Ai chỉ huy đột kích đại phá 20 vạn quân Thanh?

Cách nay 225 năm, vào mùa Xuân năm 1789, dưới sự l•nh đạo tài tình của Hoàng đế Quang Trung, quân đội Tây Sơn cùng với nhân dân ta đã làm nên một chiến thắng lẫy lừng, đánh tan 20 vạn quân xâm lược nhà Thành (Trung Quốc), giải phóng Thăng Long, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Góp phần vào chiến công vang dội đó, có đội Tượng binh oai hùng dưới sự chỉ huy của một vị nữ tướng tài ba, quả cảm Đô đốc Bùi Thị Xuân.

Bùi Thị Xuân là con ông Bùi Đắc Kế, cháu Bùi Đắc Tuyên (sau này là Thái úy dưới triều Tây Sơn), người ấp Tây Sơn Hạ, huyện Tuy Viễn, nay là thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Bùi Thị Xuân nổi tiếng xinh đẹp, thông minh ham mê luyện tập võ nghệ nên chẳng bao lâu, bà trở thành người giỏi võ, côn quyền tinh luyện, đặc biệt là tài dùng song kiếm và đoản đao. Cho đến nay, người dân Tây Sơn vẫn còn truyền nhau với đầy vẻ thán phục về sức khỏe đánh cọp dữ của Bùi Thị Xuân. Kể rằng, bữa ấy, như thường lệ, Xuân vào rừng săn bắn. Nhân mải theo dấu con thú trong rừng sâu, tình cờ bà gặp một tráng sĩ khôi ngô, tuấn tú đang quần nhau với một con cọp dữ bằng tay không. Tráng sĩ bị cọp  vồ  nhiều lần, quần áo tả tơi thấm máu đỏ, mình đầy thương tích. 
 
 
Tượng binh trong một cuộc chiến (Ảnh minh họa. Nguồn: baotanglichsu.vn)

Ngược lại, con cọp còn sung sức, tráng sĩ xem chừng đã mệt có thể lâm nguy. Thấy vậy, Xuân thét lên một tiếng rồi nhanh như cắt rút đoản đao xông vào. Thú dữ đang hăng máu sợ bị cướp mất mồi, liền xoay mình tránh lưỡi đao sắc đang lao tới, rồi vọt ra ngoài đập đuôi xuống đất lao tới vồ Xuân. Bà bình tĩnh né tránh để tìm thế kết liễu đời cọp dữ. Bao lần vồ  trượt, cọp dữ gầm lên, mắt nẩy lửa lao vào hết đợt này đến đợt khác muốn xé nát bà. Bà và cọp quần nhau một hồi lâu, khu bãi trống giữa rừng bị chân người, chân cọp xéo nát. Bà đang sung sức, con cọp bắt đầu thấm mệt, động tác tát đã yếu dần. Nhằm lúc cọp dữ sơ hở, Xuân vung dao lia một nhát vào vai, cọp bị thương gầm lên dữ dội rồi nhảy vào rừng thoát thân để lại một vết máu chạy dài trên cỏ. Xuân không rượt theo cọp, bình tĩnh tra cán  đao vào vỏ rồi ân cần tới băng bó vết thương cho tráng sĩ và dẫn chàng về nhà chăm sóc. ít ngày sau, vết thương đỡ dần, sức khỏe hồi phục, tráng sĩ cảm tạ ơn cứu mạng của cô gái, ra đi. Tráng sĩ được Xuân cứu khỏi bị cọp ăn thịt ấy chính là Trần Quang Diệu, sau đó ít lâu trở thành chồng của Bùi Thị Xuân.
 
Biết tin ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ phất cờ khởi nghĩa chống quan quân chúa Nguyễn, hai vợ chồng Bùi Thị Xuân ứng nghĩa, đưa tất cả thủ hạ  của mình xuống núi tình nguyện gia nhập nghĩa quân chiến đấu vì đại nghĩa. Biết tài nghệ của Bùi Thị Xuân, Nguyễn Huệ giao cho bà luyện quân và chỉ huy đoàn voi chiến.
 
Ngày ấy, trong  nghĩa quân Tây Sơn có nhiều người Chăm, Bana, Hre, Xedăng,.. Để làm tốt trọng trách của mình, bà chuyên tâm học tiếng dân tộc, học thuật luyện voi của các quản tượng người Chăm, người Thượng. Với trí thông minh và lòng dũng cảm, bà tìm ra cách luyện voi nhanh chóng, hướng dẫn nghĩa quân cùng bà thuần hóa được nhiều con voi dữ mà người Thượng đưa từ miền núi Tây Nguyên về để thành lập đội tượng binh.
 
