Điện thờ Công chúa An Tư

Tại Trần Triều Bảo Điện (100 Hàng Lọng, Hà Nội), cư sĩ Bảo Hưng Nguyễn Gia Tường (tức Trần Ngọc Huyên) cho biết, điện thờ nhà Trần này, được xây dựng theo đạo sắc phong từ thời vua Trần Anh Tông (đời thứ 4), có thờ bà công chúa An Tư thụy Trấn Bắc nương.



(Ảnh minh hoạ Internet)

Mịt mù ải Bắc
Nước lửa binh đao
Ô hô! Sơn hà nguy biến
Nào ai hay, đem thân liễu trước quân cơ (chừ)
kế mỹ nhân...

Khí xuân bừng trên sắc thắm hoa đào, lộc biếc, át đi cái rét giá buốt. Cánh đào mỏng manh như thân phận nàng công chúa An Tư trước thù nhà, nợ nước. Sau khai hạ, vào ngày mồng 9 tháng giêng, An Tư công chúa - là con gái út của vua Trần Thái Tông, em gái vua Trần Thánh Tông, vì nước, vì hiếu nghĩa, An Tư sẽ phải vâng lệnh vua cha Thái Tông và vua anh Thánh Tông từ bỏ cung vàng điện ngọc, cuộc sống nhung lụa êm ấm, người yêu thương và tuổi xuân hương sắc, để dâng hiến tuổi trẻ, tiết trinh con gái, kể cả tính mạng mình cho tướng giặc là Thái tử Thoát Hoan. Công chúa An Tư đã dũng cảm đi vào trận chiến chỉ có một mình, không một thanh gươm, không một tấc sắt. Hiểu rõ nạn nước, cảnh mình, nàng đành chấp nhận gian nan tủi nhục.
 
Vốn có mưu toan thôn tính nước ta, đầu tháng 2 năm Ất Dậu (1285), sau nhiều lần Hốt Tất Liệt sai sứ sang buộc vua Trần phải sang chầu, nếu vì lý do chính đáng nào đó không sang được, thì phải đưa vàng bạc châu báu sang thay và nộp hiền sĩ, thầy âm dương bói toán, thợ khéo tay, mỗi hạng 2 người. Yêu sách này không được đáp ứng. Vua Nguyên lập tức phát động cuộc chiến tranh xâm lược, sai Thái tử Thoát Hoan đem 50 vạn binh, thế như bão lốc, tràn vào nước ta, đánh tới Chi Lăng, Vạn Kiếp, Gia Lâm, Đông Bộ Đầu, thốc tới kinh thành Thăng Long, khiến Thượng hoàng và vua Trần phải bỏ kinh đô di tản chiến lược bằng thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng địch, nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra.
 
Ngày 9 tháng 3 năm 1285, thủy quân giặc bao vây Tam Trĩ, suýt bắt được hai vua Trần, trong khi tướng Trần Bình Trọng (tức Lê Bình Trọng) lại lâm trận, dũng cảm hy sinh ở bờ sông Thiên Mạc. Trước thế giặc mạnh như vũ bão, tướng nhà Trần là Trần Khắc Chung (tức Đỗ Khắc Chung) được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của giặc, nhưng không có kết quả. Nhiều tôn thất nhà Trần như: Trần Kiện, Trần Lượng, Trần Ích Tắc, Trần Lộng, Trần Tú Viên… lo sợ mang gia quyến cùng thuộc hạ chạy sang hàng giặc. Trong lúc đó, ta cần có một khoảng lặng cần thiết để hai vua và Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo củng cố lực lượng, tổ chức phản công, và kế sách đối phó hữu hiệu nhất là “Mỹ nhân kế”. Bởi vậy, vua Trần Thái Tông bất đắc dĩ phải dùng đến sắc đẹp tài hoa tuyệt vời của người con gái út yêu quý, tuổi độ “trăng tròn lẻ” là công chúa An Tư.
 
Công chúa An Tư sang trại giặc, không phải đi lấy chồng, mà là vật cống nạp, dâng hiến, cũng còn là một người nội gián. Bởi vậy, sự hy sinh của nàng thật là cao cả! Ở trại giặc, làm vợ Thoát Hoan, An Tư đã sống ra sao? Làm được những gì? Đó là cả một bí mật bao trùm, khó ai hiểu hết. Nhưng có điều chắc chắn là, kể từ sau khi An Tư chung sống bên cạnh Thoát Hoan, thì những bí mật quân sự của giặc đã được tiết lộ qua An Tư, và có lẽ cũng vì tướng giặc mải đắm say nhan sắc thanh xuân của nàng, trễ nải việc quân cơ, mà đã tạo cơ hội cho quân nhà Trần bắt đầu phản công trên hầu khắp các mặt trận. Quân Nguyên đại bại. Thái tử Trấn Nam vương Thoát Hoan trốn chết trong ống đồng. Không rõ trong cuộc hỗn chiến ấy, việc sống chết của An Tư công chúa ra sao? Nàng còn sống hay đã chết trong đám loạn quân?… An Tư không có con với Thoát Hoan. Người sinh hai con với Thoát Hoan mà sử sách đã chép chính là con gái của Trần Di Ái, em Trần Tú Viên.
 
Đại Việt toàn thắng, xây dựng hòa bình. Các vua Trần làm lễ tế cáo tại lăng miếu, khen thưởng các công thần, truy phong các tướng lĩnh, mà không hề nhắc đến công chúa An Tư? An Tư không có đến cả một nấm mồ, nhưng vẻ kiều diễm, tài sắc và tình cảm của nàng thì mãi mãi vẫn còn sống động trong tâm thức người dân Việt. Dù triều Trần và sử sách có quên sự cống hiến làm “thư giãn nạn nước” của bà cho dân tộc thời chống ngoại xâm, thì muôn đời các thế hệ sau vẫn dành cho công chúa An Tư chỗ đứng kính trọng và thương cảm trong lòng dân tộc.
 
Tôn giáo Việt là thờ tứ bất tử, văn hóa Việt là Uống nước nhớ nguồn. Dân tộc Việt Nam không thể quên sự đóng góp to lớn của công chúa An Tư - vị anh hùng liệt nữ!
 
Ta không rõ năm sinh, năm mất của bà. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua Trần sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý làm giảm tai họa cho nước vậy”.
 
Tại Trần Triều Bảo Điện (100 Hàng Lọng, Hà Nội), cư sĩ Bảo Hưng Nguyễn Gia Tường (tức Trần Ngọc Huyên) cho biết, điện thờ nhà Trần này, được xây dựng theo đạo sắc phong từ thời vua Trần Anh Tông (đời thứ 4), có thờ bà công chúa An Tư thụy Trấn Bắc nương, gia phả nhà Trần ghi ngày bà đi vào trại giặc làm vật cống nạp là ngày lễ chạp, và được chứng kiến sự hiển linh của bà trong dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long.
 
Trần Minh Thu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dien-tho-cong-chua-an-tu-a14712.html