Khám phá về Hoàng đế Mạc Kính Vũ và vùng đất Vĩnh Phúc

Trong các bài nghiên cứu về nhà Mạc, chúng tôi kiên trì một quan điểm là: suốt thời gian cầm quyền 156 năm và kể cả sau khi mất ngai vàng (thời kỳ hậu Cao Bằng), trong suốt 242 năm, nhà Mạc và hậu duệ luôn giữ vững một ý chí sắt đá nhằm thực hiện một mục tiêu chiến lược gồm 4 điểm.


4 điểm đó là:

- 1.Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, “không để cho người Minh đặt chân lên đất nước ta” (lời trăng trối của Mạc Ngọc Liễn);
 
- 2. Đánh đổ phong kiến Lê-Trịnh là tập đoàn bảo thủ lạc hậu cố “kéo lùi bánh xe lịch sử” (nhận xét của Trần Quốc Vượng);
 
- 3. Xây dựng một nền kinh tế đa diện, đem lại đời sống no đủ, an bình cho nhân dân, “cổng ngoài không phải đóng, của rơi ngoài đường không ai nhặt” (Đại Việt sử ký toàn thư);
 
- 4.Thiết lập một nền văn hóa tư tưởng phóng khoáng cởi mở, tính nhân văn cao, tôn trọng con người, tôn trọng sáng tạo nghệ thuật, xây dựng “một nền nghệ thuật phong phú, đa dạng, đặc sắc của văn hóa dân tộc” (nhận xét của Trần Lâm Biền), tôn sùng đa tôn giáo - tín ngưỡng: Nho, Phật, Lão, Mẫu, Thần làng,…và coi trọng văn hóa dân gian.
 
Trong bài này, chúng tôi tiếp tục luận điểm trên, làm sáng tỏ vai trò của hoàng đế Mạc Kính Vũ là một  nhà vua  lỗi lạc về việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược của các bậc tiên đế, trong hoàn cánh lịch sử của mình.
 
Bài được chia làm hai phần chính: 1. Hoàng đế Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng - Trung Quốc; 2. Hoàng đế Mạc Kính Vũ những năm cuối đời và vùng đất Vĩnh Phúc. Ở đây chúng tôi giới thiệu phần hai[1].        
 
I. Một câu hỏi lớn về những năm cuối đời của hoàng đế Mạc Kính Vũ 
 
Qua phần một chúng ta biết hoàng đề Mạc Kính Vũ là một người tài ba lỗi lạc cả quân sự, ngoại giao và chính trị; nói như người xưa, “văn võ kiêm toàn”. Thế nhưng, những năm cuối đời, sau khi thất thủ Cao Bằng, đi Long Châu, tiếp theo ông hoạt động như thế nào, ở đâu, không có sử sách nào ghi chép. Năm cuốn sử đều ghi, sau thất bại năm 1677, Mạc Kính Vũ đi Long Châu[2]:
 
+Tháng Tám mùa thu, bọn Đinh Văn Tả cả phá Nguyên Thanh (tức Mạc Kính Vũ) ở Cao Bằng. Nguyên Thanh chạy đi Long Châu (Trung Quốc), dư dảng đều tan vỡ. Bốn châu (Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang) do đó được lấy lại và yên (Lịch triều tạp kỷ).
 
+Đinh Tỵ, 1677, mùa xuân, sai Đinh Văn Tả đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng. Kính Vũ trốn sang đất nhà Thanh. Địa phương Cao Bằng hết thảy đều bình định được (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
 
+Đến tháng 8 năm Đinh Tỵ, (1677), Đinh Văn Tả lấy được thành Cao Bằng, Mạc Kính Vũ cùng họ hàng chạy sang Long Châu, bị quan nhà Thanh bắt giải sang trả cho An Nam (Việt Nam sử lược).
 
+Trịnh Căn sai Đinh Văn Tả tiến quân đánh Cao Bằng. Mạc Kính Vũ lại đem hơn 300 người đảng phái và họ hàng chạy sang Long Châu nữa (Việt sủ yếu).
 
