“Phượt” chợ nổi Cái Răng

Từ xa xưa, mối giao thương trên sông Cái Răng đã được ghi nhận trong dân gian: "Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng/ Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn/ Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng/ Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ".

Đón bình minh trên sông

Chợ nổi Cái Răng, theo đường sông chỉ cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng sáu cây số, nhưng phải đi từ rất sớm mới đúng lúc mua bán nhộn nhịp nhất. Bởi khi ấy các tàu thuyền phải cất nhanh hàng rồi còn trở về bán ở các tỉnh xa. Chừng đến 9 giờ là vãn hẳn. Chính vì thế chúng tôi bị gọi dậy đi chuyến tàu 4g30 sáng.
 
Những gương mặt còn nhập nhoạng trong ánh sáng mờ ảo trên bến Ninh Kiều. Chúng tôi háo hức và hẹn nhau mua thật nhiều hoa quả. Họ bán hoa quả theo giá buôn nên rẻ hơn nhiều so với chợ trên phố. Ánh đèn giăng trên cầu Cái Răng lấp ló phía xa.
 
 
Chợ nổi cái răng.

Lúc này nhiều tàu thuyền khác cũng khởi hành. Phía trước những con tàu chở hàng vào chợ cũng hú còi hối hả. Mặt sông tấp nập những thuyền tàu. Tiếng còi. Tiếng loa ca nhạc. Tiếng gọi nhau í ới xôn xao sóng nước. Chúng tôi ai nấy đều háo hức ngó về phía trước khi con tàu mỗi lúc một gần cầu Cái Răng.
 
Đột nhiên một tàu vội vào lấy hàng hú còi vượt lên phía trước. Hai con mắt được vẽ trên mũi tàu như ngoái lại nhìn mọi người thân thiện muốn ngỏ lời xin lỗi. Bất ngờ anh Đinh Văn Phú, hướng dẫn viên của đoàn đố chúng tôi vì sao trên các mũi tàu hàng đều có hình con mắt hai bên.
 
Mọi người quan sát mới thấy, các mũi tàu hàng đỗ hai bên bờ sông đều có vẽ những con mắt bằng sơn, to tròn tựa hình mắt cá. Người thì đoán vẽ cho vui mắt. Kẻ lại cho là vẽ lấy vía con tàu. Có anh chàng lại nói vẽ để dọa ma. Mọi người đều cười rôm rả. Lát sau người hướng dẫn viên mới giải thích, đó là sự hòa hợp có tính tâm linh giữa con người với thiên nhiên, tránh thiên tai bất ngờ xảy ra, khi gặp những đàn cá lớn ngoài khơi xa.
 
Những con mắt cá trên mũi tàu hiển hiện sự thân thiện tránh những tai ương rủi ro trong hành trình làm ăn. Đó cũng là những "mắt thần" canh chừng hiểm họa bất ngờ. Chúng tôi ai nấy đều để ý tới những con mắt cá to tròn lung linh in hình trên sóng nước. Con tàu đưa chúng tôi vào chợ lúc nào không hay.
 
Hửng sáng. Những cây bẹo (sào) treo hàng đung đưa trên cao. Tiếng mời chào lao xao. Cánh thương hồ hò nhau khuân hàng lên tàu hối hả. Trời đã tỏ mặt người. Cuối cùng anh Đinh Văn Phú dẫn lối cho chúng tôi lên một con tàu để quan sát toàn bộ chợ Cái Răng.
 
Bất chợt một cô bé chèo nhanh chiếc ghe lướt tới mời chúng tôi mua bánh mì nóng giòn. Ai cũng vội lên tàu. Cô bé quay lại nhìn chúng tôi cười rồi lại chèo lái mũi ghe lướt về phía trước. Ai bánh mì nóng giòn nào!? Một nụ cười hồn nhiên xinh tươi của cô bé như món quà đầu tiên mà chúng tôi được nhận khi vào chợ trên sông. Trời mỗi lúc một sáng. Những ngọn đèn măng xông vẫn còn soi hàng cho khách đến tìm chọn mua.
 
Chúng tôi bước lên con tàu bán hàng lưu niệm để chụp ảnh và nhìn rõ từng con thuyền đi lại trên sông. Cùng với đó là những con thuyền hoa cúc vàng lấp lánh trôi trên dòng sông Cái Răng như điểm tô cho phiên chợ thêm màu sắc lung linh. Các chàng trai cô gái tha hồ chụp hình.
 
Phía xa bình minh dần lên. Hàng trăm con thuyền nhỏ chen nhau vào lấy hàng trên những tàu lớn. Đủ những hàng nông sản của khắp lục tỉnh đưa về. Trước khi để du khách bước chân lên các thuyền tàu mua hàng, anh Đinh Văn Phú dặn mọi người chớ có bước qua các mũi ghe, hay tàu của các thương hồ, vì chợ Cái Răng có tục lệ rằng: "Sáng mai qua sớm. Bọn qua kiêng bước qua ghe. Qua ghe qua, qua sợ lật thuyền".
 
Chúng tôi ngơ ngác không hiểu ra sao. Anh giải thích, chữ "qua" ở đây có nghĩa chung là "anh" hoặc "tôi", hay còn đồng nghĩa với chữ "bước qua". Đó là ngôn ngữ của giới thương hồ sông nước. Câu ca hàm ý, kiêng kỵ lật thuyền, tránh những chuyện rủi ro. Nhưng đồng thời cũng có ý dặn dò, đừng có bước thuyền này sang mua hàng thuyền khác, bởi chợ Cái Răng đã có câu ca rằng: "Hàng ai nấy bán nấy mua. Bán gì bẹo ấy đong đưa mời chào". Vậy nên trước khi mua, hãy lựa cây bẹo treo hàng, rồi đi thuyền tìm đến. 
 
