Huyền tích thiêng ở chùa Từ Quang Đá Trắng

Một ngôi chùa được lập từ thời vua Quang Toản vương triều Tây Sơn nhưng lại được vua Thành Thái vương triều Nguyễn ban tứ sắc nhờ sự hiếm có, thơm ngon của xoài Đá Trắng được vua Gia Long rất ưa thích được dân gian tương truyền là “nhị bảo ngự thiện”.

Dù những cây xoài cổ thụ ở chùa Từ Quang, Đá Trắng (xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên) không còn cho ra trái nữa. Thế nhưng những huyền tích thiêng liêng xung quanh món “nhị bảo ngự thiện” của vương triều nhà Nguyễn này vẫn còn được lưu tryền trong dân gian.
 
 
Toàn cảnh chùa Đá Trắng
 
Sản phẩm nghệ thuật của tạo hóa trên đường thiên lý Bắc - Nam
 
Năm Mậu Dần 1578 khi được chúa Tiên Nguyễn Hoàng ban sắc phong làm Trấn biên quan, tướng  Lương Văn Chánh ( ? - 1611) đã đưa quân cùng với lưu dân khắp nơi vượt đèo Cù Mông vào khai hoang vỡ đất mở mang bờ cõi Đại Việt về phương Nam, lập đất Phú Yên ngày nay. Ông được chúa Tiên thăng làm Phụ quốc Thượng tướng quân Phù nghĩa hầu khi hoàn thành sứ mệnh mở mang bờ cõi. Đến khi mất ông được tặng Phù quốc công Liệt thượng đẳng thần, trước đó ông được gia thăng Tiên trấn biên dịch Tham đốc tướng Lương quới phù phò quận công. Riêng với mảnh đất Phú Yên, khai quốc công thần không chỉ trở thành thần hoàng khai sáng duy nhất được nhân dân tôn thờ, kính trọng từ những ngày đầu mở cõi. 
 
Lương Văn Chánh cùng với quân của mình đã dừng ngựa, lập doanh trại đóng quân tại vùng đất Bà Đài, sau này vua Minh Mạng đổi thành Xuân Đài trong những bước đầu khai hoang, mở cõi xây dựng chủ quyền lãnh thổ ở Phú Yên. Trong những tài liệu có từ năm 1597 còn lưu lại trong đền Lương Văn Chánh (tại xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) có đoạn ghi: “Lệnh Phù Nghĩa hầu (Lương Văn Chánh) dẫn đem những hộ dân mới tới đến các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Bà Nông, trên từ vùng sơn cước, dưới thì đến các cửa biển, cùng nhau lập nhà cửa, khai phá đất hoang thành ruộng vườn, trải qua 3 vụ thì nộp thuế như thường lệ”. Vùng Bà Đài lúc bấy giờ bao gồm vịnh Xuân Đài và hạ lưu sông Cái thuộc huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu hiện nay. Khu vực này vừa có diện tích canh tác màu mỡ nhờ phù sa sông Cái bồi đắp, lại vừa có vùng vịnh kín gió thuận lợi cho việc neo đậu tàu thuyền đánh bắt hải sản. Từ những điểm định cư đầu tiên, những lưu dân người Việt mở rộng địa bàn sinh sống, làm chủ cả vùng biển, đồng bằng và rừng núi rộng lớn phía Tây, biến cả khu vực rộng lớn này trở nên trù phú, sầm uất. Đó cũng là cơ sở quan trọng để đến đầu thế kỷ XVII, khu vực vịnh Xuân Đài trở thành trung tâm hành chính của vùng đất Phú Yên.
 
 
Con đường đá trắng được thay bằng con đường bê tông dẫn lên chùa



Ni cô Đồng Thiện kể cho chúng tôi nghe những huyền tích về giống xoài ngự ở chùa Đá Trắng
 
