Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đất và người xứ Quảng

Cái duyên của Võ Nguyên Giáp với Đất và Người Xứ Quảng ban đầu là như vậy. Càng về sau con đường cách mạng, cuộc đời Võ Nguyên Giáp còn gắn bó với số phận nhiều người con ưu tú của Quảng Nam - Đà Nẵng.

"Võ Nguyên Giáp - hào khí trăm năm" của Trần Thái Bình (In lần thứ 8) do NXB Trẻ ấn hành cuối năm 2017, cũng như vài chục cuốn sách kể cả tác giả nước ngoài viết về Đại tướng, mà tôi đã sưu tầm và đọc được trong mấy chục năm qua. Có thể nói đây là tổng phổ, đại tập thành khắc họa rõ nét chân dung một nhân vật lịch sử đặc biệt đầy huyền thoại văn võ song toàn như Giáo sư Vũ Khiêu đã thủ bút  đề tặng Đại tướng, nhân dịp bách niên (100 tuổi): "Võ Công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm". Vị tướng của muôn nhà, của muôn dân, mà tầm vóc của người luôn sừng sửng và tỏa bóng lên hành trình thế kỷ đánh giặc và giữ nước của dân tộc ta. 
 


Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu

Theo hồi ký và những tư liệu, thông tin đã công bố, Võ Nguyên Giáp đến Quảng Nam từ rất sớm, lần đầu vào năm 1927. Giữa những năm 20, Võ Nguyên Giáp, một thanh niên yêu nước từ Quảng Bình vào Huế học, mau chóng gặp gỡ, kết thân với những thanh niên, học sinh cũng đầy nhiệt huyết yêu nước từ Quảng Nam ra như Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) cùng học trường Quốc học, trên Võ Nguyên Giáp  một lớp và cùng ở Nhà hội (một dạng ký túc xá tự quản của những học trò xứ Quảng ở Huế, do nhiều nhân sĩ, trí thức gầy dựng). Đây cũng chính là nơi tập hợp những người trẻ tuổi có chí hướng cứu nước. Võ Nguyên Giáp rất thân với Phan Bôi, thường đến Nhà hội, và cùng với Nguyễn Chí Diễu, Hải Triều, Phan Bôi hay đến thăm chí sĩ Phan Bội Châu, nghe ông già Bến Ngự nói chuyện thời thế. Năm 1925 - 1926, học sinh ở Huế sôi nổi tham gia phong trào biểu tình đòi ân xá Phan Bội Châu, tổ chức truy điệu Phan Châu Trinh. Nguyễn Chí Diễu bạn thân nhất của Võ Nguyên Giáp  bị nghi là lãnh đạo phong trào. Mật thám Pháp bày trò vu khống Nguyễn Chí Diễu "Chép bài của người khác" rồi đuổi học. Võ Nguyên Giáp , Phan Bôi cùng bạn bè vận động bãi khóa, phản đối việc đuổi Nguyễn Chí Diễu. Võ Nguyên Giáp , Phan Bôi lại bị đuổi học. Trong tình hình đó, Võ Nguyên Giáp vào Quảng Nam gặp Lê Văn Hiến ở Đà Nẵng, rồi lên Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, ra Bảo An, huyện Điện Bàn gặp Phan Bôi, xuống Hội An gặp Cao Hồng Lãnh (Phan Thêm). Khi ở Huế Cao Hồng Lãnh đã gặp Võ Nguyên Giáp  trong phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và Lễ truy điệu Phan Châu Trinh, trở thành những người bạn đồng chí hướng. 

