Truyền thuyết Lang Bian ngay trên đỉnh núi

Chuyện kể rằng: “Ngày xưa, xưa lắm, tại làng La Ngư Thượng (tức Đà Lạt bây giờ) có người con trai tên Lang, tù trưởng bộ tộc Lạch, thương người con gái tên Bian, con tù trưởng bộ tộc Chil.

Do khác bộ tộc, nên Bian không cưới được chồng là Lang. Cuối cùng Bian và Lang phải chấp nhận cái chết cho trọn tình và phản đối luật tục khắt khe. Khi hai người mất, ông K’Zênh - cha của nàng Bian hối hận, nhận trách nhiệm thống nhất các tộc người Lạch, Chil, Srê,… thành dân tộc K’ho. Từ đó, thanh niên nam nữ các bộ tộc đều dễ dàng yêu nhau, cưới nhau”. Để ghi nhớ ngày lịch sử hợp nhất ấy, các dân tộc chọn hai đỉnh núi cao đặt tên là Lang Bian.
 

Ở Đà Lạt du khách có thể thấy hai ngọn Lang Bian như bộ ngực tràn căng sức sống của một phụ nữ xinh đẹp giữa trời xanh mênh mang.

Người dân tộc Lạch ở dưới chân núi Lang Bian thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng bây giờ hằng đêm như “lột xác” múa hát, bay bổng, thăng hoa như những nghệ sĩ thực thụ. Cái làng nhỏ bé thuộc xã Lát không đầy một cây số vuông, cách đô thị du lịch Đà Lạt 18km nay đã có đến 11 nhóm nhạc biểu diễn văn nghệ cồng chiêng như thế. Không gia đình nào không có người tham gia các nhóm nhạc. Cứ nhân mỗi dàn chiêng sáu chiếc thì cùng lúc có 66 chiếc chiêng được dóng vang trời đất; rồi âm thanh phụ họa của trống, khèn, đàn guitar, organ, loa thùng… Lúc đầu, các nhóm nhạc hình thành để làm văn hóa quần chúng nhằm giữ lại những nét văn hóa truyền thống dựa trên những câu chuyện dân gian về Lang Bian như tái hiện lại các lễ hội cúng Giàng, cầu cho mưa thuận gió hòa, sản xuất được mùa... Dần dần, thấy khách du lịch yêu cầu, các nhóm nhạc chuyển sang biểu diễn có thu tiền và đầu tư hẳn hoi.
 
Krajăn Tham, 32 tuổi, thân hình vạm vỡ, mắt đen láy mang đặc trưng dân tộc Lạch là một trong những thủ lĩnh của nhóm nhạc Dangjrung nổi tiếng ở đây. Anh đã rất vui khi chúng tôi đặt vấn đề: hãy diễn xuất truyền thuyết Lang Bian ngay trên đỉnh núi thật, có gió lạnh và ánh lửa bập bùng chứ không phải trong nhà rông như biểu diễn cho các đoàn khách du lịch. Krajăn Tham nói, thanh niên trai tráng trong làng đều thích “Ban ngày mình là nông dân, ban đêm thành… nghệ sĩ!”. Còn nàng Lani, một sơn nữ 24 tuổi là sinh viên trường Cao đẳng Đà Lạt, một thành viên trong nhóm nhạc nói: đêm nào không có khách đến xem, không được múa, không được hát, em thấy buồn lắm.
 
Chúng tôi đã chịu đựng cái lạnh dưới bốn lớp áo trong khi đó những diễn viên không chuyên của nhóm nhạc Dangjrung chỉ mặc những bộ đồ dân tộc đen trắng có viền xanh mong manh nhảy múa trong ánh lửa bập bùng và tiếng trống “bùm bùm bùm…!”. Những “nghệ sĩ chân đất” nhảy hết mình, múa hết sức, lắc mông, lắc ngực tuôn đẫm mồ hôi ra áo, hát như trút cạn hơi trong ngực, và… cả say cũng hết mình. Hình như họ không thể nào quên câu chuyện tình đẹp từ truyền thuyết xưa về chàng Lang và nàng Bian.
 
Hữu Thành

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/truyen-thuyet-lang-bian-ngay-tren-dinh-nui-a14797.html