Trong hơn 400 năm lịch sử ra đời và phát triển của mảnh đất Phú Yên thì gần 300 năm vùng đất Xuân Đài được chọn làm thủ phủ tỉnh Phú Yên, nhiều dinh thự lớn, các cơ sở tôn giáo lớn đã được xây dựng xung quanh dinh trấn. Chùa Từ quang Đá Trắng là một trong nhiều ngôi chùa phật giáo uy nghiêm được dựng lên xung quanh dinh trấn của Phụ quốc Thượng tướng quân, Phù nghĩa Hầu. Lý giải về tên gọi của chùa, Đại đức Thích Chúc Thuận biện bạch: “Năm 1793 Thiền sư Pháp Chuyên (hay còn gọi là Thích Diệu Nghiêm đến đây dựng cất một thảo am dịch kinh Hoa Nghiêm. Bốn năm sau đến năm 1797 dưới thời vua Quang Toản nhà Tây Sơn, ngài cho cất một ngôi chùa lá mái khổng lồ. Đến năm Nhâm Dần - 1842 dưới thời vua Thiệu Trị chùa được sửa chữa quy mô, có bia ghi chép sự tích. Đến năm Kỷ Sửu - 1889 chùa được vua Thành Thái ban sắc tứ. Đến năm 1929 chùa mở cuộc đại trùng tu do bị hỏa hoạn trước đó. Do được xây dựng trên triền núi Đá Trắng, nên dân trong vùng hay gọi là chùa Đá Trắng, dù chùa có tên chữ là Từ Quang - Đá Trắng, hay Bạch Thạch tự. Năm 1997, chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia”.
 
Chùa tọa lạc ngay đỉnh núi Xuân Đài, ở độ cao gần 100m so với mực nước biển được bao quanh bằng những khối đá trắng phau càng tôn thêm vẻ lung linh kỳ bí của ngôi cổ tự có gần ba trăm năm tuổi này. Để có thể lên được chùa Đá Trắng bạn phải vượt qua được con dốc thoai thoải gần 1km, rộng 4m được lát bằng đá trắng. Những viên đá được đẽo khéo léo, công phu với nhiều kiểu dáng khác nhau, nối dài hằng cây số đã cho thấy óc thẩm mỹ lẫn công tích lớn lao của người xưa… vốn nằm trong hệ thống đường thiên lý Bắc Nam do hai tướng Nguyễn Huỳnh Đức và Lê Chất thời nhà Nguyễn trực tiếp chỉ huy sửa sang. Từ trong khuân viên chùa ta có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng sơn thủy hữu tình. Xa xa phía Đông Nam là đầm Ô Loan với mặt nước thản nhiên nổi tiếng trong ca dao. Gần hơn, dòng sông Cái loáng bạc chảy qua cầu phường Lụa, ôm lấy ngọn núi Sơn Chà sừng sững giữa đồng bằng xanh thẳm. 
 
 
Quần thể những cây xoài trên 200 năm tuổi trong khuân viên chùa



Bia công nhận cây di sản vừa được UBND tỉnh Phú Yên dựng dưới gốc cây cổ thụ
 
"Sao không cử người được ăn xoài Đá Trắng đi đánh giặc"
 
Dù được xây dựng dưới thời vua Quang Toản nhà Tây Sơn thế nhưng ngôi cổ tự này lại được các vua vương triều Nguyễn hết sức yêu thích, không chỉ bởi đây là một sản phẩm nghệ thuật được tạo ra từ sự sắp đài tài tình của tạo hóa cùng với bàn tay tài hoa của những người con sinh ra từ mảnh đất Duyên hải Nam Trung Bộ mà còn do sự thơm ngon đặc biệt của những quả xoài Đá Trắng. Sự thơm ngon đặc biệt đó, đã đi vào trong ca dao “Xoài Đá Trắng, sắn Phường Lụa” (Phường Lụa: Một địa danh khác ở Phú Yên, cách chùa Đá Trắng không xa). Hiện nay trong khuân viên của chùa còn hơn hai mươi cây xoài cổ có tuổi đời hơn hai trăm năm. Dù hàng năm xoài vẫn ra hoa đều đặn nhưng chỉ có một cây còn cho ra trái nhưng cũng năm có, năm không chứ không còn đều đặn như trước. 
 