+Tuần phủ Quảng Tây là Hắc Cốc dâng sớ tâu: “Đô thống sứ An Nam, Mạc Nguyên Thanh, cùng em là Mạc Kính Quang, bị Trịnh Tộ nước An Nam đánh đuổi, chạy vào nội địa (Trung Quốc)” (theo Thanh thực lục).
 
Tóm lại, sau 1677, vua Mạc Kính Vũ còn sống, sang Long Châu. Nhưng sau đó ông đi đâu? Đây còn là một khoảng trống, cần tìm hiểu.
 
Qua tài liệu Trung Quốc, Chu Xuân Giao phát hiện ra việc đột ngột biến mất của vua Mạc Kính Diệu vào năm 1661, như sau: “Mạc Kính Diệu cùng con là Mạc Nguyên Thanh, vào tháng 5 năm 1661, trên đường đến kinh đô nhà Thanh, đã ghé thăm Quảng Châu, gặp gỡ Thượng Khả Hỉ. Nhưng từ đó trở đi, sử liệu nhà Thanh không còn nhắc đến hành trạng của ông nữa. Từ cuối năm 1661, liên quan đến nhà Mạc ở Cao Bằng, chỉ còn thấy sử liệu nhà Thanh nhắc đến hành trạng của Mạc Nguyên Thanh mà thôi. Có thể đặt hai giả thiết về việc này.”[3] Hai giả thiết đó của tác giả là: 1. Vua Mạc đã mất tại Trung Quốc năm 1661; 2. Vua Mạc đã bí mật về Việt Nam.
 
Lần tìm bước đi và công tích của vua Mạc Kính Vũ thời cuối đời là một nhiệm vụ rất khó khăn. Chúng tôi ứng dụng phương pháp nghiên cứu tổng hợp liên ngành bao gồm cả khảo sát di tích vật thể và phi vật thể, văn hóa bác học và văn hóa dân gian, bi ký, gia phả và lời truyền khẩu,….Chúng tôi hướng sự tìm tòi về vùng đất Vĩnh Phúc, trọng tâm là nhũng nơi có mật độ cư trú cao hậu duệ của nhà Mạc và mật độ cao chùa chiền, lăng mộ họ Mạc. Dưới đây, sẽ trình bày những điểm chính sau một thời gian nghiên cứu trong khoảng gần một chục năm trở lại đây.
 
II.Vùng đất Vĩnh Phúc cũ là một căn cứ của nhà Mạc
 
1. Các lăng mộ
 
Có thể liệt kê các lăng mộ đã được phát hiện và được tôn tạo như sau.
 
1.1. Khu Mả Vàng ở thôn Chùa xã Tiên Lữ huyện Lập Thạch

Xin xem chi tiết trong báo cáo của Nguyễn Hữu Hạnh - hậu duệ chi họ Nguyễn gốc Mạc ở thôn Chùa. Khu Mả Vàng ở đây được suy đoán là nơi chôn cất hài cốt thủ lĩnh họ Nguyễn gốc Mạc và 35 tướng lĩnh cùng con cháu.       
                                                                                        
1.2. Ba ngôi mộ tổ ở thôn Diệm Xuân xã Việt Xuân huyện Vĩnh Tường
 
- Ngôi mộ “cây vú bò” phía sau chùa: Về ngôi mộ này, ông Nguyễn Văn Mong (tức Toàn) cho biết đại ý như sau. “Lúc bấy giờ, chi nào cũng có người bị què, đi xem thì biết mộ tổ cây vú bò bị lệch. Các cụ xin tổ khai mộ ra. Mẹ anh Lộc đây được phục vụ nước nôi. Tôi là trẻ con tò mò ngó vào thấy quan tài treo trên  xích sắt, cách mặt đất khoảng 2-3 gang tay, các thanh ngang dọc màu đen.Từ khi quan tài được sửa lại ngay ngắn, không bị lệch thì con cháu hết người lệch”.
 
- Ngôi mộ “cây chòi mòi”: Các cụ truyền lại đây là một trong ba mộ tổ;
 
- Ngôi mộ công chúa (xem chi tiết trong báo cáo của Nguyễn Quang Thiết – nhân chứng khi khai quật).
 