Cái duyên của Võ Nguyên Giáp  với Đất và Người Xứ Quảng ban đầu là như vậy. Càng về sau con đường cách mạng, cuộc đời Võ Nguyên Giáp  còn gắn bó với số phận nhiều người con ưu tú của Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sau khi bị đuổi học, Võ Nguyên Giáp  vẫn trụ lại Huế. Không lâu, Võ Nguyên Giáp được cụ Huỳnh Thúc Kháng bảo lãnh và thâu nhận vào làm biên tập ở báo Tiếng Dân, do cụ Huỳnh làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút. Cụ Huỳnh Thúc Kháng hơn Võ Nguyên Giáp  tới ba giáp (35 tuổi), nhưng cụ rất quý trọng người cộng sự trẻ tuổi thông minh, yêu nước này. Trong hoàn cảnh lúc đó, vì nhiều lí do, trên báo Tiếng Dân và qua các hoạt động khác, cụ Huỳnh bộc lộ nhận thức và quan điểm thiếu chính xác về chủ nghĩa cộng sản. Có lần cụ nói với Võ Nguyên Giáp: "Cậu là một thanh niên thông minh, yêu nước, nhưng các cậu chưa từng trải, cho nên hiểu rằng chủ nghĩa Bôn-sê-vích không hợp với nước ta đâu". Thực tế, thời kỳ phôi thai của cách mạng, nẩy sinh nhiều khuynh hướng tư tưởng hữu khuynh, cải lương hay chủ nghĩa dân tộc. Nhiều văn kiện của Đảng ta đã phân tích, phê phán về các nhận thức quan điểm  mơ hồ sai trái ấy. Ở Việt Nam, trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, ai nói đến chuyện dân tộc, chuyện đồng bào mà không nói đến chuyện giai cấp, chống bóc lột thì bị coi như phần tử cơ hội hữu khuynh. Chính Bác Hồ, những năm đầu 30 cũng từng bị nhận xét là mang tàn dư của hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, pha lẫn chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa duy tâm (xem Nguyễn Ái Quốc trên con đường về nước. NXB Chính trị quốc gia và NXB Nghệ An). Nhưng khi Huỳnh Thúc Kháng nhập cuộc, thì Bác Hồ khẳng định - "Cụ là một người yêu nước chân chính, một nhân cách cao thượng". Với tầm nhìn của mình và từ những trải nghiệm thực tiễn qua nhiều năm là cộng sự đắc lực, thân tín của cụ Huỳnh, Võ Nguyên Giáp  đánh giá cao cụ Huỳnh, dù có nhận thức và quan điểm về chủ nghĩa cộng sản hoạt động. Võ Nguyên Giáp  tôn trọng và khâm phục cụ Huỳnh, cho rằng chính kiến của cụ là cái riêng, trên hết, cụ là nhà ái quốc hết lòng vì nước vì dân. Nhớ lại, hồi năm 1946, khi chuẩn bị ra mắt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, qua một thời gian gửi điện mời, rồi thư qua thư lại giữa Bác Hồ với cụ Huỳnh, cụ viện nhiều lý do và không muốn ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp  đang là Bộ trưởng Nội vụ, liền có thư vào cho cụ "... Chúng tôi khẩn khoản mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Nội vụ". Cụ Huỳnh cuối cùng rời báo Tiếng Dân ra Hà Nội, có mặt trong lễ ra mắt Chính phủ lâm thời trước quốc dân đồng bào. Cụ Huỳnh, sau đó có lúc đã làm Quyền Chủ tịch nước, thay Bác Hồ lúc đi Pháp. 

Có một sự gắn bó kỳ lạ, để lại những ấn tượng đẹp, là khi ra Hà Nội dấn thân và lập nghiệp, Võ Nguyên Giáp gặp lại và luôn luôn gần gũi sát cánh với Phan Thanh, quê Điện Bàn, Quảng Nam và vợ ông, bà Lê Thị Xuyến quê Đại Lộc, Quảng Nam. Phan Thanh là anh ruột Phan Bôi, hơn Võ Nguyên Giáp có ba tuổi, nhưng tài năng, đức độ, và có sức thuyết phục đặc biệt với Võ Nguyên Giáp . Gần như những hoạt động chính của Phan Thanh đều có Võ Nguyên Giáp bên cạnh. Phan Thanh mở trường tư thục Thăng Long để mưu sinh và có môi trường liên kết vận động trí thức, thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, một việc lớn được khởi xướng từ thời phong trào Duy Tân ở Quảng Nam. Ở trường này, Võ Nguyên Giáp  dạy văn - sử - địa, Phan Thanh dạy Pháp văn. "Thầy Giáp đã đưa học sinh đến cửa Bắc trước vết đạn pháo của Pháp bắn vào thành Hà Nội, đến Ô Cầu Giấy xem nơi Franico Garnier, Henri Rivièrre tử trận, ngay tại hiện trường thầy đã kể về diễn biến trận đánh cho học sinh nghe". Võ Nguyên Giáp  đã truyền đạt những khái niệm về cách mạng, về dân tộc, dân chủ, về nhân quyền, khơi dậy trong học sinh những lý tưởng cao đẹp, lòng háo hức hoạt động chính trị, kích thích tinh thần yêu nước thương nòi. 

