Làng Lệ Mật với việc sử dụng rắn

Rắn ráo, dân địa phương còn gọi là “rắn leo cây”, chúng có tên khoa học là Ptyas Korros Schlegel, là một loài rắn lành, sống trên cạn, thường ở trên cây, bụi cỏ rậm, đôi khi ở trong cột, trên mái nhà. Chúng kiếm ăn ban ngày, thức ăn chủ yếu là ếch, nhái, chuột.

Đã từ lâu, người dân làng Lệ Mật đã biết đến các tác dụng chữa bệnh của rắn như rắn ngâm cả con trong rượu hoặc chế từng bộ phận của rắn trị các loại bênh riêng biệt.
 
 
Rắn dùng để làm thuốc thường là một bộ ba con hoặc năm con, gọi là “tam xà” hoặc “ngũ xà”, bao gồm các loại rắn như hổ mang, cạp nong, cạp mia, rắn ráo.
 
Rắn hổ mang là một loại rắn cực kỳ độc, chúng có tên khoa học là NaJa Atra Cantor, thân dài gần 2m. Rắn hổ mang khi tức giận thì ngẩng cao đầu, thân phía trên lưng thẳng lên, cổ bạnh ra và phun phì phì nên còn gọi là rắn mang bành, mang bạnh, hổ phì. Rắn hổ mang không chủ động tấn công người, ban ngày chúng thường lành như đất, bơi giỏi nhưng chúng không sống dưới nước, thường sống trong hang chuột, dưới gốc cây, trong bụi tre... chúng thường kiếm ăn vào ban đêm. Thức ăn thường là các loài thú nhỏ như cóc, ếch nhái, thằn lằn, thức ăn chúng thích nhất vẫn là chuột. Vào mùa đông, rắn hổ mang thường chui sâu vào hang, thịt ăn không ngon cũng không thơm vì ở hang sâu ẩm thấp, có tác dụng làm cho tay chân khỏe mạnh, xương khớp giảm đau nên được gọi là “bổ hạ”.
 
Rắn ráo, dân địa phương còn gọi là “rắn leo cây”, chúng có tên khoa học là Ptyas Korros Schlegel, là một loài rắn lành, sống trên cạn, thường ở trên cây, bụi cỏ rậm, đôi khi ở trong cột, trên mái nhà. Chúng kiếm ăn ban ngày, thức ăn chủ yếu là ếch, nhái, chuột. Rắn ráo thường đẻ trứng ở tổ mối là nơi có đủ nhiệt độ và độ ẩm cho trứng rắn nở. Khi rắn ráo con nở ra đã có sẵn mối thợ và ấu trùng mối làm mồi ăn. Vào mùa thu, đêm và rạng sáng có sương giá, rắn ráo cuộn tròn như cái đĩa ở trên cây, người bắt chỉ việc cầm móc đặt vào chính giữa thân giật xuống và đưa tay đón bắt nhẹ nhàng. Thịt rắn ráo ăn rất thơm ngon. Nước luộc thịt rất ngọt, ăn vào thấy đầu óc minh mẫn, tinh thần sảng khoái. Người Lệ Mật cho rằng vì rắn ráo sống ở trên cao nên có tác dụng bổ óc, bổ thần kinh nên gọi là “bổ thượng”.
 
Rắn cạp nong, còn gọi là con đen vàng, rắn ăn tàn, tên khoa học là Bungarus Fasciatus Scheiden, thân dài trên 1m, có khoanh đen khoanh vàng xen kẽ. Khoanh đen bằng khoanh vàng hoặc rộng hơn một chút. Rắn cạp nong thường sống ở bờ sông, bờ đê, bờ ruộng... Chúng thường kiếm ăn vào ban đêm, thức ăn chủ yếu là thằn lằn, các loài rắn khác và kể cả trứng rắn, ếch nhái, thạch sùng, chuột. Rắn cạp nong thường chậm chạp, ít khi cắn người, ngay cả khi bị châm chọc. Ban ngày thường cuộn tròn, đầu giấu vào một khúc. Nọc của rắn cạp nong rất độc. Cạp nong ở hang nông, thịt ăn hơi hôi, không thơm, có tác dụng về cột sống giảm đau lưng nên người dân làng Lệ Mật cho rằng nó có tác dụng “bổ trung”.
 
