Miền Tây du ký: Xông pha tới miền sông nước (kỳ 1)

Miền Tây sông nước, bời bời nắng, bời bời gió, miên man tiếng bìm bịp kêu chiều. Thuở còn trai trẻ, tôi cũng đã có mấy lần “xông pha” đi khảo sát, băm bổ vượt qua những sông Tiền sông Hậu mênh mông mà lặn lội vào đến tận Hà Tiên, vùng đất biên viễn Tây Nam xa xôi của Tổ Quốc .

Cũng đã từng ít nhiều có giấc mơ lập nghiệp ở đây, dù ngày ấy vô cùng khó khăn, quá nhiều trở ngại về phương tiện giao thông, về thông tin liên lạc và hàng trăm thứ bà rằn nhiêu khê khác nữa…Nhưng mà rồi lại không thể. Giấc mơ “tháo cũi xổ lồng”, vùng vẫy phiêu diêu mong thoát khỏi cái định mệnh nhàn nhạt méo mó đeo đẳng mãi không thành. Con người có số phận chăng? Bèo dạt mây trôi, hay chìm nổi ba đào, đi hay ở, thành công hay thất bại, hình như cũng là cái duyên cái số một đời người, thiên định, cho nên cố mãi cũng chả được… Cụ Nguyễn Du từng bảo: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” (Kiều), mà cụ cũng bế tắc trước cuộc đời, đến chết cũng không nói được câu nào dối dăng với người nhà cho ra nhẽ, đành phải úp mặt vào tường mà lặng lẽ ra đi, ôm theo một tiếng thở dài dường như bất tận. “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên / Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên”…
 

Thoắt cái, cũng đã hơn ba mươi năm rồi đấy. Lần này tôi trở lại miền Tây khi đã ngả bóng về chiều. Việc nước, việc đời, dẫu chẳng là gì, dẫu vẫn còn nỗi lo này, niềm nghĩ kia, nhưng cũng cứ xem như tạm ổn. Một cuộc du chơi thăm thú nơi mình từng qua, ngắm lại những người bà con xưa, ngắm cảnh mới, lại còn muốn khám phá thêm cái nội hàm phong phú của miền Tây bồng bềnh sông nước, nổi tiếng với những con người nghĩa dũng, với những cánh đồng phì nhiêu bát ngát tới tận chân trời và mênh mang sông nước Tháp Mười ngày đêm thổn thức tiếng bìm bịp kêu đến nát cả cõi lòng... 
 
Từ xã Bình Giang của huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, sáng nay chúng tôi sang thăm một địa danh nổi tiếng của tỉnh An Giang: Núi Cấm!
 
Xe bon bon trên con đường giải nhựa óng mượt, đôi bên là những cánh đồng thẳng cánh cò bay, điểm tô tha thướt những chòm cây thốt nốt, lòng thấy thanh thơi đến lạ. Thỉnh thoảng lại gặp những ngôi chùa thờ Phật của đồng bào Khơ-me, sơn toàn một màu vàng cổ kính, nguy nga, rực rỡ lung linh dưới nắng trời. Thi thoảng, mấy quán hàng bên đường bày bán đủ thứ tạp hóa, đặc biệt là những chùm quả thốt nốt la liệt chồng chất ngay bên đường. Khách lữ hành có thể mua cả chùm vài chục quả, bỏ lên thùng xe, lại cũng có thể mua từng bịch cùi lẫn nước quả thốt nốt đã được làm sẵn, uống ngay, ăn ngay cho đỡ mệt, ngọt và mát như uống nước dừa vậy. Nhưng nước dừa và nước quả thốt nốt đều có hương vị riêng hơi khác nhau đấy. An Giang đây rồi, đã gần chân Núi Cấm rồi. Vùng đất xa xôi biên viễn mới chỉ được nghe nói, mới tưởng tượng qua sách báo, nay mới thực sự “mục sở thị”, mới được thổn thức hít thở hương gió đồng ngai ngái mà thơm thảo cái mùi vị mơ hồ không sao tả được. An Giang, nghĩa là vùng sông nước bình yên, hay còn có nghĩa gì khác nhỉ? Người đặt tên cho vùng đất này cũng đã về trời, biết hỏi ai đây?
 
