Đền Cửa Ông - tiền đồn trấn ải Đông Bắc

Trong tâm thức dân ta, những người khi sống có công với đất nước khi chết đi họ trở thành thần linh bảo vệ đất nước và che chở cho muôn dân. “Sinh vi tướng, tử vi thần”- Họ được nhân dân lập đền thờ phụng, quanh năm cúng cấp/nuôi dưỡng để mỗi khi đất nước có giặc dã, họ lại “âm phù” cho những đoàn quân ra trận; mỗi khi trời làm hạn hán hay lụt lội, nhân dân lại thỉnh các ngài che chở, cho mưa thuận gió hòa.

Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là một trong những con người như thế. Đền Cửa Ông - một danh lam cổ tự trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc - nơi Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng làm Thần chủ - là một công trình văn hóa tiêu biểu, nổi tiếng từ xưa đến nay của đất Quảng Ninh.
 

Địa hình Cửa Ông là dải thung lũng hẹp chạy dài theo đường 18, nằm giữa hai dãy đồi núi cao trên dưới 10 m ở phía Bắc và phía Nam. Từ xa xưa, con đường bộ đi qua Cửa Ông là con đường độc đạo đi ra vùng biên giới phía Đông Bắc và ngược lại. Cửa Ông như là cái yết hầu nối miền Đông chập chùng đồi núi với vùng mỏ giầu có và miền Tây rộng lớn của tỉnh Quảng Ninh. Các cuộc chinh phạt xâm lược của phương Bắc, hay các cuộc điều binh của các triều đại phong kiến Việt Nam ra miền biên giới Đông Bắc đều đi qua Cửa Ông. Xưa kia, các triều đại phong kiến đều đặt ở Cửa Ông - Cẩm Phả một đồn binh để chốt giữ nơi “yết hầu” này. Phía Nam Cửa Ông là vịnh Bái Tử Long không chỉ là một cảnh đẹp nổi tiếng, một vùng biển trù phú các giống loài hải sản mà còn tạo cho Cửa Ông một lợi thế về cảng biển. Vùng vịnh phía Nam Cửa Ông nước sâu, lượng phù sa bồi hàng năm không đáng kể. Cách bờ từ 1 đến 2km là dãy đảo đá nhấp nhô tạo hình vòng cung chắn sóng gió, khiến cho vùng biển luôn luôn tĩnh lặng, thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu. Với vị trí và địa hình thuận lợi để xây dựng cảng biển, ngay từ đầu Công nguyên, nơi đây đã là một bến thuyền giao thương trên con đường thủy từ đồng bằng sông Hồng với vùng biên cương Đông Bắc Việt Nam và Đông Nam Trung Quốc. Bến thuyền Cửa Ông thời ấy gọi là Cửa Suốt.

Với vị trí chiến lược quan trọng của Cửa Ông trong việc giữ gìn biên cương, các triều đại phong kiến Việt Nam thường cắt cử các tướng tài và tin cậy đến trấn giữ. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai, Trần Quốc Tảng được giao trấn giữ Cửa Ông và đã góp công lớn vào thắng lợi rực rỡ của quân Trần. Vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn càng nhận rõ hơn vị trí đặc biệt quan trọng của vùng biển đảo Đông Bắc đối với công cuộc phòng thủ đất nước. Thắng lợi oanh liệt trong cuộc kháng chiến lần này, bên cạnh tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân nhà Trần, là sự chuẩn bị chiến trường cẩn thận, chu đáo, biết lợi dụng địa hình đảo núi, luồng lạch khuất khúc để đánh địch và chủ động đánh địch. Từ bài học nóng hổi của chiến tranh ấy, nhà Trần đã tăng cường phòng thủ vùng biển đảo Đông Bắc để chủ động trong mọi tình huống trước một kẻ thù chưa cam chịu thất bại. Trần Quốc Tảng, vị tướng tài, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, lần thứ hai được cắt cử trấn giữ Cửa Suốt, nhưng dưới danh nghĩa là bị “đi đày” để che mắt, đánh lừa quân giặc. Và, một lần nữa, ông đã không phụ lòng người cha tôn kính và phụ niềm tin của cả dân tộc. Những năm tháng trấn ải vùng Đông Bắc, Trần Quốc Tảng đã lập nhiều chiến công vang dội để “Hải Đông lưu linh tích”.
 