1.3. Ngôi mộ và đền thờ thứ hậu của thái tổ Mạc Đăng Dung
 
Đền thờ bà ở thôn Cây Phấn xã Xuân Lôi, thường gọi là Đền Bà Chúa Lối. Theo ông Nguyễn Thiệu Thăng, nhân dân lấy tên của Xuân Lôi (tên nôm là làng Lối) để đặt tên cho đền. Theo bản ghi lại văn bia tại mộ, bà là Nguyễn Thị Ngọc Lãng, sinh năm 1507, mất năm 1537, thọ 30 tuổi. Đương thời, bà được Thái tổ Mạc Đăng Dung phong làm Thái chiêu viên, và cấp cho 270 mẫu ruộng. Khi Bà qua đời, triều đình cử  ba vị đại thần về quê  trông coi việc tang lễ. Ngày nay Bà đã hiển thánh, được nhân dân tôn xưng là Thánh Mẫu, chính kỵ là ngày 4 tháng Tư âm lịch hàng năm.
 
1.4. Ngôi mộ đệ tam phi của vua Mạc Mậu Hợp ở huyện Mê Linh
 
Theo báo cáo của Hoàng Thế Hiền (đại diện chi họ Mạc ở thôn Yên Nhân xã Tiền Phong huyện Mê Linh thành phố Hà Nội, trước cũng thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc), thì ở đây còn giữ được ngôi mộ của một người phi của hoàng đế Mạc Mậu Hợp. Bà được xác định là người vợ thứ ba (đệ tam phi) với danh tính là Lương Thi Nha Nỹ, hiện là cụ tổ mẫu của dòng họ Hoàng Thế.
 
2. Các ngôi chùa mang dấu tích hậu duệ nhà Mạc
 
2.1.Xuân Sơn Tự (xem chi tiết trong các báo cáo của Nguyễn Quang Thiết, Chu Xuân Giao)

2.2. Chùa Tiên Lữ (xem chi tiết trong các báo cáo của Đinh Khắc Thuân - Phan Đăng Thuận, Nguyễn Hữu Hạnh, Chu Xuân Giao)

3.Các di tích khác trên đất Vĩnh Phúc
 
Chúng tôi tạm thống kế trong bảng dưới đây.
 

10 Bia Bảo Quang Hưng Trị 4 (1591) Xã Thượng Trưng, h. Vĩnh Tường, t. Vĩnh Phúc.
 
Bảng 1: Các di tích mang niên đại Mạc trên đất Vĩnh Phúc (bao gồm: chùa ,cầu, bia, đình chợ) qua tư liệu văn bia'
 
Xin trích lại một đoạn trong bài văn bia số 2, tức văn bia cầu Đạm Giang:
 
“Cầu bắt đầu khởi công từ tháng trọng đông năm Ất Hợi, đến tháng quý đông thì hoàn tất. Muôn cảnh đều mới, vẻ đẹp hiện ra. Nhờ đó mà ngựa xe qua lại, hàng hóa lưu thông. Thợ thuyền tinh thông tay nghề, nhà nông sống được bằng nghề của mình. Người chài lưới, qua đây đánh cá, người hái củi, qua nhờ cầu này mà kiếm sống được, kẻ chăn trâu có chỗ tạm nghỉ ngơi”.
 
4. Hậu duệ nhà Mạc trên đất Vĩnh Phúc
 
4.1.Gia phả họ Lê gốc Mạc
 
Trong gia phả này có câu: “Ngã tiên tổ tính Mạc hệ, xuất Sơn Nam trấn, Ứng Hòa phủ, Chương Đức huyện, An Nhân xã, tích bị binh biến, dân bất an cư, huynh đệ tự tương cáo ngữ, cải Mạc vi Lê (tạm dịch: Tổ tiên chúng tôi thuộc dòng họ Mạc, vốn từ trấn Sơn Nam, phủ Ứng Hòa, huyện Chương Đức, xã An Nhân, xưa bị binh biến , ở không yên ổn, anh em bảo nhau, đổi Mạc thành Lê).
 
