Đàn Nam Giao - nơi hội tụ khí thiêng của trời đất

Đàn Nam Giao triều Nguyễn là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm, thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đây là đàn Nam Giao duy nhất còn hiện hữu ở Việt Nam, cũng là đàn tế duy nhất còn tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế.

 
Toàn cảnh đàn Nam Giao

Kiến trúc độc đáo
 
Đàn Nam Giao triều Nguyễn được xây dựng trên khuôn viên hình chữ nhật có diện tích 103.350m² với chiều rộng (hai cạnh bắc nam) là 265m và chiều dài (hai cạnh đông tây) là 390m. 
 
Bốn mặt khuôn viên đều trổ cửa theo bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, trong đó cửa Nam là cửa chính. Trước mỗi cửa đều xây bình phong, mỗi bình phong rộng 12,5m, cao 3,2m, dày 0,8m, được xây bằng đá, nay chỉ còn ba bức ở các phía Đông - Nam - Tây. Bao bọc lấy khu đàn tế là một vòng tường xây bằng đá bazan, cao 1,6m nhưng đã bị triệt phá từ lâu. Trong lịch sử Việt Nam, đây là đàn tế Giao to lớn nhất.
 
Phía trong khuôn viên đàn là các công trình kiến trúc được nhà Nguyễn cho xây dựng để phục vụ đại lễ Nam Giao với trung tâm là đàn Nam Giao. Ngoài ra còn có Trai cung, Thần khố, Thần trù, Quan cư, Khoản tiếp cùng một số công trình phụ.
 
Tầng trên cùng là Viên đàn, xây hình tròn, tượng trưng cho Trời. Đàn có đường kính 40,5m, cao 2.8m. Mặt đàn lát gạch và đặt sẵn 28 viên đá tảng chân cột để mỗi khi tế sẽ dùng một tòa nhà che bằng vải màu xanh (được gọi là Thanh ốc) lên trên. Đàn Nam Giao, dưới thời Nguyễn, là nơi hợp tế Ngọc Hoàng Thượng đế (Trời) và Hoàng Địa Kỳ (Đất) cùng chúa Nguyễn Hoàng và các vị vua nhà Nguyễn.
 
Tầng giữa là Phương đàn hay còn gọi là Tùng đàn, xây hình vuông, tượng trưng cho Đất. Đàn có cạnh dài 83m cao 1,1m. Bốn mặt Phương đàn có thềm, đều 5 bậc. Đàn này, dưới thời Nguyễn, là nơi tế thần Mặt Trời, Mặt Trăng, Tinh Tú, Mây, Mưa, Gió, Sấm, Năm và Tháng, Núi, Biển, Sông, Đầm Phá, các vị thần núi ở các sơn lăng các vua nhà Nguyễn, thần giữ lăng tẩm và phần mộ cùng tất cả các vị thần trong toàn quốc Việt Nam.
 
Tầng dưới cùng xây hình vuông, tượng trưng cho Người. Đàn có cạnh dài 165m, cao 0,84m. Mặt trước đàn có xây hai hàng đá tảng, mỗi hàng 6 tảng để cắm tàn. Góc đông nam đàn có xây một cái bệ gọi là lò "phần sài", là nơi đốt con sinh để tế. Ở góc tây bắc đào một cái lỗ để chôn lông và huyết của con sinh, gọi là huyệt "ế mao huyết". Bốn mặt đàn này có thềm, đều 4 bậc.
 
Có thể thấy kiến trúc đàn Nam Giao triều Nguyễn tuân thủ chặt chẽ theo thuyết Tam tài cũng như quan niệm "Trời tròn Đất vuông". Đàn Nam Giao gồm ba tầng xây chồng lên nhau với các dạng thức và màu sắc khác biệt. 
 