Lúc còn sống ông là một dũng tướng. Đến lúc qua đời, hồn của ông cũng nhập vào núi non, cây cỏ sông nước biển trời nơi đây tiếp tục giữ yên dân nước. Ông được nhân dân tôn phong là vị thần oai linh trấn giữ vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Sử sách ghi: “Ông ra Cửa Suốt được ba ngày, tự nhiên trời nổi mưa gió đùng đùng, sấm sét nổ ầm ầm. Ông thấy một phiến đá to bèn ngồi lên. Ngay lúc đó, sóng nổi cuồn cuộn, nước dâng lên rất cao. Phiến đá tự nổi trên mặt nước. Hưng Nhượng Vương công hóa thần ở đó, vào ngày 16 tháng 8 năm 1313. Một lúc sau mưa gió tĩnh lặng, dân chúng kéo đến xem, thấy trên phiến đá có một cái mũ đá, mũ đá trôi đi. Ngày 1 tháng 9 năm ấy, mũ đá trôi đến địa giới Hàm Giang, rồi đến bên bờ sông xã Trác Châu (tục gọi Vườn Nhãn). Già trẻ lớn bé trong xã đêm hôm đó mộng thấy một người cân đai áo mũ chỉnh tề, đứng ở đình làng bảo rằng “Ta là gia tướng nhà Trần, nay số đã hết, lại trở về nơi đóng đồn cũ giữ yên dân nước”. Hôm sau, dân chúng ra đình xem thấy phiến đá to, lại thấy một mũ đá bên bờ sông. Phiến đá rộng 5 thước 4 tấc, ngang 2 thước 3 tấc, có 5 mầu huyền ảo như mây. Dân làm lễ đón mũ đá về lập miếu thờ và làm biểu tâu lên vua. Vua thấy Trần Quốc Tảng là người có công, lại linh ứng nên truyền cho lập miếu thờ và phong làm Thượng đẳng thần, cho 800 quan tiền công, hàng năm hai mùa cúng tế vào bậc quốc lễ. Năm 1314, đúng 1 năm sau khi Trần Minh Tông lên ngôi, đã truy tặng Trần Quốc Tảng chức Thái úy”.
 
Khởi thủy, đền Đức Ông là một thảo am dựng tại Vườn Nhãn (phường Cẩm Phú ngày nay), nơi Trần Quốc Tảng qua đời vào năm 1313. Ngay từ thủa ấy, nhân dân và khách thập phương đã đến thờ cúng rất đông đúc.

Vào đầu thế kỷ XX, khi cảng Cửa Ông được xây dựng, dân cư Cửa Ông ngày càng đông đúc, thảo am thờ Đức Ông nhỏ bé không đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân nên đã chuyển về vị trí hiện nay và xây dựng thành ngôi đền qui mô lớn hơn. Trải qua nhiều lần tu bổ, nhất là từ năm 1994 đến nay, đền Cửa Ông trở thành một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh, khang trang. Đền gồm 2 khu đền Hạ và đền Thượng. Tại đền Thượng, ngoài đền thờ Trần Quốc Tảng ở chính điện, còn có đền thờ Mẫu, chùa thờ Phật, lăng Trần Quốc Tảng phía sau đền. Gếch về phía Tây, nằm dưới một cấp, là đền thờ Quan Chánh. Đền Thượng tọa lạc trên một ngọn đồi cao gần 100m, có thể bao quát được toàn bộ cảnh quan khu vực Cửa Ông. Từ cổng Tam quan, bước trên những bậc tam cấp lên đến sảnh đền, ta có thể thu vào tầm mắt bức tranh toàn cảnh Cửa Ông rực rỡ màu sắc và dạt dào tâm tưởng. Sảnh đền nhìn ra vịnh Bái Tử Long bao la trầm hùng, nhấp nhô thế giới của những đảo đá huyền bí gợi nên hình ảnh hàng trăm những chú Rồng con rỡn đùa sóng nước biển xanh. Phía sau lưng đền là thung lũng quần tụ khu dân cư đông đúc, nơi trung tâm chính trị, kinh tế của Cửa Ông. Xa xa, những dãy núi xanh mờ trùng điệp chạy dài từ Cẩm Phả đến Mông Dương.
 