Ngoài ra rắn dùng làm thuốc còn có rắn cạp nia, tên khoa học của rắn này là Bungarus Candidus Linnacus, loài rắn này độc, có thân dài trên 1m. Thân có khoanh đen hay nâu xen kẽ với những khoanh trắng khoanh đen không liền về phía bụng (bụng rắn cạp nia trắng), khoanh trắng hẹp. Rắn cạp nia cũng bơi giỏi, thường sống ở trong hang, ở bụi rậm quanh bờ đầm, bờ ao, bờ ruộng, thường khi ở gò đống, hang ếch. Chúng thường kiếm ăn ban đêm. Thức ăn chủ yếu là các loài rắn khác, mặc dù chậm chạp ít khi cắn người, nhưng nọc của nó rất độc, gấp 4 lần rắn hổ mang. Trước đây việc bắt rắn cạp nia là một điều tối kỵ, vì chúng quá độc, chưa có thuốc chữa, nếu bị cắn chỉ có chết. Vì vậy, người thợ bắt rắn nếu đào thấy rắn cạp nia, chỉ còn cách đạp chết rồi bỏ về, coi như hôm đó là một ngày không may. Còn ngày nay khi y học hiện đại đã chữa được rắn cạp nia cắn, cùng với sự kích thích của đồng tiền, thì việc bắt rắn cạp nia không còn là điều tối kỵ nữa.
 
Trong các loại rắn trên, người dân làng Lệ Mật cho rằng con rắn hổ mang thì “bổ hạ”, con rắn ráo thì “bổ thượng”, còn con rắn cạp nong thì “bổ trung”. Như vậy khi ghép cả ba con rắn này lại thì có tác dụng bổ cả thượng, trung, hạ (đầu, mình, chân tay) tức là bổ toàn thân. Bộ này được dùng bằng cách đem ngâm với nhau, có hai cách ngâm rượu rắn, đó là ngâm tươi và ngâm khô.
 
Ngâm tươi: Ngâm tươi thì lâu được dùng, vì thời gian ngâm lâu, nhưng nó có tác dụng bổ, khỏe nhiều hơn ngâm khô. Cho rắn sống vào bình, đổ ngập rượu loại tốt hoặc cồn 40 độ, ngâm một ngày một đêm cho rắn chết và tiết ra nọc độc, bỏ hết rượu đi, sau đó chặt bỏ đầu và đuôi ( độ 10cm). Sau đó mổ bụng rắn, bỏ hết phủ tạng, chỉ lấy túi mật, không lột da, lại cho vào bình, đổ ngập rượu loại tốt ngâm kín càng lâu càng tốt. Ít nhất là trên 3 tháng, tốt nhất là chôn xuống đất (hạ thổ) 100 ngày. Lúc đầu mới ngâm thì có mùi hôi thối, sau đó dậy mùi thơm và rượu ngâm có màu vàng hơi xanh.
 
 
Đây là một cách ngâm thông thường mà ai trong làng Lệ Mật cũng đều biết.
 
Ba loài rắn trên trong bộ “tam xà”, có tác dụng chống tiêu phong độc, thiên niên kiện, cẩu tích, ngũ gia bì, hà thủ ô đều là các vị thuốc chữa tê thấp, đau lưng nhức xương. Kê huyết đằng bổ máu, huyết giác thông máu, theo đông y muốn trị phong trước hết phải trị huyết tốt. Chu lưu đều đặn thì phong tự tiêu tan. Tiểu hồi, trần bì tạo mùi thơm cho rượu rắn và có tác dụng khai vị tiêu thực. Những vị thuốc bắc trên như tiểu hổi, trần bì, hà thủ ô, kê huyết đằng, câu tích, ngũ gia bì, huyết giác, thường được các vị thầy lang cho vào ngâm với bộ “tam xà”.
 
