Tại Cần Thơ - miền Tây đô, trung tâm văn hóa của Tây Nam bộ, chỉ có khoảng 70 ngôi nhà cổ, trong đó, nổi tiếng nhất là ngôi nhà Bình Thủy, nằm ngay ngoại ô thành phố.
Sở dĩ ngôi nhà cổ Bình Thủy nổi tiếng khắp thế giới vì nơi này đã được chọn làm bối cảnh trong bộ phim “l’amant”, của đạo diễn người Pháp JJ Annaud. Ngoài ngôi nhà cổ này, bộ phim đã tái hiện lại cảnh Sài Gòn - Gia Định xưa, những con phà qua sông Cửu Long, cuộc sống đời thường của mảnh đất phù sa lưu vực sông. Cảnh sắc nhiệt đới gợi cảm, nhiều cảm xúc hiện lên trong phim mà bối cảnh đã góp phần không nhỏ tái hiện. Từ đó, ngôi nhà cổ Bình Thủy là một phần không thể thiếu trong các điểm đến du lịch Tây Nam bộ. Người ta không chỉ cần biết đến một điểm đến nổi tiếng, mà còn muốn được sống trong những cảm xúc xưa cũ đó, muốn trải nghiệm Tây đô trong ký ức trăm tuổi.
Kiến trúc Đông - Tây kết hợp của ngôi nhà đặc sắc miền Tây Nam bộ. Ảnh: Thụy Văn
Ngôi nhà Bình Thủy được gia tộc họ Dương xây dựng năm 1870, nhưng hầu như còn nguyên vẹn nét cổ kính, ngoài việc trang trí mới bên ngoài và để nhiều cây kiểng rực rỡ. Đó cũng là nét riêng nồng hậu của Tây Nam bộ. Bước tới ngôi nhà, tất thảy khách du lịch lần đầu tiên nhìn thấy đều bị choáng ngợp bởi vẻ hào nhoáng, thoáng đãng của mặt tiền ngôi nhà. Một vẻ đẹp pha trộn nhiều nét kiến trúc Pháp, lối trang trí cầu kỳ, mặt tiền nhiều cửa chính và cửa số đón nắng gió nhiệt đới. Hai bên có cầu thang lớn dẫn vào trong nhà. Và ở một góc trang trọng nhất của ngôi nhà được trang trí thêm những tấm ảnh bối cảnh của bộ phim đã vinh danh chính nó. Ảnh nữ diễn viên chính, đạo diễn và cảnh trong phim. Không biết bao nhiêu du khách đã đứng lặng trước góc đặc biệt này của ngôi nhà. Họ xem phim mới biết và tìm đến đây. Đó là sự kỳ diệu của điện ảnh, khi mang đến sự nổi tiếng cho bối cảnh thật của phim, mà sau đó, nó trở thành điểm đến của khách du lịch, mang lại nguồn lợi du lịch cho mảnh đất này.
Một trong những điều đặc biệt nữa là ngôi nhà Bình Thủy có kiểu kiến trúc riêng, “nội ứng ngoại hợp”. Một số nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ cho rằng, kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà đã có một sự ngẫu hứng thành công, vượt ra ngoài khuôn mẫu. Nếu bên trong sử dụng họa tiết hoa văn phương Đông cổ điển, thì bên ngoài chạm trổ đường nét theo phong cách rất Tây. Chủ nhân ngôi nhà giữ truyền thống, tập tục thờ cúng trong gian nhà chính bề thế, lộng lẫy với câu đối hoành phi, đồ gỗ cổ chạm trổ tinh xảo hài hòa. Chính giữa là gian thờ tự sơn son thếp vàng, hương án, sập gụ, liễn... làm từ gỗ xà cừ. Nền nhà lát gạch hoa hồng đỏ vận chuyển về từ Pháp. Cả công trình mang phong cách kiến trúc hiện đại, từng chi tiết của căn nhà này đều thấm đẫm nét đẹp Nam bộ, mang hồn tinh hoa dân tộc.
Hiện tại, ngôi nhà đang nằm trong danh sách những điểm đến thú vị nhất của du lịch Tây Nam bộ. Tuy ngôi nhà lưu giữ nhiều đồ cổ quý giá có tuổi đời lên đến hàng nghìn năm như bộ bàn ghế làm bằng đá cẩm thạch hay cặp đèn treo sản xuất vào cuối thế kỷ 19, đến bồn rửa tay tráng men độc bản đặt từ Pháp thời bấy giờ. Nhưng ngôi nhà giản dị, thân thiện, luôn đón khách tham quan và có người của dòng họ Dương trông coi mở cửa đón khách.
Tuy nằm ở vùng khí hậu nóng ẩm quanh năm, nhưng trong ngôi nhà luôn mát mẻ mà không cần dùng quạt hay điều hòa. Người trông coi ngôi nhà chia sẻ, để ngôi nhà điều hòa không khí bằng cách tự nhiên, người thiết kế đã để nền nhà cách mặt đất 1 mét, đổ muối hột trước khi lót nền. Bên trên lợp 3 lớp ngói, rắc vôi cách nhiệt và mở nhiều lớp cửa lưu thông thoáng khí.
Muốn hình dung một Tây Nam bộ hàng trăm năm trước, du khách chỉ cần ghé ngôi nhà Bình Thủy một lần, một lát cắt văn hóa của một vùng đất sẽ được tái hiện ngay đó.
Theo Báo Biên Phòng