Thành phố Huế còn là nơi bảo quản nhiều di tích quốc gia và lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia đặc biệt có giá trị với độ đậm đặc mà không phải địa phương nào cũng có.
Cố đô Huế, tiền thân là Kinh đô Phú Xuân thời Tây Sơn ra đời sau khi Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân Tây Sơn lập lại nền thống nhất đất nước, xoá bỏ các thế lực thù địch trong nước và xuất quân đánh bại giặc Thanh (1786-1788). Kinh đô Phú Xuân dưới triều vua Quang Trung (1789-1792) là biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết dân tộc của thời văn hoá phục hưng.
Những di sản vật thể và phi vật thể của cố đô Phú Xuân nay không còn vì sự huỷ diệt sau khi Gia Long lên ngôi, nhưng sự xuất hiện của đội nữ Nhã nhạc cung đình Tây Sơn trong các cuộc trình diễn tại Bắc Kinh khi tham gia đoàn sứ sang nhà Thanh vào năm 1789 (2) là một minh chứng về sự phát triển văn hoá cung đình Tây Sơn mà sau này vương triều Nguyễn kế thừa và phát triển.
Trên nền tảng Cố đô Phú Xuân, vương triều Nguyễn đã xây dựng Kinh đô Huế với thành trì vững chắc, hiện đại hoá theo kiến trúc Vauban của phương Tây và có quy mô rộng lớn, xác lập một nền văn hoá dân tộc đặc sắc có ảnh hưởng đến nhiều nước.
Du lịch di sản văn hoá Việt Nam bao gồm di sản vật thể và phi vật thể với nhiều thể loại khác nhau. Trong di sản vật thể thì di sản Cố đô là tiêu biểu nhất: Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long, Tây Đô (thành Nhà Hồ) và Huế; 3 trong 5 di sản này được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới (3). Trong các Cố đô này thì duy nhất cho đến hiện nay, Nhã nhạc cung đình Huế là di sản phi vật thể được UNESCO tôn vinh là kiệt tác của nhân loại.
Như vậy, Cố đô Huế mang trong mình hai di sản văn hoá thế giới. Di sản Việt Nam được UNESCO vinh danh đầu tiên vào năm 1993 là Quần thể di tích cố đô Huế và di sản phi vật thể của Việt Nam đầu tiên được vinh danh là Nhã nhạc cung đình Huế (năm 2003).
Cố đô Huế là một quần thể di tích hoàn chỉnh, cho đến nay còn giữ được nhiều yếu tố ban đầu, là chứng nhân của nhiều triều đại từ lúc thành lập, thịnh vượng rồi suy tàn; cho nhiều đời vua, đời người từ lúc sinh ra, lớn lên- học hành, làm vua-quan rồi qua đời đã để lại nhiều phủ đệ, cung điện, lăng tẩm, đền miếu, chùa chiền…Những di sản này đang hoà chung với cuộc sống đương đại.
Sức sống mạnh mẽ của di sản là do con người kết nối được quá khứ với hiện tại để khơi dậy nhịp đập cho muôn vạn con tim, tạo nên sự truyền cảm, rung động của mọi tâm hồn thành một ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị. Với phân tích này, Cố đô Huế có nhiều lợi thế hơn các Cố đô Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long, thành Nhà Hồ nay chỉ là những phế tích hoặc di tích khảo cổ học, tách biệt với môi trường sống đương đại. Cũng như Mỹ Sơn, các Cố đô này có thể trở thành điểm tham quan, nghiên cứu hấp dẫn nhưng rất khó trong việc xây dựng để trở thành một môi trường du lịch lý tưởng như Huế, Hội An.
Thành phố Huế còn là nơi bảo quản nhiều di tích quốc gia và lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia đặc biệt có giá trị với độ đậm đặc mà không phải địa phương nào cũng có.
Con người Huế cũng là một bộ phận cấu thành di sản văn hoá Huế, là sản phẩm của nền văn hoá Kinh kỳ trải qua hàng trăm năm, nay được thể hiện qua phong cách, lối sống, ứng xử, trang phục, tiếng nói, đời sống tâm linh, thú vui chơi… mà không phải nơi nào cũng được ngưng đọng những giá trị nhân văn sâu sắc như Huế.
Sách vở cũng là kho báu vô tận của văn hoá Huế được nhiều gia đình nâng niu lưu truyền qua nhiều thế hệ, nhưng cho đến hiện nay chưa có một cuộc tổng kiểm kê để đánh giá được những giá trị to lớn của tài sản này.
Về cảnh quan thiên nhiên, Thừa Thiên Huế cũng là nơi bảo tồn nhiều tài sản vô giá như:
- Sông Hương thơ mộng - trữ tình, hài hoà giữa thiên nhiên, kiến trúc, con người và huyền thoại.
- Hải Vân - đệ nhất hùng quan.
- Bạch Mã - nơi nghỉ mát lý tưởng giữa vùng nhiệt đới, là bảo tàng thiên nhiên quốc gia với nhiều tiềm năng cần được khám phá.
- Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới.
- Tam Giang - Cầu Hai, nơi tập trung nhiều giống loài thuỷ sản quý hiểm và phân hệ thuỷ sinh vùng nước lợ đặc trưng Đông Nam Á.
Thừa Thiên Huế có đủ các yếu tố di sản văn hoá và di sản thiên nhiên mà tạo hoá và lịch sử ban tặng, người Huế cũng rất có ý thức về bảo tồn giá trị di sản, đó là tiền đề để xây dựng Huế thành thành phố di sản đặc trưng của Việt Nam, một đô thị văn hoá- du lịch hấp dẫn của thế giới.
PGS TS Đỗ Bang