Khi Đảng giao cho Phan Thanh nhiệm vụ thành lập Hội truyền bá quốc ngữ, trực tiếp làm Tổng thư ký, Trưởng ban cổ động, thì Võ Nguyên Giáp  là Trưởng ban dạy học. Đây là một phong trào vận động văn hóa sâu rộng chưa từng có, do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cơ sở cho việc xóa nạn mù chữ sau này, đồng thời là cuộc vận động chính trị yêu nước công khai hợp pháp, lôi cuốn và tập hợp được nhiều người. 
 

Trong thời kỳ này, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, Đảng chủ trương ra báo công khai ở Bắc, Trung, Nam bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp, xem báo chí là mặt trận quan trọng, Phan Thanh, Phan Bôi cùng với Võ Nguyên Giáp  là những hạt nhân tích cực. Lúc đó nhiều  tờ báo như Le Travail, Rassanlement, En Avant, Demain, Notre Voix... đang hoạt động. Tờ Thời Thế, Tin Tức, Đời Nay - những tờ báo tiến bộ của Đảng. Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh, Phan Bôi là những cây bút nổi tiếng trên các tờ báo ấy. Nhiều người kể lại, có khi để hoàn thành một số báo Võ Nguyên Giáp phải bao trọn mọi bài vở, tin tức, ông làm việc 24/24 giờ. Thật đáng nể trọng. Những người cùng chí hướng, tài năng xuất chúng luôn luôn tôn trọng tài năng của nhau và đánh giá sâu sắc về bạn mình. Võ Nguyên Giáp  có lần đã viết: "Ở tuổi 30, mà anh Phan Thanh đã xuất hiện trong làng báo như một cây bút lành nghề và lão luyện, trên nghị trường như một chính khách, sắc sảo và hùng biện, trên bục giảng ở nhà trường như một ông thầy chững chạc và mực thước". Khi Phan Thanh qua đời, Võ Nguyên Giáp  xúc động kể lại chuyện người bạn đời của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thái, lúc ấy đã trao cho thân nhân Phan Thanh một Huy hiệu búa liềm để đặt lên nơi trái tim Phan Thanh và khẳng định: "Đối với những người cộng sản chúng tôi, thì từ đây Phan Thanh đã thực thụ là một người cộng sản!".

