Quan điểm khôn khéo của vua Gia Long, Minh Mạng

Dưới triều Nguyễn trong khoảng thời gian từ 1802-1884, bức tranh hương ước ở các tỉnh rất phong phú, đa dạng. Dựa vào các hương ước đã sưu tầm được, người ta bước đầu có thể nhìn nhận, đánh giá về mối quan hệ giữa pháp luật với hương ước, lệ làng dưới triều Nguyễn.

Theo vua nhà Nguyễn, việc hôn tế hội hè cho theo phong tục, việc kiện cáo thì có luật nhà nước. Trong hình là một đám rước tại miền Bắc cuối thế kỷ 19.
 
 
Chính quyền vừa ủng hộ vừa tìm cách hạn chế hương ước
 
Chính quyền vừa ủng hộ vừa tìm cách hạn chế hương ước

Triều Nguyễn cho phép các làng xã giữ lệ riêng nhưng đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng hương ước. Nội dung của hương ước đều có những điều quy định trách nhiệm nghĩa vụ, quyền lợi của người dân làng xã trong nhiều mặt của đời sống.
 
Tuy trong nội dung hương ước của làng xã có chỗ khác nhau nhưng cũng có điểm giống nhau tập trung một số điểm: Quy ước về tổ chức xã hội và trách nhiệm của các chức dịch trong làng, xã. Quy ước về đón mừng năm mới và Tết xuân thu; Quy ước về lễ thờ thần thánh hoàng làng; Quy ước về chế độ ruộng đất, thuế, khoán, đăng lính; Quy ước về khuyến nông, thủy lợi; Quy ước về bảo vệ sản xuất, chăn nuôi; Quy ước về bảo vệ môi trường;
 
Quy ước hiếu hỉ; Quy ước tuổi lên lão; Quy ước động thổ, người nhập cư; Quy ước về khuyến khích và hỗ trợ học tập, khen thưởng người học hành chăm chỉ, thi cử đỗ đạt; Quy ước về cứu người bị trộm cắp; Lệ phạt kẻ trộm hoặc chứa chấp kẻ gian; Quy ước về phòng và cứu hỏa hoạn của dân làng… Hương ước quy định chi tiết, chặt chẽ các mối quan hệ: cá nhân, cộng đồng, tổ chức xã hội, cụ thể với từng hoàn cảnh, điều kiện, tập quán sinh hoạt, trình độ dân trí.
 
Vua Gia Long rất quan tâm đến việc xây dựng quy tắc ứng xử, tập tục cho các địa phương. Nhà nước lắng nghe tính tự trị của làng xã. Tuy không trực tiếp nhúng tay vào các việc của làng xã nhưng triều Nguyễn đã sử dụng pháp luật để quản lý và thông qua việc điều chỉnh bộ máy “quan dân”, kiểm soát lệ làng để can thiệp vào các hoạt động của làng xã.
 
Vua Gia Long là người rất quan tâm đến việc lập định lệ ở làng xã: “Gần đây giáo dục trễ nải, chính trị suy đồi, làng không tục hay, noi theo đã lâu, đắm chìm quá đỗi. Phàm tiết ăn uống, lễ cưới xin, việc ma chay và thờ thần phật, nhiều việc quá trớn, bọn hào mục nhân đó mà đục khoét, người cùng dân đến nỗi dạt xiêu, thực là bởi cớ ấy. Nay tham chước thêm bớt, xén chỗ quá đáng, đẻ chỗ vừa phải, lập định lệ cho hương đảng, là muốn sửa đổi để cùng về đường chính vậy”.
 
 
Một viên quan và đoàn tùy tùng. Thời xưa việc quan trọng như bảo vệ chính quyền, an ninh trật tự, thuế má lao dịch, lấy lính… mới chiếu theo luật mà làm.

Vua Minh Mạng cũng vậy: “Trẫm đi Bắc tuần, xem xét địa phương, hỏi thăm phong tục, chính là muốn biết hết ẩn tình của dân…”. Qua nắm bắt tình hình thực tế, vua Minh Mạng đã chỉ đạo: “Việc hôn tế thì cứ cho theo phong tục, việc kiện cáo thì có luật nhà nước”.
 
Chính sách quản lý làng xã là sự kết hợp giữa phong tục và phép nước. Những việc quan trọng trong quản lý nhà nước như bảo vệ chính quyền, an ninh trật tự, quyền sở hữu đất đai, thuế má lao dịch, lấy lính… thì chiếu theo luật mà làm. Còn việc hôn nhân, ma chay, tế tự… triều đình cho phép chiếu theo lệ làng mà thực hiện.
 
Vua Minh Mạng không chủ trương đánh mạnh vào phong tục, tập quán của làng xã, đó là việc tính toán, cân nhắc rất kỹ của nhà quản lý. Vì vậy, dưới triều Nguyễn nhà nước vừa ủng hộ vừa tìm cách hạn chế hương ước trong khuôn khổ nhất định.
 
Vì sao có quan niệm “lệ làng hơn luật nước”?

Với cách làm như trên, hương ước lệ làng còn là nguồn bổ trợ cho pháp luật, góp phần mang pháp luật vào đời sống của làng xã.
 
