Miếu Nhị Phủ của người Hoa Phúc Kiến ở TP. HCM

Miếu Nhị Phủ của người Hoa ở TP.HCM đóng vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa, là sợi dây liên kết cộng đồng người Hoa Phúc Kiến ở vùng đất mới trong buổi đầu đến định cư. Tín ngưỡng của người Hoa là một trong các tiêu chí quan trọng xác định bản sắc văn hóa dân tộc, phân biệt họ với các tộc người khác.

Ngôi miếu là một phần văn hóa của người Hoa. Vì thế nghiên cứu vai trò và chức năng của miếu Hoa sẽ góp phần tìm hiểu đời sống văn hóa của người Hoa ở TP.HCM và nhóm Hoa Phúc Kiến nói riêng.
 

Chức năng xã hội của miếu Nhị Phủ
 
Toàn thành phố có tất cả 87 ngôi miếu của người Hoa, trong đó riêng nhóm người Hoa Phúc Kiến có 14 cơ sở thờ tự (1), chiếm tỷ lệ 16,09%. Trong số cơ sở tín ngưỡng của người Hoa Phúc Kiến, riêng tại quận 5 đã có 5 ngôi miếu, trong đó miếu Nhị Phủ là ngôi miếu cổ xưa nhất của cộng đồng, chiếm vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống người Hoa Phúc Kiến ở TP.HCM.
 
Từ ngày đầu sang nhập cư ở Việt Nam, nhu cầu tín ngưỡng của nhóm di dân càng được đẩy mạnh sau những cuộc di chuyển hiểm nguy trên biển cả. Đến nơi đất lạ quê người, việc cần có một ngôi miếu cho nhóm phương ngữ của mình càng trở nên cấp thiết (2).“Từ đặc điểm di dân này, người Hoa càng có yêu cầu bức bách về tinh thần, tha thiết có ngay nơi thờ tự, một ngôi miếu nhỏ bên cạnh hội quán của mình, để trước tiên là tạ ơn thánh thần đã phò trợ cho họ trên đường đi được thuận buồm xuôi gió, thứ nữa là nhằm giải quyết nhu cầu tinh thần, an ủi những người xa quê, cách tổ, có nơi để thắp nén hương hướng về ông bà tổ tiên, trời Phật ở quê cũ” (3).
 
Nếu như ở buổi đầu định cư, người Hoa dựng Thất Phủ miếu, tức là ngôi miếu của cộng đồng người từ 7 phủ, thì sau khi cuộc sống khá ổn định, người Hoa có xu hướng lập miếu riêng theo từng nhóm phương ngữ. Miếu/hội quán là nơi thờ tự thần linh, tập họp người đồng tộc, đồng phương ngữ, đồng hương đến tá túc. Sau khi cuộc sống dần được ổn định, trong miếu được đặt thờ nhiều hơn thần linh nên thu hút ngày càng đông người Hoa đến cúng bái, cầu nguyện.
 
Theo thời gian, ngôi miếu Nhị Phủ đã được người Hoa Phúc Kiến nhiều thế hệ tiếp nối trùng tu, bảo tồn. Năm 1998, miếu được Bộ VHTT công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật. Từ đấy, miếu trở thành nơi lui tới thường xuyên của khách tham quan trong và ngoài nước. Miếu Nhị Phủ, cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa Phúc Kiến, là một trong những đầu mối quan trọng liên kết mọi người trong cùng nhóm phương ngữ, đồng thời là nơi vãn cảnh của các nhóm Hoa từ nhiều vùng miền trong cả nước đến chiêm ngưỡng, thực hành đức tin đối với các thần linh được thờ tự tại đây, như Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ... Tính liên kết này còn được thể hiện qua mối liên hệ thường xuyên giữa các miếu Hoa của người Phúc Kiến ở TP.HCM với các tỉnh Tây Nam Bộ. Mạng lưới xã hội này khá chặt chẽ, thể hiện qua các ngày lễ vía thần linh, qua các dịp đại trùng tu, khánh thành miếu.
 
