Tạo đà cho nghề thêu

Có mặt tại Festival Nghề truyền thống Huế (NTTH) kỳ đầu tiên vào năm 2005, nghề thêu đã khẳng định vị thế thông qua những sản phẩm thêu tay tinh tế và độc đáo. Tại Festival Nghề truyền thống năm nay, các nghệ nhân thêu xứ Huế sẽ tạo ra những sản phẩm thêu tay đa sắc và ấn tượng.


 
Hiện toàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở thêu lớn nhỏ với nhiều chủng loại như thêu tranh, áo dài, khăn, thêu trên áo Kimono, Hanbok với những tên tuổi như Đức Thành, HTX Thêu Thuận Lộc, Đoan Trang, Kinh Đô, XQ…, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Ngoài sự nỗ lực lưu giữ nghề của các nghệ nhân và thợ thêu Huế, những năm gần đây Sở Công thương đã tổ chức các khóa đào tạo nghề thêu, hỗ trợ đầu tư các thiết bị máy móc tiên tiến để đa dạng hóa sản phẩm và giúp các cơ sở mở rộng quy mô.
 
Tại Festival NTTH lần đầu tiên tổ chức vào năm 2005, nghề thêu như được thăng hoa với không gian trưng bày, giới thiệu và biểu diễn nghề phục vụ du khách và người dân Huế. Tại đây, các nghệ nhân đến từ Hà Tây, Thái Bình, Long Xuyên, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh và chủ nhà - Huế thao diễn nghề bên những khung thêu cũng như các công đoạn để tạo thành sản phẩm. Đặc biệt, nghệ nhân Lê Văn Kinh đã trình làng những món gia bảo gắn với mấy đời thêu gia truyền ở Huế như mảnh gấm hoàng bào của vua Khải Định do chính tay thân phụ của ông, một nghệ nhân thêu cung đình thời Nguyễn thực hiện những năm đầu thế kỷ XX.
 
Tham gia Festival NTTH từ năm 2005, HTX Thêu Thuận Lộc như được tiếp thêm sức mạnh bởi thương hiệu của nghề truyền thống này dần được khẳng định. Thành lập từ năm 1977 với các sản phẩm như tranh thêu, khăn bàn, khăn tay, gối, thêu trên áo quần, túi xách tay. Ngoài ra, HTX nhận gia công hàng cho đối tác ở Pháp thông qua một DN ở TP Hồ Chí Minh gồm các mặt hàng thêu tay trên vải cotton. HTX hiện có 40 thợ thêu lành nghề, đều là phụ nữ làm thủ công và thị trường tiêu thụ lan rộng từ các tỉnh phía Bắc đến TP Hồ Chí Minh, Nha Trang...
 
Bà Bùi Thị Kim Chi, Chủ nhiệm HTX Thêu Thuận Lộc cho biết: “Với mục đích quảng bá nghề thêu truyền thống Huế với du khách trong và ngoài nước, Festival NTTH năm nay, HTX sẽ trưng bày 50 bức tranh thêu cùng các sản phẩm như khăn quàng, túi xách; đồng thời tổ chức không gian thao diễn nghề phục vụ nhu cầu của khách. Qua các kỳ Festival NTTH, nghề thêu xứ Huế nói chung và những người thợ thêu nói riêng có cơ hội thể hiện tài năng và trình làng những sản phẩm tinh tế, qua đó phát triển mạnh nhờ vào khâu quảng bá và giới thiệu sản phẩm từ lễ hội lớn này”.
 
DNTN Thêu may Đoan Trang ở 56/2 Bạch Đằng, phường Phú Cát, TP Huế những ngày này như rộn ràng hơn khi hàng chục thợ thêu đang tất bật chuẩn bị sản phẩm để tham gia Festival NTTH diễn ra vào cuối tháng 4 tới. Có mặt ở Huế từ năm 1990 với thương hiệu thêu áo dài và các sản phẩm làm đẹp dành cho phái nữ, thêu sản phẩm trang trí gia đình khá đắt khách. Năm 2014 đánh dấu bước ngoặt lớn khi DN phát triển thêm tranh thêu tay truyền thống và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
Nói về kế hoạch tham gia Festival NTTH, Giám đốc DN - Nguyễn Thị Đoan Trang chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên DN tham gia Festival NTTH nên ngoài việc chuẩn bị sản phẩm với khoảng 50 bức tranh thêu cùng với áo dài, hàng thêu mỹ nghệ, lưu niệm và sản phẩm trưng bày, chúng tôi chú trọng đến việc tạo không gian thao diễn nghề nhằm kết nối các công đoạn thêu từ thiết kế mẫu, se chỉ, phối màu đến cách để tạo ra một bức tranh hay sản phẩm thêu hoàn hảo phục vụ du khách”.
 
Theo Ban tổ chức Festival NTTH 2015, trong những ngày diễn ra festival, tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, 4 cơ sở thêu đến từ Thủ đô Hà Nội và TP Huế là Cơ sở thêu phục chế trang phục cung đình Vũ Văn Giỏi, Cơ sở tranh thêu tay của nghệ nhân Vũ Văn Hải - Hà Nội, HTX Thêu Thuận Lộc và DNTN Thêu may Đoan Trang - Huế sẽ tham gia thao diễn nghề thêu với nhiều sản phẩm như thêu tranh, áo dài, phục chế trang phục cung đình và thêu trên các chất liệu vải với nhiều họa tiết tinh xảo, mới lạ phục vụ du khách.
 
Festival nghề truyền thống Huế 2015

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tao-da-cho-nghe-theu-a1475.html