Hàng trăm công trình trong quần thể di tích Cố đô Huế xuống cấp nặng chưa được trùng tu: Kinh phí chỉ là một phần?

Quần thể di tích Cố đô Huế đang đối diện với nhiều thách thức khi vẫn đang còn hàng trăm công trình, đặc biệt là di tích có kiến trúc gỗ đang xuống cấp nghiêm trọng chưa được bảo tồn, trùng tu.

Gần 400 công trình chưa được trùng tu

Từ khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới đến nay, hệ thống di sản Huế chỉ mới trùng tu, phục hồi được khoảng 130 công trình và hiện vẫn còn khoảng 400 công trình đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp chưa được trùng tu. Di tích An Lăng là nơi chôn cất và thờ cúng Vua Dục Đức đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Khu vực tường bao quanh lăng bị rệu rã, đổ nát; còn khu nhà Huỳnh Ốc nằm ở giữa lăng thì các trụ cột và phần mái đã mục nát khiến đơn vị quản lý đã phải dùng gỗ để giằng chống tạm thời chứ chưa có phương án lâu dài. Một phần mái bằng ngói lưu ly cũng đã bị hư, và thay vào đó là mái tôn nhưng không được chắc chắn nên khi có gió mạnh là phần mái tôn cũng giật theo.

Nằm cạnh đó là điện Long Ân, nơi thờ cả 3 vị Vua Dục Đức và Thành Thái, Duy Tân cũng trong tình trạng tương tự. Điện Long Ân là di tích có lối kiến trúc gỗ truyền thống, nhưng do thời gian đã lâu không được trùng tu, tôn tạo nên bị hư hỏng nặng nề.

Di tích này luôn trong tình trạng đóng cửa, chỉ khi nào có khách đến và yêu cầu được tham quan thì bảo vệ mới mở cửa sau để vào. Bởi lẽ hệ thống cửa trước của điện Long Ân đã bị hư hỏng và xuống cấp nên phải giằng lại, chỉ cần mở ra không may sẽ sập bất cứ khi nào. Nhiều trụ cột bằng gỗ ở đây cũng bị mối, mọt ăn mục rỗng nên cũng được giằng chống bằng các thanh sắt. Mỗi mùa mưa đến, di tích này luôn bị thấm dột và ẩm mốc.

Thực trạng này kéo dài đã hàng chục năm nhưng vẫn chưa được liệt vào danh mục cần được trùng tu gấp. Đã không ít người cho rằng do di tích này không nằm trong hệ thống di tích tham quan có bán vé nên công tác trùng tu mới chưa được thực hiện?

Tại lăng Tự Đức, mỗi ngày đón hàng nghìn du khách đến tham quan nhưng hiện cũng đang có nhiều công trình xuống cấp vẫn đang chờ trùng tu như: Chí Khiêm Đường, điện Hòa Khiêm, điện Lương Khiêm… Không đâu xa, ngay tại Đại Nội Huế, không ít công trình di tích cũng đã và đang hư hỏng, đổ nát cần được phục hồi, bảo tồn, trùng tu.

Mới đây, sự việc di tích Phu Văn Lâu bị sập một góc mái đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đến các di tích kiến trúc gỗ khác tại hệ thống di sản Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, lâu nay, chúng ta cứ tập trung cho các công trình kiến trúc bề thế mà không đánh giá đúng mức những giá trị của các công trình có kiến trúc độc đáo như Phu Văn Lâu cho nên việc sụp đổ là đương nhiên. Theo ông Hoa, cần phải có sự đánh giá lại giá trị các công trình kiến trúc gỗ ở kinh thành Huế để có chiến lược bảo tồn và trùng tu đúng mức.

Còn nhà nghiên cứu Phan Thuận An lại nêu nguyên nhân là do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã không “chăm sóc” kỹ lưỡng. Do đó, cần phải có khảo sát hằng năm, hằng quý, hằng tháng các di tích bằng gỗ nói chung để biết tình hình thực tế nhằm có biện pháp thích ứng.