4.2. Gia phả họ Ngô gốc Mạc
 
Gia phả họ Ngô gốc Mạc ở Hoa Phú, Bình Dương, Vĩnh Tường ghi cho biết như sau. Vua Mạc Mậu Hợp sinh 18 con trai đều bị tiêu diệt. Chỉ còn lại 3 con là: Thao, Phổ, Thanh. Con lớn là Thao theo cha vào tỉnh Cao Bình ở ẩn, rồi cha chết. Thao đổi tên thay họ là Vạn, con thứ 6 là Thanh trốn vào tỉnh Thanh Hóa thoát nạn rồi thay tên đổi họ. Con thứ ba là Phổ di cư đến phủ Tam Đái, xứ Sơn Tây (sau này là phủ Vĩnh Tường).
 
Con cháu chi cụ Phổ lại chuyển đến thôn Hương Phú xã Lương Điền tổng Lương Điền huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường xứ Sơn Tây, để ở ẩn. Họ đổi tên là Tự Tăng, cải họ là họ Ngô, có 3 chi. Dù cải Vạn hoặc cải Liễu, hoặc cải Ngô, vẫn từ cụ tổ họ Mạc, cụ Trạng mà ra vậy. Thoắt ba bốn năm đầu nhận vào làng. Tương truyền được 5 đời có người trong họ xưng là Ngô Trọng Lâm.
 
Ngô Trọng Lâm đỗ cử nhân thời Hậu Lê, có tài, nhưng ít được trọng dụng, dạy học, có tới 200 học trò. Sau thôn lập đền thờ.
 
 4.3. Các chi họ gốc Mạc  khác ở Vĩnh Phúc
 

Bảng 2 : Thống kê sơ bộ các chi họ gốc Mạc ở vùng đất Vĩnh Phúc
 
Qua bảng thống kê trên đây, có thể rút ra mấy nhận xét như sau.
 
(1). Các chi họ hiện nay cư trú tập trung ở huyện Vĩnh Tường, kế đến huyện Lập Thạch. Thứ tự cụ thể là: Vĩnh Tường (6 chi); Lập Thạch (5); Yên Lạc (3); Mê Linh (2).
 
Các chi đều cư trú dọc sông Lô và sông Hồng (trừ chi họ Chữ). Đặc biệt gần sát sông và gần ngã ba Bạch Hạc là chi họ Nguyễn ở Diệm Xuân - nơi có 3 ngôi mộ tổ, tương truyền có mộ vua Mạc Kính Vũ.
 
Đặc biệt, đáng lưu ý là: từ Việt Xuân nếu nối một đường đến Tiên Lữ thì chúng ta thấy các nơi có hậu duệ họ Mạc, cùng là con cháu của hoàng tử Nguyễn Hữu Pháp (Mạc Hữu Pháp), làm thành 5 điểm nằm trên một đường thẳng (Việt Xuân, Sơn Đông, Văn Quán, Tiên Lữ, Xuân Lôi) mà mỗi điểm cách nhau trung bình 3 km. Phải chăng đó là một đường dây liên lạc thuận lợi từ Việt Xuân đến Tiên Lữ, Xuân Lôi khi có biến động.
 
Cũng tương tự như vậy, các hậu duệ của cụ Mạc Công Sinh (họ Lê gốc Mạc) không dồn vào một nơi mà phân ra 3 điểm (Yên Đồng, Vũ Di, Tam Hồng). Nếu  lấy cơ sở của cụ cả là Mạc Tuấn Tú làm trung tâm (Yên Đồng), thì mỗi nơi cách nhau khoảng 3km.
 
(2). Hoàng đế Mạc Mậu Hợp có dấu ấn đậm ở Vĩnh Phúc. Một số chi họ được xem là di duệ trực tiếp của hoàng đế Mạc Mậu Hợp. Ở Mê Linh (vốn thuộc Vĩnh Phúc) lại có mộ của thứ phi đệ tam của vua Mạc Mậu Hợp. Liệu lăng mộ của hoàng đế Mạc Mậu Hợp có ở Vĩnh Phúc không ? Về vấn đề này, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu.
 