Vị trí ngôi đền đã được người xưa khắc họa trong hai câu đối trước cửa đền:
 
Thiên trường lục thủy thông khâu tụ
Tứ diện thanh sơn nhập họa đồ
 
Dịch: Nghìn trùng nước biếc buông đai áo
Bốn phía non xanh tạc họa đồ

Giữa không gian mênh mông của núi non, biển trời hùng vĩ, ngôi đền hiện lên trong dáng vẻ cổ kính, duyên dáng của những đường nét kiến trúc dân tộc cạnh khu công nghiệp lớn - cảng than Cửa Ông náo nhiệt, sừng sững những cần cẩu thép lớn. Câu đối treo cạnh pho tượng lớn tạc một quan võ khoác hoàng bào, vạt trước đính hổ phù, là hình ảnh vị thần chủ ngôi đền - Đức Ông Trần Quốc Tảng. Nội dung câu đối như sau:
 
Bạch Đằng hộ chiến công, lương tướng uy danh kinh Bắc địa
Hải Đông lưu linh tích, anh hùng tâm sự đối Nam thiên
 
Dịch: Giúp chiến thắng Bạch Đằng, tướng giỏi uy danh lừng đất Bắc
Để dấu thiêng Đông Hải, anh hùng tâm sự giải trời Nam

Đền Cửa Ông là ngôi đền hiếm hoi còn lại đến nay thờ khá đầy đủ gia thất Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và những cận thần của ông. Ngoài vị thần chủ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, ngôi đền còn có hơn 30 pho tượng lớn nhỏ, mỗi pho tượng mang hình hài và tên tuổi một nhân thần, được bày ở vị trí chính điện hay hai bên cánh, ở bái đường hay hậu cung đều bắt nguồn từ vai trò, vị trí và tầm quan trọng khác nhau của người lúc còn sống mà pho tượng mang tên. Ba mươi pho tượng bày thành 10 hàng ngang là những tướng lĩnh nổi tiếng thời Trần từng dày dạn trận mạc, tạo cho người vãn cảnh được chiêm bái những anh hùng một thời oanh liệt mà từ lâu mới chỉ nghe tên qua sử sách.
 
Nhóm tượng gia thất Trần Hưng Đạo có: Tượng Trần Hưng Đạo ngồi trong ngai được chạm trổ kỳ công, sơn son thếp vàng lộng lẫy là pho tượng lớn nhất trong đền, đặt ở chính giữa hậu cung. Tượng Thánh Mẫu (vợ Trần Quốc Tuấn, mẹ Trần Quốc Tảng). Tượng hai công chúa của Trần Quốc Tuấn, trong đó có công chúa Quyên Thanh, vợ vua Trần Nhân Tông, đặt trước tượng Trần Quốc Tuấn, qui mô nhỏ hơn đặt ở hậu cung. Tượng Trần Quốc Tảng - thần chủ ngôi đền, đặt ở bái đường, có qui mô ngang bằng tượng Trần Quốc Tuấn. Tượng ông sơn thếp màu đỏ tía, tượng trưng cho một dũng tướng, cương trực, từng chọc trời khuấy nước. Tượng vua Trần Anh Tông, con vua Trần Nhân Tông, con rể Trần Quốc Tảng.
 
Nhóm các tướng lĩnh tâm phúc với gia đình Trần Hưng Đạo, cùng sát cánh trong công cuộc bảo vệ đất nước, có các tượng:
 
Lê Phụ Trần (Lê Tần), người có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, từng một mình một ngựa ra vào trận mạc giữa lúc tên bay đạn bắn như mưa để lấy ván thuyền che đỡ cho Trần Thái Tông rút lui an toàn. Ông cũng là sứ giả đầu tiên của triều Trần sang tận kinh đô nhà Nguyên đặt mối quan hệ bang giao giữa hai nước, được Trần Thái Tông rất quí trọng, gả công chúa Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) cho ông.
 
