Bánh hoa chuối, hương vị đặc biệt của núi rừng

Có dịp đi nhiều nơi và thưởng thức các loại bánh trái nhưng bất kể thứ nào cũng không thể lẫn với hương vị đặc biệt của bánh hoa chuối rừng. Ẩm thực vùng miền chính là nét riêng biệt nhất khiến những đứa con luôn nhớ và muốn trở về và cũng là lời mời gọi cho những ai muốn đặt chân lên miền sơn cước.

Hoa chuối rừng mọc hoang dại, bất kể ở ven suối hay trên núi đá. Ai đã một lần nhìn thấy hoa chuối hẳn sẽ ấn tượng, thân chuối mảnh mai như thể đã vắt kiệt mình cho bông hoa thắm đỏ, nõn nà. Những trái chuối nhỏ xinh, khi chín vàng thơm lựng. Thi thoảng, bố mẹ tôi đi làm nương về, trên tay cầm buồng chuối chỉ vài ba nải bé xíu vàng ươm, tôi bẻ ra nếm, vị thơm và ngọt lịm. Hoa chuối để hầm tim lợn cho người già ăn, đây cũng là một bài thuốc rất tốt cho sức khỏe.
 

Để có những chiếc bánh ngon, mẹ tôi phải công phu sàng gạo nếp nương, chọn hạt mẩy tròn để ngâm nước, ngâm đủ thời gian để mềm hạt gạo rồi mới mang đi nghiền nát thành bột. Làm được như vậy, khi hấp bánh mới dẻo và nở đều. Tôi ngồi chăm chú nhìn mẹ làm từng công đoạn, thường thì mẹ tôi hay đun một nồi nước lá tím hoặc lá hồng trên bếp để đổ vào nhào cùng bột. Mẹ bảo làm vậy để người ăn có cảm giác ngon hơn, đặc biệt bánh để được lâu, mềm và không dễ hỏng. Lá tím, lá hồng là tên mà người dân quê tôi thường gọi, loại lá này thuộc thân dây, lá nhỏ ưa sống nơi đất ẩm. Không chỉ để pha màu cho bánh mà còn góp phần làm cho đĩa xôi bảy màu thêm phong phú. Cần kể đến một nguyên liệu quan trọng nữa, đó là thịt băm và hành. Mẹ tôi bỏ bớt những cánh hoa chuối già, thái mỏng từng lát rồi ngâm với nước muối chừng mười phút để không bị chát, cũng là cách làm giòn hơn.

Tiếp đó, vớt hoa chuối để ráo nước, băm nhỏ. Mẹ cho nhiều mỡ vào chảo để phi hành và xào thịt, khi mùi hành và thịt thơm quyện vào nhau thì xúc ra bát để riêng, xào hoa chuối càng cần nhiều mỡ hơn, sau khi đã nêm đầy đủ muối, mì chính. Mẹ tôi trộn tất cả thịt và hoa chuối lẫn nhau, xào chín. Nhìn mẹ làm mà tôi nuốt nước miếng, tôi thích mẹ đút cho tôi một thìa để tôi vừa nhồm nhoàm nhai vừa đợi cho khỏi lâu. Mẹ bảo tôi bê bát nhân lên nhà để gói bánh, tiện thể tôi ăn vụng một thìa, vị thơm của hoa chuối vấn vít trên môi, trên cả vạt áo còn hơi ấm. Mẹ nặn từng nắm bột nhỏ bằng nắm tay trẻ con, cho nhân vào, vo tròn rồi gói bằng lá chuối đã hơ lửa. Bà nội tôi ngồi xuống cùng làm, vừa khéo nặn bánh lại còn gói rất đẹp, “ngày xưa, bố mày làm gì có bánh mà ăn, cả năm có một cái Tết to, mổ lợn mới có thịt gói ấy chứ. Hoa chuối rừng thì thiếu gì”. Bà vừa kể vừa đặt bánh gọn gàng vào chõ. Bánh chỉ cần hấp hơn hai tiếng là chín mềm. Ở ngoài cửa có mấy cái đầu thập thò, tôi biết là cái Mủi, thằng Kim sẽ sang. Bọn nó thích ăn bánh hoa chuối mẹ tôi làm vì lần nào có tôi cũng chia cho mấy đứa.

Chúng tôi, mỗi người cầm một chiếc bánh ngồi vắt vẻo trên đống củi vừa ăn vừa thổi phù phù, thường trẻ con đứa nào cũng thích ăn kiểu như thế. Mùi thơm của hoa chuối xen lẫn với hành và sự béo ngậy của thịt, bánh nếp dẻo, dai – đặc trưng của miền núi làm người ăn không thể nào quên được.
 
Lớn lên, tôi có dịp đi nhiều nơi và thưởng thức các loại bánh trái nhưng bất kể thứ nào cũng không thể lẫn với hương vị đặc biệt của bánh hoa chuối rừng. Ẩm thực vùng miền chính là nét riêng biệt nhất khiến những đứa con luôn nhớ và muốn trở về và cũng là lời mời gọi cho những ai muốn đặt chân lên miền sơn cước.
 
Hương Ly

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/banh-hoa-chuoi-huong-vi-dac-biet-cua-nui-rung-a14841.html