III.Niềm tin của hậu duệ nhà Mạc, sợi dây xuyên dòng lịch sử
 
1.Lời dặn truyền đời của cha ông
 
1.1.Chúng tôi về Xóm Chùa xã Tiên Lữ có chi họ Nguyễn gốc Mạc. Các cụ cao tuổi trong chi họ tin rằng mình là con cháu Mạc Kính Vũ, nhưng không biết Mạc Kính Vũ là ai, làm gì. Một số  người biết cụ tổ ở Cao Bằng về.
 
1.2. Khi được phỏng vấn, cụ Nguyễn Văn Thập (73 tuổi) cho biết đại như sau. “Ông cha  mình gốc Mạc ở Cổ Trai, sau thất thế cụ Mạc Kính Vũ  theo dòng sông về ở đây, làm nghề đánh cá. Gia phả mới mất hơn 10 năm nay. Năm 1983, còn một nồi ba mươi vàng, ấn, y môn thêu vàng. Đời tôi đã thấy ở nhà trưởng, bắt đầu giao thừa là treo y môn, sau cất.  Y môn có thể bằng vàng, kim loại, rồng tranh chầu, hai con rồng nổi, to như cái vại, sắc phong hai cái, một cái dài bằng chiếc chiếu, môt cái ngắn hơn. Bát đĩa cổ rất nhiều, đủ 50 mâm, đũa mun nhiều, một vại, màu đen như sừng, đầu bọc ngà, màu trắng, bây giờ không còn gì. Bà anh Hạnh nói về đến đây còn một nồi 30 vàng
 
Cụ Mạc Kính Vũ có lên đồi Bãi Hội luyện binh nhưng sau không thành. Chắc là chết bên chùa Trống, chỉ biết là chôn sau chùa. Ba mộ tổ, một tổ cành Diệm Xuân ở cây chòi mòi. Cây vú bò là mộ tổ chính, táng treo. Mộ tổ cành là táng treo. Không rõ tên. Tổ chính là cụ Mạc Kính Vũ.
 
Cụ ông cụ bà trước truyền lại. Chú ba tên là Nguyễn Quang Thúy. Ông Thúy nói cụ tổ ở Cổ Trai, Hải Dương, sau lên Cao Bằng, thua về Bạch Hạc. Hiện chú Năm hiện còn đi chơi ở Đắc Lắc.
 
Các cụ truyền lại câu “Không làm vua thì làm chùa, khỏi  đóng góp”. Họ này trông coi rất nhiều chùa: chùa xã Hoàng Trung, ông cụ Nguyễn Văn Cày trông coi; chùa Kim Bảng thì cụ Nguyễn Văn Bờ ; chùa Lai Châu ở Văn Quán thì cụ Nguyễn Văn Quých ; chùa Diệm Xuân thì cũng do họ Nguyễn gốc Mạc trông coi ; Chùa Sơn Đông cũng vậy ».
 
1.3. Phỏng vấn  cụ Nguyễn Quang Thiều ở thôn Sa Sơn xã Văn Quán huyện Lập Thạch. Cụ Thiều sinh năm 1935, gốc Mạc. Cụ cho biết : « Tôi thuộc chi thứ 2 của  Cụ tổ là cụ Mạc Kính Vũ, nghe nói là táng treo …. Ông nội kể mộ tổ ở Diệm Xuân. Mộ tổ gần hơn là cụ Nguyễn Hữu Pháp an táng tại Mả Vàng ».
 
1.4.Phỏng vấn cụ Đặng Văn Thinh (93 tuổi) vốn là du kích xã. Cụ cho biết : « Năm đó, chúng tôi là du kích, gồm 3 người mang súng đi tuần, giao thừa đi qua chùa, biết có người, nhẹ nhàng vào, thấy các cụ đang treo y môn vàng, trải ra hai đạo sắc, một đạo bằng chiếc chiếu, một đạo nhỏ hơn; còn có ấn nữa ».
 
1.5.Ngoài các cụ trên, chúng tôi làm bảng hỏi bằng giấy, các vị sau đây, đã trả lời như trên: Nguyễn Khánh Ka, Nguyễn Khánh Thịnh, Nguyễn Khắc Thông, Nguyễn Thiệu Vượng,Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Hồng Định, Nguyễn Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Quang, Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Văn Hiển, Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Đức Trà, Nguyễn Văn Minh.
 
