. Tả, hữu vu: xây dựng 1950. Nhìn chung đây là một công trình kiến trúc cổ có quy mô đồ sộ, cấu trúc độc đáo, xây cất trang trí công phu. Tại đây hiện còn lưu giữ được một số đồ tế khí quý như bia đá, sắc phong, long ngai hiệu bụt, tượng, kiệu, đại tự… Năm 1975, đền Cuông đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật.

Trong những ngày diễn ra lễ hội (từ 13 đến hết ngày 16 Âm lịch) xung quanh khu vực dưới chân núi Mộ Dạ, sân hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham dự. Phần lễ của Lễ hội Đền Cuông gồm: lễ khai quang, lễ trung thiên, lễ yết, lễ đại và lễ tạ. Ngoài ra còn có thêm lễ túc trực. Khi tham gia lễ, các vị trong ban hành lễ mặc lễ phục theo quy định.

Lễ hội Đền Cuông thực sự trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân Diễn Châu nói riêng và du khách thập phương nói chung. Về đây, du khách được hòa mình với Cửa Hiền thơ mộng - hồ Xuân Dương êm mát - Khu Du lịch biển Diễn Thành, chùa Cổ Am - Hổ Linh Sơn - lèn Hai Vai soi bóng dưới sông Bùng; ghé thăm các danh thắng trên địa bàn Diễn Châu để hiểu thêm tình đất, tình người, nơi có lịch sử hơn 1.380 năm văn hiến, để cùng nhau suy ngẫm và nhắc nhau hãy gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa.

Theo truyền thuyết, An Dương Vương có tên là Thục Phán, là hậu duệ 18 đời của Vua Hùng, là người có sức khỏe phi thường, thông minh mưu lược. Thục Phán có công lớn trong việc đoàn kết các bộ lạc phía Bắc nước ta đánh tan quân xâm lược nhà Tần. Trong lễ khải hoàn ca,Thục Phán được tôn vinh lên ngôi Vua, lấy hiệu An Dương Vương và đổi tên nước thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì được 50 năm (từ 257 - 208 TCN).

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-hoi-den-cuong-neo-ve-nguon-coi-a15266.html