Nhà nước ban hành pháp luật, ngoài việc ban hành ra các quy tắc xử sự mới nhằm điều chỉnh những mối quan hệ xã hội quan trọng theo ý chí của giai cấp thống trị, còn căn cứ vào những phong tục, tập quán có sẵn trong xã hội để bổ sung cho pháp luật.
 
Quy tắc xã hội được lựa chọn thường là những quy định mang tính chất phong tục, tập quán đã ăn sâu vào đời sống xã hội về đạo đức, tôn giáo, hôn nhân gia đình và sinh hoạt văn hóa… được người dân thực hiện một cách tự giác. Xét trong mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước, lệ làng, đều có nguồn gốc xuất phát chung từ các quy phạm xã hội nên từ trong bản chất có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
 
Có học giả người Pháp nhìn nhận làng xã như là những: “thực thể riêng của một nước, những nước khác trong một nước”. Trong thực tế người dân sống ở làng, với làng là chính, mọi việc đều diễn ra trong làng và do làng, vì vậy những người dân chỉ biết có làng.
 
 
Diễn biến một buổi thăng đường xử án thời phong kiến – từ tra khảo, nhận tội đến tuyên án

Với nếp đó một số làng người dân coi trọng lệ làng hơn luật nước, thậm chí trong hương ước một số làng còn có những quy định nhằm ngăn cản hay trừng phạt những người kiện cáo quan khi xảy ra việc.
 
Trong quản lý làng xã, nhà nước không trực tiếp nắm dân mà thông qua chiếc cầu nối là Hội đồng quan viên làng xã. Bởi vậy, nếu có người nào vi phạm luật, nhà nước muốn xét xử thì thông qua chiếc cầu nối đó. Chính vì vậy, ngay từ thời vua Gia Long đã chủ trương từng bước dùng lệ làng để bổ trợ cho phép nước:
 
“Lệ làng phải đi vào khuôn khổ của phép nước, phải được quan cấp trên xét duyệt và nếu cần thì bác bỏ”. Đó cũng là một sự lựa chọn khôn khéo và phù hợp nhất để quản lý làng xã chặt chẽ mà hiệu quả trong một cơ chế khép kín mà làng xã người Việt vốn có.
 
Nhà nước cũng có thể sử dụng một số điều của hương ước để đưa trực tiếp vào luật hay lệ của mình, nhất là lệ. Những điều sau đây là từ một nội dung của hương ước nhằm bảo vệ nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp: Hoàng Việt luật lệ quy định “lén mổ thịt trâu ngựa của mình thì bị phạt 100 trượng, toàn bộ thịt, xương, da đều phải nộp nhà quan”
 
Trường hợp có những quy định ở các làng xã cũng được triều đình ghi nhận ban hành ra thành luật, thành lệ chung. Sự kiện năm 1834 cho thấy rõ điều đó: “…Năm trước ở Bắc Thành có kẻ tự tiện lập ra khoản ước của làng liền bị gông một tháng, khi mãn hạn lại bị đánh 100 trượng. Vậy xin từ nay về sau lấy lệ ấy mà thi hành. Vua y như lời bàn”.
 
Nhà nước luôn chủ trương dựa vào các phong tục tốt đẹp của làng xã để khen thưởng, khích lệ, động viên nhân dân. Ví như các vua đều hay thưởng cho các kỳ lão từ 70 tuổi trở lên với các bậc khác nhau, thưởng cho nghĩa tử hiếu thảo trong dân gian, thậm chí cho lập đền thờ.
 
Vua Minh Mạng từng ví dụ rằng: “Từ nay, quan các thành dinh trấn đều phải dụng tâm tìm hỏi nhân gian, có ai trăm tuổi trở lên, cùng là con hiếu thờ cha mẹ, có thực trạng rõ rệt như tối hỏi, sớm thăm, đón trước ý muốn noi theo chí hướng , sống nuôi thờ, chết chôn cất, hết đạo làm con, mà châu xã đều khen là hiếu; người nghĩa thì thấy lợi không động lòng như bắt được vàng mà trả lại chủ, của không muốn có vì may, lợi không muốn được hú họa, từ hay nhận, lấy hay cho đều là sự hợp nghĩa, già trẻ đều tin là liêm; thì đều cho hương lý kết trình quan sở tại, kể đủ thực trạng, làm sách tâu lên, do bộ Lễ đề bạt để chờ ban thưởng, để biểu dương điểm tốt thanh binh, chấn hưng thói tốt, cho xứng cái ý thiết tha dạy bảo  và sửa tục của trẫm”.
 
Một lệ định ban hành năm Tự Đức thứ 14 (1861) xuất phát từ phong tục kính trọng người cao tuổi như: “…phẩm trật đồng hành, ai hơn tuổi ngồi trên”. Đó là đối với tất cả các hạng, còn trong nội bộ đám lý trưởng, hương chức cũng “lấy tuổi làm thứ tự không kể chức nào”.
 
Như vậy, hương ước lệ làng và pháp luật của nhà nước có mối quan hệ mật thiết, gắng bó, bổ sung cho nhau theo chiều cơ bản là lệ làng phải phù hợp không được trái phép nước, lệ làng còn cụ thể hóa pháp luật của nhà nước.
 
Theo Pháp Luật TP.HCM

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quan-diem-khon-kheo-cua-vua-gia-long-minh-mang-a14650.html