Màu của tháng Chạp

Đối với tôi, tháng chạp nhiều màu sắc lắm. Đó là đủ màu rực rỡ của hoa chưng Tết, là màu xanh mát mắt của cây kiểng, là màu đỏ rực, vàng tươi của những món đồ trang trí nhà cửa. Có người ví von: tháng chạp coi bộ vui hơn cả ngày Tết. Nhất là khi, những chuyến ghe, chuyến xe dập dìu mang hàng ngàn cây hoa, cây kiểng lấp đầy chợ hoa, người ta liền cảm thấy, Tết đã thực sự về.



Sắc hoa rực rỡ của chợ hoa xuân

Sáng mùng 4 tháng chạp (ngày 9-1), vợ chồng bà Trương Thị Nha (56 tuổi, ngụ xã Hòa An, Chợ Mới) bắt đầu chất đủ thứ hoa chưng Tết lên đầy chiếc ghe nhỏ, nổ máy thủng thỉnh xuôi dòng sông Hậu, cập bờ kè đường Bùi Văn Danh (TP. Long Xuyên). Giữa trưa nắng, họ tất tả chất cây lên bờ, bung dù, dọn dẹp chỗ mua bán vừa bốc thăm được. Khu chợ hoa xuân năm nay còn lưa thưa người bán, đa số là màu xanh của cây kiểng. Nhờ mấy chậu hoa của vợ chồng bà, khu chợ chợt bừng sáng, bắt mắt hơn hẳn. Vừa loay hoay sắp xếp chậu, vừa mời chào khách mua hoa, bà vừa trò chuyện với tôi: “Toàn bộ cây đều do gia đình tôi trồng. Hầu như tháng chạp nào, tôi cũng tranh thủ ra chợ hoa xuân bày bán một mớ trước, phục vụ nhu cầu cho nhóm khách thích mua hoa về trồng trên đất hoặc trong chậu lớn hơn. Bán vơi vơi thì chồng tôi trở về nhà, “tiếp ứng” thêm mớ nữa. Khoảng 20 tháng chạp đổ đi, tôi mới bày bán các loại cúc. Có ghe nhà, vả lại nhà tôi cặp mé sông, nên chở hoa đi bán tiện lắm”.
 
 
Tiểu thương tất bật đem hoa ra chợ bán
 
Cũng như vợ chồng bà Nha, gia đình chị Trần Kim Giàu (37 tuổi, ngụ TP. Sa Đéc, Đồng Tháp) là một trong những tiểu thương có mặt sớm nhất ở chợ hoa xuân năm nay. Tối mùng 2 tháng chạp, chị theo xe tải có mặt ở lô bán. Hơn chục năm nay, những chuyến xe ấy dần quen thuộc với chị, mang lại thu nhập ổn định, sung túc cho cả nhà. Năm nay, chị càng vui hơn, khi bốc thăm trúng lô “đắc địa”, thuận tiện mua bán hơn mấy năm trước. “Nhà tôi có 4 công đất, dùng để trồng hoa, cây kiểng, loại nào cũng có. Mỗi mùa Tết, vợ chồng tôi thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng từ mua bán cây hoa, cây kiểng ở chợ hoa, chưa tính bán cho thương lái. Bởi vậy, chúng tôi quen nghề, quen việc, không bao giờ có ý định dừng lại”- chị cười thật tươi.
 
Tháng chạp mới về, màu của chúng còn chưa rõ nét. Mọi người chỉ mới men theo mấy ghe hoa để mường tượng độ sặc sỡ, tươi đẹp của không khí cuối năm. Vậy mà, tôi đã nhìn thấy những sắc màu hạnh phúc trên gương mặt các tiểu thương. Theo họ, năm nay thời tiết vẫn thất thường, hoa nở muộn hơn thông lệ, nhưng bù lại rất đẹp và đều. Cây kiểng phát triển tốt, hút hàng, thương lái thu mua nườm nượp, giá cả tăng chút đỉnh… Đối với nhà vườn, còn gì vui hơn! “Chưa kể, mới dọn ra bán có mấy ngày, mà khách đến mua hoa, kiểng đã lai rai. Chúng tôi mong đó là tín hiệu vui cho một đợt hoa Tết xôm tụ!”- chị Giàu chia sẻ.
 

Dạo một vòng chợ hoa xuân, dù chỉ là những loại cây, hoa như mọi năm, nhưng khách vẫn không ngừng trầm trồ, thích thú trước màu sắc và kiểu dáng của chúng. Từ vài chục ngàn đến vài trăm, thậm chí vài triệu đồng, mỗi loại có giá tiền khác nhau, tha hồ cho người mua cân nhắc, chọn lựa. Và mỗi loại cây, hoa lại thu hút người mua bằng chính cái tên tốt đẹp, may mắn của chúng: đại tỷ phú, phát tài, nguyệt quế, vạn lộc, hồng lộc, phú quý… Thậm chí, các loại cây chua như hạnh, cay như ớt… cũng được bày bán trong chậu nhỏ nhỏ, xinh xinh, miễn đẹp là có thể chiều lòng “Thượng đế”. Chúng níu mắt con người bằng màu sắc tự nhiên của chính mình, tô điểm cho tháng chạp thêm phần lộng lẫy. Hiểu ý khách mua, trước khi khách ra về, người bán với theo dặn dò kỹ lưỡng: “Nhớ tưới nước vừa phải cho cây. Lúc nào thấy hoa tàn thì lặt ngay cuống, tự nó sẽ mọc thêm nụ, nở xum xuê lại liền”.
 
Tháng chạp còn được nhuộm những màu trầm bằng giọt mồ hôi và vất vả của con người. Cả ngày, các tiểu thương buôn bán, dọn dẹp, chăm sóc hoa kiểng luôn tay. Đêm xuống, khi chợ không còn khách, họ lại trở về với chiếc võng dù cá nhân, ngủ mơ màng giữa bạt ngàn cây hoa, giữa cái nóng lạnh chuyển mùa ngày giáp Tết, theo đúng nghĩa đen của câu “ăn bờ ngủ bụi”. Sáng hôm sau, khi khách chưa đến, họ lại thức dậy, tụ họp trò chuyện rôm rả với nhau bên ly cà phê, chia sẻ “bí quyết” chăm sóc cây, chờ đợi những cuộc mua bán sắp diễn ra. Càng gần Tết, nhịp sinh hoạt, mua bán của họ càng gấp rút, sôi nổi hơn. Những lúc người bên cạnh bán lu bu, họ sẵn lòng tiếp giúp nhau. Bởi họ hiểu, tất cả đều có chung niềm khắc khoải, mong mỏi lớn nhất: những chậu hoa, kiểng vơi hết càng sớm càng tốt để họ lui ghe, lui xe trở về nhà, sum họp cùng gia đình, chuẩn bị Tết muộn. Mấy ngày Tết qua nhanh, rồi họ sẽ lại bắt tay vào làm vườn, chăm sóc cây… Vất vả là vậy, cũng chỉ để hoa lại e ấp nở, nhuộm màu cho tháng chạp năm sau!
 
Theo Báo An Giang

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mau-cua-thang-chap-a14917.html