Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam (30/4): Vang mãi một tình yêu

Biến thiên vật đổi sao dời, năm tháng dần thay đổi nhiều thứ, thế nhưng tình cảm trong họ vẫn vẹn nguyên như thuỡ ban đầu, trở thành hình mẫu cho thứ tình yêu lý tưởng của cả một thời đại. Họ, những người anh hùng đã hy sinh toàn bộ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.



Trải qua bom đạn, sóng gió cuộc đời, tình yêu của ông bà không gì lay chuyển - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tình yêu "nảy mầm" từ chiến tranh

Cầu Trắng, thị xã Quảng Trị, nơi ngày xưa là chiến trường ác liệt giữa bộ đội ta và quân lực VNCH, nơi được xem là túi bom của Mỹ, cũng chính trên mảnh đất này, khói lửa chiến tranh đã đơm hoa kết trái cho một câu chuyện tình yêu đẹp giữa 2 người chiến sỹ.

Đó là câu chuyện đã xảy ra  hơn 40 năm về trước của của 2 ông bà Ngô Quang Phú và Nguyễn Thị Hoa (trú tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Hai ông bà sinh ra ở 2 miền Nam - Bắc khác nhau, họ đã gặp nhau, đến với nhau trong cuộc kháng chiên chống Mỹ cứu nước. 

Bà Nuyễn Thị Hoa sinh năm 1948 tại khu Phường Sắn, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng trong một gia đình có truyền thống làm cách mạng. 15 tuổi bà vào đội du kích huyện chuyên đi đánh phá “ấp chiến lược”, chống càn của của Mỹ ngụy. Đến năm 1963, bà làm phó Bí thư huyện Đoàn, trợ lý huyện đội trưởng, trực tiếp tổ chức tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ với quân lực VNCH. Năm 1965, bà được bầu là chiến sỹ thi đua toàn miền Nam. 

Năm 1966, trong một trận chiến đấu chống càn với lực lượng tiểu đoàn 3 ngụy quân VNCH tại khu vực xóm Rũ, xã Hải Vĩnh, bà không may sa vào tay địch và bị thương nặng do trúng đạn ở chân. 

Nguỵ quân VNCH đưa bà về nhà thương thị xã nhưng thay vì phẫu thuật điều trị, chúng gây mê rồi cưa luôn chân của bà với lí do... phòng sau này lại đi theo quân Giải phóng. Sau thời gian nằm ở nhà thương, bà bị đưa về giam ở xà lim tỉnh để thẩm vấn tra khảo, không moi được thông tin gì, chúng lại đưa bà vào trại giam chợ Cồn - Đà Nẵng xét xử. Tại đây, bà bị xử 15 năm tù vì tội “chống chính quyền Cộng hòa và Quân lực”.

Bà bị đày ra đảo Côn Sơn, sau đó lại bị đưa về giam tại nhà lao Thủ Đức. Được một thời gian chúng tiếp tục đưa bà về nhà lao Tam Hiệp, bà bị giam chung cùng các đồng chí Võ Thị Thắng, Trương Mỹ Hoa… Tại đây, dù bị thương tật và đánh đập dã man nhưng bà cùng các chị em đồng chí của mình vẫn không hề nhụt chí. Họ hăng hái đấu tranh mạnh mẽ để đòi các quyền chính trị cho mình và các tù nhân khác.

Nhớ lại những năm tháng đó, bà nói: “Trong bao nhiêu năm bị tù đày, chưa một lần nào cô run sợ chúng nó cả. Có lắm thì phải chết, mà sống trên đời này ai lại chẳng phải chết!…”.


Trước áp lực của dư luận trong nước và thế giới, ngụy quyền phải xuống nước thả tự do cho một số tù chính trị bị thương tật, và bà Hoa là một trong số các chiến sỹ tù chính trị được địch thả ra trong thời gian này. 

