Chuyện về đền Mõ ở Ngũ Phúc

Đền Mõ ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến THụy, TP. Hải Phòng, là nơi thờ Quỳnh Trân công chúa đời nhà Trần, cũng là nơi thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với những giá trị lịch sử và văn hóa to lớn, đền Mõ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Nằm trong khuôn viên của đền Mõ là cây gạo nhiều tuổi nhất Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây gạo cổ thụ vẫn sừng sững tồn tại cùng đền Mõ cổ kính, linh thiêng... 
 


Cây gạo đền Mõ

Huyền thoại về Quỳnh Trân công chúa

Theo ghi chép, công chúa Quỳnh Trân triều Trần có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, lại thông minh xuất chúng, có học thức hơn người. Mùa xuân năm 1283 công chúa xin phép vua cha đi tìm nơi có thắng cảnh đẹp để tu hành, cứu nhân độ thế. Về đến đất Nghi Dương, trước vẻ đẹp của mây trời non nước, địa thế giống như con chim đang bay, phong cảnh thanh u cực lạc, công chúa cho dựng một am nhỏ để ngày đêm hương khói, tu hành…

Cả cuộc đời công chúa Quỳnh Trân gắn liền với đời sống và con người mảnh đất nơi thôn dã mịt mùng sóng nước, nơi đầu sóng ngọn gió. Nơi đây có sức hút kỳ lạ khiến bà rời xa hoàng tộc, lá ngọc cành vàng để đến đây “mộ đạo từ bi dốc trí tu hành, cho thành quả phúc”. Sống ở nơi gác tía lầu son nhưng công chúa không quản ngại khó khăn, đã hướng dẫn nhân dân lập nhà lập ấp, khai khẩn ruộng nương, gieo hạt ươm mầm, trồng dâu lấy tơ dệt vải, mở mang bờ cõi, để nhà nhà trăm họ yên vui.

Những người trong vùng được hưởng ân huệ, người đói được cấp lương ăn, kẻ rét được cấp quần áo. Công chúa đã lập ra điền trang thái ấp, cấp lương thự, tiền bạc, tập hợp dân trong vùng làm ăn sinh sống. Để điều hành công việc hàng ngày của cộng đồng, bà đã nghĩ ra cách làm hiệu lệnh Mõ. Bắt nguồn từ đó sau này địa phương có tên Mõ.

Trong những năm đất nước lâm nguy giặc Nguyên, Mông tràn sang xâm lược, công chúa tỏ rõ là một nhà thao lược vẹn toàn. Với lòng yêu quê hương đất nước bà đã chiêu tập binh sĩ, huấn luyện quân cơ, lương thảo cung cấp cho vua cha đánh bại quân xâm lược.

Sau khi công chúa viên tịch, để ghi nhớ công lao đức độ của người, nhân dân địa phương lập đền thờ và kế tiếp nhau lưu truyền hương khói. 

Đền Mõ là một quần thể sinh động có cây gạo đại thụ, nằm trên dải đất Nghi Dương với diện tích 2,5 ha, hoa gạo rực đỏ, cành lá xum xuê, che mát 5 gian tiền đường. Hàng năm đến ngày lễ hội truyền thống, nhân dân trong vùng và du khách thập phương ôn lại truyền thống uống nước nhớ nguồn, cùng nhau thắp hương tưởng niệm người công chúa có công với dân với nước.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đền là căn cứ hoạt động cách mạng. Trong cuộc chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc, đền Mõ là nơi trận địa của bộ đội phòng không. Thế trận chiến tranh nhân dân đã tạo lên những chiến công thần kỳ, che chắn cho đơn vị ra đa, tên lửa phát hiện mục tiêu để bảo vệ bầu trời phía Đông - Nam thành phố Hải Phòng. Đền còn là nơi hội tụ của các đợt thanh niên trong xã lên đường bảo vệ tổ quốc. Trong tay với cây súng sáng thép ngời ngời, lời thề các anh năm xưa vẫn còn vang vọng. Năm 1992, đền Mõ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 1996, sau nhiều năm bị gián đoạn, lễ hội truyền thống ngày 12/2 âm lịch đã được tổ chức lại. Các nghi lễ cổ truyền được tái hiện trong lễ hội, đặc biệt là môn vật cầu, một trò chơi mà lúc sinh thời công chúa Quỳnh Trân rất ưa thích. Cầu cho mưa thuận gió hòa, có nước để cày cấy, mùa màng tốt tươi. Vật cầu đã trở thành truyền thuyết và đi vào ký ức của người dân nơi đây.
 




Bằng chứng nhận cây gạo cổ thụ nhiều năm tuổi nhất Việt Nam

Cây gạo nhiều tuổi nhất Việt Nam

Trước cửa đền Mõ là cây gạo đại thụ hơn 700 tuổi, chiều cao hơn 30 mét và đường kính gốc trên 2 mét. Tương truyền, cây gạo do chính tay công chúa Huyền Trân trồng vào mùa xuân năm 1284. Dày công chăm sóc của người nên cây gạo tốt tươi, hoa nở rực đỏ. Đã hơn 700 năm, qua bao biến cố của thời gian, trải qua bao giông tố bão bùng của thiên nhiên, cây gạo vẫn sừng sững đơm hoa, vươn cành xanh lá, bốn mùa chim chóc hót ríu ran.

Người dân nơi đây sau những ngày lao động mệt nhọc lại thường xuyên lui tới cảnh đền hương khói để lòng bình an, thanh thản. Nhìn từ đằng xa cây gạo rất giống hình ảnh người mẹ đang ôm ấp, che trở cho đứa con nhỏ, có lẽ vì thế mà nhiều gia đình hiếm muộn con cái thường xuyên lui tới đền để thắp hương cầu khấn. 


Người dân trong vùng cũng truyền tai nhau nhiều câu chuyện kỳ lạ về cây gạo đền Mõ, trong đó có một chuyện kỳ lạ là hàng trăm năm qua, cây gạo phát triển xum xuê xanh tốt, cành vươn dài ra các hướng nhưng đặc biệt không bao giờ phát triển về hướng mái đình. Hễ có một cành nhỏ nào chạm tới gần mái đền là y rằng đều bị héo, lụi dần rồi mục nát. Năm 2011, nhân kỷ niệm 728 năm ngày khánh hạ công chúa Quỳnh Trân, đền Mõ được hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Năm 2012, trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận cây gạo đền Mõ là cây gạo đại thụ nhiều năm tuổi nhất Việt Nam.
 
Thuỳ Dương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chuyen-ve-den-mo-o-ngu-phuc-a14642.html