Lặng lẽ tỏa hương
Cuối năm 2018, trên diễn đàn của giới chơi cây cổ thụ, đại thụ, mọi người bàn tán xôn xao về câu chuyện một đại gia ở Hà Nội “săn” được cây ngọc lan “khủng”, đưa từ Ba Vì về Trang trại hoa Tùng Lâm (TungLam Garden) ở xã Yên Sở (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội).
Theo chia sẻ của chủ nhân, ông là người rất yêu thích ngọc lan bởi đây là loại cây có lá xanh gần như quanh năm, màu lá sáng, hoa nhiều và rất thơm, tán cây rộng, tạo ra khoảng mát dưới gốc rất lớn. Ông Tùng Lâm cho biết, khi phát hiện ở Ba Vì có cây Ngọc Lan “khủng”, thân lớn, thẳng tắp, tán rộng hơn 10m, ông đã nhiều lần hỏi mua nhưng chủ nhân nhất định không bán. Sau đó, biết ở Sơn Tây có 1 cây ngọc lan tương tự, ông đã lập tức đến mua và chuyển về TungLam Garden cuối năm 2010. Tháng 9-2017, khi nhận được tin cây ngọc lan cổ thụ ở Ba Vì có giao dịch, ông Tùng Lâm đã “phi ngay trong đêm” đến thỏa thuận và mua thành công. Sau khi chặn rễ đôn đảo cây, đến tháng 10-2018, “cây quý” đã được chuyển an toàn về TungLam Garden.
Ông Tùng Lâm đã phải dùng cụm từ “cụ ngọc lan khủng” để nói về cây ngọc lan mà ông đã mất hơn 8 năm theo đuổi. Tuy nhiên, nếu biết đến cây ngọc lan trên núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên), có lẽ đại gia này sẽ càng “thèm” hơn bởi cây ngọc lan được xem là “lớn nhất vịnh Bắc Bộ” cũng mới chỉ có đường kính chưa tới 0,8m, chiều cao và tán rộng hơn 10m, trong khi cây ngọc lan trên Thiên Cấm Sơn có đường kính đến 1,6m, chu vi 5m, chiều cao tới ngọn và tán cây rộng hơn 30m. Trên những trang rao bán cây ngọc lan cổ thụ, cũng chỉ dám đảm bảo cung cấp được loại cây có đường kính dưới 0,2m. “Theo những cư dân sống nhiều đời trên núi Cấm, cây ngọc lan này phải trên 200 năm tuổi. Điều đặc biệt là hoa ngọc lan rất thơm, thời điểm ra hoa nhiều khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm” - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm An Giang) Bành Thanh Hùng thông tin.
Bộ rễ cây bị các mảng bê-tông đè lên
Chưa thể đưa vào Cây di sản Việt Nam
Với vị trí nằm cặp tuyến đường lên chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, hồ Thủy Liêm và tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm, cây ngọc lan trở thành điểm nhấn du lịch đặc biệt. Ông Bành Thanh Hùng cho biết, cây ngọc lan với tuổi thọ và to lớn như vậy là rất quý hiếm. “Danh sách Cây di sản Việt Nam chưa thấy đề cập đến cây cổ thụ ngọc lan to như thế. Chi cục Kiểm lâm đã làm hồ sơ đề nghị công nhận đây là Cây di sản Việt Nam để tập trung giữ gìn, bảo tồn. Tuy nhiên, hồ sơ đành xếp lại bởi cây đang bị 2 hộ dân tranh chấp chưa giải quyết được” - ông Hùng tiếc nuối.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cây ngọc lan cổ thụ hiện đang nằm trên phần đất giáp ranh giữa hộ bà Trần Thị Cẩm Thu và ông Phạm Trác. Trước đây, phần rễ cây nằm ở phần đất ông Trác nổi lên xù xì trông rất đẹp. Sau này, cùng với xây dựng nhà nghỉ Ngọc Lan, có thêm bức tường lớn xây dựng đè chắn bộ rễ cây. Phần rễ còn lại bên phía đất bà Thu, cũng bị đè bởi một số mảng bê-tông, khiến không gian cây trở nên rất hẹp. “Nếu được công nhận Cây di sản Việt Nam, ngành kiểm lâm sẽ cho làm tấm biển công nhận, xây dựng hàng rào bảo vệ xung quanh cây. Chắc chắn đây sẽ là điểm hấp dẫn khách tham quan, thu hút nhiều người đến chụp hình kỷ niệm. Với việc bị bức tường đè lên, lâu ngày sẽ tác động đến sức khỏe và tuổi thọ của cây. Hơn nữa, trông cây không còn đẹp, oai phong như trước” - ông Hùng đánh giá.
Những người am hiểu về cây cổ thụ cho rằng, cây ngọc lan trên núi Cấm có thể xem như một trong những “báu vật” vùng Bảy Núi. Chẳng những hoa ngọc lan tỏa mùi thơm đặc biệt trên đồi núi, mà dáng cây khá đẹp. Nếu không giữ gìn, bảo tồn, chăm sóc đúng cách, cây có thể yếu dần và chết. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên làm việc với các hộ dân để thống nhất phương án làm hồ sơ công nhận Cây di sản Việt Nam, vừa thu hút khách du lịch, mang lại nguồn lợi trực tiếp cho các hộ, vừa tạo thêm điểm nhấn cho Thiên Cấm Sơn.
Cây ngọc lan còn được gọi với những tên như: sứ trắng, sứ ngọc lan, champaca, ngọc lan ta... có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ngọc lan thuộc họ mộc lan, hoa có màu trắng sứ, tỏa mùi thơm ngát, nồng nàn, có thể chiết xuất thành tinh dầu. Trong y học, nước ép hoặc nước sắc hoa ngọc lan được dùng để chữa chứng nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, sốt. Hoa ngâm rượu để bôi các vết côn trùng cắn. Hoa ngâm dầu để chữa trị đau đầu, viêm xoang, đau mắt, viêm nhiễm, sốt, chữa các bệnh xương khớp như phong thấp, bệnh gout. Lá ngọc lan chữa sưng tấy…
Ngô Chuẩn
Theo Báo An Giang