Khám phá kiến trúc Chùa Một Cột

Sự tinh xảo trong kiến trúc cùng những giá trị lịch sử lâu đời gắn với vùng đất Thăng Long văn hiến, Chùa Một Cột đã được công nhận "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á" do Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục.

Sau nửa thế kỷ được xếp hạng Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia (1962), sau 6 năm được sách kỷ lục Guiness Việt Nam ghi nhận "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam", những giá trị kiến trúc của chùa Một Cột lại một lần nữa được tôn vinh.

Song hành cùng thời gian

Sự công nhận của Tổ chức Kỷ lục châu Á đã một lần nữa khẳng định và tôn vinh những giá trị có một không hai của ngôi chùa gần nghìn năm tuổi này. Đây không chỉ là niềm vui của những người con Phật mà còn là niềm tự hào của những người con vùng đất Thăng Long địa linh nhân kiệt.



Chùa Một Cột có hình dáng tựa như tòa sen vươn lên trời xanh với tên gọi “Liên hoa đài”.

Thần tích về chùa Một Cột cũng đã thể hiện trong kiến trúc chùa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào nǎm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 (1049) đời Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông (1028-1054) chiêm bao thấy Quán Thế Âm Bồ Tát trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho các quan nghe.Sư Thiên Tuế khuyên nhà vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm tòa sen của Quán Thế Âm Bồ Tát như đã thấy trong mộng.Chùa xây xong, đài sen nghìn cánh đỡ tòa Phật sắc hồng, trong đặt tượng Phật vàng lấp lánh. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa niệm Phật cầu phúc cho vua sống lâu, vì thế đặt tên là chùa “Diên Hựu” với ý nghĩa là “phúc lành dài lâu”.
 


Biểu tượng mặt nguyệt trên nóc mái chùa.

 
Trải qua năm tháng, chùa Một Cột đã được trùng tu, phục dựng nhiều lần qua các thời Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Ngày nay, chùa Một Cột có tên gọi Diên Hựu Tự hay còn gọi là Liên hoa đài. Công trình được kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm. Tên gọi Liên hoa đài của chùa Một Cột cũng xuất phát từ chính vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của chùa: ngôi chùa trên một cột duy nhất. Kiến trúc chùa tựa như bông sen nở giữa hồ. Chùa Một Cột nhìn từ xa tựa như tòa sen nhô lên trên mặt nước, vừa thể hiện sự tinh tế trong thẩm mỹ của người xưa, vừa phần nào thể hiện triết lý giác ngộ trong đạo Phật. "Chùa Một Cột là biểu trưng của đạo Phật, của giác ngộ tự giác (hạnh phúc, tự do), có ý nghĩa văn hóa, tôn giáo to lớn nhưng quy mô lại thu nhỏ với lối kiến trúc độc đáo vượt qua tất cả các kiến trúc đương thời" - Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định.

Những dấu ấn trường tồn

Chùa Một Cột hình vuông, làm bằng gỗ, lợp ngói ta, mỗi cạnh 3m, dựng trên một trụ đá, đó là nét độc đáo nhất của ngôi chùa. Trụ đá cao 4m (chưa kể phần chìm dưới nước), đường kính 1,2m, gồm hai khối gắn liền nhau, tưởng như chỉ là một khối. Mái chùa có mặt nguyệt và đầu rồng chầu mặt nguyệt. Trong chùa, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được tôn trí tọa trên một tòa sen bằng gỗ sơn son thếp vàng ở vị trí cao nhất theo như giấc mộng của vua Lý Thái Tông. Nhìn toàn bộ đài Liên Hoa như một đóa sen lớn vươn khỏi mặt nước.

 


Cửa chùa với chi tiết chạm khắc cổ kính và tinh xảo thể hiện tài năng người thợ xưa.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc độc đáo, chùa Một Cột đã trở thành ngôi chùa nổi tiếng và là một Di tích lịch sử.Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng và được nhắc đến nhiều lần trong lịch sử Việt Nam.Ngày 28/4/1962, chùa Một Cột được xếp hạng "Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia”. Ngày nay, chùa Một Cột là điểm đến không thể thiếu của du khách nước ngoài mỗi khi đến Hà Nội, cũng như của mỗi người con đất Việt khi đến thăm viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cụm di tích lịch sử, văn hóa Ba Đình.



Hình ảnh mái đao cong vút như chiếc thuyền.

Chùa Một Cột được công nhận “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á” đã góp phần thừa nhận sự quan tâm của quốc tế tới Việt Nam, càng tôn vinh thêm những giá trị kiến trúc, văn hóa của ngôi chùa cổ và góp phần tô điểm vẻ đẹp của vùng đất Thăng Long. Chính vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di tích cần được chú trọng hơn nữa để góp phần gìn giữ vẻ đẹp lịch sử của di tích và để bè bạn quốc tế thêm hiểu về thủ đô Hà Nội nay cũng như Thăng Long nghìn năm văn hiến.
 
Gia Bảo
Theo langvietonline.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kham-pha-kien-truc-chua-mot-cot-a15154.html