2.Nhận định ban đầu về những năm cuối cùng của hoàng đế Mạc Kính Vũ
 
Ở đoạn trên một số  nhà khoa học đã nêu vấn đề: sau khi thất thủ Cao Bằng (1677), các tài liệu lịch sử đều viết Mạc Kính Vũ còn sống, đi Long Châu, sau đó không biết đi đâu (Thái Kế Toại). Hoặc là sớm hơn thế, năm 1661, ở Trung Quốc, sau cuộc gặp gỡ Thượng Khả Hỷ, ông đột ngột không xuất hiện (Chu Xuân Giao).
 
Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã về Vĩnh Phúc. Kết quả điều tra cho thấy:
 
+Về vị trí địa lý, đây là vùng trung chuyển giữa miền núi và miền xuôi, có đường giao thông thuận lợi là mấy con sông lớn mà nơi gặp gỡ là ngã ba Bạch Hạc.
 
+Từ thế kỷ XVI, khi nhà Mạc còn định đô ở Thăng Long, Vĩnh Phúc đã là hậu phương, khu căn cứ, mà di tích còn lại là khá nhiều bia tượng, đền chùa, lăng miếu của hoàng thân. Đến thời kỳ Cao Bằng, các di tích trên được tăng cường, cho đến nay chúng ta thấy chùa đền (3 ngôi), mộ tổ (ở 4 xã: Diệm Xuân, Tiên Lữ, Xuân Lôi, Tiền Phong), bia cổ 15 chiếc,…Hiện đã ghi được 15 chi họ gốc Mạc, cư trú tập trung ở Vĩnh Tường và Lập Thạch.
 
+Hậu duệ của nhà Mạc ở Tiên Lữ (nơi có khu Mả Vàng, mai táng cụ tổ Nguyễn Mạc Hữu Pháp) tương truyền để lại nhiều di sản quý (vàng, sắc phong, ấn tín), của một dòng họ hoàng thân quốc thích; ngôi mộ công chúa trong quan ngoài quách cũng có thể coi là di sản của một vương tộc.
 
+Lời truyền lại của của tổ tiên họ Mạc, ngày nay đã trở thành niềm tin của các thế hệ “chúng tôi là con cháu Mạc Kính Vũ”.

Xét bốn điểm trên đây trong một tổng thể, để có một lời giải đáp ban đầu, chúng tôi đồng ý với các nhà khoa học với các lập luận sau đây:
 
+  “Còn vua Mạc Kính Vũ thì rút khỏi thành Phục Hòa và rút khỏi Cao Bằng, theo sông Lô, về vùng Bạch Hạc, ngã ba sông và mai danh ẩn tích, chờ thời tại vùng này”[4]
 
+“Vì vậy, có thể suy đoán rằng, phải chăng Mạc Kính Diệu/Vũ có kế hoạch riêng nào đó, đã bí mật trở về Việt Nam khi đã biết chính thức được nhà Thanh sẽ phong cho mình làm Qui hóa tướng quân, toàn bộ công việc thì giao cho con là Mạc Nguyên Thanh cũng sẽ được nhà Thanh chính thức phong làm An Nam đô thống sứ. Phải chăng Mạc Kính Diệu vẫn duy trì phương thức chính trị của triều Mạc trước đây: vua hiện tại rút về làm thái thượng hoàng, còn người kế nghiệp thì lên ngôi. Nếu giả thiết này đúng, thì có thể lí giải được những truyền ngôn của con cháu nhà Mạc bấy lâu nay về việc một vua Mạc nào đó đã từ Cao Bằng bí mật trở về vùng đồng bằng vào khoảng đầu thập niên 1660.”[5] 
 
 +“Như vậy là cũng như Mạc Kính Diệu vào năm 1661, đến lượt Mạc Nguyên Thanh vào năm 1680, các vua Mạc đều để lại những bí mật xung quanh cái chết của mình. Không rõ hai vị đã mất trong hoàn cảnh cụ thể như thế nào, ở đâu, mộ phần ra sao. Rất tiếc là người cháu Mạc Kính Thự cũng không thể tiết lộ về những bí mật đó.
 