Có thể nói, trong một chừng mực nhất định, miếu Nhị Phủ cũng là nơi liên kết các nhóm phương ngữ của người Hoa lại với nhau. Vì thế tình đoàn kết, sự tương thân, tương ái từ đó được duy trì bằng những hoạt động mang tính xã hội như từ thiện, đóng góp ủng hộ cộng đồng… Miếu Nhị Phủ thực hiện tinh thần từ bi bác ái, cứu khổ cứu nạn để giúp đỡ, hỗ trợ cho những người khốn khổ, thiếu kém trong xã hội, qua việc dùng tiền hiến cúng để đi cứu trợ, phát chẩn...
 
Từ thiện xã hội là một trong những hoạt động quan trọng, nổi bật của TP.HCM trong nhiều năm qua. Hoạt động này không những thu hút sự tham gia của tăng ni, phật tử mà còn mở rộng ra ngoài phạm vi xã hội, với sự có mặt của nhiều tầng lớp thị dân, trong đó có người Hoa Phúc Kiến. Việc tìm hiểu hoạt động từ thiện xã hội của miếu Nhị Phủ nói riêng vừa giúp hiểu hơn hiệu quả hoạt động chung của TP.HCM vừa góp phần cho thấy rõ mối quan hệ giữa đạo và đời, cũng như về vai trò của tín ngưỡng trong đời sống xã hội.
 
Vai trò của miếu Nhị Phủ
 
Trong đời sống kinh tế
 
Từ lâu, người Hoa quan niệm mọi của cải có được là do thần linh ban phát. Hoạt động kinh tế của người Hoa ở TP.HCM tập trung chủ yếu vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ… Người Hoa tin rằng, trong từng nghề nghiệp của mình đều do vị tổ nghề phò trợ. Dấu ấn thờ tổ nghề kim hoàn hiện vẫn còn tiếp tục thể hiện trong cộng đồng tộc người Hoa tại TP.HCM qua Lệ Châu hội quán (quận 5). Tín ngưỡng của người Hoa ở thành phố có mối quan hệ mật thiết với các hoạt động kinh tế.
 
Hầu như ở các cơ sở kinh doanh của người Hoa, từ những cửa hàng lớn đến những xe đẩy của người bán hàng rong, đều dành chỗ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, nổi bật nhất là thờ cúng thần tài cùng những tín ngưỡng nghề nghiệp riêng biệt. Ngược lại, nhiều hoạt động kinh tế ở đây được hình thành và duy trì là nhằm phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, như nghề làm vàng mã; may áo mão cho các đối tượng thờ cúng, làm bánh cúng…
 
Tại miếu Nhị Phủ, giống như ở các ngôi miếu Hoa khác, đa số thành viên của ban quản trị miếu đều là chủ doanh nghiệp, có truyền thống trong sản xuất, buôn bán. Khi đứng ra quản lý miếu, các thành viên đều phải đảm bảo và duy trì được các lễ hội cúng vía của thần linh tại miếu. Muốn vậy, buộc phải có nguồn kinh phí thường xuyên. Nguồn này do cộng đồng Hoa Phúc Kiến đóng góp là chủ yếu, nhưng trước hết chính là từ ban quản trị. Ngôi miếu, nơi thờ phụng thần linh, có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của họ, vì họ tin rằng thần linh sẽ hỗ trợ họ buôn may bán đắt, ngược lại cũng có thể lấy đi một phần lớn của cải của họ nếu như họ không thể hiện lòng tri ân, sự chăm lo cho nơi thờ tự thần linh được khang trang, lộng lẫy.
 