Ni cô Đồng Thiện, Nguyễn Thị Mẫn, người trông nom và dọn dẹp vườn tược cho ngôi cổ tự này cho biết : “Nếu như các giống xoài khác đều ra hoa mày vàng thì xoài Đá Trắng ra hoa màu trắng, tría nhỏ vỏ mỏng, cùi ngọt thanh, hương thơm, chín đều để được lâu”.  Tương truyền, trong lần dừng chân ở vịnh Xuân Đài tháng 6/1793, cách chùa Đá Trắng không xa để cho quân lính nghỉ ngơi trong những lần hành quân đánh nhau với quân nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã có dịp thưởng thức các đặc sản vùng này. Ông tỏ ra ưa thích xoài Đá Trắng bởi vị ngọt thanh của nó mà không xoài ở đâu có đươc. Sau này khi lên ngôi vua Gia Long không quên được những món đặc biệt mà mình được thưởng thức thủa hàn vi. Nhờ đó Xoài Đá Trắng, cùng với Lòn bon của Quảng Nam trở thành “Nhị bảo ngự thiện” trong suốt lịch sử tồn tại 143 năm của vương triều Nguyễn. Hàng năm, vào dịp tết Đoan Ngọ tỉnh Phú Yên phải mang dâng nhà vua từ 1000 đến 2000 trái xoài khác nhau. 
 
Chẳng thế mà dân gian chẳng có câu ca dao truyền miệng: “Rủ lên Đá Trắng ăn xoài/Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì”. Kỳ thực tương ngọt ở chùa Thiên Thai cũng rất ít. Đây là một cách nói thể hiện sự từ chối khéo của cư dân địa phương trước những vị khách. Vì xoài Đá Trắng quý hiếm nên quan huyện phải cắt cử người (được miễn sưu thuế) canh giữ vườn xoài và ghi chép tỉ mỉ quá trình ra hoa thụ trái, thu hoạch. Dù lệnh “hái sạch” được ban xuống thế nhưng sau mỗi lần sai nha rút đi phật từ cũng “mót” được vài quả xoài chín vàng nằm núp dưới tán lá vào thắp hương dâng phật. Cũng nhờ những quả xoài sót lại ấy mà giống xoài này được nhân rộng khắp vùng xung quanh cũng như nhiều nơi khác. Có điều, xoài trồng ở nơi khác độ thơm ngon lại không bằng ở chùa Đá Trắng. Dân gian lý giải là do xoài ở đây được trồng trên gò đá trắng, cũng có dòng lưu truyền là do được trồng nơi đất Phật nên xoài mới thơm ngon. Ngoài ra, quan tỉnh Phú Yên cũng cử một đội quân chuyên lo vận chuyển xoài ra kinh đô Huế. Xoài được ủ cẩn thận trong giỏ tre lót lá sầu đông sao cho khi lúc ngựa chở vừa đến Huế thì cũng là lúc xoài vừa chín vàng da.
 
Lúc này nhà vua sẽ mở tiệc ngự thiện, thưởng thức xoài và chia lộc cho các quan đại thần trong triều. Đến nay dân gian vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện lý giải sự thơm ngon của “nhị bảo ngự thiện” rằng: “Trong một lần vua mở tiệc chiêu đãi xoài, có một vị tướng đến trễ nên không kịp được thưởng thức xoài vua ban. Nghe danh xoài Đá Trắng đã lâu, mà lại không được thưởng thức thức nên vị tướng nọ tỏ ra bực bội ấm ức ở trong lòng. Cuối năm đó khi được nhà vua sai cầm quân ra trận khi có giặc giã nổi lên chống lại triều đình. Vị tướng kia cầm thánh chỉ trong tay mà hậm hực tâu lên rằng : “Môn tâu bệ hạ, sao người không sai những người được ăn xoài Đá Trắng đi đánh giặc” khi trong lòng vẫn chưa nguôi giận vì không được thưởng thức xoài đá trắng.
 
Xoài Đá Trắng được công nhận là cây di sản Việt Nam: Cụm cây xoài trong khuôn viên di tích quốc gia chùa Đá Trắng (Từ Quang, xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên) gồm 20 cây xoài đã có tuổi trên 220 năm vừa được Hội đồng cây di sản Việt Nam công nhận là Cây di sản. Ngày trước, loại xoài thơm ngon đặc trưng này chỉ được hái để cung tiến vua (gọi là xoài Ngự). Nay những cây xoài cổ thụ Đá Trắng đang ngày càng kết trái ít dần. Tỉnh Phú Yên đang tìm cách lưu giữ và nhân giống xoài quý hiếm này”.
 
Kim Thanh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huyen-tich-thieng-o-chua-tu-quang-da-trang-a14727.html