Năm 1972, bà về lại quê hương, cùng lúc, bộ đội ta vượt sông Thạch Hãn tiến vào giải phóng Quảng Trị. 

Còn về phía ông Phú, tuổi trẻ của ông chỉ được kể lại một cách ngắn gọn nhưng không kém phần oanh liệt.

Ông Ngô Quang Phú sinh năm 1947 tại xã Gia Đông, huyện ThuậnThành, tỉnh Bắc Ninh, tốt nghiệp THPT, ông lên đường vào Nam chiến đấu, thuộc tiểu đoàn 8, trung đoàn 102, sư đoàn 308 (chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên). 


Thời bấy giờ, đơn vị của ông thực sự là một nỗi khiếp sợ đến kinh hoàng của binh lính Mỹ và VNCH. Trong những năm 1966 đến năm 1972, ông cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh nổi tiếng như Cam Lộ, Cồn Tiên, Dốc Miếu,  Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, tham gia giải phóng Đông Hà, Thành Cổ - Quảng Trị… Trong chiến dịch đường 9 Nam Lào, ông Phú với khẩu AK đã bắn rơi máy bay trực thăng, tiêu diệt tổ phi công và cố vấn chỉ huy cao cấp Mỹ.

Năm 1972, sau khi giải phóng thị xã Đông Hà, Ái Tử (huyện Triệu Phong), sư đoàn 308 của ông Phú vượt sông Thạch Hãn tiến vào Thành Cổ để giải phóng thị xã Quảng Trị.

Trước ngày bắt đầu chiến dịch, đơn vị ông Phú đóng quân ở huyện Hải Lăng. Chính trong thời gian này, ông Phú đã gặp, cảm mến rồi yêu bà Hoa. 

Năm 1972, sau khi được địch thả tự do, bà Hoa trở về quê và tiếp tục hoạt động cách mạng. Thế nhưng do thương tật nên bà không trực tiếp tham gia chiến đấu, bà được Huyện uỷ phân công vào việc may vá áo quần bộ đội. Vốn từ nhỏ đã lên rừng đi kháng chiến nên bà không thạo việc may vá như những chị em khác. 

Lần ấy, anh chiến sỹ trẻ Ngô Quang Phú trong một trận chiến đấu với địch không may bị rách vai áo. Được hướng dẫn, anh đến nhờ “cô Hoa tóc ngắn” trong đội may vá vá lại giúp. Kết quả, do vụng về, cô Hoa đã “tặng” cho anh một… miếng “cơm cháy” lên vai. 

Ấn tượng bởi miếng vá vụng về cũng như vẻ đẹp sắc sảo của người con gái may áo, ông Phú bắt đầu thương thầm nhớ trộm. Ông bí mật viết một bức thư rồi nhân lúc cả 2 núp xuống hầm tránh bom, ông đã dúi vào túi áo bà Hoa. 

Duyên số bắt đầu từ đây, đọc xong bức thư và bắt đầu thích ông. “Lúc đó thấy anh Phú viết thư chữ đẹp, không hiểu sao chỉ mới đọc thư thôi là cô yêu rồi! Anh hỏi cô, em năm nay bao nhiêu tuổi, lúc đó cô cũng trả lời thành thật là em 27 tuổi”. Để hẹn ước cho tình yêu của mình, ông Phú đem tặng bà Hoa một ngòi bút Trường Sơn rồi tiếp tục lên đường vào Nam chiến đấu không quên hẹn ngày trở về.

Bà Hoa vẫn ở nhà âm thầm đợi chờ người yêu. Trong những năm ấy, bà đã thuỷ chung đợi ông về, tin tưởng vào điều đó dù cả 2 hoàn toàn mất liên lạc và có lúc đồng đội ông Phú báo tin rằng ông đã hy sinh trên chiến trường miền Nam. 

Sau ngày thống nhất đất nước, bà Hoa được Tỉnh ủy Quảng Trị cử ra bắc học tại trường Bổ túc Văn hóa Trung ương (Hưng Yên). 