Đối với Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Hải quân Việt Nam, quê Đà Nẵng, người mà Bác Hồ dặn ông: "... Chú đã có công quật ngã thằng Pháp ở dưới biển, thì bây giờ chú phải quật ngã thằng Mỹ xâm lược nầy nữa, phải không chú Phát?". Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp , thì có một bài viết chí tình, chí nghĩa về người sĩ quan Hải quân thân thiết của mình, Nguyễn Bá Phát (chúng tôi đã sưu tầm được). Nguyên văn tiêu đề và trích nội dung như sau: "Một người con tiêu biểu của Liên khu V, một vị tướng tài trí - ...."Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam, là một người cộng sản trung kiên, một người con trung hiếu Liên Khu V, một vị tướng tài trí của quân đội ta, có nhiều công lao đối với Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Tôi nhớ mãi Thiếu tướng Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát, người đồng chí thân thiết mà tôi luôn tin tưởng mỗi lần trao nhiệm vụ cho đồng chí. Nhân dịp này, tôi thân ái gửi lời thăm hỏi ân cần đến gia đình đồng chí!" - Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2007 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Trong những năm chiến tranh chống mỹ ác liệt, lâu lâu Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Đà, nhận được một "bưu kiện" chuyển tới bằng đường giao liên, giấy gói, dây buộc đã sờn rách, đứt lỏng. Đó là những cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp  từ Hà Nội gửi vào cho Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy, bạn học của Đại tướng ở trường Quốc học Huế. Dù không phải quà của chúng tôi, nhưng được nhìn thấy những cuốn sách quý từ hậu phương lớn, có lời đề tặng và chữ ký của Đại tướng chúng tôi đều phấn khởi, tự hào, cũng như khi nhìn bức ảnh Tướng Giáp và Hồ Nghinh, cả hai đã ngoài thấp thập, nhưng đều tươi trẻ, tinh anh, có chú thích: "Nụ cười hai người bạn thời Quốc học, Huế (1925 - 2926), gặp nhau sau năm 1975 tại Đà Nẵng. 

Những năm sau ngày toàn thắng, nước nhà độc lập, Đại tướng có nhiều lần đến với Quảng Nam, Đà Nẵng, đã để lại trong lòng lớp trẻ chúng tôi những kỷ niệm đẹp đẽ, khó quên. Khi tôi đi tìm tư liệu cho cuốn ký sự "Đà Nẵng - Khoảnh khắc 29-3", đọc được trong cuốn "Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng" của Đại tướng, có những chi tiết Đại tướng kể lại hồi họp, sinh động: "Trong lúc này, thời gian là lực lượng. Từ  trung tuần tháng 3  năm 1975, tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh và Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy V đã chỉ huy "3 thứ quân" tiến công và nổi dậy đánh thốc ra bao vây Đà Nẵng, từ phía Bắc các Sư đoàn của Quân đoàn 1 và 2 vượt đèo Hải Vân áp sát thành phố. Trong buổi giao ban tối 26 tháng  3 trước tấm bản đồ "Chiến trường Đà Nẵng" , tôi cần tận dụng ngay mọi lực lượng tấn công địch, nên điện trực tiếp cho Sư đoàn 304. "Phải bằng mọi cách tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Lúc này mọi sự chậm trễ đều có tội". Sáng ngày 28 tháng 3, nghe tướng Doãn Tế, Tư lệnh pháo binh báo cáo, tôi nhận định, việc triển khai pháo binh như vậy là chậm. Lệnh phải đưa ngay pháo lên đèo Mũi Trâu (tây Hòa Vang) để chế áp sân bay Đà Nẵng, đưa tiếp pháo Quân đoàn 2 lên đèo Hải Vân để bắn sang Sơn Trà. Điều ngay lực lượng pháo binh mặt trận Quân khu V lên tham gia tấn công". 

Trận pháo kích của 30 khẩu đại pháo của ta diễn ra vào 5 giờ sáng ngày 29-3, dồn dập dội bão lửa vào các đơn vị đầu nảo của địch. Có tin Tổng thống Mỹ Giêrôn Pho sẽ liều lĩnh đưa hải quân đến cứu viện Đà Nẵng, không qua được bộ lóc tin tưởng, lão luyện, phân tích nhạy bén tình hình của nhà chiến lược quân sự đang cầm quân, Đại tướng đã diện cho tướng Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn và Bí thư Khu ủy V Võ Nguyên Giáp: "Pho tuyên bố dùng tàu LST vào Đà Nẵng là để trấn an dư luận, cũng có thể cứu bọn ngụy ở Sơn Trà. Khả năng hành động của không quân ngụy ít. Khả năng không quân Mỹ can thiệp càng ít hơn. Nhưng ta phải đề phòng". Thực tế chiến trường đã diễn ra đúng như nhận định của Đại tướng. Căn cứ hỗn hợp hùng mạnh của Mỹ - ngụy ở Đà Nẵng đã thất thủ đúng vào dịp lễ Phục sinh. Quá trưa 29 tháng 3, tại Tổng hành dinh, Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp  không dấu nổi niềm vui: "Nhớ lại buổi giao nhiệm vụ cho anh Lê Trọng Tấn, tôi nói vui - Đáng lẽ, tôi cho cậu 5 điểm, nhưng giờ cho 3 điểm, vì đánh Đà Nẵng chỉ mất có 3 ngày!". 