Trời tròn biểu hiện bằng Viên đàn với lan can quét vôi màu xanh ("thiên thanh": trời xanh). Đất vuông biểu hiện bằng Phương đàn với lan can quét vôi màu vàng ("địa hoàng": đất vàng). Tầng dưới cùng cũng hình vuông, lan can quét vôi màu đỏ biểu hiện cho Người ("xích tử": con đỏ). Trời - Đất - Người (tức "Tam tài": Thiên - Địa - Nhân) được thể hiện trong mối quan hệ vừa có tính tách biệt tương đối, vừa thống nhất tuyệt đối. 
 
Đặc biệt, yếu tố Con Người được thể hiện rất rõ ràng và khá bình đẳng với tất cả Trời Đất và các vị thần linh. Đây là đỉnh cao của tư tưởng Thái Hòa dưới triều đình nhà Nguyễn.
 
Dưới triều Nguyễn, lễ tế trời được cử hành tại đàn Nam Giao vào trung tuần tháng hai hàng năm. Trước triều vua Thành Thái, lễ được tổ chức một năm hoặc hai năm một lần. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), ba năm tế một lần. Thời vua Bảo Đại, Lễ tế trời rút lại chỉ còn một ngày.
 
 
Viên đàn tượng trưng cho trời nằm phía trên cùng của đàn Nam Giao



Trai cung nơi nghĩ dưỡng của nhà vua mỗi lần tế đàn
 
Cái lạ của những hàng cây ở đàn Nam Giao
 
Trong lẫn ngoài khuôn viên Nam Giao, xưa kia xanh rậm một rừng thông, loài cây tượng trưng người quân tử. Từ khởi công xây dựng đàn Nam Giao, vua Gia Long đã ra lệnh “trồng cây gây rừng” quanh công trình được xem vĩ đại và uy nghiêm.
 
Thoạt tiên là trồng cụm thông về hướng nam, phía trong tường rào, biểu thị cho bậc khôn ngoan tài trí đã kiên nhẫn nếm mật nằm gai và dũng cảm vào sinh ra tử mà sáng lập vương triều. Xung quanh là các cây thông, mỗi cây đều gắn một tấm biển nhỏ bằng đồng hay bằng đá khắc tên từng vị khai quốc công thần.
 
Mùa xuân Giáp Ngọ 1834, đến Trai cung chuẩn bị tế Giao, Minh Mạng đích thân trồng 10 cây thông rồi tự tay buộc biển đồng có khắc bài minh do vua ngự chế. Vua Thiệu Trị nối ngôi cũng noi gương, trồng 11 cây thông như thế. Hàng ngũ hoàng thân quốc thích cũng như đại thần được vinh dự trồng mỗi người một cây thông quanh đàn Nam Giao, trên cây có buộc thẻ bài khắc họ tên mình.
 
Đến đời Tự Đức, quyền được trồng thông tại khu vực Nam Giao nới rộng tới quan văn tứ phẩm lẫn quan võ tam phẩm. Rừng thông Nam Giao vì vậy cũng mở rộng, lấn dần sang phần đất sau Trai cung, vượt khỏi giới hạn tường rào cả quãng xa. Tính đến năm Ất Dậu 1885, tức từ đời vua Hàm Nghi trở về trước, mỗi quan lại vào triều diện kiến đức vua để được thăng chức, nâng bậc, ngay sau đó phải lên Nam Giao tự tay trồng một cây thông với sự chứng kiến của phái đoàn đặc biệt gồm các thành viên đại diện Bộ Lễ và Bộ Công.
 
Ngày nay đàn Nam Giao là hiện hữu của quá cứ và hiện tại, là chứng nhân lịch sử. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của đất nước nhưng nó vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ, không chỉ có tính chất về mặt văn hóa, lịch sử mà còn là nơi sinh hoạt thể dục thể thao của các bậc cao niên mỗi khi sáng sớm hoặc chiều tà dưới những hàng thông cao vút, vi vu theo gió. 
 
Ngô Sinh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dan-nam-giao-noi-hoi-tu-khi-thieng-cua-troi-dat-a14625.html