Nên duyên vợ chồng

Một buổi sáng ngày 2/6/1976, tại kí túc xá trường Bổ túc Văn hoá Trung ương, bà Hoa đang ngồi ở phòng, thì bất ngờ có tiếng gọi “em Hoa”. Quay ra nhìn, bà thảng thốt bất ngờ nhận ra ông Phú đang đứng ngay cửa.

Quá đổi xúc động, bà sững sờ nhìn ông rồi lắp bắp: “Anh… rứa anh còn sống thật à?”. Bà không tin vào mắt mình, bởi lâu nay dù vẫn lặng thầm chờ đợi ông nhưng trong thâm tâm bà đã có lúc nghĩ rằng người yêu đã hy sinh. 

Nghe bà hỏi vậy, ông cười hiền lành: “Ừ, còn sống chơ! Em còn đợi anh như vậy thì làm sao anh hy sinh được!”. 

Vậy là kể từ hôm đó, tuần nào ông cũng không quản ngại đường xa, đạp xe vượt cả mấy trăm cây số từ nơi đóng quân về thăm người yêu. Đến năm 1977, hai ông bà chính thưc cưới nhau. Thế nhưng, để nên vợ nên chồng, 2 ông bà cũng phải trải qua rất nhiều thử thách... 

Do bà Hoa bị thương tật nên gia đình bố mẹ ông Phú quyết không chấp nhận hôn nhân của 2 người. Ông Phú nhớ lại: "Hồi đó bố tôi kiên quyết phản đối, ông nói, con là con trai, thiếu gì con gái mà lại đi lấy cô miền Nam cụt chân? Bố và các bác nhất định không đồng ý được! Thế nhưng tôi kiên quyết và nói khổ cực hay hạnh phúc gì con sẽ chịu, con yêu Hoa, không đến được với Hoa thì con sẽ không lấy vợ!”. 

Trước sự quyết tâm đến cùng của con trai, người bố đành chấp nhận và không quên dặn rằng “về sau hãy tự lo lấy cho gia đình của anh đi”. Thế nhưng, đâu chỉ gia đình ông ngăn cản, mà chính ngay phía bên gia đình anh trai bà Hoa cũng không đồng ý, bởi họ sợ rằng rồi một ngày nào đó vì em gái họ tật nguyền mà ông sẽ bỏ rơi mà đi. Để thuyết phục được anh trai bà Hoa, ông đã phải dùng đến lời thề để chứng minh cho tình yêu sắt son mãnh liệt của mình. “Dù Hoa bị thương tật, tôi vẫn sẽ yêu Hoa cho đến đầu bạc răng long, và mãi mãi như vậy!”…

Thời gian như cơn gió thoảng, tóc ông Phú giờ đã bạc, thế nhưng lời thề 38 năm về trước ông Phú vẫn giữ nguyên vẹn. Bao nhiêu năm qua đi, ông đã luôn bên cạnh, sẻ chia mọi niềm vui nỗi buồn, mọi vất vả khó khăn cùng bà, trải qua thử thách của cuộc đời, dường như tình yêu ông dành cho bà vẫn không điều gì lay chuyển được. Ba đứa con của ông bà giờ đây tất cả đã khôn lớn và đều thành đạt, đây chính là niềm vui lớn nhất của 2 ông bà. 

Nghiệm về những gì đã qua đi, bà nói: “Cuộc đời này, cô thầm cảm ơn vì có một người chồng sống có tình nghĩa như ông! Bao nhiêu năm qua dù vui sướng, khổ cực, ông vẫn luôn bên cạnh, chưa một lần to tiếng giận hờn trách mắng gì với vợ. Cô tin rằng, trên đời này có duyên số, định mệnh. Nếu được chọn lại thì cô vẫn yêu ông ấy!”.
 
Huyền Trang

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ky-niem-ngay-giai-phong-mien-nam-304-vang-mai-mot-tinh-yeu-a1495.html