Trước năm 1975, trong khu vực Chợ Lớn, hay ngoại thành, vẫn còn thấy có ruộng hoặc rẫy do người Hoa sản xuất. Tín ngưỡng trong miếu vì vậy cũng phản ánh tình hình này: miếu Nhị Phủ có bàn thờ Ông Bổn, đình Minh Hương Gia Thạnh (quận 5), còn bàn thờ thần nông được đặt trang trọng nơi chính điện… Sự quan trọng của công việc làm ăn buôn bán cũng phản ánh nhu cầu gia tăng số lượng thần tài, qua việc đặt để thêm nhiều loại thần tài, vị thần linh có khả năng bảo hộ của cải và ban phát tiền bạc. Có thần tài văn, ngoài ra, còn có Phật Di Lặc, Thần Tài Âm Phủ… Tại miếu Nhị Phủ, vị thần linh chính được thờ là Ông Bổn, là địa chủ tài thần, tức Thổ Công (Bổn Đầu công) và thần tài văn Phúc Đức Chính Thần và còn thờ cả thần tài võ là Quan Thánh Đế Quân…
 
Miếu Nhị Phủ thờ nhiều vị thần cùng một lúc để nhằm cầu mong được nhiều tài lộc, nhằm tránh rủi ro trong mua bán, được bảo hộ cho nơi sinh sống… Có thể nói, cách thờ cúng như vậy còn cho thấy rõ tính chất thực dụng trong đời sống tín ngưỡng của người Hoa nói chung, người Hoa Phúc Kiến nói riêng.
 
Hiện tượng vay tiền thần, còn gọi là vay vốn các thần linh, để làm ăn, buôn bán, thường tập trung vào các ngày lễ lớn như tết Nguyên tiêu, vía Ông Bổn, vía Quan Thánh Đế Quân… Nhiều người Hoa Phúc Kiến đã đến miếu, dâng lễ vật xin phò trợ việc làm ăn, buôn bán, sau đó xin thần thánh cho vay một số tiền nào đó để buôn bán. Sau một năm, thân chủ sẽ đến miếu dâng cúng lễ vật tạ ơn và trả lại số tiền đã vay bằng tiền mặt. Gần đây, người Hoa còn góp hụi Ông Bổn, hụi Quan Công, hụi Quan Âm vào các ngày vía, để cuối năm lĩnh lại tiền vốn bằng tiền mặt…
 
Trong đời sống văn hóa
 
Tính cộng đồng là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Hoa. Cùng phải rời bỏ quê hương đến nơi khác sinh sống, họ đã gắn bó và giúp nhau tồn tại, phát triển. Cộng đồng là một nguồn sức mạnh giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tín ngưỡng của người Hoa ở TP.HCM được bảo lưu từ tín ngưỡng truyền thống của người Hoa ở các tỉnh duyên hải phía Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình cộng cư lâu dài với người Việt và một số dân tộc khác trên địa bàn, tín ngưỡng của người Hoa ít nhiều có sự chuyển biến, dẫn đến sự khác biệt so với tín ngưỡng ban đầu khi còn ở cố hương.
 
Trên lĩnh vực văn hóa, miếu Nhị Phủ của người Hoa Phúc Kiến đã góp phần duy trì nền văn hóa đặc sắc, đa dạng của người Hoa nói chung, nhóm Hoa Phúc Kiến nói riêng, thông qua kiến trúc đặc thù của miếu, các lễ vật dâng cúng, đồ thờ, pháp khí, tượng thờ, hoành phi, liễn đối, các loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của lễ hội của hàng năm, những buổi hội họp sinh hoạt định kỳ của ban quản trị, nhằm củng cố, phát huy tinh thần đoàn kết, giữ gìn phong tục tập quán.
 
Khi quan sát một ngôi miếu của người Hoa Phúc Kiến, đặc điểm đầu tiên dễ dàng nhận biết nhất chính là phần mái của miếu. Mái miếu thường được dựng thành nhiều lớp mái chồng lên nhau, theo kiểu trùng thiềm điệp ốc và đầu đao cong vút. Hình thức vì chồng rường giá chiêng khiến mái hơi cong, với thiết kế tạo hình hai tầng mái và các đầu đỉnh mái, đầu đao uốn cong tạo cho ngôi miếu có hình dáng một chiếc thuyền. Những hàng ngói ống màu xanh, gọi là thanh lưu ly, hay hoàng lưu ly, được lợp theo kiểu âm dương, che phủ mái miếu. Đây là nét văn hóa đặc sắc trong kiến trúc miếu Hoa Phúc Kiến, mà điển hình là miếu Nhị Phủ, tạo nên sự khác biệt so với kiến trúc miếu của các nhóm Hoa khác.
 