Hàng ngày, khi mặt trời ửng hồng phía cửa Giã thì đoàn voi cùng quản tượng đã đứng đợi trên gò. Chưa tới giờ luyện tập, những chú Tượng binh, chú gầm, chú thét, chú lấy vòi quật vào lưng nhau thình thịch, chú đọ ngà khua lắc lắc, chú lồng lên đùa giỡn. Có một chú chỉ còn 1 ngà to khỏe nhất được bà Xuân mặc áo chẽn lưng đeo song kiếm, tay cầm cờ lệnh đỏ cưỡi ra bãi tập. Dứt một hồi tù và rúc lên, bà lên bành voi chỉ huy, thì cả đoàn voi thôi đùa giỡn đi về vị trí qui định, đứng xếp hàng quay đầu về phía chủ tướng lặng im chờ lệnh. Bà dùng cờ lệnh, trống, chiêng, tù và để chỉ huy đoàn voi luyện tập. Theo bóng cờ phất trên bành voi chỉ huy, đoàn voi được các quản tượng điều khiển tỏa ra làm hai, làm bốn, làm tám tốp. Cũng theo bóng cờ, chúng chạy tới, bước lùi, rẽ phải, ngoặt trái, khi quì xuống lặng lẽ im lìm, khi chồm dậy xốc tới gầm thét rung động cả vùng trời Tây Sơn. Trên bãi tập, đàn voi chiến khi tan ra như trăm ngọn sóng thần đuổi nhau lao vào đồn địch, khi tụ lại đứng xếp hàng thành khối vững chắc sừng sững như bức thành không sức mạnh nào lay chuyển nổi. Nghe nhịp trống, đàn voi nhất tề xông lên tấn công xéo nát những hình nộm bện bằng rơm, tay cầm giáo giả làm quân địch. Nghe tiếng chiêng, đàn voi nhanh chóng thu về đứng yên, mắt nhìn, tai nghe chờ lệnh mới. Bùi Thị Xuân đã bố trí như trận địa thật, Bà cho nghĩa binh đốt pháo lớn, nổi trống mõ, thúc thanh la não bạt, reo hò, la hét để đàn voi làm quen với chiến trận, mắt quen dõi bóng quân kỳ, tai quen nghe tiếng pháo lệnh. Sau buổi tập, bà cùng nghĩa binh chăm sóc từng chú tượng binh, tắm rửa, cho ăn cỏ, xoa bóp chỗ đau, vỗ về và cảm hóa chúng. Bà và quân sĩ đã luyện tập thành thạo đoàn voi chiến, xây dựng đội tượng binh hùng mạnh cho Tây Sơn.
 
Đầu năm 1789, nhà Thanh sau khi lật đổ nhà Minh lên trị vì Trung Quốc (năm 1616), đã xua 20 vạn quân viễn chinh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy sang xâm lược Việt Nam. Chúng chiếm kinh thành Thăng Long và một phần Bắc Hà. Trong lúc quân Thanh đang tự đắc, tự mãn với những thắng lợi bước đầu và mải mê chuẩn bị ăn Tết thì quân đội Tây Sơn đã chuẩn bị để tấn công tiêu diệt chúng. Tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ lập đàn tế trời đất, thần sông, thần núi tại núi Bân Sơn, lên ngôi Hoàng đế, đặt hiệu Quang Trung, thống lĩnh đại quân ra Bắc. Mấy ngày sau, hàng vạn quân tướng đã tập trung ở Nghệ An, với đủ loại binh chủng (thuyền chiến, voi chiến, bộ binh) mà loại nào cũng thông thạo. Đội tượng binh với hàng trăm con voi trận dưới sự chỉ huy của Đô đốc Bùi Thị Xuân cũng có mặt sẵn sàng chờ lệnh.
 
Ngày 15/1/1789, quân Tây Sơn tập kết ở Tam Điệp (thuộc Ninh Bình nay). Trước ba quân, Quang Trung tuyên bố đanh thép thề sẽ đánh tan quân giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập dân tộc:
 
… “Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng.
Đánh cho nó chích luân bất phản,
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
 
Từ đây, quân Tây Sơn chia làm 5 đạo, theo 5 hướng bí mật tiến về Thăng Long. Quang Trung trực tiếp chỉ huy đội quân chủ lực, trong đó có Đội Tượng binh của Đô đốc Bùi Thị Xuân. Đêm 25/1, tức 30 Tết, đạo quân chủ lực vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy), tiêu diệt đồn tiền tiêu trên hệ thống phòng ngự của địch, mở đầu cuộc tiến công quân Thanh. Đêm 28, tức đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn bí mật vây chặt đồn Hà Hồi (thuộc Thường Tín, Hà Tây cũ), cách Thăng Long khoảng 20 km, uy hiếp buộc địch đầu hàng.
 
