Làng Lệ Mật và loài rắn

Lệ Mật là một làng cổ có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, tương truyền là có từ thời Lý. Lệ Mật nằm ở phía bắc ngoại thành Hà Nội khoảng 4km theo đường chim bay. Từ Hà Nội đi về phía bắc, qua cầu Chương Dương, theo quốc lộ 1, đến địa phận Gia Lâm, tiếp tục đi theo đường 1A qua ngã ba đường 1 và đường 5 khoảng 500m, phía bên phải có một con đường nhỏ đi vào xã Việt Hưng theo đường này cũng độ 500m, chúng ta sẽ đến làng Lệ Mật.

Làng Lệ Mật nằm trên vùng châu thổ sông Hồng và sông Đuống, trên một địa hình bằng phẳng, được phù sa hai con sông bồi đắp nên từ rất lâu, vùng đất này được khai phá và hình thành xóm làng. Khác với nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ, ruộng đất ở đây không trũng thấp nên ít bị ngập lụt, nằm giữa hai con sông lớn, mùa mưa nước tiêu thoát nhanh, ít gây thiệt hại cho mùa màng, đặc điểm địa hình rất thuận lợi cho canh tác nông nghiệp.
 


Lễ Hội Làng Lệ Mật

Lệ Mật ở vào một vị trí khá thuận lợi, cả đường bộ, đường thủy, đường sắt. Ở vị trí ngã ba đường, từ đây có thể tản đi nhiều hướng khác. Giao thông giữa Lệ Mật và các làng lân cận, với các xã trong vùng cũng khá thuận tiện. Bốn làng trong xã nằm sát cạnh nhau, có đường thông nhau với các xã khác. Lệ Mật vốn là một trong những làng hình thành sớm, phát triển nhanh, đã để lại những di sản văn hóa độc đáo và đặc biệt khi nói đến Lệ Mật, người ta biết ngay đó là một làng chuyên bắt rắn và sử dụng rắn nổi tiếng trong cả nước.

Nghề bắt rắn và sử dụng rắn ở làng Lệ Mật
 
Rắn là một loại bò sát không chân, thuộc bộ có vẩy, lớp bò sát trong bảng phân loại động vật. Ở Việt Nam, rắn chiếm một tỉ lệ đáng kể trong tổng số những loài rắn đã biết trên thế giới. Rắn thường có tập quán sống kín, ít khi xuất đầu lộ diện giữa ban ngày ban mặt, hay lộ diện những nơi trống trải. Chúng thường ẩn mình ở những nơi kín đáo như bụi bặm, bờ rào, cầu ao, chân đê, chân ruộng... Chúng chỉ rời nơi ở khi nhu cầu thức ăn đòi hỏi chúng phải bò ra ngoài, thường thì chúng nằm im trong ổ. Thức ăn của rắn là các loại côn trùng, sâu bọ, ếch nhái, chuột... tuy sống kín nhưng rắn vẫn gần gũi với con người. Từ nhà ra vườn, từ vườn ra đồng đều có chỗ cho rắn trú ngụ. Những người thợ bắt rắn chuyên nghiệp có thể dễ dàng phát hiện ra nơi rắn đang ẩn náu.
 
Trong dân gian, rắn là giống vật không được mấy ai thiện cảm. Trước hết, bởi vì rắn có hình thù lạ mắt, ghớm ghiếc. Một con vật mình dài thườn thượt, không chân tay, lại uốn éo cuộn tròn như không xương sống, có con đen nhẻm, có con xanh lè, có con trắng con đen, có con rằn ri nham nhở. Mới nhìn đã gây cho con người ta cảm giác rờn rợn, kinh hãi. Ai đó vô ý giẫm lên mình rắn thì thấy lạnh toát cả người, có người sợ rắn đến nỗi chỉ nghĩ đến thôi cũng đã đổ mồ hôi hột. Thứ hai, một lý do khiến người ta ghét rắn nữa bởi vì chúng có nhiều loài độc. Cho nên cứ thấy rắn là người ta đập chết. Thật ra thì số loài rắn độc có thể gây chết người chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong các loài rắn. Còn đa số không gây hại gì cho con người mà còn có ích nữa.
 
Đối với người làng Lệ Mật thì rắn cắn chẳng có gì là xa lạ. Ngược lại họ gần gũi, quen thuộc và hiểu biết về rắn rất rõ. Từ trẻ em đến các cụ già, từ những chàng trai đến các cô gái, hầu hết mọi người trong làng Lệ Mật đều biết bắt và sử dụng rắn. Ở Lệ Mật từ lâu, bắt rắn đã trở thành một nghề có vai trò đáng kể trong đời sống kinh tế của dân làng.
 
