Giấy dó người Mông - phương thức gắn kết tâm linh

Giấy dó được đồng bào dân tộc Mông sử dụng trong các dịp đặc biệt như ma chay, ngày Tết, cúng tổ tiên, các nghi thức lễ tế… bởi bà con quan niệm đây không phải là loại giấy thông thường mà là phương thức để gắn kết giữa người sống và người đã khuất, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn.

 
Mang khuôn giấy đi phơi nắng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Tuy là thứ rất cần thiết trong đời sống tâm linh, nhưng nghề làm giấy dó của người Mông ở Điện Biên đang dần mai một. 

Vì vậy việc bảo tồn nghề truyền thống này là rất cần thiết để giữ lại nét đặc sắc mang đậm giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
 
Giấy dó của người Mông được làm từ nhiều loại cây rừng. Để làm giấy dó, người Mông ở Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) thường dùng loại cây rừng thân gỗ, có lớp vỏ xanh. 
 
Cây khi chặt từ rừng về được người thợ cẩn thận lột lớp vỏ, sau đó dùng dao tước đi lớp vỏ sần sùi bên ngoài vỏ, vo tròn vỏ rồi đem ninh kỹ trong nước cùng tro bếp. 
 
 
Vỏ cây được đập nát sau khi ngâm với nước để làm giấy. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Sau khi vỏ của cây mềm thì vớt ra, đem ngâm trong nước vài ngày, lấy ra đập nhừ, rồi dùng hỗn hợp thả vào thùng nước, khuấy lên tạo ra một hỗn hợp bột.
 
Tiếp theo, người thợ đưa hỗn hợp đó sàng lọc qua tấm vải bỏ cặn bẩn, làm lắng lại những bột nhỏ. 
 
Để làm thành giấy, phải đóng sẵn khuôn giấy, tùy vào nhu cầu sử dụng để có thể làm khuôn to hay nhỏ, nhưng thường sử dụng khuôn chữ nhật, mặt khuôn được căng bằng vải màn mỏng, kẹp bằng 4 thanh gỗ chắc chắn. 
 
Khi làm giấy, người thợ đổ nước vào bột giấy, rồi rải từ từ lên mặt khuôn giấy, cán phẳng đều, sau đó nhấc khuôn lên, nước chảy xuống qua lớp vải đọng lại bột giấy bám vào mặt khuôn. 
 
Lúc này, đem khuôn giấy ra phơi, đợi đến lúc khô sẽ thành tấm giấy lớn, lúc này người thợ khéo léo lấy giấy ra khỏi khuôn.
 
Vào ngày Tết, đồng bào Mông dùng giấy dó để dán bàn thờ, trang trí xung quanh nhà cửa. Nhà nào có người làm thầy cúng hay thầy thuốc thì lập bàn thờ riêng, nên giấy dó cũng dùng để trang trí những bàn thờ này. 
 
Ngoài ra, giấy dó được cắt thành những miếng nhỏ để làm tiền âm phủ khi thực hiện nghi thức cúng tế. 
 
 
Công đoạn lấy giấy ra khỏi khuôn. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Đặc biệt, khi vào nhà người Mông, nhìn lên bàn thờ sẽ thấy những mảnh giấy dó được cắt thành những hình thù khác nhau để trang trí, mảnh giấy nhỏ dán thêm mấy túm lông gà được treo lên tường gọi là “Xử Ca.”
 
Bà Giàng Thị Dung, sống ở bản Nà Sa, xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) năm nay 80 tuổi, dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn thường xuyên lên rừng kiếm cây rừng làm giấy dó. 
 
Làm nghề này từ khi mới 15 tuổi, bà cho biết, cây để làm giấy dó không phải ai cũng tìm được, phải đi vào rừng sâu mới có. Theo bà, để làm xong một tấm giấy dó phải mất khoảng 3 đến 4 ngày. 
 
Việc làm giấy dó mặc dù vất vả và mất thời gian, nhưng vẫn phải làm để dùng vào các dịp lễ, Tết, cưới hỏi, ma chay. 
 
Bà thường làm giúp con cái, người thân, bà còn hàng xóm và rất muốn truyền dạy cho con cháu để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại. 
 
Tuy nhiên, nhiều con trẻ không muốn học bởi làm nghề này mất nhiều công, mà giá trị kinh tế lại không có.
 
Bản Nà Sa, xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) trước đây có nghề truyền thống làm giấy dó, nhà nào cũng biết làm. 
 
Ngày nay, cả bản chỉ còn vài người duy trì nghề làm giấy này. Chị Mùa Thị Mày, Bí thư Chi bộ bản Nà Sa, xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) cho hay, giấy dó đối với người Mông có giá trị tâm linh đặc biệt và thường được dùng nhiều trong các nghi lễ thờ cúng. 
 
 
Giấy dó sau khi làm xong được gấp lại bảo quản. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Hiện việc làm giấy dó ở bản ít dần, bởi nhiều gia đình đã thay giấy dó bằng giấy mua ở chợ. Cả bản hiện chỉ còn 5 người duy trì nghề làm giấy dó.
 
Ông Lê Đình Hải, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng tỉnh Điện Biên cho biết, có từ lâu đời nhưng hiện nghề làm giấy dó của đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên đang dần mai một, nhiều nghệ nhân đã già yếu, người trẻ không còn hào hứng với nghề này, bởi để làm ra một tấm giấy phải mất nhiều thời gian và công sức.
 
Do những giá trị văn hóa của giấy dó gắn liền với đời sống tâm linh của người Mông nên cần bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống này. 
 
Các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần có sự quan tâm nhằm bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc biệt này cho thế hệ mai sau.
 
Theo TTXVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giay-do-nguoi-mong-phuong-thuc-gan-ket-tam-linh-a14652.html