Trong truyền ngôn của một số con cháu Mạc tộc Việt Nam thì, Mạc Nguyên Thanh (tức Mạc Kính Vũ) vào một năm nào đó không rõ đã rút khỏi Cao Bằng bằng đường thủy, theo sông Lô về vùng Bạch Hạc ngã ba sông, rồi mai danh ẩn tích chờ thời tại vùng này. Ông đóng giả làm sư, vào tu ở chùa Xuân Sơn (tên nôm là chùa Trống) hiện thuộc vào thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc. Tương truyền sau khi mất, ông được mai táng ở khu vực vườn sau chùa, nay vẫn còn [Nguyễn Minh Đức 2007: 581-583; Hoàng Lê - Nguyễn Minh Đức 2010: 375-379; Nguyễn Thị Hải 2010: 106].”[6]
 
Tập hợp nhiều ý kiến thuộc nhiều góc độ, với phương pháp nghiên cứu tổng hợp liên ngành, chúng tôi có thể đề xuất giải đáp ban đầu rằng: sau khi đột ngột không xuất hiện, hoàng đế Mạc Kính Vũ đã bí mật về Vĩnh Phúc để mưu tiếp tục sự nghiệp và viên tịch tại đây. Mong các vị tiếp tục sưu tầm nghiên cứu.
 
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
 
Có thể đi đến ba điểm kết luận sau.

(1). Nhà Mạc trải qua ba thời kỳ lịch sử của mình. Dù đóng đô ở Thăng Long -Đông Đô, ở Cao Bằng, hay hậu Cao Bằng, thì nhà Mạc vẫn kiên trì chiến đấu thực hiện mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội tương đối tiến bộ so với xã hội phong kiến đương thời.

(2). Sau khi thất thủ Thăng Long, hậu duệ nhà Mạc đã ẩn cư, nương nhờ các địa phương Vĩnh Phúc ngày nay, đã được nhân dân bảo vệ, giúp đỡ; và mặt khác họ Mạc đã tích cực đóng góp xây dựng quê hương.

(3).Đến thời kỳ hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, con cháu họ Mạc đã phát huy truyền thống, tích cực góp phần phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc giàu mạnh.
 
Từ đó, chúng tôi đề xuất ba kiến nghị chính sau.
 
(1).Sau hội thảo, Hội đồng Mạc tộc cần phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục sưu tầm nghiên cứu về họ Mạc và nhà Mạc trên vùng đất Vĩnh Phúc.
 
(2).Phối hợp trùng tu xây dựng khu di tích Xuân Sơn Tự, liên kết với khu Tiên Lữ. thành một điểm văn hóa du lịch-tín ngưỡng gồm đình, chùa, đền, lăng tẩm,.. của tỉnh.
 
(3). Các chi họ Mạc cần chắp nối nhận họ và “phục hồi” tên họ./.
__________________________

[1] Bản thảo gốc của bài này đã nhận được sự đóng góp ý kiến của Phan Đăng Thuận, Mạc Văn Trang, Chu Xuân Giao. Người trực tiếp chỉnh sửa văn bản giúp lần cuối cùng là Chu Xuân Giao. Nhân đây, xin chân thành gửi lời cảm ơn các vị.

[2] Theo Thái Kế Toại: Một giả thiết về Mạc Kính Vũ…Báo cáo tại hội thảo khoa học “Nhà Mạc và hậu duệ ở Vĩnh Phúc”.

[3] Chu Xuân Giao: Ba vì vua cuối cùng…Tài liệu đã dẫn, tr.38.

[4] Hoàng Lê - Nguyễn Minh Đức: Việc mai danh ẩn tích…., trong sách Kỷ yếu hội thảo khoa học vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam, Hà Nội 9-2010, tr. 378.

[5] Chu Xuân Giao: Ba vì vua Mạc cuối cùng…Tài liệu đã dẫn, tr. 38.


[6] Chu Xuân Giao: Ba vị vua Mạc cuối cùng….Tài liệu đã dẫn, tr.79.
 
GS.TSKH. Phan Đăng Nhật 

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kham-pha-ve-hoang-de-mac-kinh-vu-va-vung-dat-vinh-phuc-a14690.html