Việc xác định nghề bắt rắn ở làng Lệ Mật có từ bao giờ là một việc làm rất khó khăn. Trong làng không có tục thờ ông tổ nghề. Dân làng, kể cả các cụ già, không một ai biết được nghề bắt rắn đã có từ bao giờ, bằng cách nào, do ai truyền lại. Người ta chỉ biết bắt rắn theo tập quán lâu đời, đời trước truyền lại cho đời sau, thế hệ sau học lại thế hệ trước, cứ thế truyền mãi cho đời sau.
 
Lệ Mật có lẽ là nơi bắt rắn và sử dụng rắn sớm nhất trong nước. Trong quá trình phát triển, một số làng ở một số tỉnh cũng học được nghề bắt rắn. Nhưng cho đến nay, nghề bắt rắn ở làng Lệ Mật vẫn nổi tiếng nhất. Nghề bắt rắn vốn là một nghề cổ truyền của làng Lệ Mật. Trải qua sự tích lũy lâu đời, cho đến nay, người dân Lệ Mật đã có một sự hiểu biết khá đầy đủ dựa trên kinh nghiệm về rắn.Họ hiểu rõ môi trường sinh sống của rắn, biết được tập tính sinh hoạt, đặc điểm sinh học, đời sống riêng của từng loài. Trên cơ sở những hiểu biết đó, cùng với những kỹ năng thành thục, họ có thể tìm, phát hiện ra nơi nào có rắn và bắt chúng một cách dễ dàng. Nhờ vào kinh nghiệm gia truyền, họ đã bào chế được những bài thuốc chữa bệnh hiệu nghiệm từ rắn cũng như biết cách chữa trị khi bị rắn cắn.
 
Như chúng ta đã biết, các loài rắn thường sống ở trong hang, hốc cây, khe, ngách, bờ rào, bờ tre... Chúng chỉ lộ diện khi đi kiếm ăn, sưởi ấm, lột xác, giao phối vào những thời điểm nhất định. Những người thợ rắn đã hiểu rõ quy luật này để tóm gọn chúng ngay trong hang ổ của chúng hoặc khi chúng đi kiếm mồi.
 
Thời gian hoạt động ngày đêm của rắn
 
Thông thường thì rắn bò ra khỏi hang, nơi ẩn nấp do nhu cầu thức ăn hoặc sưởi ấm. Trong phạm vi ngày đêm, yếu tố nhiệt là yếu tố cho rắn ra khỏi hang, còn rắn rời khỏi hang chính là yếu tố thức ăn.
 
Hầu hết các loài rắn ở nước ta đều đi ăn đêm.Tuy nhiên ở miền Bắc có mùa đông lạnh theo từng đợt gió mùa đông bắc, nên vào mùa đông, rắn thường đi kiếm ăn ban ngày, chỉ có loài rắn độc mới đi kiếm ăn vào ban đêm. Những loài rắn hoạt động ban đêm, vào mùa hè chúng vẫn có thể hoạt động vào ban ngày. Đối với rắn hổ mang, chúng thường kiếm ăn từ lúc sẩm tối cho tới nửa đêm.
 
Yếu tố thức ăn đã thúc đẩy rắn có đời sống riêng theo thời của mình và điều chỉnh thời gian cho phù hợp với sự xuất hiện của con mồi. Nhiều loài rắn ở nước ta hoạt động có một mùa trong năm. Trong sinh học người ta gọi đây là chu kỳ hoạt động mùa. Hơn ai hết, người dân Lệ Mật cũng hiểu rõ chu kỳ hoạt động này của rắn. Trong chu kỳ này con vật có một thời gian ở lỳ trong hang, ngừng hoặc ngừng tạm thời việc đi kiếm mồi.
 
Từ mùa xuân cho đến hết mùa thu là mùa rắn kiếm ăn, giao phối, sinh sản, tích lũy năng lượng cho mùa đông. Người Lệ Mật gọi đây là “mùa rắn ra”. Còn mùa đông, rắn không ra ngoài, trú đông trong các hang ổ gọi là “mùa rắn vào” hay còn gọi là “rắn mùa đông”. Người dân Lệ Mật bắt rắn ở cả hai mùa, nhưng được tiến hành thường xuyên hơn cả là mùa rắn ra. Trong mùa rắn ra, hoạt động của rắn trở nên nhộn nhịp, chúng chỉ tạm lánh trong hang ổ, gò cao, bờ ruộng... vào ban ngày; chờ cho đến khi đêm xuống là tích cực hoạt động rình mò, săn mồi, tìm đối tượng để giao phối, tìm nơi đẻ trứng. Mọi hoạt động của rắn đều được các thợ bắt rắn chuyên nghiệp quan tâm, phát hiện và đón bắt chúng ở nơi chúng ẩn náu.

Vương Quốc Hoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lang-le-mat-va-loai-ran-a14840.html