Hai hôm sau, trong bức điện của Quận ủy Trung ương do Đại tướng ký tên đã dành những lời sâu nặng, ân cần, xúc động: "Quận ủy Trung ương nhiệt liệt khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng vien, đoàn viên, các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, tự vệ Mặt trận Quảng Đà đã triệt để chấp hành mệnh lệnh, hành động táo bạo và kịp thời, phối hợp với nhân dân trong một thời gian rất ngắn, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng, là một căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất của địch ở miền Nam Việt Nam. Quận ủy Trung ương tuyên dương công trạng các đồng chí trong toàn quân về chiến công chói lọi đã lập được... - Võ Nguyên Giáp ".

Năm 1997, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh QN-ĐN, Nhà xuất bản Đà Nẵng chúng tôi thực hiện công trình sách lịch sử, văn hóa "Bà mẹ Việt Nam anh hùng Quảng Nam Đà Nẵng", với hơn 6.000 mẹ còn sống và qua đời, do nguyên Cố vấn BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nước CHXHCN Việt Nam, viết lời giới thiệu. Cuốn sách trên 3.000 trang khổ lớn, bìa vẽ Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, quê Điện Bàn, có 11 người thân (Chồng, con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước), sách in xong tôi trực tiếp mang ra trân trọng kính biếu Đại tướng. Hôm ấy đã là ngày cuối đông, Hà Nội heo may se lạnh. Đến trước cổng nhà riêng của Đại tướng, các đồng chí bảo vệ sau khi xem giấy tờ, rồi mời tôi vào. Nơi phòng khách, Đại tướng và cô Bích Hà phu nhân Đại tướng vừa bước ra, vui mừng, niềm nở cầm tay tôi và bảo tôi ngồi, hỏi han sức khỏe và Đà Nẵng. Vì biết Đại tướng bận nhiều việc và có khách mới đến, nên tôi vội lấy mấy cuốn "Bà mẹ VNAH Quảng Nam - Đà Nẵng", "Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới"  (sách dịch, do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, viết lời giới thiệu) và "Luận về quốc học" của GS.TS Mai Quốc Liên biên khảo. Thật bất ngờ, Đại tướng tay run run cầm lấy cuốn sách "Bà mẹ VNAH Quảng Nam - Đà Nẵng", nâng lên, áp vào ngực mình, rồi từ từ đặt xuống rưng rưng nước mắt, chắp tay cúi lạy rồi nghẹn ngào: "Đây mới là máu xương, ruột rà của đất nước, của dân tộc!". Tôi lặng người. Và không bao giờ tôi quên được cái giây phút "linh thiêng" sâu thẳm đầy đạo lý, tình người ấy của Đại tướng, trước hình ảnh những Bà mẹ Việt nam Anh hùng kẻ còn người mất của đất Quảng chúng tôi như thế này. Mới thấu hiểu được trái tim và tâm hồn nhân hậu của Đại tướng nhạy cảm và cao đẹp biết chừng nào. Đại tướng còn dặn tôi rằng: Lần đầu tiên trong cả nước, QNĐN đã sưu tầm, tập hợp làm được cuốn "Biên niên sử" về Bà mẹ VNAN, là việc làm đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đáng quý để lại cho muôn đời sau. Tốt lắm". 

