Thả cá chép để ông Táo về Trời và những việc nên tránh

Hằng năm, vào ngày 23 tháng chạp âm lịch Mậu Tuất, người dân Việt lại có tục lệ thả cá chép ra sông suối, ao hồ với mong muốn để ông Táo cưỡi “cá hóa rồng” về Trời, báo cáo điều tốt đẹp cho gia đình. Vậy gốc tích câu chuyện đó ra sao, và thả cá chép như thế nào cho đúng, có nên bỏ luôn vật thờ cúng theo.

 
Cá chép được bán nhiều nơi trong dịp 23/11 âm lịch. Ảnh: Huyền

Những truyền thuyết lưu truyền trong dân gian về ông Táo

Câu chuyện về ông Táo hiện nay có nhiều dị bản, và việc thả cá chép cũng có nhiều thuyết. Chắc ai trong chúng ta đều có nghe câu chuyện về mối tình cảm động của ba ông Táo. Nói là ba ông Táo, nhưng kỳ thực là hai ông một bà.
 
Chuyện kể rằng, xưa kia có vợ chồng nghèo khổ, nên người chồng phải đi xa làm ăn, còn người vợ ở nhà. Sau nhiều năm không thấy chồng về cũng như bặt tăm tung tích nên người vợ đi thêm bước nữa. Cuộc sống an ổn như vậy qua đi cho đến một ngày, người chồng mới vắng nhà thì đúng lúc người chồng cũ trở về.
 
Giật mình thấy chồng cũ về, người vợ ôm chầm và khóc lóc, kể rõ sự tình, sau đó còn lấy cơm cho chồng cũ ăn. Đúng lúc này, chồng mới về nhà, do sợ bị phát hiện nên vợ bảo chồng cũ chui vào đống rơm trốn. Do công việc đồng áng, nên chồng mới đốt rơm và không may làm chết chồng cũ, người vợ thương xót nên nhảy vào lửa chết theo, người chồng mới thấy vợ như vậy nên cũng lao vào đống lửa chết.
 
Thấy được tình cảm của ba người, Diêm Vương cho hóa thành 3 ông đầu rau tức 3 ông Táo với nhiệm vụ là chăm lo việc bếp núc cho người trần gian. Một câu chuyện khác cũng kể về mối tình đau xót giữa hai người đàn ông và một phụ nữ.
 
Chuyện kể rằng, do nghèo đói nên vợ chồng nọ phải bỏ nhau. Người chồng cũ bơ vơ lữ thứ kiếm sống, còn người vợ may mắn lấy được chồng giàu có. Chồng cũ phải đi ăn xin để sống qua ngày, tình cờ ngày 23/11 âm lịch năm nọ, anh ta vào đến gia đình vợ ăn xin, người vợ đang đốt vàng mã thì nhận ra chồng đói khát, nên cho tiền bạc, đúng lúc chồng mới về và nhận ra sự việc oái ăm.
 
Không thể làm rõ được nghi vấn nên người vợ nhảy vào bếp lửa chết, người chồng cũ xót thương nên cũng chết theo trong bếp lửa. Còn người chồng mới vì ân hận không thiết sống nên cũng nhảy vào đống lửa chết theo. Mối tình tay ba đã khiến nhân gian cảm động nên họ đã lập đền thờ...
 
Thả cá chép để ông Táo về Trời
 
Tại sao lại phải thả cá chép để ông Táo về Trời mà không phải là loại cá khác, hay tôm chẳng hạn. Việc này cũng xuất phát từ trong dân gian. Đã có nhiều câu chuyện xung quanh loài cá chép, nhưng được biết nhiều hơn cả là câu chuyện “cá chép hóa rồng”
 
Cá chép với mong ước được lên Trời, nhưng nhất thiết phải trả qua 3 lần thử thách, như vượt qua thác, qua giông bão. Sau mỗi lần vượt qua hiểm trở, cá chép lại đến gần Trời hơn và cuối cùng là hóa rồng. Câu chuyện “cá chép hóa rồng” như là một ao ước của người dân lao động biến ước mơ thành hện thực.
 
Cá chép từ đó cũng biểu hiện cho sự thăng tiến, giỏi giang, chịu khó, may mắn. Vì vậy, cá chép được nhân gian cho một đặc ân là giúp ông Tao về Trời trong ngày 23/11 âm lịch, và cũng mong rằng mọi ước nguyện của mình sẽ được như “cá hóa rồng”. Còn về thình cầu ông Táo, người dân mong ông báo cáo sự việc tốt đẹp của gia đình mình với Trời, và cầu mong được sự che chở, thương xót từ Trời.
 
Vứt bát hương, đồ thờ cúng xuống sông là một niềm tin sai lầm
 
Việc nhiều người dân ngày càng theo tập tục thả cá chép xuống sông suối, ao hồ đã làm cho nét đẹp dân tộc thêm lan rộng. Theo Đạo Phật, việc thả cá chép như là cứu vớt chúng sinh, đó là lòng từ bi. Nhưng nhiều năm nay, việc thả cá chép kèm theo túi ni lông, đồ thờ cúng đã làm ô nhiễm sông suối, ao hồ.
 
Có tục cho rằng, việc thả đồ thờ cúng ngày cuối năm sẽ làm cho gia đình và tổ tiên “mát mẻ” hơn, nhưng theo Thượng tọa Thích Nhật Từ (Phó Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, thông tin trên TTXVN): Vứt bát hương, đồ thờ cúng xuống sông là một niềm tin sai lầm. "Về phía Phật học, quan niệm thả đồ cúng xuống sông hồ để tạo sự mát mẻ và phúc lộc là không phù hợp.
 
Người tu học Phật tưởng niệm ông bà tổ tiên bằng việc duy trì các truyền thống văn hóa cao quý của gia tộc, cam kết phát triển ngày càng tốt đẹp hơn, tránh tình trạng "cha mẹ làm thầy con cái đốt sách". Những ngày lễ giỗ cuối năm nhắc nhở con cháu về những đóng góp to lớn của ông bà cha mẹ đối với quê hương và Tổ quốc, từ đó con cháu có nguồn động lực để phấn đấu noi gương người đi trước".
 
Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng cho rằng, việc làm sạch bàn thờ là việc làm thường xuyên chứ không phải vào dịp cuối năm mới làm. Hơn nữa, các vật thờ cúng thường là sành, sứ, vật cứng nên khi thả xuống sông suối, ao hồ sẽ gây ô nhiễm môi trường.
 
“Nếu không có nhu cầu sử dụng nữa có thể tặng biếu cho những gia đình khác. Trong trường hợp không ai tiếp nhận, chúng ta có thể đặt ở những vị trí thích hợp để không làm ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến giao thông, giao thương sông nước”.
 
Hơn nữa, hiện nay có tình trạng cá chép vừa thả xong thì có người khác đến vớt đem bán. Theo một Phật tử, thì khi đi thả cá chép, chúng ta phải chọn nơi có ít người thả, và khi thả phải nhìn trước ngó sau, nếu không, vô hình chung, chúng ta lại làm hại cá chép. Ngoài ra, việc một ao, hồ có quá nhiều người thả cá chép sẽ làm cho không khí mặt hộ ngạt, điều này cũng gây cá chết.
 
Hà Huyền

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tha-ca-chep-de-ong-tao-ve-troi-va-nhung-viec-nen-tranh-a15010.html