Khó đủ đường

Số lượng di tích “nằm chờ” trùng tu ở khu di sản Huế dài dằng dặc. Trong khi đó, theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nguồn kinh phí cho việc bảo tồn, trùng tu hằng năm là có hạn. Đơn cử như trong năm 2014, kinh phí bảo tồn, trùng tu di sản là gần 90 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Với mức kinh phí nói trên, di sản Huế chỉ tạm đủ để triển khai trùng tu khoảng 14-15 hạng mục công trình, và đây là số kinh phí còn rất hạn chế so với các yêu cầu đang đặt ra đối với công tác trùng tu bảo dưỡng quần thể di tích Cố đô Huế hiện nay (với 32 cụm công trình, hàng trăm hạng mục kiến trúc, trên diện tích hàng chục triệu m2).

Điện Long Ân luôn phải được chống đỡ để khỏi bị đổ sập

Cụ thể, các hạng mục công trình đang được triển khai là: Trùng tu Ngọ Môn, Triệu Miếu, Tả tùng tự - Thế Miếu, Tả Trà - cung Diên Thọ, Thái Bình Lâu, vườn Thiệu Phương, lầu Tàng Thơ, Xung Khiêm tạ - Dũ Khiêm tạ - Khiêm cung Môn (lăng Tự Đức), tổng thể lăng Đồng Khánh, điện Gia Thành (lăng Gia Long), Tả hữu tùng viện - lăng Thiệu Trị…

Ông Hải cũng khẳng định, việc trùng tu các di tích được thực hiện theo danh mục đã được Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt chứ không phải tùy tiện muốn trùng tu công trình nào cũng được. Danh mục này được thiết lập căn cứ vào Kết luận 48 của Bộ Chính trị và chủ trương của Chính phủ.

Theo đó, trong những năm trước mắt cần ưu tiên trùng tu khu vực Đại Nội, sau đó mới mở rộng ra các lăng tẩm và các di tích khác. “Việc trùng tu các di tích gắn liền với công tác phát huy giá trị di sản, tuy nhiên không vì vậy mà không quan tâm đến các di tích ít hoặc chưa có khả năng phát huy giá trị. Bởi vậy, đối với các di tích đang xuống cấp thì giải pháp trước hết là chống đỡ, chống xuống cấp và thực hiện tu sửa nhỏ”- ông Hải nói thêm.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, khó khăn trong trùng tu hệ thống di tích ở Huế không chỉ là kinh phí, mà cơ chế lập thủ tục các dự án trùng tu còn hết sức rườm rà, còn có những quy định chưa hợp lý - nhất là những quy định mới của Bộ Xây dựng.

Là người từng có thâm niên công tác ở lĩnh vực di sản, nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng vấn đề thiếu kinh phí chỉ là một phần, bởi có thể huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Điểm khó khăn ở công tác bảo tồn và trùng tu chính là con người - là năng lực từ người quản lý, lãnh đạo cho đến thợ thi công. “Không chỉ tôi mà nhiều người cũng cho rằng lâu nay di sản Huế chỉ tôn tạo, trùng tu, phục hồi các công trình nhỏ, các công trình vôi vữa chứ chưa thực sự quan tâm đến việc phục hồi, trùng tu các công trình kiến trúc chính và quan trọng”, ông Phan Thuận An cho biết.

Ông An cũng dẫn chứng rằng, ở trục giữa của Đại Nội Huế, sau điện Thái Hòa là điện Cần Chánh, điện Càn Thành, điện Khôn Thái. Nhưng đã rất nhiều năm rồi, vẫn chưa thực hiện được việc phục hồi các công trình này, trong khi đó các đường dẫn (Trường Lang) chỉ là phần phụ thì lại được làm trước. Nếu sau này, khi phục dựng xong các điện nói trên, hệ thống đường hành lang này đấu nối không phù hợp thì phải làm sao?

Mặc dù hệ thống quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO đánh giá là đã vượt qua thời kỳ cứu nguy khẩn cấp, nhưng trước một thực trạng của sự hư hỏng và xuống cấp hiện nay thì vấn đề xử lý như thế nào đòi hỏi phải được trả lời.

Theo Báo Văn hoá

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hang-tram-cong-trinh-trong-quan-the-di-tich-co-do-hue-xuong-cap-nang-chua-duoc-trung-tu-kinh-phi-chi-la-mot-phan-a151.html