Khoảng tháng 5 năm 1995, Bộ Tư lệnh Quân khu V mời Đại tướng và phu nhân vào nghỉ dưỡng ở Nhà khách T20, bên bờ biển Mỹ Khê, nay là đường được mang tên Võ Nguyên Giáp , quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng. Nhận chỉ thị của UBND tỉnh, giao Sở VH-TT, tổ chức một nhóm nghệ sĩ diễn viên Nhà hát tuuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sang biểu diễn phục vụ giúp vui trong những ngày Đại tướng vào đây nghỉ dưỡng. Sở VH-TT cử tôi (Phó giám đốc sở), GS. Hoàng Châu Ký và NSND Trần Đình Sanh (Giám đốc Nhà hát) tuyển chọn 12 giọng hát xuất sắc nhất. Các diễn viên vừa xinh đẹp, vừa hát hay, múa giỏi đều muốn đến nơi ở của Đại tướng, để được gặp và hát cho Đại tướng và phu nhân nghe những trích đoạn tuồng văn đặc sắc xứ Quảng. Buổi biểu diễn (không có áo mão, cân đai, cung kiếm, mà chỉ có nhạc cụ phụ họa nhẹ nhàng). Đại tướng và phu nhân,anh chị em phục vụ và nhân viên khách sạn, quây quần ấm cúng bên Đại tướng,  thưởng thức các tiết mục chọn lọc hay nhất để Đại tướng vừa lòng. Buổi diễn, khoảng 1 giờ thì kết thúc. Đại tướng tươi cười bắt tay nhiều lần cám ơn các em. Nhưng rồi Đại tướng lẳng lặng vào phòng, lại đi ra đi vào trầm ngâm. Tôi lo quá, không biết có việc gì sơ suất, làm Đại tướng không vui sau phút giây vui vẻ tràn ngập vừa rồi. Tôi vội thưa với phu nhân Đặng Việt Hà: 

- Thưa cô, các cháu có lỗi gì không cô, mà Đại tướng vào ra áy náy vậy cô?

Phu nhân cười: 

- Có gì đâu, ông ấy tiếc là không có bó hoa tươi để tặng các nghệ sĩ đấy thôi!.

Tôi, GS. Hoàng Châu Ký và NSND Trần Đình Sanh quá mừng, vì không có gì sai sót. Nhưng cảm thấy mình hỗ thẹn vì thiếu sót, kém cõi đáng chê trách - làm văn hóa, đến cái việc đơn giản là "sắm" một bó hoa mà cũng không nghĩ ra được Đại tướng buồn là đúng. Cái buồn đầy nhân văn, văn hóa, đầy tình cảm và nhân hậu, hiếm có - đã cho tôi một bài học sâu sắc, cảm phục và biết ơn Đại tướng, mỗi khi nhớ lại chuyện "bó hoa" và nhìn tấm ảnh chụp chung với Đại tướng và phu nhân Đại tướng ngày ấy vẫn mãi ân hận, bồi hồi trong tôi. 

Lâu nay, nghĩ về Võ Nguyên Giáp  - hình ảnh một võ tướng trầm tĩnh "đánh quen trăm trận, sức dư muôn người" luôn chiếm lĩnh trong tâm trí chúng ta. Nhưng nếu nhìn từ nhiều góc cạnh, dưới mọi cung bậc, qua không gian, thời gian, mối quan hệ Võ Nguyên Giáp  với Đất và Người xứ Quảng, chúng ta có thể nhận ra nhiều điều mới lạ, đặc sắc, làm chúng ta càng yêu mến hơn mảnh đất này, và càng thấy tầm cao hơn của cuộc đời vô cùng phong phú Võ Nguyên Giáp, trong hào khí trăm năm của dân tộc.

-------------------------

Một số chi tiết trong bài tham khảo từ các sách, tài liệu: Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng của Võ Nguyên Giáp. Từ Tòa Bạch ốc đến Dinh Độc Lập của Jerold Sehecter. Trên những chặng đường cách mạng của Võ Chí Công. Tuần lễ dài nhất của sư đoàn trưởng giới của Lê Hiến Ảnh. Đà Nẵng khoảnh khắc 29-3 của 

Hoàng Hươnng Việt. Đà Nẵng, Xuân 2011 của Nguyễn Đình An...
 
Hoàng Hương Việt
Nhà nghiên cứu Văn hoá

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-dat-va-nguoi-xu-quang-a15085.html