 
Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
 
Mờ sáng ngày 30/1, tức ngày mồng 5 Tết, quân Tây Sơn bước vào trận quyết chiến chiến lược với giặc ở đồn Ngọc Hồi. Đây là một đồn lũy kiên cố giữ vị trí then chốt trong hệ thống phòng ngự của địch, bảo vệ trực tiếp cửa ngõ phía Nam Thăng Long. Đồn Ngọc Hồi cách Thăng Long khoảng 14km, án ngữ con đường thiên lý trong Nam ra. Quanh đồn có chiến lũy bảo vệ. Phía ngoài lũy có bãi chướng ngại vật dày đặc, gồm chông sắt, cạm bẫy, địa lôi.
 
Lực lượng giặc Thanh ở đây có khoảng 3 vạn tên tinh nhuệ, đặt dưới quyền chỉ huy của Đề đốc Hứa Thế Hanh là Phó tướng của Tôn Sĩ Nghị và là tướng chỉ huy toàn bộ hệ thống phòng ngự phía Nam Thăng Long. Sau khi đồn Hà Hồi thất thủ, Tôn Sĩ Nghị cho tăng thêm quân cho đồn Ngọc Hồi. Quang Trung trực tiếp chỉ huy trận công đồn ác liệt này. Mở đầu trận đánh, đội Tượng binh gồm hơn 100 thớt voi chiến được huấn luyện kỹ càng dưới sự chỉ huy của Đô đốc Bùi Thị Xuân, làm lực lượng đột kích xông thẳng vào đồn địch. Đội kỵ binh thiện chiến của quân Thanh ra nghênh chiến. Song, trước những Tượng binh to kềnh càng, gầm thét, hùng dũng nhất loạt xông lên của Tây Sơn, những chú ngựa phương Bắc vô cùng hoảng sợ, không dám xông lên, quay đầu tháo lui, mặc cho lính kỵ binh Mãn Thanh gắng sức điều khiển chúng cũng không tuân lệnh. Quân giặc dựa vào chiến lũy kiên cố của đồn Ngọc Hồi, điên cuồng chống trả. Chúng từ trên chiến lũy bắn đại bác và cung tên ra rất dữ dội để cản đường quân ta. Một đội xung kích đã chuẩn bị trước, gồm những chiến sĩ cảm tử, dùng những lá chắn lớn (ván gỗ quấn rơm ướt) che mình xông thẳng lên chiến lũy địch. Quân ta đột nhập vào chiến lũy, đánh giáp lá cà với giặc. Đại quân Tây Sơn ào ạt như nước triều dâng, xông lên vào trận địa giặc làm cho chúng không tài nào cản nổi. Trước sức công phá như vũ bão và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân ta, đồn Ngọc Hồi bị san phẳng, Hứa Thế Hanh chết tại trận, phần lớn quân giặc bị tiêu diệt tại trận, số sống sót sau cơn bão lửa khủng khiếp đã bỏ chạy về Thăng Long. Đội Tượng binh của Bùi Thị Xuân cùng các lực lượng khác dũng mãnh truy sát, chặn đánh, buộc chúng phải dồn lại  ở khu vực đầm Mực (thuộc Thanh Trì) rộng lớn và lầy lội. Hàng vạn tên giặc đã bị đàn Tượng binh giày xéo, hoặc vùi xác dưới cánh đầm lầy này.
 
Ngọc Hồi cứ điểm then chốt nhất bị phá vỡ, đã mở toang cửa ngõ phía Nam cho đại quân Tây Sơn tiến vào giải phóng thành Thăng Long. Cũng vào mờ sáng 30/1, một cánh quân khác của Tây Sơn do Đô đốc Long chỉ huy  bất ngờ bao vậy tiêu  diệt đồn Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) ở phía Tây Nam thành Thăng Long. Trước tình hình ấy, tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải tự tử, Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ cả ấn tín chạy tháo thân về nước. Trưa ngày 30 tháng 1, Quang Trung dẫn đầu Đội Tượng binh tiến vào giải phóng hoàn toàn Thăng Long giữa tiếng reo vui, chào đón của nhân dân.
 