Sao ngọn núi này lại có cái tên hơi lạ lùng vậy? Núi Cấm? Hóa ra đúng là đã có cái sự cấm kỵ, cấm đoán, ngăn cấm, từng có ở đây, nhưng mà việc ấy đã diễn ra những vài trăm năm trước rồi. Chuyện rằng, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông ấy đã trốn vào sâu trong khu vực núi non hiểm trở này, rồi cho cận thần phao tin ở đây có nhiều thú dữ, nên cấm mọi người qua lại, để giữ bí mật an toàn cho cuộc trốn chạy. Thế thôi. Tuy nhiên, cũng còn nhiều giả thuyết khác nữa. Ví như sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì bảo rằng đây là núi Đoài Tốn. Là bởi vì ngọn núi này có hình thù như một cái đài cao ngất, cao đến 59 trượng, chu vi khoảng hơn 20 dặm, ở về cung Thìn Tỵ nên gọi là núi Đài Tốn. Một thuyết nữa, theo giáo sư Nguyễn Văn Hầu thì cho rằng nguồn đáng tin cậy hơn, ấy là do ông Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy chùa Tây An) ngày xưa đã cấm tín đồ lên núi dựng am cất nhà, làm mất vệ sinh chốn linh thiêng này. Cũng còn một vài thuyết khác nữa, nói rằng đây đã có một thời là căn cứ hậu cần của bọn cướp trong vùng. Tuy nhiên, Núi Cấm là tên gọi chính thức được ghi trong sách ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ từ thế kỷ 19. Nhìn chung, Núi Cấm là một quả núi vừa cao, vừa đẹp nhất trong Bảy núi ở An Giang, nằm trên địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên của tỉnh An Giang, cách thành phố Châu Đốc 37 km, cách thành phố Long Xuyên khoảng hơn 90 km. 
 
 
Chúng tôi có gần một ngày lang thang trong khu vực cảnh quan tổng hợp của Núi Cấm. Gần một ngày, thực ra chừng ấy thời gian là chưa bõ bèn gì. Núi Cấm còn có năm cái vồ, tương tự như năm ngọn núi cao nhất. Người ta còn bảo rằng còn nhiều cái vồ hơn thế nữa kia, bảy tám ngọn, chứ chả phải chỉ có năm ngọn thôi đâu. Ở đây cũng rất nhiều danh lam thắng cảnh, ví như chùa Vạn Ninh, chùa Phật Lớn, rồi thì tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm v.v…du khách tha hồ mà thăm thú, mà chiêm ngưỡng phong cảnh thiên tạo, nhân tạo của Núi Cấm cao nhất tỉnh An Giang, đồng thời cũng là núi cao nhất, đẹp nhất trong Thất Sơn và đồng bằng sông Cửu Long nữa…
 
Giờ thì chả có ai thèm cấm đoán chi cả, tự do lên thăm thú cái kỳ quan thiên tạo và nhân tạo ở đây, chiêm bái cửa Phật, cùng với bức tượng Phật Di Lặc tọa thiền cao ngất ngưởng, được xếp vào loại “đặc sản”, lớn nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á này. Thiên nhiên kỳ thú, nếu như có bàn tay con người tác động thêm vào, tác động và “thôi xao” một cách hợp lý, thì cảnh quan ấy sẽ có hồn hơn. Câu chuyện về Nguyễn Ánh thuở còn long đong, vẫn còn chứng tích ngôi miếu nho nhỏ đó, ngay bên đỉnh đèo, ai lên Núi Cấm chăm chú lắng nghe và quan sát cũng có thể biết. Và cũng nên biết để cuộc hành hương thêm đậm đà hương vị văn hóa và lịch sử.
 
Kỳ 2: “Cho hay muôn sự tại trời”!
 
Vũ Bình Lục

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mien-tay-du-ky-xong-pha-toi-mien-song-nuoc-ky-1-a14965.html