Đối với người Hoa, nơi nào có miếu, nơi đó phải có trường học, hội quán nơi làm việc của văn phòng ban quản lý, nằm ngay cạnh miếu. Hội quán là nơi để những người Hoa cùng chung một nhóm phương ngữ gặp gỡ, hội họp, nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết, giữ gìn bản sắc, nguồn cội, cũng như nhằm giúp đỡ nhau trong cuộc sống và trong công việc. Ngoài ra, người Hoa cũng rất quan tâm đến việc giáo dục cho con em họ, vì vậy họ kêu gọi các thành viên trong hội đóng góp kinh phí xây dựng trường để dạy tiếng mẹ đẻ, nhằm duy trì và nhắc nhở các thế hệ sau luôn nhớ về quê hương bản xứ của mình. Như vậy, chính việc thiết kế kiến trúc ngôi miếu của người Hoa nói chung và riêng đối với nhóm Hoa Phúc Kiến, đã tạo nên một thế liên hoàn trong văn hóa, tạo nên một nền văn hóa Hoa khép kín. Nguồn kinh phí cúng dường trong miếu có thể phục vụ cho những người đồng hương đồng tộc thông qua hội quán, thông qua các hội đoàn đồng thời đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội của cộng đồng. Cũng từ nguồn kinh phí này, có thể giúp cộng đồng phát triển việc dạy và học tiếng Trung ngay tại miếu.
 
Người Hoa mở lễ hội vào dịp vía các vị thánh thần. Những ngày diễn ra lễ hội tại miếu thể hiện sinh động một cuộc sống an cư lạc nghiệp. Chính những đặc điểm về lịch sử và văn hóa đã quy định không gian xã hội của các hình thức lễ hội dân gian là tại miếu. Ngoài phần nghi thức hướng về các đấng siêu nhiên, lễ hội còn là nơi phô diễn, tập trung và thu hút toàn bộ các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, vui chơi, giải trí. Nghệ thuật múa rồng, một nét văn hóa đặc sắc của nhóm Hoa Phúc Kiến, đã đang và sẽ thu hút khách tham quan trong và ngoài nước vào mỗi dịp lễ hội. Trước khi tiến hành một buổi biểu diễn múa rồng, đoàn nghệ thuật múa đều phải đến miếu, trước bàn thờ tổ nghề để ra mắt, khấn vái, cầu nguyện thần linh một cách thành kính, xem như là lễ khai quang điểm nhãn của đoàn múa rồng (4).
 
Như vậy, với tính cách là một không gian xã hội của lễ hội, miếu Nhị Phủ là nơi quy tụ và bảo tồn văn hóa truyền thống của nhiều thời kỳ lịch sử. Với đặc trưng này, miếu cũng đã tạo điều kiện cho lễ hội có được sức lan tỏa mạnh mẽ những ảnh hưởng văn hóa truyền thống, tạo thành dấu ấn sâu sắc về bản sắc văn hóa Hoa ở TP.HCM (5).
 
Những chuyển đổi của miếu Nhị Phủ trong quá trình phát triển của TP.HCM
 
Theo thời gian, các dạng thức tín ngưỡng ở miếu Nhị Phủ, biểu hiện trong cộng đồng có nhiều sự thay đổi. Điều này chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nhất là từ sau khi có chính sách Đổi mới năm 1986 và Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo năm 2004.
 
Chuyển biến dễ thấy nhất trong quá trình chuyển đổi tại miếu chính là việc trùng tu, bảo tồn di tích và việc công nhận miếu Nhị Phủ là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gianăm 1998. Sự kiện này đã thừa nhận giá trị của miếu Nhị Phủ ở Việt Nam. Hiện nay, ban trị sự miếu còn từng bước trùng tu thêm các hạng mục, góp phần gìn giữ, bảo tồn di tích có giá trị này.
 
Ngoài ra, trong xu thế hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước, mức sống trong từng hộ gia đình, trong chừng mực nhất định, đã được nâng cao hơn, người Hoa Phúc Kiến đã hiện đại hóa các đồ thờ cúng trong miếu. Họ chung góp tiền đúc thêm một đại hồng chung mới vào năm 2012 tại miếu Nhị Phủ.
 