Cho đến nay, một câu hỏi vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, rằng làm thế nào mà chỉ trong một thời gian ngắn, Đội Tượng binh của Bùi Thị Xuân với những chú voi chiến khổng lồ, có thể có đến hai ba trăm con, đã vượt qua nhiều sông, mà sông Mã  ở Thanh Hoá là con sông khá lớn, để hội quân nhanh đến như vậy ở Tam Điệp. Đây chính là một trong những minh chứng cho tài chỉ huy của Quang Trung, rất cần được khám phá, làm rõ.
 
 
Tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân và tượng Thái phó Trần Quang Diệu trong điện thờ Tây Sơn Tam kiệt tại bảo tàng Quang Trung, Bình Định
 
Sau khi Quang Trung nửa đường đứt gánh, con là Quang Toản lên thay (vua Cảnh Thịnh), tình hình đất nước rối ren, tướng lĩnh bất đồng trước sự lộng hành, thao túng với nhiều sai lầm của chính người chú ruột là Thái sư Bùi Đắc Tuyên, quân của Nguyễn Ánh được sự giúp sức của ngoại bang từng bước lấn lướt nhà Tây Sơn, Bùi Thị Xuân cùng chồng là Đô đốc Trần Quang Diệu và một số tướng tâm phúc của Quang Trung ra sức bảo vệ thành quả của nghĩa quân Tây Sơn, tỏ rõ tài năng, khí phách con nhà võ đến hơi thở cuối cùng. Tháng 6 năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Ánh đánh chiếm Nghệ An, hai vợ chồng Bùi Thị Xuân bị bắt. Nguyễn  Ánh trực tiếp chỉ huy cuộc tàn sát tướng lĩnh nhà Tây Sơn, giết Thiếu phó Trần Quang Diệu. Biết Bùi Thị Xuân là người huấn luyện và chỉ huy Đội Tượng binh, Nguyễn Ánh đã đê hèn dùng voi để  giết hại bà. Nguyễn Ánh truyền đem mấy con bà hành quyết trước mặt bà. Ánh sai đao phủ bỏ các cháu nhỏ vào bao đánh nát thây, người con gái lớn thì cho voi xé xác. Khi voi bước tới, cô gái hoảng hốt kêu lên:

- Mẹ ơi! Cứu con với!
 
Bà nén đau thương thét lên:

- Con nhà tướng không bao giờ được khiếp nhược.
 
Vâng lời mẹ, cô điềm tĩnh nhìn thẳng vào kẻ thù nhận lấy cái chết không một tiếng kêu rên. Đến lượt bà, Ánh sai quân lính trói bà để nằm trên cỏ. Ba hồi trống dứt, một con voi lớn hung hăng chạy tới giơ chân toan chà xéo. Bà trợn mắt hét lên một tiếng như sấm vang. Con voi thất kinh co chân lùi bước. Bị quản tượng nện búa vào đầu thúc ép nhưng con voi vùng vằng nhất quyết không chịu tiến, rồi tháo lui dầu búa liên hồi nện vào đầu nó. Dân chúng kinh thành xì xào nguyền rủa hình phạt trả thù hèn hạ, tàn ác của Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh ra lệnh dùng “điểm thiên đăng” vô cùng tàn khốc đối với bà. Bọn đao phủ lấy vải nhúng vào nồi sáp đun nóng chảy cuốn quanh mình bà rồi trói chặt vào cột dựng giữa pháp trường, châm lửa đốt. Bùi Thị Xuân không hề kêu rên, vẫn ngẩng cao đầu, sắc mặt điềm nhiên nhìn dân chúng thành Phú Xuân lần cuối. Lửa cháy ngần ngật giữa pháp trường. Nguyễn Ánh đắc chí, còn những người chứng kiến cảnh tượng đó vô cùng đau xót, rơi lệ.
 
Theo người dân truyền lại, khi ngọc thể bà cháy lụi dần, bỗng nhiên một tiếng nổ vang trời từ trong đống lửa bung ra, tro bụi bốc lên cao, một làn thanh quang từ trong đám tro bụi vút lên không như một lưỡi kiếm khổng lồ mang linh hồn nữ kiệt tỏa xanh cùng da trời và sắc nước Hương Giang. 
 
Phạm Quang Minh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ai-chi-huy-dot-kich-dai-pha-20-van-quan-thanh-a14661.html