Trần Khánh Dư, phó tướng của Trần Hưng Đạo, được giao cai quản vùng duyên hải Đông Bắc, đặt đại bản doanh tại trấn Vân Đồn, lập công xuất sắc trong lần kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai và ba, được phong tước Nhân Huệ Vương, chức Phiêu kỵ Đại tướng quân.
 
Đỗ Khắc Chung, con người có bản lĩnh cứng cỏi, luôn nhận những trọng trách khó khăn, nguy hiểm về mình. Trong cuộc kháng Mông lần hai (1285), mặc dù mới giữ chức quan nhỏ, nhưng đã một mình một ngựa vào trại giặc để đưa thư xin hoãn binh cũng là để dò la tin tức giặc. Ô Mã Nhi đã phải thốt lên: “Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ là Chích, không nịnh ta là Nghiêu, giỏi ứng đối. Nước này có những người như thế chưa chắc đã chiếm được”.
 
Một số danh tướng khác như Hà Đặc (Phụ đạo huyện Phù Ninh (Yên Bái), Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Chế Nghĩa,…Trong đền còn thờ cả những người có công xây dựng đất nước sau chiến thắng giặc Nguyên Mông, như: Trần Thì Kiến, Phạm Ngộ,…
 
Đọc những câu đối treo trong đền ta càng khẳng định Đền Cửa Ông là nơi tụ linh, tụ khí của thời đại Đông A hào hùng và khí phách.
 
Hệ xuất Đông A uy trấn Đông Hải
Linh phụ Nam phục phúc tích Nam Bang
 
(Dịch: Dòng dõi Đông A uy lừng Đông Hải
Thiêng nơi Nam phục phúc ngợp Nam Bang).
 
Nam quốc phúc thần long cổn tặng linh thanh chung cổ cẩm sơn hà
Đông A chi phái diễn ngân hàng huân nghiệp nhất môn hoa nhật nguyệt.
 
(Dịch: Phúc thần Nam quốc tặng long bào muôn thủa uy linh non nước gấm
Dòng dõi Đông A truyền ấn ngọc một nhà huân nghiệp tháng năm hoa).

Đứng trước đền Cửa Ông, chúng ta như đứng trước khu tượng đài kỷ niệm những người có công với dân với nước với dân tộc, khiến lòng ta không khỏi bồi hồi, xúc động. Mỗi nhân thần lúc còn sống có một cuộc đời và một chiến công hiển hách, xả thân vì nước. Khói hương huyền ảo và sắc màu vàng son không làm cho người chiêm ngưỡng choáng ngợp trước thần linh mà trái lại cảm thấy thiêng liêng nhưng gần gũi, chứa chan hoài niệm trở lại với quá khứ oanh liệt hào hùng của những chiến công oanh liệt. Với sự hiện diện của một quần thể tượng mang tên các gia tướng, các tướng lĩnh tâm phúc quây quần xung quanh Trần Quốc Tuấn và Trần Quốc Tảng trong không gian ngôi đền ấm cúng, ta như thấy ở đây vẫn lưu giữ hào khí Đông A thủa nào, vẻ đẹp của tinh thần đoàn kết, nhân ái, dân chủ, khí phách quyết chiến quyết thắng, những yếu tố tạo nên sức mạnh dân tộc một thời oanh liệt và sẽ còn là bài học sâu sắc mãi mãi cho muôn đời con cháu. Đứng trước những nhân thần mà cả cuộc đời là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, chí khí, người ta không chỉ xin che chở phù hộ, mà người đến lễ còn soi mình để tự vấn phải làm gì để xứng với các bậc tiền nhân.
 
Đền Cửa Ông không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có giá trị nghệ thuật kiến trúc, hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ bao quanh ngôi đền, làm cho ngôi đền linh thiêng, tôn nghiêm nhưng không cách biệt, xa lạ. Cuộc đời và sự nghiệp Trần Quốc Tảng sống mãi trong lòng người những thế hệ sau khi ông qua đời, khiến cho ngôi đền thờ ông trên bến Cửa Suốt xa xôi trở nên nhộn nhịp người bốn phương đến thờ cúng, vãng cảnh.
 
Ths Phạm Ngọc Quang

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/den-cua-ong-tien-don-tran-ai-dong-bac-a14709.html