Ngâm khô: Ngâm khô thì nhanh được dùng, nhưng tác dụng của chúng kém hơn ngâm tươi. Chặt bỏ đầu đuôi khoảng 10cm, mổ bụng rắn, bỏ hết ngũ tạng chỉ để lại túi mật, lột da, rửa rắn bằng rượu ngâm gừng hay quế rồi lau khô bằng giấy bản. Chặt rắn ra từng khúc, nướng vàng, đem ngâm rượu 1 tháng là có thể dùng được. Nếu nướng vàng rồi đem sấy khô, tán bột hoặc đem xay ra giã nhỏ cho vào túi vải ngâm rượu thì chỉ 2 đến 3 tuần là có thể dùng được.
 
Ngâm tươi, hay khô chỉ ngâm rượu 1 lần, dùng hết thì thôi, hoặc ngâm được đến đâu gạn lấy dùng rồi thêm rượu mới ngâm tiếp. Có thể chỉ gạn lấy nửa bình rồi thêm rượu mới ngâm tiếp, làm như thế nhiều lần.
 
Nếu ngâm một bộ 5 con (ngũ xà) thì bao gồm 2 con rắn ráo, 1 con hổ mang, 2 con cạp nong hoặc một con cạp nong, 2 con hổ mang. Nếu không đủ bộ trên thì dùng các con rắn độc khác thay thế cũng được.
 
Máu rắn chữa đau lưng. Khi chặt bỏ đầu rắn làm thịt, người ta hứng máu rắn cho vào cốc rượu, khuấy đều mà uống. Rượu huyết rắn nhắm với các món ăn nấu nướng bằng thịt rắn là một thú tiêu khiển của người dân làng Lệ Mật.
 
Mật rắn cũng là một dược liệu quý. Mật rắn không đắng như mật các loài động vật khác, nếm vào hơi đắng nhưng sau có vị ngọt như cam thảo, không độc, có tác dụng chống viêm rõ rệt như thấp khớp, được dùng dưới dạng rượu rắn, Siro mật rắn. Mật rắn đem chế với trần bì (vỏ quýt khô), phối hợp với nhiều vị thuốc khác như ngưu hoàng, xạ hương, hồng hoàng, hổ phách... Trong phương thuốc “tam xà đởm trần bì” để chữa ho, hen, đờm xuyễn, nóng sốt, đau lưng, nhức đầu.
 
Túi mật rắn- dùng một túi mật của bộ “tam xà” là tốt nhất. Đem cô cách thủy cho hơi đặc, lấy vỏ quýt khô rửa sạch, cạo bỏ mày trắng ở trong, tẩm mật rắn, sấy nhẹ hoặc phơi khô rồi lại tẩm, lại sấy, làm như vậy nhiều lần, xong tán thành bột để dùng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác đã nói trên.
 
Mật rắn ngâm rượu cũng chữa được các bệnh thấp khớp, đau lưng, cách làm như sau: Lấy túi mật rắn, buộc chặt cổ túi mật lại, tẩm rượu vào rồi đem phơi 1 ngày 1 đêm trong bóng râm, rồi lại tẩm rượu, lại đem phơi khô, làm như vậy 3 lần rồi mang phơi trong bóng râm cho đến khi khô, khi dùng ngâm vào rượu tốt để uống.
 
Mỡ rắn thì dùng để bôi xoa chữa bỏng lửa, chốc đầu trẻ em là làm chóng lên da non.
 
Thịt rắn bọc xương, băm viên, bọc lá lốt, nướng chín hay rán vàng cho trẻ con ăn chữa chốc đầu (sài chốc). Để có một dạng thuốc thích hợp cho người đàn bà, trẻ con, người bệnh không uống được rượu, người ta nấu cao từ thịt rắn, xương rắn không ngâm rượu hoặc từ dịch ngâm rượu rắn, từ cao rắn có thể chế thành dạng viên hoàn dễ dàng uống được.
 
Còn về da rắn khi được lột làm thịt, thường thì người ta không dùng làm thuốc, mà dùng để xuất khẩu vì nó là mặt hàng có giá trị được nhiều người ưa chuộng vì chúng có hoa văn đẹp lạ mắt. Như vậy đối với dân làng Lệ Mật thì rắn có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội.
 
Vương Quốc Hoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lang-le-mat-voi-viec-su-dung-ran-a14982.html