Tịnh thất Quy Nguyên luôn thu hút đông phật tử
Nơi của những không gian xanh
Nằm lọt thỏm giữa “xứ xoài” cù lao Giêng (Chợ Mới) nhưng chùa Phước Thành (xã Bình Phước Xuân) nổi bật với quần thể tượng Phật A Di Đà cùng 48 vị Bồ tát Thánh chúng (đã được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam vào tháng 5-2017). Trong đó tượng Phật A Di Đà cao 39m, đứng sừng sững, uy nghiêm giữa những vườn xoài xanh mướt, còn mỗi tượng Bồ tát Thánh chúng cao đến 5m, mang nét kiến trúc văn hóa cổ đặc thù của Phật giáo.
Bước vào khuôn viên chùa, du khách có cảm giác như lạc vào vùng đất Phật cổ kính. Ngôi chùa có lịch sử thành lập từ năm 1872 này có lối kiến trúc cầu kỳ, chăm chút từng chi tiết. Tại đây, bên cạnh lễ Phật cầu an, du khách còn có thể lưu lại những bức ảnh độc đáo để khoe với bạn bè, người thân.
Từ Chợ Mới ngược qua TP. Long Xuyên về Thoại Sơn, du khách có thể ghé qua Lan Nhã Kỳ Viên (xã Vĩnh Trạch), tịnh thất Quy Nguyên (xã Định Thành) trước khi vào Óc Eo thăm chùa Linh Sơn dưới chân núi Ba Thê. Muốn đến được Lan Nhã Kỳ Viên, phải vượt qua con đường nhựa ngoằn ngoèo nhưng bù lại, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát của chùa mang lại cảm giác thanh bình dễ chịu. Tại đây có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng sừng sững giữa đài sen, được hộ tống bởi 4 con rồng màu sắc khác nhau. Cách đó không xa là tượng Như Lai Phật Tổ nằm yên vị giữa những hàng cây xanh. Chánh điện của chùa rộng rãi, thoáng đãng, phía trên có tượng Phật Tổ ngồi dưới gốc bồ đề và những bức tranh vẽ trực tiếp lên tường kể về lịch sử đức Phật Như Lai. Với khuôn viên rộng hơn 10.000m2, Lan Nhã Kỳ Viên không chỉ mang vẻ đẹp yên bình giữa đồng lúa xanh tươi, mà nơi đây còn ghi dấu ấn của Hòa thượng trụ trì Thích Giác Vạn (sinh năm 1930) với nỗ lực quyên góp xây cất nghĩa trang từ thiện trị giá hơn 14 tỷ đồng.
Trước khi vào trung tâm huyện Thoại Sơn, nhiều người chọn ghé qua tịnh thất Quy Nguyên (ấp Hòa Phú, xã Định Thành), nằm ngay trên tuyến Tỉnh lộ 943. Từ một tịnh thất nhỏ, nhờ sự đóng góp, chung tay của phật tử, tịnh thất được trùng tu xây dựng với chủ đạo màu vàng, khuôn viên có nhiều hoa, cây cảnh. Cùng với tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và Phật Di Lặc ở phía trước, chánh điện thờ Phật Thích Ca, phía sau tịnh thất đã hoàn thành tượng Phật A Di Đà cao 22m, ngồi ngự giữa hồ sen, bên trong dát gạch mini một cách tỉ mỉ. Vào 3 ngày rằm lớn, dịp lễ Vu lan báo hiếu, Lễ Phật Đản và giỗ 28-2 (âm lịch), hàng ngàn phật tử tề tựu về đây để cúng viếng, chiêm bái.
Tượng các vị Bồ tát trong chùa Phước Thành
Tiên cảnh trên triền núi
Từ Thoại Sơn qua Tri Tôn, Tịnh Biên, TP. Châu Đốc, du khách không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp như tiên cảnh của những ngôi chùa nằm tựa theo vách núi hoặc ngay trên đỉnh núi.
Nổi tiếng ở Tri Tôn có chùa Tà Pạ nằm trên đồi Tà Pạ (xã Núi Tô). Do không có nền đất bằng phẳng nên chùa được xây trên những cột chống đỡ vững chắc cao hàng chục mét. Nhìn từ xa, ngôi chùa như đang lơ lửng giữa không trung, nổi bật giữa vùng rừng núi hoang sơ. Cùng với kiến trúc độc đáo, mang đậm văn hóa truyền thống Khmer, điểm thú vị là từ ngôi chùa này có thể phóng tầm mắt nhìn những ngọn núi hùng vĩ khác như: Cô Tô, núi Dài, núi Cấm…
Di chuyển qua Tịnh Biên, du khách không thể bỏ qua chùa Vạn Linh, ngôi chùa được xem là có vị trí cao nhất ĐBSCL khi tựa lưng vào trên sườn đồi Bồ Hong trên đỉnh núi Cấm (cao 716m). Mặt chùa hướng về hồ Thủy Liêm, tượng Phật Di Lặc khổng lồ. Khuôn viên chùa trồng nhiều hoa, cây cảnh, có lối kiến trúc tương tự như Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt).
Đến TP. Châu Đốc, nhiều người ấn tượng với chùa Hang (Phước Điền tự), nằm lưng chừng nơi triền núi Sam. Ngôi chùa hơn 100 năm tuổi này đẹp như cảnh tiên khi có lối kiến trúc đặc biệt, vừa cổ kính, vừa yên bình, lại không kém phần thơ mộng. Đây là địa điểm check-in đẹp, gắn với nhiều giai thoại nổi tiếng.
Vừa xuống chùa Hang lại đến chùa Tây An (Tây An Cổ tự), nằm ẩn mình dưới chân núi Sam. Ngôi chùa mang kiến trúc lai giữa Ấn Độ và Việt Nam, có khung cảnh thiên nhiên hữu tình, tô điểm thêm cho miếu Bà Chúa Xứ núi Sam nổi tiếng ở gần đó. Trên đường vào trung tâm TP. Châu Đốc, chùa Huỳnh Đạo cũng là địa chỉ khó có thể bỏ qua. Đây được xem là một danh thắng của An Giang bởi khuôn viên rộng rãi, kiến trúc độc đáo, đồ sộ, nổi bật là biểu tượng 9 con rồng (Cửu Long) trước sân chùa…
Theo Báo An Giang