Bia Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó - hiểu thêm trang sử hào hùng

Trên bản đồ du lịch Vĩnh Long, có những di tích ghi đậm dấu ấn của các bậc tiền nhân thuở xưa đi mở cõi về vùng đất phương Nam và những di tích ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân ta.

Về Trà Ôn hôm nay, cùng với những trải nghiệm nơi sông nước hữu tình, thăm Di tích lịch sử- văn hóa Bia Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó (ấp Khu Phố, xã Hựu Thành) để hiểu hơn về trang sử hào hùng được viết trên quê hương Vĩnh Long.
 


Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh cho đại diện xã Hựu Thành.

Nơi ghi dấu chiến công anh hùng

Cái tên Thầy Phó được gọi theo chức vụ của ông Nguyễn Hữu Tình- thầy thuốc Nam có uy tín và được nhân dân yêu quý nên ông được giữ chức Phó Cai tổng của Tổng Thành Trị.

Ông là người có công lập chợ, đứng ra tập hợp người dân xây dựng. Vì vậy, ngôi chợ này cũng được người dân đặt tên chợ Thầy Phó để nhớ ơn ông.

Hiện trong dân gian còn lưu giữ câu ca dao ghi nhớ địa danh này: “Chợ Ngã Năm (Sài Gòn) bán chó, chợ Thầy Phó (Trà Ôn) bán heo/ Thương em, anh giang xuồng lên xuống, lúc nghỉ lúc chèo/ Cả ngày đường xa mưa nắng/ Em chê phận anh nghèo, thiệt khổ tấm thân anh”.

Thầy Phó rất khẳng khái, thanh liêm nên được dân kính trọng, danh tiếng lưu truyền đến tận bây giờ. Tuy địa danh Thầy Phó không còn hiện hữu trên bản đồ địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Long nhưng đối với người dân Hựu Thành, đây là cái tên “khắc cốt ghi tâm” để tự hào về tình đất, tình người ở mảnh đất anh hùng làm nên những chiến thắng vẻ vang cho lịch sử đấu tranh cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Yếu khu Thầy Phó là cứ điểm chiến lược quan trọng của địch.

Nơi đây ghi nhiều chiến công của quân và dân ta, trong đó có chiến thắng ngày 10/1/1975 của Trung đoàn 3 đã góp phần tạo thế và lực cho Quân khu 9 bước vào Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Văn Trẩm- nguyên Đại đội trưởng Đại đội 58- Tiểu đoàn 306, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 3 cho biết: Yếu khu Thầy Phó được Tiểu khu Vĩnh Long của chính quyền Sài Gòn sử dụng làm bàn đạp hành quân để giành dân, chiếm đất, bắt lính bổ sung lực lượng.

Đây cũng là nơi họ triển khai các cuộc hành quân bắn phá vào vùng căn cứ cách mạng để khống chế và ngăn chặn từ xa các đòn tấn công của quân giải phóng.

Yếu khu này còn là một “mắt xích” trong hệ thống đồn bốt bảo vệ trục lộ 37, lộ 167, cơ động vận chuyển tiếp ứng cho địch; đồng thời ngăn chặn đường tiếp tế của ta từ sông Hậu qua chi viện cho chiến trường Vĩnh Trà (Vĩnh Long và Trà Vinh).

“Chúng ta thu 2 khẩu pháo 105mm của địch rồi dùng nó bắn vào Vùng 4 chiến thuật làm cho họ vô cùng hoang mang. Đây được xem là chiến tích lẫy lừng ở vùng Tây Nam Bộ.

Địch đánh bom cách 50- 100m thôi mà chúng tôi kiên trì bám trụ không bỏ chạy. Các anh em chiến đấu anh dũng, lúc ấy hy sinh và bị thương 60 đồng chí”- ông Nguyễn Văn Trẩm kể lại.

Cùng với các cựu chiến binh Tiểu đoàn 306 về dự lễ công nhận Bia Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó là Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh, ông Nguyễn Văn Trẩm kể về những chiến công hào hùng và xúc động trước những đổi thay của Hựu Thành hôm nay.

Địa chỉ về nguồn của huyện Trà Ôn


 


Bia Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó là nơi tham quan, học tập của lực lượng vũ trang, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bia Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó khánh thành vào năm 1995, trên nền đất Yếu khu Thầy Phó cũ. Bia gồm các hạng mục: thân bia, ngôi sao 5 cánh, bệ đài, phù điêu. Đầu năm 2017, bia được xây dựng khang trang hơn trong khuôn viên 4.111m2.

Ông Huỳnh Thanh Tiến- Chủ tịch UBND xã Hựu Thành- cho biết: “Bia chiến thắng có ý nghĩa to lớn với nhân dân địa phương. Nơi đây ghi dấu chiến công của cha ông nên chúng tôi rất tự hào và có trách nhiệm giữ gìn, tuyên truyền cho thế hệ trẻ và hướng đến trở thành điểm đến của du lịch Trà Ôn”.

Em Nguyễn Thị Thúy Vy (lớp 12A1, Trường THPT Hựu Thành) chia sẻ: “Có bia di tích và nghe các bác cựu chiến binh kể chuyện nên tụi em càng thêm tự hào về quê hương. Khuôn viên di tích là nơi yêu thích của nhiều bạn học sinh để học nhóm, chơi thể thao...Trường em còn kết hợp với UBND xã để chúng em đều đặn đến đây dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn di tích của quê hương”.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, từ khi được xây dựng và khánh thành đưa vào sử dụng, công trình Bia Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó đã trở thành nơi tham quan, học tập của lực lượng vũ trang, là nơi giáo dục các thế hệ sau tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước.

“Việc xếp hạng các di tích thể hiện niềm tự hào, lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân; đồng thời góp phần thiết thực cho công tác giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, hướng tới xây dựng điểm đến văn hóa- du lịch tại địa phương”- ông Nguyễn Xuân Hoanh cho biết.

Mảnh đất Thầy Phó từng hứng chịu mưa bom, bão đạn chiến tranh ác liệt ngày nào, giờ xum xuê trái ngọt, mùa vàng nối tiếp theo về.

Con đường nhựa thẳng tắp, phố chợ tấp nập, nhà cửa khang trang trải dọc đường quê. Hựu Thành có lợi thế là có các tuyến Đường tỉnh 901, 906, 907 đi qua và nối 2 đầu với 2 tuyến QL53 và 54 khiến việc giao thông hết sức thuận tiện. Đây cũng là lợi thế để Di tích lịch sử- văn hóa Bia Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó được biết đến rộng rãi, để thế hệ sau hiểu hơn về trang sử hào hùng của Vĩnh Long.

Đến đầu năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định xếp hạng thêm 4 di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh gồm: Bia Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó, Khu lưu niệm phong trào Đông Du, Di tích cách mạng Ba Chùa, Bia Nam Kỳ khởi nghĩa, nâng tổng số di tích được xếp hạng cấp tỉnh hiện nay là 48 di tích.
 
Phương Thúy
Theo baovinhlong.com.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bia-chien-thang-yeu-khu-thay-pho-hieu-them-trang-su-hao-hung-a15231.html