Ai đi tới đó lòng không muốn về
 
Chả mấy chốc, ai nấy đều có túi hàng hoa quả trong tay. Mỗi người một loại trái cây. Tất nhiên không phải có tất cả hơn hai chục đặc sản của Cần Thơ. Nhiều người mua xoài cát, vì thơm và ngọt, giá lại rẻ. Nhìn các ông chủ hàng ân cần giao hàng cho du khách với nụ cười thân thiện ấm áp. Chắc hẳn họ không trông mong gì vào những người mua vặt như chúng tôi.
 
 
Một góc chợ nổi Cái Răng.
 
Nhưng bao giờ cũng vậy, mặc dù đang giao cả thuyền hàng cho cánh thương lái, khi gặp du khách bao giờ chủ tàu cũng cho người tiếp đón, bán hàng đã rẻ lại còn khuyến mại. Thậm chí có bà chủ hàng còn nói, đưa bao nhiêu cũng được, vì các cô chú mua độ đôi chục trái có đáng lỗ lã là bao.
 
Đúng lúc đó, một cô gái bán xổ số len thuyền tới, mời chúng tôi. Ai nấy vội vã không để ý quay đi. Nhưng cô ta vẫn nở nụ cười chào. Thấy vậy, tôi vội mua ba vé để cầu may. Có lẽ tôi chẳng mong gì ở kết quả. Phải chăng vì nụ cười ấy. Những nụ cười Cần Thơ trên sông nước. Hồn hậu. Đáng yêu. Tôi đã từng nghe câu ca: "Ai đến Cần Thơ mà chẳng thương. Ai đến Cần Thơ mà chẳng nhớ". Thì ra tôi đã hiểu. Đó chính là nụ cười, tấm lòng người Cần Thơ đã trao gửi cho những ai mỗi khi qua đây.
 
Con tàu đưa chúng tôi len lỏi trong các thuyền hàng. Đặc biệt là những thuyền hoa đang dịp xuân, khắp nơi đổ về. Hoa và hoa. Những nụ cười xinh tươi đon đả mời chào. Mấy cô gái sà ngay vào hàng hoa hồng. Triệu triệu bông hồng ngát hương.
 
Mọi người đang mê mải chọn hoa, bất ngờ từ trên bờ sông có tiếng loa vọng xuống: "a lô…a lô …mời các anh chị lắng nghe giọng ca cải lương của nghệ sĩ Lý Hùng". Tôi giật mình lắng nghe, và ngỡ ngàng khi tiếng loa nhắc đến tên nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng này. Không có lẽ!?
 
Lúc này anh Đinh Văn Phú chỉ lên phía tấm biển có đề chữ "Ca cổ Lý Hùng" nói, đó là một nghệ sĩ miệt vườn, trong nhóm đờn ca tài tử. Dân thương hồ nhiều đêm ở lại hay nghe anh ta hát cải lương, rồi đặt luôn biệt danh như vậy. Ca sĩ ôm cây ghi ta phím lõm gảy những nốt nhạc đầu tiên. Giọng hát "Lý Hùng" cất lên, với âm sắc trầm khê theo thời gian, nhưng ấm áp lòng người. Đó là bản cải lương "Dạ cổ hoài lang". Da diết. U hoài.
 
Dường như mọi người ngừng mọi việc lắng nghe. Chừng vãn chợ, nghệ sĩ "Lý Hùng" mới nổi phím so dây, báo hiệu nắng đã lửng sáng. Tôi bồi hồi lắng nghe từng lời, từng lời như trải tấm lòng: "Năm canh mơ màng. Trông tin chàng. Gan vàng lại càng thêm đau. Lòng dầu say ong bướm. Xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang…". Nghe như có tiếng nghẹn nấc của người vợ mong chồng. Tiếng luyến vuốt phím đàn nghe sao tê tái buồn thương. Dường như cả chợ sông im phăng phắc chờ âm đổ giọng của người ca sĩ. Sông Cái Răng cũng im lặng không một gợn sóng. Nắng đã lên một con sào.
 
Danh hiệu di sản "Chợ nổi" đầu tiên
 
Cách đây hai năm, chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nét văn hóa du lịch chợ trên sông Cái Răng thật sự điển hình trên toàn vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Chợ nổi Cái Răng là điểm đến những sản vật như lúa gạo từ An Giang; hoa, chiếu, nông cụ của Sa Đéc (Đồng Tháp); đến khóm (dứa) Long An; hoặc đồ nhựa, kim khí của TP Hồ Chí Minh. Rồi nữa những sản vật của Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang như cam, dừa, khô cá, đậu phộng, muối, mật ong…
 
Cả một vùng văn hóa nông nghiệp cũng như sinh hoạt miệt vườn cùng sông nước, hàng trăm năm hội ngộ nơi đây. Nếp sinh hoạt kẻ chợ Cái Răng với cung cách ứng xử văn hóa trong giao thương, không lấy lãi là chính mà ở tấm lòng chia sẻ. Những món hàng chỉ là phương tiện để gửi gắm tâm hồn của người dân miền Tây tới bốn phương trời. Chính vì thế chợ nổi Cái Răng là một thương hiệu đáng được tôn vinh.
 
Theo CAND

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phuot-cho-noi-cai-rang-a14849.html