Việc tăng cường tham gia các công tác từ thiện - xã hội tại miếu được đẩy mạnh, do mức sống từng gia đình được nâng cao. Nhiều địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa đã được ban quản trị miếu đến thăm viếng, tặng quà, tặng nhà cho các hộ gia đình nghèo. Hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, ban trị sự miếu phát động khách tham quan đến lễ bái hạn chế việc cắm nhiều nhang, hạn chế việc đốt vàng mã, việc xin xăm, bói quẻ… Phong trào này đến nay đã cho thấy có sự chuyển biến tích cực. Vào những ngày lễ tết, ban quản trị miếu tổ chức cho bà con thiện tín có được một đêm giao thừa trang nghiêm, an toàn, trật tự, thoải mái để đón chào năm mới trong bầu không khí trong lành, tiết kiệm.
 
Cùng với các giá trị về mặt tâm linh, kiến trúc, nghệ thuật, miếu Nhị Phủ, mang nhiều tiềm năng phục vụ cho việc phát triển du lịch. Chính vì thế, miếu Nhị Phủ là một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng của thành phố. Hầu như trong các chương trình tham quan thành phố của du khách nước ngoài đều có một trong hai điểm tham quan kiến trúc miếu Hoa, đó là miếu Thiên Hậu - hội quán Tuệ Thành và miếu Nhị Phủ - hội quán Nhị Phủ.
 
Cho đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng du khách đến tham quan miếu trong ngày thường cũng như vào dịp lễ hội. Có thể chia lượng khách đến miếu thành hai nhóm: nhóm khách phương Đông và nhóm khách phương Tây. Đối với nhóm khách phương Đông với những nét văn hóa khá tương đồng, cùng hệ thống thờ tự giống nhau nên họ tham quan với sự thành kính, thắp nhang cầu mong bình an. Còn nhóm khách phương Tây chỉ đến nơi đây với tâm lý tham quan đơn thuần và nhiều khi, họ cũng không hiểu nhiều về lối thờ tự cũng như những giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật độc đáo mà ngôi miếu đang lưu giữ.
 
Trong quá trình phát triển của lịch sử di dân của người Hoa Phúc Kiến ở TP.HCM, miếu Nhị Phủ có chức năng và vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng, cũng như từng cá nhân. Ngôi miếu đã đóng vai trò đặc biệt trong đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của người Hoa Phúc Kiến. Những tác động và hiệu quả của nó có thể được tìm thấy trên nhiều lĩnh vực thuộc văn hóa vật chất và tinh thần. Theo thời gian và sự phát triển của đất nước nói chung, của TP.HCM nói riêng, mọi hoạt động của cộng đồng người Hoa Phúc Kiến ở miếu Nhị Phủ cũng xoay chuyển theo xu hướng tích cực, một mặt nhằm tăng cường việc bảo tồn, gìn giữ di tích tín ngưỡng, mặt khác góp phần vào xu thế hội nhập với các nhóm Hoa khác, với cộng đồng tộc người Việt, trên phương diện tín ngưỡng, mang lại nét đặc thù trong văn hóa ở TP.HCM.
 
____________
 
1. Võ Thanh Bằng, Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2008, tr.282-283.
 
2, 3. Trần Hồng Liên,Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ. Tín ngưỡng tôn giáo. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr.14, tr.124.
 
4. Tại Tam Sơn hội quán (trên đường Triệu Quang Phục, quận 5) của cộng đồng người Hoa Phúc Kiến, vẫn còn bàn thờ tổ. Mỗi khi tiến hành lễ múa rồng, các đoàn nghệ thuật đều vào làm lễ tại bàn thờ này.
 
5. Trần Hồng Liên, Văn hóa phi vật thể qua các văn khắc tại những cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh trong Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2002, tr.132. 
 
Đặng Hoàng Lan
Tạp chí VHNT số 405

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mieu-nhi-phu-cua-nguoi-hoa-phuc-kien-o-tp-hcm-a15115.html